Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Thăm Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, vị ẩn sĩ

VRNs (18.06.2011) – Hà Nội – Ngài ung dung, như chẳng có gì quan trọng trước các tin đồn. Cười lớn, ngài buông lời đùa bỡn: “Nếu ở đây không được, có lẽ tôi phải trở về Hà nội, vì về pháp luật hộ khẩu của tôi ở đó. Và về giáo luật, tôi thuộc về tổng giáo phận Hà Nội”. Chúng tôi cũng cười vang phụ họa với ngài: “Nếu được như vậy giáo dân chúng con sẽ tổ chức ăn mừng lớn”.



Mặc cho gió và bão, lòng người vẫn vươn cao

Châu Sơn nơi có ơn Chúa

Nhân có chuyến công tác ra Bắc, tôi sắp xếp thời giờ viếng Châu Sơn, vì bạn bè tôi ai cũng khuyến khích: “Chưa biết Châu Sơn là chưa biết miền Bắc”.

Chúng tôi, ba anh em linh mục An Thanh, CSsR, blogger Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu và anh Vinh Sơn Viễn, một doanh nhân Công giáo rời Nhà thờ Thái Hà lúc 06:30 sáng ngày 15.06.2011 đi Nho Quan. Tôi cũng có vài dịp từ Sài Gòn ra Miền Bắc làm việc, nhưng chưa lần nào có cơ hội thăm đan viện Châu Sơn, một đan viện được thành lập từ năm 1936, do Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ làm bề trên. Sau biến cố 1954 cho đến nay, đan viện gần như không còn cơ sở, nhà đất bị chiếm đóng. Đã có ba linh mục và một thầy bị chết tử đạo trong các nhà tù, nhà giam của chế độ, đặc biệt tại Cổng Trời khét tiếng.

Khi xe chúng tôi còn cách đan viện hơn 10 km, vì sợ nhầm đường, chúng tôi dừng xe hỏi các bác xe thồ. Cũng một chút “kín đáo”, chúng tôi hỏi:

- Châu Sơn đi dường này đúng không bác?
- Tu viện Châu Sơn chứ gì ? – Một bác nhìn đoán ý chúng tôi rồi trả lời – Cứ đi thẳng, có bảng ghi tên Tu viện Châu Sơn trên đường, đặt phía tay phải.

Theo hai anh người Hà Nội cùng đi cho biết, đan viện Châu Sơn, gần một năm nay, kể từ ngày Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt về an tịnh ở đây thì hầu như ngày nào cũng có đoàn linh mục, tu sĩ, giáo dân từ Hà Nội, Lạng Sơn, Phát Diệm, Vinh, và cả Sài Gòn đến hành hương. Chỉ riêng sáng nay, khi chúng tôi đến, Đức tổng Giuse đang tiếp một nhóm từ Hà Nội mới đến, rồi sau đó đến phiên chúng tôi. Khi chúng tôi vừa xong, liền sau đó là phái đoàn trên Lạng Sơn, đi suốt hơn 5 giờ đồng hồ xuống tới. Khi đang dùng cơm trưa thì một đoàn khác từ Hà Nội đến bằng 2 xe 45 chỗ.

Tôi nhớ đến nhân vật ẩn sĩ trong một sách tu đức đã được đọc cách đây 30 năm, không nhớ rõ tác giả, kể rằng vị ẩn sĩ đó muốn một mình tìm Chúa trong cô tịch nơi rừng sâu, nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, bao nhiêu là người mang đủ loại thương tích trong tâm hồn đến gặp vị ẩn sĩ để được lắng nghe, nâng đỡ, và nhất là được gặp Thiên Chúa huyền nhiệm và được chữa lành. Lúc ấy tôi nhận ra đời sống thánh hiến là đời sống phục vụ của Chúa dành cho dân người, nên dù mình có tránh xa, hay chọn lựa một môi trường khác cách biệt đi nữa thì Chúa vẫn có cách thực hiện việc cứu độ của Chúa. Đến lúc nhận ra điều đó thì con người phải thưa vâng thôi.

Ngài ân cần tiếp chuyện chúng tôi, phong cách ung dung, thái độ thân tình, lời lẽ mộc mạc. Cuộc đối thoại tự nhiên như trời và đất với đủ các chuyện về thời tiết, mùa màng, về xã hội, tâm linh…

Được hỏi tại sao chọn Châu Sơn sau khi chấm dứt nhiệm vụ ở Hà Nội, ngài nói đơn sơ: “Từ xưa nghe những bậc tiền bối nói về Châu Sơn trong lòng đã thấy mến mộ. Khi đến đây thấy đúng là miền đất linh thiêng, phong cảnh đẹp. Khi biết lịch sử Đan viện, càng xác tín nơi này có ơn Chúa”.

Quả thực Châu Sơn có một lịch sử lạ lùng. Đức cha Tađêô Lê hữu Từ, bề trên tiên khởi đã cùng 18 anh em từ Phước Sơn, Quảng Trị tới đây lập nhà. Rừng thiêng nước độc nên sau vài năm gần một nửa đã nằm xuống làm nền móng cho Đan viện. Nhưng Đan viện cứ thế phát triển.

Trong kháng chiến, Hồ chủ tịch đã thân hành vào Châu sơn để mời Đức Cha Lê làm cố vấn. Đức Cha Lê đã trả lời: “Nếu cụ vì đất nước dân tộc, chúng tôi ở bên cụ. Nhưng nếu cụ là cộng sản, chúng tôi không thể đồng hành vì vô thần không thể đi với hữu thần”. Sau năm 1954 là thời kỳ khổ nạn của Đan viện. Nhà cửa đất đai bị chiếm đoạt. Người lớp thì di cư, lớp thì bị bắt bớ, bị đấu tố, bị giết chết. Ngay cả tượng ảnh cũng bị đập phá nặng nề. Một cuộc khổ nạn kéo dài 50 năm không giết chết được sức sống thần linh. Hôm nay, nhìn vào sức sống mãnh liệt với hơn 100 đan sĩ, với những khóa tĩnh tâm sốt sắng liên tục, ta như sờ thấy ơn Chúa trong Đan viện cô tịch này đúng như lời Đức tổng Giuse.

Lý do cư ngụ tại đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan, nơi đã trải qua một chặng hành trình lịch sử 74 năm với biết bao sự kiện vui buồn, chia ly và hạnh phúc, đã được một vị Tông đồ của Chúa xác nhận là nơi “có ơn Chúa”, đã trở nên niềm an ủi không chỉ cho các đan sĩ, mà còn là niềm hy vọng cho dân Chúa và dân Việt.



Đức tổng Giuse hồn nhiên cười nói với chúng tôi

Đời tu và chất lượng đời tu ở Việt Nam hiện nay

Chúng tôi miên man với Đức tổng Giuse nhiều chuyện, hết chuyện này đến chuyện khác. Được nghe ngài nói chuyện chúng tôi cũng muốn có được kinh nghiệm thấy Chúa như ngài. Có thể đây là lý do giải thích cho câu hỏi tại sao ngài đã đi tìm chỗ ở ẩn, mà nhiều người vẫn cứ tìm đến với ngài. Được nghe ngài nói chuyện, chúng tôi nhận ra chiều sâu của một con người kết hiệp mật thiết với Chúa, bình dị với cách diễn tả, đơn sơ với cách đặt vấn đề và ân cần với anh chị em đến viếng thăm.

Chúng tôi hỏi ngài về đời tu của Việt Nam với những băn khoăn của một xã hội ngày càng vật chất hóa. Ngài nói:

“Xã hội mới phát triển quá nhanh, đời sống con người càng ngày càng bận rộn, vội vã hơn. Nền kinh tế thị trường mở ra, làm cho người ta có nhiều tiền bạc và người ta cũng cần tiền bạc rất nhiều. Chính vì thế đời sống cầu nguyện thiếu, đời sống tâm linh suy giảm. Con người là sản phẩm của xã hội. Những tu sinh, ứng sinh ở trong xã hội đó, nên bị ảnh hưởng. Các linh mục sống trong xã hội đó cũng bị cuốn theo xã hội đó. Đời sống cầu nguyện luôn luôn thiếu. Đời sống con người luôn có bề mặt và bề sâu. Bề mặt để thấy và con người ngày nay chỉ có thể sống cái bề mặt ấy thôi. Người ta ít có lặn xuống chiều sâu để thấy giá trị thật.”

Kinh nghiệm thế giới trải qua hai cuộc thế chiến để lại không chỉ tổn hại quá lớn về của cải vật chất và sinh mạng, mà ngay những người vẫn đang sống, vẫn đang cố gắng tạo ra những sự phát triển mới cũng mang đầy thương tích và đổ vỡ. Có người cho rằng đó là nguyên nhân dẫn giới trẻ Nhật Bản đến việc tự sát tập thể. Còn đối với Trung Quốc, một đất nước có nền kinh tế phát triển rất nóng, nó làm cho con người ta một mặt cảm thấy có nhiều vật chất hơn, còn mặt khác lại cảm thấy cô đơn hơn. Họ chỉ nói chuyện với nhau về lợi nhuận và thu nhập. Họ chỉ muốn bàn đến chuyện tiền bạc, đến nỗi một nhà truyền giáo đã phải thốt lên rằng người Trung Hoa đang có đạo mới: đạo tiền!

Việt Nam cũng đã bắt đầu đối diện với kinh nghiệm này, mà hậu quả đau thương của nó có vẻ đến nhanh hơn các nước khác. Ở Việt Nam người ta bắt đầu khó tin tưởng vào nhau, khó hợp tác với nhau. Nhiều người trẻ sẵn sàng tiêu hủy sự sống của người khác chỉ vì một lý do hiểu lầm nào đó. Có người cho rằng sắp đến lúc các tôn giáo phải đón nhận sứ mạng giúp cho cộng đồng Việt vượt qua đổ vỡ, được chữa lành và có lại niềm hy vọng.

Với một bối cảnh như thế, Đức tổng Giuse nghĩ rằng người tu cần phải chuẩn bị những gì để đối phó với sứ mạng đang đợi chờ mình?

Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt nói: “Thời nào cũng có những tích cực và tiêu cực. Có những ngừơi có đời sống tâm linh rất sâu, rất cao, nhưng cũng có những người sống hời hợt bên ngoài. Trong khung cảnh của đời sống an bình, trong nền văn minh nông nghiệp ngày xưa, người ta dễ trầm lắng hơn. Người ta để ý đến đạo đức và suy tư sâu xa hơn. Còn thời mới là thời kỹ thuật, người ta phải chạy theo tốc độ của thời gian, các nhu cầu càng ngày càng nhiều. Do vậy người ta vất vả hơn, không có giờ nghỉ ngơi. Ngay trong các trường học và trong thế giới người ta giỏi về kỹ thuật hơn suy tư triết học. Người ta có quá nhiều thông tin, nên suy nghĩ ít hơn. Họ chạy theo những thông tin có sẵn, mà không suy xét xem thông tin đó thật không, đúng không. Con người nay có quá ít thời giờ để suy nghĩ, để chìm xuống chiều sâu”.

“Tuy nhiên cũng có một số người vẫn đang suy tư, tìm kiếm. Xã hội càng náo động, càng bận rộn đuổi theo vật chất thì cũng có những con người chán ngán, từ bỏ để đi tìm cái giá trị sâu xa hơn. Xã hội có hai mặt như thế”.

“Đời tu cũng như thế. Những người tu không phải trên trời rơi xuống, nhưng từ trong xã hội đi ra, nên người tu hôm nay cũng mang nặng dấu ấn của đời sống xã hội hiện tại. Các chủng sinh, tu sĩ mang tất cả những ảnh hưởng của xã hội, của gia đình và bạn bè vào trong đời tu. Tuy được đào tạo để chỉnh sửa, để quy hướng tất cả những cái đó về đời sống thiêng liêng, nhưng vẫn ảnh hướng rất nặng những gì đang xảy ra trong xã hội hôm nay. Người tu sĩ linh mục phải đồng hành với con người thời nay ở cả hai khía cạnh. Một mặt vẫn phải đồng hành với con người hôm nay, với xã hội hôm nay trong cuộc sống đời thường, hiểu biết nhân loại trong những khuynh hướng, những mơ ước và băn khoăn trăn trở. Mặt khác phải đồng hành với nhân loại trên con đường truy tìm những giá trị thiêng liêng, vĩnh cửu, khởi đi từ cuộc sống hôm nay, nhận ra những khiếm khuyết của cuộc sống hiện tại, sẵn sàng ứng trực khi con người sau những mệt mỏi với cuộc sống vất vả, có nhu cầu tìm về đời sống tâm linh”.

Nói về nhu cầu của người tín hữu giáo dân và những đổi thay trong suy nghĩ cũng như thái độ ứng xử đối với linh mục, Đức tổng Giuse xác nhận: “Trước đây ở Miền Bắc thiếu thốn linh mục. Giáo dân ước ao có được thánh lễ, nên linh mục nào cũng được. Nhưng vài năm trở lại đây đã có nhiều linh mục hơn thì giáo dân lại có nhiều đòi hỏi hơn ở nơi linh mục. Người giáo dân bắt đầu so sánh, tuy cái này rất chủ quan của họ, nhưng họ cũng bắt đầu đòi hỏi, nhận ra và tìm đến vị nào có thể đem đến cho họ những lương thực tâm linh đích thực, là cái người ta cần hơn”.

Càng nghe Đức tổng Giuse nói, chúng tôi càng thấy thực sự đang có những thách thức rất lớn cho giáo sĩ và tu sĩ, không chỉ về tri thức hay gương sống đạo đức, mà về kinh nghiệm tâm linh, một tâm linh bắt rễ sâu và chắc để có thể làm chỗ nương tựa cho cộng đồng.

Ở lại xây dựng đời sống tâm linh

Đức Cha E.G. Allys Lý ghi nhận trong sắc lập dòng Xitô, ban hành tại Toà Giám Mục

Phủ Cam ngày 21/03/1920 như sau: “Mục đích chính của các tu sĩ dòng này là nên hoàn thiện trong đời sống thiêng liêng qua con đường chiêm niệm; mục đích thứ hai là cầu nguyện và hy sinh cho ơn cứu độ lương dân”.

Tuy không phải là đan sĩ, nhưng khi đến Châu Sơn Nho Quan, Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhập cuộc vào đời sống tâm linh của Hội dòng này. Sự có mặt của ngài trong từng giờ kinh nguyện với cộng đoàn làm cho đời sống các đan sĩ được nâng đỡ rất nhiều. Ngoài ra, rất nhiều anh chị em giáo dân khắp nơi được hưởng nhờ ơn phúc của Chúa nơi con người nhận ra vùng đất này có ơn Chúa khi họ đến đan viện Châu Sơn Nho Quan hành hương, thăm viếng Đức tổng Giuse.

Trong thời gian gần đây, vài người đang chuyền tai nhau nguồn tin cho rằng Đức tổng Giuse lại sắp phải rời Châu Sơn để đi nơi khác. Lý do có tin đồn này chưa thật rõ ràng. Có người cho rằng chính quyền sợ ảnh hưởng của ngài vẫn còn lớn, vì dân chúng khắp nơi vẫn đang đến với ngài. Tuy nhiên cũng có người cho rằng có một lý do đơn giản hơn, nhưng tế nhị hơn. Khi lý do này công bố, có thể vì bác ái, hay vì nhân danh một nhân đức nào đó, ngài sẽ rời Châu Sơn.

Nhân cơ hội được nói chuyện thân mật với Đức tổng Giuse, chúng tôi đơn sơ nói ra suy nghĩ của mình và đã được Đức tổng Giuse giải đáp:

“Tôi cũng không hiểu tại sao lại có ý kiến đó. Nói về phương diện công dân, theo luật pháp người công dân có quyền tự do chọn nơi cư trú của mình. Đó là quyền căn bản chính trị. Còn về phương diện xã hội, tôi muốn chọn một nơi yên tĩnh để cầu nguyện, tránh những nơi xô bồ khác. Những người đến đây là để cầu nguyện để cùng chia sẻ, là rất tốt cho xã hội. Vi phạm đó không những là vi phạm quyền tự do công dân mà còn vi phạm quyền tự do tôn giáo”.

Ngài ung dung, như chẳng có gì quan trọng trước các tin đồn. Cười lớn, ngài buông lời đùa bỡn: “Nếu ở đây không được, có lẽ tôi phải trở về Hà Nội, vì về pháp luật hộ khẩu của tôi ở đó. Và về giáo luật, tôi thuộc về tổng giáo phận Hà Nội”. Chúng tôi cũng cười vang phụ họa với ngài: “Nếu được như vậy giáo dân chúng con sẽ tổ chức ăn mừng lớn”.

Giám mục là người tiếp tục sứ vụ các tông đồ, nên dù đương nhiệm hay đã nghỉ hưu đều phải rao giảng Lời Chúa và nâng đỡ anh chị em tín hữu. Một năm qua, tại Châu Sơn này các nhóm sinh viên, doanh nhân, trí thức, các hội đoàn, các dòng tu và cả những cháu thiếu nhi đã được Đức tổng Giuse nâng đỡ rất nhiều trong đời sống tâm linh. Với sự hiện diện của ngài, Châu Sơn đang trở thành điểm hẹn của mọi tầng lớp dân chúng trong và ngoài công giáo. Với khung cảnh thiên nhiên xanh tươi với sông núi thơ mộng, không khí trong lành, với bầu khí cầu nguyện trầm lắng sâu xa và với sự đón tiếp vừa thân tình bác ái vừa chất lượng cao minh, Châu Sơn đang là một trung tâm tu đức cung cấp sức sống thiêng liêng cho Giáo hội đặc biệt tại miền Bắc.

Sau khi cùng dùng cơm trưa với Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, chúng tôi trở lại Hà Nội. Những vạc lúa bên đường cứ vươn lên để đón ánh mặt trời, mặc cho những mảng khói lớn do các nhà máy thải ra trực tiếp tạo thành những đám mây che khuất ánh mặt trời.

An Thanh, CSsR
Ảnh: Người Buôn Gió