Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Ngày ấy (kỳ 1)

VRNs (26.07.2011) - Theo bách khoa toàn thư, Thị Nghè là tên một con rạch (hoặc sông) đổ ra sông Sài Gòn, bắt nguồn từ rạch Nhiêu Lộc. Cả 2 đoạn rạch này gọi chung là rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NL-TN), thường gọi nhầm là kênh NL-TN.

Rạch Thị Nghè còn gọi là rạch Nghi Giang hay Bình Trị Giang, chảy bao bọc một phần phía Bắc của thành phố. Rạch được đặt tên Thị Nghè vì tương truyền vào đầu thế kỷ 18 con gái của quan Thống suất Nguyễn Cửu Vân, vợ một ông Nghè đã khai khẩn ruộng vườn ở đây và cho bắc cầu qua rạch để người đi qua lại dễ dàng. Cây cầu đó được gọi là cầu Thị Nghè và con rạch cũng được gọi theo tên đó.

Tác giả Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí đã miêu tả về con sông này: “Sông Bình Trị tục gọi sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị về phía bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (cầu Bông), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Chiểu (chợ Bà Chiểu nay), chảy về phía nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đây có những ao vũng tản mạn”.

NL-TN là một trong ba tuyến sông tự nhiên cổ nhất (cùng với sông Sài Gòn và sông Bến Nghé), ăn sâu vào lòng thành phố với nhiều chi lưu và đi qua các quận: 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp. Mạng lưới kênh rạch chằng chịt đã đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu và giao thông vận tải.

Những ký ức về dòng kênh.

Đó là con kênh Nhiêu Lộc trong xanh của những năm giữa thế kỷ 20 vốn đã cuộn vào trong ký ức của những người dân sống dọc hai bên bờ.

Ông Lê Vũ hiện sống tại quận 7, là một trong những người từng sống ven kênh NL-TN từ những năm 1951 kể lại ngày xưa nhà cửa trên tuyến kênh này còn vắng vẻ, nước kênh sạch. Không ít người ra kênh tắm sau mỗi giờ chiều khi làm về. Nhưng dần dần người dân từ các nơi đổ về, cất nhà, sinh sống trên kênh. Con kênh dần dần trở nên đen và ô nhiễm. Nhà cửa chen chúc khiến dòng kênh thu hẹp dần, ô nhiễm nặng nề.

Nhiều người dân trên 60 tuổi đang ở vùng ven kênh kể lại và tiếc nuối cho con kênh vì quá trình đô thị hóa quá nhanh. “Năm 1955 khi tôi mới về đây ở cùng các cháu, con kênh này rộng như sông. Thuyền, ghe từ các tỉnh miền Tây chở than củi, trái cây ra vào để giao lưu hàng hóa. Củi, than chất thành đống hai bên bờ. Hồi đó nước sông còn trong, có thể tắm giặt được” – cụ bà Nguyễn Thị Nhớ, 87 tuổi, ở đường Phạm Văn Hai cho biết.



Rạch Thị Nghề 1950

Thời kỳ ô nhiễm.

Báo tuổi trẻ đã có lần phỏng vấn cụ Chiêu, 87 tuổi, là một người dân sống ven kênh NL-TN cho hay. Từ khoảng năm 1964 người dân tứ phương bắt đầu lục tục kéo về dựng nhà dọc hai bên bờ. Những khu nhà tự phát mọc lên, ban đầu bám theo các trục lộ rồi lấn dần ra kênh, hình thành từng xóm nhà. Nhà to có, nhà nhỏ có, nhà xây có, nhà sàn cũng có. Con đường Bùi Thị Xuân (Q.Tân Bình) bây giờ, hồi ấy được người dân gọi quen là đường Đỏ vì được trải bằng đất đỏ, bị lấn chiếm sớm và nhiều nhất. “Dân mình cứ lấn dần, lấn dần tới mức đoạn kênh chỗ khu Vườn Xoài, cống Bà Xếp có thể đi bộ qua được. Mấy chỗ khác, nhà bên này với nhà bên kia chỉ cần nhoài người là bắt được tay nhau”.

Người đông, mọi vật dụng sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống người dân đều cho hết xuống lòng kênh. Lòng kênh vô tình biến thành nơi chứa mọi rác thải cho mọi người. Kể cả chất thải do chính người dân sống trên đó phóng uế ra.

Tiếp nhận rác mãi rồi cũng đầy. Nước hết trong xanh. Dòng kênh cũng không có nơi thoát, nước thôi chảy. Mỗi trận mưa lớn hay nhỏ, thì nước và rác thải cứ tràn cả lên bờ, vào cả nơi sinh sống của các hộ dân. Nhiều trận mưa ngập đến hơn nữa mét.

Chị Nga hiện đang làm tại báo Sài Gòn Giải Phóng, từng sống tại tuyến đường ven kênh nhớ lại. Sợ nhất là những lúc trời mưa, nước dâng lên. Chảy cả vào nhà, nước ngập đến hơn nữa mét. Đủ thứ đồ trôi nổi trên dòng nước. Chị còn nói thêm: Ngày đó nhiều người chỗ chị ở còn đi ghe ra chích lươn ở ven tuyến kênh.

Những hậu quả người dân sống ven kênh giờ đây phải lãnh chịu là kênh đầy rác, nước đen ngòm và có cả mùi hôi. Gây ô nhiễm môi trường cách trầm trọng.

Những giải pháp ban đầu của chính quyền.

Xác định được tình trạng ô nhiễm và tắt nghẽn dòng chảy do tình trạng lấn chiếm. UBNDTP đã tiến hành giải tỏa đền bù. Theo số liệu từ báo tuổi trẻ. Từ những năm 1985, và mãi cho đến năm 2000. Qua bao lần triển khai rồi tạm dừng, quá trình qui hoạch đền bù mới hoàn thành hết giai đoạn 1.

Giai đoạn 2 khởi công từ năm 2000 dự kiến đến 2009 sẽ kết thúc. Một viễn cảnh được vẽ ra sẽ có một dòng “sông Seine” thứ hai tại Việt Nam. Mơ về một tuyến đường thủy dài hơn 10km chạy dọc tuyến kênh NL-TN, về những du thuyền lượn lờ trên dòng kênh.

Trương Vũ
Học viên khóa Offlline IV