Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Ký ức Hoàng Sa (5)

VRNs (19.07.2011) – Sài Gòn - TRƯỜNG SA TRỰC CHỈ
Ngày hôm sau, 22-01-1974, sau khi HQ 5 được cập bến quân cảng Tiên Sa 2 ngày. Toán thợ Hải quân công xưởng đã bay ra sửa chữa và hàn vá gấp các lỗ đàn trong thân tàu, để kịp cho chuyến công tác sắp tơi. Vậy là tôi có với em Diệp được 2 ngày, 2 ngày với bao sự chờ mong, 2 ngày với bao điều chưa được nói ra đầy đủ…



Thật vậy, trong 2 ngày ấy, sau những giờ trực tại chiến hạm ra, tôi và Diệp luôn gặp gỡ nhau trong những giờ phép ngắn ngủi. Lúc thì trong quán café, khi thì sánh bước bên nhau trong phố. Em luôn bắt tôi thuật lại trận hải chiến vừa qua cho em nghe, và tôi cũng đã kể lại thật chi tiết trong quá trình diễn biến của trận đánh 1 cách rành mạch, đầy nét kiêu hùng. Thỉnh thoảng, Diệp giữ chặt tay tôi trong những lúc tôi kể việc 2 bên giao tranh đến hồi ác liệt. Một lần nữa, tôi lại đem đến cho Diệp 1 sự sợ hãi, 1 nỗi lo âu, mà lẽ ra, ở cái tuổi học trò, Diệp chưa phải nghĩ đến. Còn tôi, tôi cũng cảm nhận được điều ấy, điều mà tôi cho là hạnh phúc, là tuyệt vời của một quân nhân trẻ thời chinh chiến.

Chiều nay, tôi cũng có mặt ở Đà Nẵng. Tôi đưa Diệp đến 1 quán nước bên bờ sông Hàn. Hai đứa đang loay hoay tìm 1 chỗ ngồi sát bờ sông và cùng hướng nhìn ra phía quân cảng Tiên Sa. Cái cầu cảng mà chiến hạm HQ 5 đang nghỉ ngơi và sẵn sàng đợi lệnh cho 1 chuyến hải hành mới.

Xa xa, bên phía bắc cửa cảng, 1 nhánh nhỏ của dãy Trường Sơn cong mình uốn lượn, thu hẹp cửa biển lại như cố bao bọc, che chở những trận cuồng phong, giữ gìn sự bình yên cho vịnh Đà Nẵng, cho những con tàu đang neo đậu tận phía sông Hàn. Hai đứa đang thả hồn phiêu du trên mặt nước, bỗng có tiếng cô tiếp viên quán:

- Café đã hết, ông cho đường uống đi, kẻo nguội…

Mặc dù có Diệp ngồi bên cạnh, nhưng tôi vẫn cố gắng pha trò:

- Đố cô đoán “ông” năm nay bao nhiêu tuổi?

Cô gái không kém phần lém lỉnh:

- 35.

- 35 cho cả hai người mới được.

Tiếng cười khúc khích sau đuôi mắt cô gái, và Diệp đính chính lại:

- Hai người phải hơn 35 tuổi mới đúng chứ anh!

- Ừa…

Và phút pha trò ấy đã phá tan cái thành sầu mộng của hai đứa tôi. Tiếng Diệp cùng với cái chỉ tay về phía trước:

- Con tàu anh đang đậu ngoài đó, phải không?

- Ừa.

- Chiều mai, em sẽ qua bên đó với anh nhé!

- Ừa.

- Hình ảnh con tàu sao buồn quá anh nhỉ? Và không hiểu sao em lại quen với anh lính biển chi vậy hà?…

- Chắc tại em có quá nhiều mộng mơ đó thôi! Nào là hình ảnh của con tàu lạc loài, cô độc giữa muôn trùng; nào là những bến nước xa lạ; nào là những thành phố ngập tràn ánh sáng, những hòn đảo vắng lặng, xa xôi…

Và nàng đã quen với 1 anh chàng lính biển…, để rồi những ước mộng đó, nàng đã phải chịu sự đợi chờ trong những ngày dài suốt chuyến hải hành của anh lính biển.

Chiều nay, mặt trời cũng trốn biệt trong những đám mây mù, bầu trời xám lạnh khá sớm, tôi với tay lấy chiếc áo khoác lên người cho Diệp và hỏi:

- Mẹ có biết chiều nay em đi đâu không? Và em có cần về nhà không?

Nàng không trả lời, nhưng nhìn tôi với đôi mắt nũng nịu, nửa như giận dỗi, nửa như hờn trách. Còn tôi, sao lại quá ư thật thà, quá ư ngốc nghếch…? Em không cấu véo tôi là may đấy!

Tiếng loa máy trên góc tường vang lên lời nhạc “Chiều nay ra khơi, thoáng thấy mắt em nhuốm buồn. Đời anh là gió sương, đi khắp muôn phương. Chờ 1 người đi xa, áo trắng bay trong nắng tà…” Có lẽ, cô chủ quán cũng rất tâm lý, thấy quán mình chiều nay có nhiều cặp thủy thủ đa tình…

Thật vậy, chúng tôi đã cảm nhận trọn vẹn lời nhạc trên, và hưởng thụ trọn vẹn cái phút giây ngắn ngủi trong những lần lên bờ; để rồi sau phút giây bên nhau, lại thấy mắt Diệp nhuốm buồn, như lời bản nhạc…

Tôi trả tiền nước và nắm tay Diệp rời khỏi quán. Chúng tôi thả bộ trên phố sông Hàn. Đến 1 tiệm mè xửng, Diệp kéo tôi vào và gói cho tôi 1kg mè xửng.

- Tặng anh để uống trà với bạn bè.

- Cảm ơn em.

Diệp biết tôi rất thích mè xửng. Lần nào sau chuyến công tác trở về Saigon, tôi đều mua mè xửng về làm qua cho người thân. Vả lại, tôi cũng rất thích nghe những lời nói ngọt ngào, đầy chất giọng Huế của các tiệm mè xửng “Song Hỷ” đó nữa…

Bước ra khỏi tiệm kẹo, một ngọn gió bấc quất vào người tê buốt. Tôi kéo Diệp sát vào người, và âu yếm kéo chiếc áo khoác choàng qua lưng nàng. Cứ thế, hai chúng tôi vừa chậm rãi thả bộ, vừa trò chuyện. Tôi thầm cảm ơn ngọn gió, cảm ơn ông Trời và tôi muốn từ giờ tới tối, những ngọn gió bấc cứ tiếp tục quất vào hai đứa chúng tôi.

Đi hết con đường Bạch Đằng, đi hết dãy phố sông Hàn, tôi kéo Diệp rẽ sang đường Phan Chu Trinh, thì đèn đường cũng bắt đầu thắp sáng. Tôi hỏi Diệp:

- Em thích ăn cơm hay ăn bún?

- Ăn bún đi anh! Trời lành lạnh, ăn bún nóng cho ngon.

- Không những nóng, mà còn cay lè nữa chứ! Vừa ăn, vừa hít hà nghe mới đã…

Và tôi đã tưởng tượng ra tô bún bò Huế thơm ngào ngạt, tỏa mùi cay nồng đang chờ đợi; như vậy, tôi phải đưa Diệp qua đường Hùng Vương, để vào khu vực chợ Hàn, thì mới có hàng bún bò ngon.

Chúng tôi bước vào tiệm bún và chọn 1 cái bàn phía góc trong cho ấm. Chả mấy chốc, hai bếp than đỏ rực của nồi nước lèo tỏa ra làm cho căn phòng ấm hơn. Có tiếng cô chủ quán:

- Cô cậu ăn gì?

- Cho 2 tô bún bò đầy đủ.

Tôi và em thường ăn ở tiệm này, nên cô chủ quán nhìn tôi đã không hỏi thêm điều gì nữa, cũng đã biết sở thích của khách. Cô lột thêm 2 cây chả lá, và dĩ nhiên, nước lèo trong tô của chúng tôi cũng ít mỡ vàng. Tôi nói với Diệp:

- Cô chủ quá nhớ mặt khách hay quá em nhỉ?

Đúng là tiết trời lạnh, mùi nước cay lè làm cho tô bún tăng thêm phần ngon chi lạ! Ăn xong tô bún, chúng tôi ngồi nán lại thêm chút nữa; và như vậy, những giờ phép đi bờ của tôi chỉ có thế. Sau cái nắm lấy bàn tay nàng đỡ dậy, tôi vỗ vỗ nhẹ lên bàn tay ấy và nói lời chia tay. Diệp hỏi tôi:

- Chừng nào anh đi?

Tôi đáp gọn:

- Không biết. Nhưng mai nếu còn ở lại, anh sẽ qua.

Diệp chúc tôi nhiều sức khỏe, vui và hẹn gặp lại. Tôi nói:

- Anh cũng chúc em vui, đẹp và học hành tốt.

Xong, tôi quay lại và băng qua đường, về phía phà Sơn Trà. Vừa bước lên phà, chiếc phà cũng từ từ mở dây và lừ đừ tách bến, chuyến phà tối giờ này, người đông nghẹt, nhưng cũng không làm ấm lên được, bởi những ngọn gió bấc quất vào người liên tục. Mấy cụ già đang thu người co ro trong cái rét. Phía xa ngoài cửa sông, những ngọn đèn đáy vàng vọt, yếu ớt, nhấp nhô theo từng ngọn sóng, càng làm cho tâm hồn người lữ khách càng thêm da diết, nhớ đến gia đình, nhớ đến người thân yêu và tôi thầm mong gia đình tôi đã nhận được tin tức về tôi, để được yên tâm.

Về đến tàu, tôi liền bước lên phòng và ngã vùi trên giường, mặc cho những cảm giác thật thú vị, thật hạnh phúc của buổi chiều còn đọng lại đâu đây. Hình ảnh ánh mắt, bờ mi của Diệp cứ chực chờ dậy sóng ấy đã làm cho tôi đắm say trong ngất ngây, hạnh phúc. Tôi buông mình, hít thở thật dài và chìm dần vào giấc ngủ.

Thức dậy khi tiếng còi báo thức trên tàu báo hiệu làm xong các việc vệ sinh cá nhân, thì cũng đã đến giờ chào cờ trên chiến hạm.

Nhìn lá cờ phất phới tung bay ở cột cờ sau lái, tôi liên tưởng đến hình ảnh mấy ngày trước, cũng với lá quốc kỳ này, các bạn tôi đã hy sinh trong trận hải chiến. Nó đã một lần ôm ấp và thiêng liêng che chở tấm thi hài của các bạn tôi và sẽ theo cùng các bạn tôi đi vào lòng đất mẹ. Tôi nhớ đến bài học công dân giáo dục ở bậc tiểu học dạy về lá quốc kỳ:

“Quốc kỳ là mảnh vải dệt bằng xương máu của tất cả những gian lao, khổ cực của toàn dân từ ngàn xưa, hiện tại và tương lai…”

Và hôm nay, sau buổi chào quốc kỳ này, vị hạm phó đã bước ra giữa bục cờ, tuyên bố cho toàn thể thủy thủ đoàn biết rằng, chuẩn bị nhiệm sở vận chuyển ngay sau khi tan hàng để đi ra lại khu vực Hoàng Sa và tìm kiếm cũng như cứu hộ cho các anh em trên tàu HQ 10 đào thoát hoặc các anh em trên đảo lênh đênh trên bè vượt thoát.

Mọi hy vọng đều tan tành. Chúng tôi cứ ngỡ sau khi hàn vá, sửa chữa xong, tàu sẽ về Saigon nghỉ bến. Vậy mà giờ này phải ra lại Hoàng Sa… Tôi tưởng tượng mấy ngày về cập bến sửa chữa xong nay ra lại. Liệu tàu Trung quốc nó có để cho chúng ta yên mà tìm kiếm không đây? Hay là khi mới phát hiện tàu ta, nó đã bao vây để tiêu diệt? Liệu ta có lực lượng lượng nào hỗ trợ công tác tìm kiếm này hay không? Sao không cho không quân bay ra tìm kiếm là hay nhất? Biết sao được! Bí mật quân sự là thế!

Rồi con tàu cũng hùng dũng băng mình vào sóng nước như mọi chuyến ra khơi khác. Sáng nay, gió đông bắc thổi mạnh, những đợt sóng cứ nối tiếp cuộn mình, vỗ người con tàu, rồi tan ra như những bọt tuyết trắng ngầm.

Trên gương mặt quý vị hiện diện ở đài chỉ huy, ai ai cũng tỏ ra lo lắng, trên nét mặt khắc khổ và lạnh lùng của ông hạm phó vừa thuyên chuyển xuống tàu tôi chưa được nửa năm. Ở cái tuổi trung niên, ông là Thiếu tá Hải quân, từng là Giang đoàn trưởng ở vùng Năm Căn, nên đã làm cho ông già hơn rất nhiều so với tuổi tác. Ông có thói quen hút thuốc không xài hộp quẹt. Cứ đốt xong điếu này, ông mồi sang điếu khác. Có điều đặc biệt là hút toàn 1 loại thuốc Bastô trắng mua trong quân tiếp vụ. Mỗi tháng, ông hút khoảng 30 cây, có lẽ ông chỉ không hút trong giấc ngủ mà thôi! Sáng nay, trong nhiệm sở vận chuyển, ông có mặt trên đài chỉ huy với hạm trưởng và loay hoay với công việc điều hành nhiệm sở.

Giải tán nhiệm sở vận chuyển, tôi bàn giao công việc cho người kế tiếp, bước xuống phòng ăn thì đã thấy mấy bạn tôi ngồi ở đó. Chúng tôi cũng có những tách café với câu chuyện cho chuyến công tác lần này, phải thật tình mà nói, chúng tôi rất hoang mang, lo lắng kinh khủng.

Đi khoảng 4 giờ đồng hồ, con tàu đột ngột đổi hướng quay vô nam. Mấy đứa bạn vội chạy ra sân sau quan sát, và trên sân giữa, Tiến vô tuyến vui mừng bước đến chỗ chúng tôi:

- Vừa nhận công điện đổi đi Trường Sa.

Anh em chúng tôi hân hoan thở phào nhẹ nhõm. Trường Sa! Trường Sa! Một quần đảo nằm xa tít ngoài đại dương, chúng tôi chỉ nhìn thấy chúng trên Hải đồ, chứ chưa 1 lần ghé đến. Và trước giờ, tàu Hải quân chúng tôi cũng chưa nghe ai nói đã ghé Trường Sa.

Hôm nay, sau khi rút bỏ Hoàng Sa, chính phủ mới nghĩ đến và lo bảo vệ lấy Trường Sa. Như vậy, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng đang đến và khám phá Trường Sa. Đến và đặt chân lên hoang đảo xa xôi, đó cũng là điều làm tôi thấy vui vui. Đời thủy thủ là thế đó, vui buồn theo sóng gió với các miền xa lạ…

Đến trưa, tôi lên nhận quart. Bạn tôi bàn giao vị trí phỏng định của chiến hạm trên hải đồ, tôi bắt đầu quan sát tấm hải đồ và xem kỹ quần đảo. Sau khi lấy compa đo khoảng cách với vị trí con tàu, thì còn hơn 350 hải lý, và khoảng cách đó từ đảo, tôi đo vô đất liền, điểm gần nhất là mũi Kê Gà, Phan Thiết cũng bằng nhau. Nghĩa là từ đất liền ra đến đảo Trường Sa cũng gần 700 cây số.

Nhìn lại đường đi được vẽ trên hải đồ, như vậy, tàu chúng tôi phải vào bắt cho được đảo Cù Lao Thu (Phú Quý), rồi từ đó mới đi thẳng ra Trường Sa. Với hải trình hơn ngàn cây số, con tàu chúng tôi phải đi mất 1 ngày rưỡi.

Đúng như dự tính! Sau 1 ngày rưỡi lênh đênh trên đại dương, sập tối ngày 24-01-1974, chúng tôi có mặt ở Trường Sa. Quần đảo này cũng giống như Hoàng Sa, nghĩa là nó có tất cả mấy trăm đảo lớn nhỏ, nổi chìm trên 1 vùng biển. Về vị trí nằm giữa biển Đông là trung tâm của 3 nước: Việt Nam, Philippine và Bornio, là cửa ngõ quan trọng để các con tàu từ muôn phương theo hải trình để vào các nước vùng Đông Nam Á.

Sau khi được lệnh cho tàu neo ở 1 đảo nhỏ gọi là đảo Nam Yết, toán người trực gồm 6 anh em và tôi được lệnh thả xuồng vào đảo hoang. Chúng tôi chở theo 1 số thùng đồ hộp, mấy khẩu súng và máy truyền tin để liên lạc. Nhiệm vụ của toán chúng tôi là lên xem xét và báo cáo. Chiếc xuồng con rời con tàu đi thẳng vào đảo dưới ánh trăng.

Thượng tuần tháng giêng đủ để chúng tôi nhìn thấy đảo trước mặt và thẳng tiến. Gần nửa giờ sau, chúng tôi đã tiếp cận đảo, trước hết, chúng tôi giảm tốc độ và chạy vòng cập đảo để tìm chỗ lên đảo, sau 1 hồi tìm kiếm, chúng tôi cũng có được chỗ cập xuồng để lên.

Bước xuống xuồng để đặt chân lên đảo, chúng tôi không có được một thông tin nào về đảo vắng. Bao lo lắng, suy tư đặt ra với nhóm anh em và không chừng trong trí tưởng tượng như những chàng Simpas thời hiện đại.

Khi vừa mới bước những bước chân lên đảo khô, nghe tiếng động, 1 đàn chim hải âu vụt bay lên như 1 áng mây đen che kín lấy bầu trời, làm cho tối hẳn 1 vùng đảo; khi ánh trăng sáng lại, tôi đưa mắt quan sát 1 vòng hoang đảo, tứ bề tuyệt nhiên quá im ắng, ngoài tiếng sóng vỗ rì rào đập vào bãi cát và cũng dưới ánh trăng đó, chúng tôi nhìn thấy nào là vô số trứng chim nằm ngổn ngang trên mặt cát xen trong cỏ. Tôi nhặt lên xem thử và thấy không khác gì trứng gà so, nghĩa là tầm tầm ngón chân cái, cũng có một loại trứng lớn hơn, sau này, tôi mới phân biệt từng loại trứng và từng loại chim. Chúng tôi báo cáo về tàu đầy đủ mọi chi tiết và hạm trưởng ra lệnh cứ lấy trứng chim về. Chúng tôi phải đồ các thùng đồ hộp xuống đảo để lấy trứng, không cần đâu xa, không cần tìm kiếm, chỉ đưa tay nhặt lấy bỏ vô thùng, chỉ cần 1 lát là chúng tôi đã nhặt đầy các thùng cartông. Chúng tôi thấy không có gì ngoài 1 đảo vắng thấp nhỏ, ước chừng vào ba cây số vuông, có những lụm cây cao hơn vài mét được mọc thành từng chùm, từng bụi trên đảo. Vị trưởng tóan báo cáo lần nữa về tàu và chúng tôi được lệnh mang trứng chim về tàu, để lại vào lấy tiếp. Sau khi thu lượm trứng chim xong, chiếc xuồng con được cột dây sau lái, con tàu neo yên nghỉ. Chúng tôi không sao ngủ được, tập trung trên sân thượng để xem trăng và tán gẫu. Đêm thật bình yên và trăng đẹp lạ thường.

Trong những ngày này, nơi quê nhà, gia đình tôi vẫn trông đứng trông ngồi tin tức của tôi. Mẹ tôi xuống tận Bến Bạch Đằng, vào tận Bộ Tư lệnh Hải quân để dò hỏi. Tuy các vị có cho biết thông tin về tôi và con tàu – họ bảo HQ 5 bây giờ đang ở Trường Sa và chừng vài ngày nữa sẽ có tàu khác ra đổi, để về nghỉ bến ở Saigon, nhưng làm sao mà tin được? Cứ những tin đồn xấu là tàu chúng tôi đã chìm và họ đã giấu mẹ tôi. Qua ngày sau, mẹ tôi là về quê để tìm ông thày giỏi, nhờ coi giùm. Ông thày số bảo, bà yên trí, con bà không sao cả, độ tuần này cậu ấy sẽ về. Mẹ tôi tạ tiền và yên tâm về nhà chờ đợi…

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi thức dậy làm các công việc vệ sinh buổi sáng, bước ra sân sau để tập họp và phổ biến công tác trong ngày. Một số anh em khác cùng hạm trưởng xuống xuồng lên đảo. Tôi lên Đài chỉ huy, lấy ống nhòm quan sát. Thật vậy, nhìn vào đảo trông không lớn hơn sân vận động bao nhiêu. Đưa mắt nhìn vào một số đảo khác cũng vậy, lớn nhỏ và nổi chìm vô số. Xa hơn 1 chút về phía bắc, có 1 đảo lớn hơn hết là đảo ITUABA (đảo Thái Bình). Đảo này hiện đang có 1 chiến hạm của Hải quân Trung Hoa quốc gia chiếm giữ. Nó là 1 khu trục hạm DD khá hiện đại. Nghe trong đất liền cho biết là thế, như vậy, rõ ràng sao lại tàu Hải quân Trung Hoa quốc gia lại chiếm lấy và canh giữ một đảo quá xa xôi với lãnh hải của mình, điều đó chúng tôi không sao hiểu nổi.

Buổi chiều sau khi xuồng của hạm trưởng và 1 số sĩ quan vào đảo về tàu. Con tàu chúng tôi lại tiếp tục di chuyển đến các đảo nữa như Sơn Ca, Sinh Tồn, rồi Song Tử Đông, Song Tử Tây…. Các đảo đó cũng vậy nằm tập trung gần đảo Nam Yết và cũng chưa có ai chiếm giữ. Hôm đó, chúng tôi có thêm trứng chim biển bồi dưỡng, những ngày này, tàu neo tại chỗ, nên anh em thả nhợ câu cá nữa, mồi câu là những con cá nục, bạc má và ngon nhất là mực, được lấy từ thức ăn trên tàu. Câu cá để giải trí, để làm thực phẩm tươi, kể cả gởi phòng lạnh. Trong lúc nghỉ ngơi, chúng tôi vào đảo tắm, có người lặn để lấy san hô. Ôi! Vùng biển của các quần đảo này là những bãi san hô tuyệt đẹp, các anh lấy lên, rửa sạch và phơi khô. Đó là những mảng hoa trắng ngần qua sự chỉnh sửa của các anh, để mang về làm quà cho gia đình, các sản phẩm của biển cũng thấy vui vui. Những bầy chim hải âu từng đàn bay vút lên bầu trời, khi chúng tôi bước tới gần chúng. Chúng bay lên, đảo qua, đảo lại vài vòng rồi cũng tìm chỗ vắng hơn để đáp xuống; tháng giêng trời xanh trong, biển xanh trong vạn vật xinh tươi trên hoang đảo đã vẽ lên 1 bức tranh thiên nhiên yên bình và tuyệt đẹp. Tôi mỉm cười, nhìn cảnh vật và không chừng tôi đang thả hồn ru phong cảnh, thầm cảm ơn biển trời đã cho tôi có được những buổi sáng trong lành như buổi sáng hôm nay. Bỗng tiếng loa trên tàu vang lên kéo tôi trở về thực tại. Tàu báo nhiệm sở nhổ neo, chạy chậm qua đảo Thái Bình để quan sát thêm về chiếc khu trục hạm của Trung Hoa quốc gia, và báo cáo về Bộ Tư lệnh. Tuy nhiên, khi tàu chúng tôi vừa đi được hơn nửa tiếng đồng hồ, thì máy vô tuyến Saigon lệnh ra là phải quay lại Nam Yết, không nên làm gì cho tình hình thêm căng thẳng và chúng tôi cũng biết được điều đó.

Những ngày ở Trường Sa, HQ 5 chỉ neo tại chỗ, chúng tôi thay phiên trực và đi ra vô đảo chơi và tắm biển, săn san hô và câu cá, là thú vui cho những ngày dài nơi đảo vắng.

Chúng tôi thầm nghĩ, chuyến đi lần này, người nào về cũng có quà cho người thân. Các chú vít con được anh em nhặt về nuôi trong xô chậu, cũng định mang về Saigon chơi. Tuy nhiên, cũng có 1 số anh em bảo rằng, nuôi vít xui, nên thôi lại thả ra đảo, trả chúng về với thiên nhiên…

Buổi chiều đi chậm trên biển, mặt trời cố giữ mặt nước màu sáng bạc lung linh qua từng thời khắc của ngày và đêm.

Cả tuần lễ ở Trường Sa không đi quart, không thức đêm, chỉ có công việc thường nhật và nghỉ ngơi với lại tắm biển suốt, anh em chúng tôi có phần tăng thêm ký, vì ăn được ngủ được, tinh thần sảng khoái và vui vẻ khi đoán rằng sẽ về Saigon sớm hơn. Giây phút gặp gỡ lại người thân sau chiến cuộc với bao nỗi niềm mong đợi, những câu chuyện về trận hải chiến đầu tiên của HQ.VNCH và HQ Trung quốc sẽ được anh em chúng tôi thuật lại với đầy đủ chi tiết. Rồi hoàn cảnh của các đồng đội chúng tôi đã hy sinh, chắc chắn sẽ là đề tài để mọi người nơi đất mẹ mong đợi.

Việc gì đến sẽ đến, đúng 00h ngày 30-04, chúng tôi có được công điện về Saigon nghỉ bến và bàn giao cho HQ 6. Mừng quá! Vậy là khoảng chiều mốt, con cá khổng lồ HQ 5 Trần Bình Trọng đã mang trả lại những đứa con oai hùng về với gia đình.

Đêm nay, đảo vắng Nam Yết sẽ vui hơn, chúng tôi đốt lửa trại trên đảo, và uống rượu chia tay Trường Sa cho đến tận khuya.

Ký ức Hoàng Sa của tôi cũng xin dừng ghi chép từ đây. Mong rằng sẽ được đông đảo quý độc giả xa gần đón đọc và góp ý. Xin chân thành cảm ơn những lời góp ý của quý vị.

(Kỳ tới, nếu được sự động viên, góp ý của quý độc giả yêu cầu, tôi sẽ viết tiếp TRƯỜNG SA KÝ ỨC)

ĐÀO VĂN THỌ

Anh Thọ mến, chúng tôi rất mê những gì anh đã viết. Xin tiếp tục viết cho chúng tôi biết thêm về Trường Sa. Chúng tôi mong được đọc Ký ức Trường Sa của anh Đào Văn Thọ.