Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Luật pháp Việt Nam: thầy nào trò đó

VRNs (11.07.2011) – Sài Gòn – Đọc bài Vụ án nghiêm trọng và bản án treo đăng trên báo Tuổi trẻ (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/445600/Vu-an-nghiem-trong-va-ban-an-treo.html) tôi thật sự sửng sốt, nhất là người kể lại là Tiến sĩ (nguyên Trưởng bộ môn tố tụng hình sự Đại học Luật TP.HCM, Hội thẩm nhân dân Quận 1, TP.HCM). Hơn nữa lại được rất nhiều “học trò” của thầy ca tụng.



Nội dung bài viết kể về vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Đề Thám (Quận 1, TP.HCM) vào đêm 21/3/2005. Theo đó, có 7 người liên quan hành vi đập phá, đốt xe công an, ném đá vào trụ sở Đội Cảnh sát giao thông số 1… gây náo loạn bị bắt và đưa ra xét xử.

Vấn đề là ông Tiến sĩ (người được cử làm Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử vụ án) đã kể lại: “Vụ án được xác định là đặc biệt nghiêm trọng, lại xảy ra vào thời điểm trước dịp lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4 và ngày quốc tế lao động 1-5 nên chúng tôi nhận được chỉ đạo: “phải đưa ra xét xử trước lễ 30-4 và phải xử thật nghiêm khắc để răn đe…”.

Ông Tiến sĩ không nêu rõ ai là người chỉ đạo? Và Hội đồng xét xử (chúng tôi) nhận được chỉ đạo bằng cách nào? Nhưng Ông Tiến sĩ đã cho mọi người biết sự vô tư vi phạm nghiêm trọng pháp luật của những người cầm cân nảy mực, kể cả những người là thầy dạy chuyên ngành tố tụng hình sự.

Điều 130 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 5 Luật Tổ chức tòa án, Điều 3 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân quy định giống hệt nhau, không sai một từ rằng: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: “Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà”.

Hiến pháp và pháp luật quy định như vậy, sao ai lại chỉ đạo cho “chúng tôi” được? Sao “chúng tôi” lại tự mình chấp nhận “mất độc lập” như vậy? Và sao chưa nghị án đã được chỉ đạo “phải xử thật nghiêm khắc”? Như vậy thì nghị án mà làm gì?

Như thế này, chúng tôi mới hiểu và thương cho các “chúng tôi” trong vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Chắc chắn “chúng tôi” chẳng thể nào “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được.

Như thế này, tôi mới hiểu sao “chúng tôi” dù còn trẻ vẫn sẵn sàng vi phạm pháp luật do được Thầy dạy công khai giảng không cần tôn trọng pháp luật trong xét xử. Thầy nào trò đó mà.

Như thế này, tôi mới thấm thía câu viết của Giáo sư Ngô Bảo Châu “có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.

Phương Anh
Sinh viên Đại học Luật
Gửi riêng cho VRNs