Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”

VRNs (11.06.2011) – Suy niệm lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống



Bài đọc I (Cv 2,1-11) và bài Tin Mừng (Ga 20,19-23) của thánh lễ hôm nay gợi ý cho chúng ta nhiều suy tư về mầu nhiệm mà chúng ta mừng kính: Chúa Thánh Thần hiện xuống.

1. Như một cuộc tạo thành mới (Ga 20,22)

Bài Tin Mừng kể chuyện Đức Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần như một cuộc tạo thành mới. Đức Kitô Phục Sinh “thổi hơi vào các môn đệ và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban sinh khí và sự sống cho con người khi thổi hơi vào con người mà Người đã tạo nên (x. St 2,7). Đức Kitô Phục Sinh thổi hơi của Người vào các môn đệ để ban Thánh Thần và sự sống mới cho các ông. Thánh Thần mà Chúa Kitô ban sẽ tạo nên nơi các ông một thực tại mới mẻ, làm cho các ông trở thành những con người được sinh ra bởi Thần Khí và do đó, là “thần khí”: “bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (3,6). Nhờ đó, họ sẽ sống theo ân sủng và sự thật (x.1,17). Họ “được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (1,13) và được quyền trở nên con Thiên Chúa (1,12). Như thế, con người sẽ vượt quá được thân phận “xác thịt” (3,6), vượt quá thân phận yếu đuối, mong manh và hay thay đổi, và có thể thông truyền cho những ai đón nhận sứ mạng của họ chính quyền năng tác sinh của Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận từ Chúa Kitô Phục Sinh.

2. Lễ Ngũ Tuần: cuộc thần hiện vĩ đại (Cv 2,1-3)

Thánh Luca mô tả biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần như là một cuộc thần hiện tương tự như cuộc thần hiện ở Sinai xưa, với những yếu tố gió, lửa…, những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa. “Gió” hay “khí” (ruah trong tiếng Hipri và pnéuma trong tiếng Hy Lạp) là những yếu tố được có giá trị biểu tượng cho cả sự hiện diện lẫn hành động của Thiên Chúa (St 1,2; 2,7; Tv 33,6; 104,30; 1V 19,11-13; Ga 3,5-8; 20,22). “Tiếng động mạnh” lập tức gợi nhớ đến “sấm chớp” trong cuộc thần hiện Sinai. “Lửa” cũng là một yếu tố điển hình có nghĩa chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức YHWH, trong cuộc xuất hành của dân Do Thái xưa, đã dẫn đầu đoàn dân qua đám mây ban ngày và cột lửa ban đêm (Xh 13,21-22). Thiên Chúa phán “từ trong đám lửa” (Đnl 4,12; 5,4.22.24); từ trong đám lửa, Thiên Chúa đã ban hai bia đá lề luật (Đnl 9,10).

Hình ảnh “những lưỡi lửa” cho thấy rõ ràng rằng Thần Khí đã xuống trên mỗi người và mọi người đang hiện diện. Như thế, cũng giống như “toàn thể” núi Sinai đều được bao phủ bởi uy quyền của cuộc thần hiện của YHWH, cũng vậy, “cả căn nhà”, nơi các Tông Đồ đang họp nhau, đều tràn ngập sự hiện diện của Thần Khí, Đấng đang bao trùm đầy tràn trên mọi người.

Ý hướng của tác giả thánh, như thế, chắc chắn là vượt quá khía cạnh văn chương thuần túy. Khi nói về ơn huệ Thánh Thần đổ xuống trên các đồ đệ của Chúa Giêsu, ông muốn trước hết nhấn mạnh rằng chúng ta đang đối diện với một cuộc tỏ mình của chính Thiên Chúa. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã trải nghiệm một cuộc mạc khải độc đáo của chính Thiên Chúa. Người đã thông ban cho các kẻ tin thực tại thâm sâu của Người, là chính ánh sáng và sức mạnh thần linh, để biến đổi họ, làm cho họ nên sẵn sàng đảm nhận và chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ. Thiên Chúa, với Thần Khí của Người, đã “chộp lấy” cộng đoàn các Kitô hữu hậu Phục Sinh, như xưa Người đã “chộp lấy” các ngôn sứ, và đã làm cho cộng đoàn đó đủ sức tiếp tục sứ mạng của Con Một Ngài.

3. Ân huệ Thánh Thần trên các môn đệ

Thánh Thần ngự xuống tràn ngập trên các đồ đệ chính là Thánh Thần mà Đức Kitô đã nhiều lần hứa ban (Lc 24,49; Ga 16,7; Cv 1,5). Người đổ đầy trên họ sức mạnh (Cv 1,5) và ban cho họ những đặc sủng (1Cr 12,4) cần thiết cho sứ mạng rao giảng và làm chứng.

a. Quyền tha tội và quyền cầm giữ (Ga 20,23)

Theo Ga 20,23, đồng thời với việc ban Thánh Thần, Đức Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian (1,29). Các môn đệ tiếp nối sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu, nên cũng tiếp nối sứ mạng ban ơn tha tội của Người: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”.

Bên cạnh quyền tha tội là quyền “cầm giữ”: “Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Đâu là ý nghĩa của sự “cầm giữ” này?

Chính Chúa Giêsu không lên án thế gian. “Quả thật, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (3,17). Và cũng giống Chúa Giêsu, cộng đoàn các môn đệ, tức là Hội Thánh, không có nhiệm vụ lên án thế gian.

Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (12,47). “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (5,24); “Ai tin vào Con Một Thiên Chúa, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (3,18-22). Phán quyết của Đức Giêsu, như thế, không là gì khác hơn sự thừa nhận điều mà thế gian tự gây ra cho mình. Đó cũng chính là ý nghĩa của sự “cầm giữ” trong lời “anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Hội Thánh không cầm giữ theo nghĩa là không tha, mà là theo nghĩa thừa nhận điều mà thế gian tự gây ra cho nó.

b. Ơn ngôn ngữ (Cv 2,4)

Trong trình thuật về biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-11), Thánh Luca mô tả hiệu quả trực tiếp của hành động biến đổi mà Thần Khí gây nên nơi các đồ đệ là ơn ngôn ngữ. Xem ra ban đầu đó là ngữ ân, tức là nói trong một trạng thái xuất thần, như ta còn thấy dấu vết trong các câu 7 và 12. Nhưng sau đó, vì mục đích nhấn mạnh chiều kích phổ quát, ơn ấy đã được trình bày như là ơn nói các thứ tiếng khác.

Trong phần miêu tả phản ứng của những người đang có mặt tại Giêrusalem trước hiện tượng nói các tiếng khác này, Thánh Luca nói đến sự hiện diện của “những người Do-thái sùng đạo từ các dân thiên hạ trở về”. Đó là những người Do Thái tứ tán ở hải ngoại. Cách nói này muốn nhấn mạnh tính phổ quát của tập thể những người Do Thái. Bên cạnh đó, tác giả còn liệt kê một bảng danh sách dài các dân tộc ở các câu 9-11. Rõ ràng ông muốn nhấn mạnh chiều kích phổ quát về mặt thần học của ơn huệ Thánh Thần được ban cho Hội Thánh trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Như thế là trước khi các Tông Đồ có thể đi ra khỏi Giêrusalem để đến “tận cùng trái đất” theo lệnh truyền của Chúa Giêsu (Cv 1,8), thì các dân hết thảy đã quy tụ chung quanh các ngài rồi. Đó là một ghi nhận khéo léo của Thánh Luca để làm nổi bật tính phổ quát của ơn huệ Thánh Thần và của ơn cứu độ.

c. Sự thông hiệp mới giữa các dân (Cv 2,9-11)

Trong “ơn ngôn ngữ”, tác giả sách Cv còn nhìn thấy một sự tái tạo tình trạng hợp nhất của con cái loài người đã bị đánh mất tại Babel. Trong truyền thống Thánh Kinh, Babel (St 11,1-9) là nơi chốn và biểu tượng của sự phân tán nhân loại, nguồn gốc của các cuộc xung đột sắc tộc và của tham vọng đế quốc, những điều làm tổn thương, thậm chí phá hủy, sự thống nhất của nhân loại. “ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành nữa”. Thay vào chỗ của tham vọng đế quốc phàm trần và tội lỗi, ân huệ Thánh Thần ngày Ngũ Tuần sẽ tái tạo một sự thông hiệp mới mẻ giữa các dân tộc. Sự thông hiệp này được thiết lập trên sự loan báo Lời độc nhất, cho phép tuyên xưng một lòng tin duy nhất vào Đức Kitô trong các ngôn ngữ khác nhau. Theo nghĩa này, ơn huệ ngày Ngũ Tuần thực hiện sự vượt quá cái kinh nghiệm tiêu cực của thực tại Babel, vượt qua từ chủ nghĩa đế quốc về tôn giáo của dân Do Thái (tháp Babel) đến thực tại thống nhất phổ quát của mọi dân (Lễ Ngũ Tuần Kitô giáo).

Trung tâm của kinh nghiệm Kitô giáo không phải là kết quả của những kiến thức triết lý hay luân lý, mà là quyền năng của Thánh Thần của Chúa Kitô Phục Sinh. Vì thế, người tin không phải đồng hóa mình với những nhà hiền triết hoặc những con người sùng đạo. Người tin là kẻ tràn đầy Thánh Thần, đến nỗi mọi lời nói và việc làm của họ đều cho thấy sự hiện diện của Thánh Thần.

Có hai yếu tố đáng suy nghĩ ở đây:

Thứ nhất, Thánh Thần tái tạo sự hợp nhất và làm nên một cộng đồng nhân loại mới không phải trong căn nhà nơi các đồ đệ đang ở, nhưng là tại thành phố Giêrusalem (c.5). Như vậy, sứ tái hợp nhân loại dưới tác động của ơn huệ Thánh Thần, đã được thực hiện trong không gian mở, nơi đó, có mọi dân nước hiện diện, chứ không phải trong phòng họp của một nhóm người được tuyển lựa. Và đó mới là bước đầu tiên, bước quan trọng nhất, bước quyết định nhất, của tiến trình tái hợp con cái loài người. Quan trọng và có tính quyết định hơn cả bài diễn văn nảy lửa của ông Phêrô.

Thứ hai, sự tái hợp này được thực hiện bằng một hành vi phân phát (c.3: “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”). Đó là sự hợp nhất trong đa nguyên. Sự hợp nhất được diễn tả trong sự đa dạng về ngôn ngữ: “Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (c.11).

Hội Thánh, như thế, đã là phổ quát tự “bẩm sinh” và sứ mạng của Hội Thánh phải vượt trên sự phân chia ngôn ngữ và văn hóa. Ơn gọi nguyên thủy của Hội Thánh đòi buộc Hội Thánh không bao giờ được tự đồng hóa mình với bất cứ ngôn ngữ hoặc văn hóa nào.

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R