Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Tường thuật ngày tọa đàm Công lý và hòa bình

VRNs (28.05.2011) – Sài Gòn – Ngày 27/5/2011 tại hội trường G.B Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra chương trình tọa đàm và lễ ra mắt Ủy Ban Công Lý Hòa Bình (UBCLHB).



Hiện diện trong ngày tọa đàm này có 262 tham dự viên, trong đó có 5 Giám mục (Đức TGM Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn, ĐGM Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, ĐGM Tê-pha-nô Tri Bửu Thiên, ĐGM Giu-su Đặng Đức Ngân), 49 linh mục thuộc 22 giáo phận, 120 tu sĩ nam nữ của 40 dòng tu, tu hội, 88 giáo dân đại diện các giáo phận và hội đoàn.

Khoảng 8:00 sáng khi các tham dự viên đã hiện diện khá đông đủ, 2 MC của chương trình chị Minh Quân và ông Vương Đình Chữ đã giới thiệu khách mời và các diễn giả của buổi tọa đàm và lễ ra mắt UBCLHB.

Khoảng 8:10 Cha An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn đã mời tất cả tham dự viên cùng xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Linh đến thánh hóa, hướng dẫn toàn bộ chương trình hôm nay.

Sau đó Đức TGM Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGM VN, đã có lời khái quát về UBCLHB, cổ vũ và tuyên bố khai mạc chương trình. Ngài nói: “… tôi mong anh chị em không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nhất là phải đắm chìm trong Lời Chúa theo như các giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề xã hội để phục vụ anh chị em mình, thực sự nối dài tình yêu thương Thiên Chúa đến với mọi người, như vậy cách nào đó công việc loan báo Tin Mừng Chúa Ki-tô trong lãnh vực cổ võ một nền hòa bình và công lý chân chính sẽ cho mọi người nhận thấy thấy khuôn mặt từ ái của Đức Giê-su Ki-tô và ơn cứu độ của Ngài để mọi người được sống và được sống dồi dào”.

Khoảng 8:20 Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch UBCLHB, nêu ra tinh thần và đường hướng hoạt của UBCLHB ở VN. Theo đó thì UBCLHB của HĐGMVN cũng theo định hướng của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đó là “đặc biệt quan tâm đến vấn đề Phát triển và liên đới giữa các dân tộc, cổ võ CLHB, tranh đấu cho công bằng xã hội, đề cao phương pháp Bổ trợ, khích lệ tiến trình dân chủ hóa, tranh đấu cho quyền làm người và tự do tôn giáo, bảo vệ nhân phẩm nhân quyền, ưu tiên lựa chọn người nghèo và luôn đứng về phía những người bị áp bức.”

Khoảng 8:30 Lm An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn, tổng thư ký UBCLHB, giới thiệu UBCLHB. Ngài nói “hiện trạng xã hội Việt Nam, về lĩnh vực công lý và hòa bình giống như một bức tranh có nhiều điểm sáng tối, nói lên cả những bất công và bất hòa trong chính lòng người Việt Nam”. Ngài trưng dẫn những số liệu về tệ trạng đáng báo động của xã hội nhưng vẫn can đảm quyết tâm thực hiện được mục đích là “giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hòa bình trong đời sống theo gương mẫu của Chúa Ki-tô và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Nhờ đó thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội.”

Khoảng 9:35 Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng thuyết trình đề tài “Công lý và Hòa bình, thách đố và yêu sách ở thời đại hôm nay”. Cha chủ tịch UBCLHB giáo phận Sài Gòn đã chỉ ra những thách đố từ tiến trình toàn cầu hóa, tình trạng bất bình đẳng về tôn giáo, sắc tộc, tài nguyên môi trường, phân hóa giàu nghèo, thiếu tôn trọng công ích, chiến tranh, khủng bố… Ngài đồng thời cũng cho ta thấy những yêu sách về công lý và hòa bình ở thời đại này. Đó là những đòi hỏi của sứ vụ loan báo Tin Mừng thúc bách, những yêu sách từ con người và thế giới, và cũng là yêu sách từ Giáo hội đòi hỏi Thế giới. Với nhiều khó khăn thách đố như vậy nhưng cha tin tưởng “có thách đố, có khó khăn nhưng lại làm nảy sinh cơ hội để Giáo hội thu hoạch một vụ mùa bội thu.”

Luật sư Lê Quốc Quân đã bắt đầu đề tài “Công lý và hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam” từ khoảng 10:35. Luật sư đã tóm lược sơ qua lịch sử Việt Nam để thấy được những trang sử chiến tranh oai hùng của dân tộc nhưng cũng qua đó cho thấy Việt Nam từ trước đến nay hiếm có được những thời kỳ hòa bình thực sự.

Luật sư đã nêu ra những điều bất cập trong xã hội một cách thú vị với những ví dụ minh họa kèm theo. Và dưới tư cách là cá nhân là phải tham dự một phần vào sứ mệnh phát triển dân tộc, luật sư đề nghị HĐGMVN có thể bày tỏ rõ ràng và dứt khoát những quan điểm sau:

+ Giáo hội phải được quyền tham gia vào công việc giáo dục và từ thiện.

+ Nhà nước cần cải cách chính trị, mở rộng dân chủ.

+ Mọi thành phần xã hội, đặc biệt các tôn giáo và giới trí thức, đều có nguồn lực, cơ cấu và lòng yêu nước cho nên họ cần phải được tham gia tích cực và tương xứng trong quá trình hoạch định chiến lược xây dựng đất nước.

Khoảng 11:30 mọi người dùng cơm trưa và nghỉ ngơi.

Kết thúc phần thuyết trình buổi sáng dường như mọi người đều ấn tượng và đồng ý với kết luận “hòa bình là kết quả của công lý và bác ái”.

Ái Tâm, VRNs