Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Nguyên lý hiện đại hóa của cuộc cải cách giáo dục (CCGD)

VRNs (20.06.2011) – Hà Nội – Trong những ngày vừa qua, người dân Việt không chỉ bàn với nhau chuyện biểu tình chống Trung Quốc mà còn bàn đến cuộc cải cách sách giáo khoa, với kinh phí dự định là 70 ngàn tỉ.

Giáo sư Phạm Toàn, năm nay đã ngoài 80, nhưng vẫn rất trẻ trung và minh mẫn. Ông trao đổi cách say sưa với chúng tôi về giáo dục Việt Nam. VRNs nhận thấy ông là một người thực sự tâm huyết với giáo dục Việt Nam, nên đã xin được phổ biến những nghiên cứu của ông về lãnh vực này.

Giáo dục không chỉ là việc của quan chức, mà là việc của mọi người, do đó, chúng tôi xin tuần tự giới thiệu đến bạn đọc những nghiên cứu tâm huyết của giáo sư Phạm Toàn. Đây là quan điểm và cách tiếp cận của riêng ông đang rất cần sự phản biện của nhiều người, và cũng rất cần những con người cùng tâm huyết chia sẻ với ông trong hành trình quan trọng này.



Nhà giáo Phạm Toàn

Một đề án CCGD nào thì cũng phải đi theo một nguyên lý gồm hai thành phần gắn bó chặt chẽ, đó là một tư tưởng chủ đạo và một hệ thống giải pháp thực thi tư tưởng đó.

Đề án này cho rằng, trước khi đưa ra phương án mới, không cần cần kiểm điểm lại sự phát triển cùng sự vận hành của mấy cuộc “Cải cách” Giáo dục trong lịch sử gần đây, vốn dĩ thiếu cả tư tưởng lẫn giải pháp thực thi; dự thảo này đi thẳng vào điều cần nói, cũng tức là đi thẳng vào những điều cần làm.

Đề án này trước hết nói rõ tư tưởng chủ đạo của nó, đó là tư tưởng hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam.

Hiện đại là một đòi hỏi của thời đại. Nhưng hiện đại không phải là một thành tích có ngay trong một lần, như một báu vật trên trời rơi xuống. Hiện đại hóa là một quá trình, vì thế bản đề án này dùng thuật ngữ “hiện đại hóa” thay cho “hiện đại” cộc lốc.

Không chỉ Giáo dục, mà mọi hoạt động xã hội khác cũng không thể đi thẳng từ nền sản xuất tiểu nông sang “hiện đại”, mà đều phải được hiện đại hóa dần dần từng bước.

Phải nói điều này ngay từ đầu để xóa sổ những ý tưởng muốn sao chép nền giáo dục các nước tiên tiến – mà biểu hiện thương mại hóa hấp dẫn nhất là việc mở các “trường quốc tế” tạo ra trào lưu “du học tại chỗ” và biểu hiện đào tẩu vô trách nhiệm nhất là đưa con em mình ra học ở nước ngoài ngay từ bậc học chưa cần đến hình thức du học. Cái ý tưởng muốn sao chép nguyên si cái bề ngoài hiện đại, từ chương trình học đến các bộ đề thi cùng những “thiết bị dạy học” đắt tiền để áp dụng ngay tức khắc cho dân tộc Việt Nam ngay lúc này – đó không phải là những điều nằm trong tư tưởng hiện đại hóa của đề án này.

Muốn xóa bỏ tư tưởng ăn sẵn đó thì cần hiểu thật đúng bản thân khái niệm hiện đại hóa.

Dấu hiệu căn bản của một xã hội hiện đại hóa là xã hội đó đang chuyển hóa từ nền sản xuất tiểu nông – tiểu thủ công nghiệp sang nền sản xuất công nghịêp hóa, tại đó ngay cả các hoạt động nông nghiệp cũng phải được công nghịêp hóa.

Đặc điểm quan trọng này của nền sản xuất công nghiệp hóa không chỉ nằm ở việc xây lắp những nhà máy lớn với những dây chuyền sản xuất phức tạp, mà nhất thiết còn phải nằm ở một công cuộc thay đổi triệt để những con người đang làm nên nền công nghiệp này.

Để duy trì mãi mãi một nền sản xuất tiểu nông – tiểu thủ công nghiệp thì không cần phải thay đổi CÁCH “đào tạo”: Vẫn có thể giữ nguyên cách ”đào tạo” kinh nghiệm chủ nghĩa, tùy tiện, được chăng hay chớ vốn tồn tại từ ngàn đời. Nhưng muốn xây dựng một xã hội công nghiệp hóa thì phải xây dựng một lề lối lao động và sinh sống khác cho từng con người. Bởi vì công nghiệp hóa như là cái lõi của hiện đại hóa nằm ở tận trong từng con người cá nhân – sự hình thành ngày càng rõ nét phạm trù cá nhân: Xã hội tiểu nông – tiểu thủ công nghiệp diễn ra xoay quanh những nhóm con người, mà đơn vị nhỏ nhất là gia đình với ông chủ gia đình là người lãnh đạo tuyệt đối; ở xã hội công nghiệp, không nhà máy nào lại đi thuê cả một dòng họ hoặc cả một làng làm kỹ sư hoặc công nhân! Công nghiệp hóa không thể thành công với những thế hệ công nhân làm việc theo kiểu thời vụ, cuối năm về quê ăn Tết rồi vui xuân mà bỏ luôn cả nhà máy!

Quá trình đào tạo con người của xã hội tiểu nông – tiểu thủ công nghiệp thành con người của nền sản xuất công nghiệp hóa quan trọng như vậy đó!

Quá trình này cũng là tư tưởng của cuộc CCGD kiểu mới.

Đâu là giải pháp thực thi tư tưởng xây dựng một nền giáo dục hiện đại hóa?
Đơn giản đó chỉ là những bản thiết kế quy định những cách làm đúng của người dạy (cách dạy đúng).

Những bản thiết kế này tương tự như những hướng dẫn sản xuất, lắp ráp hoặc điều khiển máy móc trong một xí nghiệp, hoặc giống như những “bản thiết kế kiến trúc” trong xây dựng. Đề án CCGD này không yêu cầu người giáo viên phải tự mình ngồi soạn những “giáo án” riêng lẻ. Các bản thiết kế sư phạm chuẩn cũng sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đào tạo giáo viên.

Bản thiết kế nếu được thực hiện đúng sẽ góp phần tạo ra kỹ năng dạy đúng gần như đồng loạt cho các giáo viên. Bên cạnh tính chất đồng loạt này, sự khác nhau giữa một giáo viên bình thường dạy đúng với một giáo viên bình thường dạy giỏi và với một sinh viên sư phạm hay một giáo viên kiêm nhà nghiên cứu… là nằm ở trình độ am hiểu lý thuyết nền tảng của các bản thiết kế mang tính thực hành kia.

Nói cho dễ hiểu, người dạy giỏi là người ở trình độ dạy đúng cộng với trình độ am tường cái “tại sao” của sự dạy đúng, để từ đó tự mình dạy đúng hơn, nuột nà hơn, quen gọi là “sáng tạo” hơn.

Phải trải qua một trình độ dạy đúng, chuyển sang dạy giỏi, rồi mới sang được giai đoạn dạy sáng tạo, mà đỉnh cao của sáng tạo chính là điều các phương tiện thông tin truyền thông đang kể ra vanh vách: lớp học không có sách giáo khoa ấn định và không theo chương trình định ra sẵn từ trước.

Cốt lõi tay nghề của giáo viên nằm trong cách dạy đúng, và tay nghề đó không bắt nguồn từ “nghệ thuật sư phạm” hiểu theo nghĩa “ngón nghề” bí hiểm, mà tay nghề này được quyết định bởi sự am tường cách học của trẻ em.

Cách dạy học có thể được ví như công việc của người lái xe trong quan hệ với chiếc xe, như các thao tác của người vận hành máy trong quan hệ với cỗ máy, như việc làm của người điều hành một công việc xã hội trong quan hệ với số đông quần chúng đang làm một công việc nào đó, đang ở trong một phong trào nào đó.

Nhà giáo dục nên như người lái xe biết nương theo cách thức vận hành của chiếc xe, nên như người thợ đứng máy biết nương theo cách thức vận hành của cỗ máy, nên như người lãnh đạo biết nương theo cách thức vận hành của xã hội – nhà giáo dục đừng nghĩ rằng mình đang “dạy”, mình đang “điều khiển”, mình đang “chỉ đạo”. Bí quyết duy nhất của người dạy đúng, người điều khiển đúng, người lãnh đạo-chỉ đạo đúng nằm trong việc am tường tâm lý và sự phát triển tâm lý của trẻ em, những con người đang được “dạy dỗ”, những cỗ máy đang được “điều khiển”, những phong trào và một đám quần chúng đang được “lãnh đạo-chỉ đạo”.

Giữa việc dạy và việc học, giữa người dạy và người học có mối quan hệ cộng sinh (symbiotic), đồng vận (synergetic) với nhau như vậy. Không có cái “dạy đúng”, “dạy giỏi” chung chung. Dạy đúng và dạy giỏi nằm trong tương quan sống còn về công việc giữa Thày và Trò. Đạo đức nghề nghiệp vì thế cũng thay đổi theo: Thay vì chế độ “dạy một chữ là thầy, dạy một nửa chữ cũng là thầy” (nhất tự vi sư, bán tự vi sư), đạo đức nghề nghịêp từ nay sẽ là quan hệ đồng hành, hợp tác giữa Thầy và Trò cùng thực hiện các bản thiết kế nhằm hiện đại hóa nền giáo dục và bằng cách đó góp phần hiện đại hóa đất nước lẫn con người.

Những bản thiết kế như vừa đề cập có tầm quan trọng rất lớn. Đó là biểu hiện của cả một tầm nhìn được gửi vào trong chuỗi việc làm của thầy và trò. Bản thiết kế gồm những việc làm chi tiết nhưng không vụn vặt.

Những bản thiết kế đó phải được coi như là những biên bản dự kiến trước cho những việc làm thấm đượm tinh thần của một lý thuyết. Những bản thiết kế đó, thông qua thực tiễn, được lý giải kỹ càng về lý luận, sẽ đi thẳng vào các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (các trường sư phạm) để trở thành một chương trình đào tạo nghiệp vụ chính thức của các cơ sở này. Nhưng bản thiết kế đó cũng đồng thời phải mang tính chất “mở” để sẵn sàng đón nhận những đổi thay vũ bão diễn ra trong cuộc sống hiện đại.

Vậy ai hoặc những ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm tạo ra được những bản thiết kế đó?

Câu trả lời là: Các chuyên gia giáo dục sẽ chịu trách nhiệm tạo ra những bản thiết kế này.

Đó là những chuyên gia đại cương và những chuyên gia chuyên ngành (Toán, Ngôn ngữ, Khoa học, vv…) hoặc chuyên gia về những lĩnh vực phát triển đặc thù (nông thôn, thành thị, miền dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, vv…).

Trong dự thảo đề án CCGD này, những bản thiết kế đó thể hiện rõ nhất và liên quan trước hết đến một bộ sách giáo khoa cho bậc GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CƠ SỞ, cái nền tảng chung cho toàn bộ ngôi nhà Giáo dục gồm những bậc học khác nhau.

Vì thế, công việc tiếp theo là nói về ngôi nhà đó, tức cũng là nói về việc Cải cách toàn bộ Hệ thống.

GS. Phạm Toàn
Tác giả đồng ý cho VRNs phổ biến