Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Hà Nội ký sự 1: Tôi đã gặp ngài

VRNs (27.06.2011) – Sài Gòn – Lần đầu đến một nơi xa lạ, bạn mong ước điều gì nhất, bạn muốn gặp ai và muốn nhìn thấy điều gì? Trên chuyến bay từ Sàigòn ra Hà nội lần đầu tiên trong đời, tôi ao ước được chiêm ngắm hai nơi đã từng ghi nên những nét rất đậm trong tâm trí mình, với những con người rất nhân hậu và cũng rất dũng cảm, đó là Thái Hà và Châu Sơn.



Tác giả chụp hình với Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Thái Hà là nơi mà dân Chúa với lòng sốt mến đã tìm mọi cách để “giữ lấy lề”. Dân tộc Việt nam hàng ngàn năm vẫn nhắc nhở nhau: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Làn gió mới của văn minh và đạo đức Kytô giáo đã thổi vào đất nước này, dân tộc này nhiều trăm năm, nhưng dường như văn minh và đạo đức vốn là nền tảng xã hội của các nước phương Tây chưa ngấm được vào trong cách sống, cách hành xử của nhiều người. Do vậy mà xã hội còn quá nhiều những ngổn ngang, như một tờ giấy chẳng biết đâu là lề.

Trong cái ngổn ngang bừa bộn ấy, thỉnh thoảng lại có một tiếng hô dõng dạc đòi trật tự, đòi công bằng thì lập tức có những tiếng cười nhạo hay tiếng phản đối. Tôi đã không được có mặt ở Hà nội những ngày mà tiếng công lý bắt đầu vang lên, và khi mình ra đến nơi thì mọi sự đã dường như tĩnh lặng. Thế nhưng vẫn có những tín hiệu chắc chắn cho thấy tiếng vọng của Lời Muôn Thuở sẽ không bao giờ tắt đi được.

Mấy ngày ở Hà nội có nhiều điều cần ghi nhớ và có những điều không ghi cũng nhớ. Tôi xin được bắt đầu từ chỗ cuối cùng, khi được đến Nho Quan, gặp gỡ Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt trước khi về lại Sàigòn.

Trong mắt tôi cũng như trong mắt của nhiều người Công giáo, hình ảnh của vị Giám mục, Tông đồ Chúa Giêsu luôn vừa cao cả uy nghi vừa nhân hậu hiền từ. Tôi đã có may mắn tiếp xúc hoặc sống với những vị Tông đồ khả kính. Nhưng trong lúc xã hội nhiễu nhương, nhiều thế lực tối tăm gây hấn, không phải lúc nào hình ảnh của vị Giám mục trong Hội Thánh cũng được dân Chúa nhìn thấy một cách rõ nét nhất.

Chính trong cơn thử thách và trong bóng tối của cuộc đời, hình ảnh một số vị Tông đồ Chúa Giêsu khiêm hạ nhưng can trường trở thành sức lôi cuốn và sự nâng đỡ nhiệm mầu cho đời sống đạo của người tín hữu giáo dân. Mấy năm nay tôi vừa mơ ước được gặp Đức Tổng Giuse, vừa thắc mắc không biết tại sao ngài có sức lôi cuốn dân Chúa.

Câu hỏi đã có lời giải đáp ngay khi tôi nhìn thấy bóng ngài hiền từ và nhân hậu bước ra từ phía nhà thờ Châu Sơn. Cha An Thanh cùng với vài người khác và tôi chạy đến kính chào ngài. Khi cúi xuống hôn tay Đức Tổng, tôi chợt nhận ra điều mình muốn đi tìm.

Đức Tổng cầm chiếc dù màu xanh đã cũ. Các Giám Mục là Tông đồ của Chúa Giêsu thường được dân chúng tung hô “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Các ngài cầm gậy mục tử, đeo nhẫn Giám mục, che lọng vàng. Đức Tổng Giuse không nhẫn, không gậy và cũng không lọng che. Ngài âm thầm khiêm hạ. Nhưng khi nhìn thấy nhiều đoàn người tuôn đến nơi thâm sơn cùng cốc để thăm viếng ngài, người ta hiểu được rằng chính chiếc dù nhỏ bé đơn sơ ngài cầm, còn quí hơn nhiều những võng lọng đón rước. Đơn giản là vì Chúa ở với ngài.

Trong Thánh Lễ tại nhà thờ Châu Sơn, khi giảng lễ Cha An Thanh kể lại lời Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức đại ý rằng con lừa chở Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem thấy bất ngờ vì được người ta trải áo cho nó bước lên, được người ta cầm cành lá tung hô. Nó đâu có biết là người ta tung hô, người ta chào đón Chúa Giêsu trên lưng nó, chứ có chào đón nó đâu.

Vinh quang và quyền lực là của Thiên Chúa. Sách Didachè, “Giáo Huấn của mười hai Tông Đồ” ngay từ thế kỷ đầu đã thêm Vinh Tụng Ca vào Kinh Lạy Cha mà Giáo Hội còn tung hô cho đến ngày nay: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”. Khi người ta làm tất cả chỉ vì vinh quang Thiên Chúa thì họ cũng bước đi trong ánh sáng chói loà của Ngài.

Khi con người cúi đầu trước uy lực thế gian để mong có chút uy quyền thì lập tức tất cả đều sụp đổ. Quyền uy thế gian giống như những lâu đài cát trẻ em thường xây lên khi đi tắm biển. Vương quyền Thiên Chúa thì vững bền vượt trên vũ trụ cao xanh. Bám vào Thiên Chúa, con người hất tung mọi thứ bụi bặm thế gian, và họ được nhấc lên cao. Đâu phải ai cũng được dân Chúa lũ lượt đi tìm.

Khi Đức Tổng Giuse ban huấn từ cho Truyền Thông Chúa Cứu Thế, ngài nói thân tình nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Ngài mở đầu: “Ngày Chúa Giêsu lên trời là ngày bổn mạng của truyền thông, nhưng ngày lễ Chúa Ba Ngôi mới thực sự là động lực và trung tâm của truyền thông…” Ngài cũng nhấn mạnh đến sứ mạng truyền thông sự thật và đề cập đến trách nhiệm của mục tử đối với đàn chiên. Ngài cũng nhắc nhở cái gì là cơ bản, là cần thiết, cái gì là tuỳ phụ. Ngài bảo “cái nguy hiểm của xã hội ngày nay là người ta quên cái chính mà chỉ nhớ cái phụ”.

Nghe những lời của Đức Tổng, người ta hiểu thêm về trách nhiệm, sứ vụ và tình yêu thương. Khi được hỏi sao ngài chọn sống tại Đan viện Châu Sơn, ngài trả lời vì nơi đây yên tĩnh, dễ cầu nguyện. Quả thật, bầu khí Châu Sơn là bầu khí của hoang mạc, nơi Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Từ giã Châu Sơn về Hà nội, chúng tôi ghi khắc hình ảnh một người Cha, khiêm tốn, yêu thương và đầy ưu tư cho Hội Thánh. Gặp gỡ những giáo dân sốt mến ở Thái Hà, gặp gỡ những học viên nhiệt thành trong lớp Truyền Thông và gặp được Đức Tổng Giuse, tôi cảm thấy như đã gặp Đức Giêsu đang đằm thắm đồng hành trên những nẻo đường dân Chúa bước đi.

Trên chuyến bay về Sàigòn, tôi nói với Cha An Thanh và Cha Giuse Thoại rằng tôi đã có nhiều điều hạnh phúc trong chuyến đi Hà nội lần đầu tiên này, và điều hài lòng nhất là “tôi đã gặp Ngài”.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs



Những ghi chép tại sổ lưu niệm của nhà khách Châu Sơn