Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Nước Thiên Chúa nảy mầm ngay cả nơi bị cản trở

VRNs (06.07.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm: Mt 13, 1-23, Chúa nhật XV Thường niên năm A



Chương 13 Phúc Âm Thánh Matthêu góp nhặt nhiều dụ ngôn của Chúa Giêsu, do đó được đặt tên là chương “Lời Huấn Dạy Bằng Dụ Ngôn”.

Và Dụ Ngôn Người Gieo Giống hôm nay là dụ ngôn đầu tiên trong loạt các dụ ngôn được Thánh Matthêu ghi lại.

“Huấn Dạy Bằng Dụ Ngôn” hôm nay được trình bày bằng ba phần:

- câu 1-9: Chúa Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn,
- câu 10-17: cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ,
- câu 18-23: Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa dụ ngôn.

Chúa Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn.

Trước hết động từ “ nghe” ( tiếng Hy Lạp, akoúo) trong phần đầu chỉ được Thánh Matthêu đề cập đến ở câu cuối, câu 9, khi được Chúa Giêsu mời gọi ai nấy trong đoàn lủ theo Ngài:
- “ Ai có tai nghe, thì hãy nghe ! ” ( Mt 13, 9).

Trong khi đó thì từ câu 13 trở đi, trong phần đối thoại với các Môn Đệ, ý nghĩa của động từ trên được lập đi lập lại nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau, “ nghe”, “ hiểu”, “ cảm nhận”, “ thấy”, “ chú ý lắng nghe”:
– “ Bởi đó, Thầy dùng dụ ngôn nói với họ, vì họ nhìn mà không thấy, “ nghe ” mà không “hiểu ” (Mt 13, 13).
- “ …ứng nghiệm lời sấm của Isaia: các ngươi có lắng tai “ nghe ” cũng không “ hiểu ” , có “ trố mắt nhìn” cũng không “ thấy”…chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng “ thấy”, tai chúng “ nghe ” và lòng trí “ hiểu được” mà hoàn cải…” ( Mt 13, 14).
- “ Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được “ thấy ”, tai anh em thật có phúc vì được “ nghe ” ( Mt 13, 16),
- “ …nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mõi “ thấy” điều anh em “đang thấy”, mà không được “ thấy”, “ nghe” điều anh em “đang nghe”, mà không “được nghe” ( Mt 13, 17).

Ở giữa phần đối thoại, câu 11-12, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đông từ “ cho ”:
- “ Bởi vì anh em thì được “ơn cho” hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không ” (Mt 13, 11),

trong khi đó thì ở đoạn cuối của phần đối thoại, câu 13-17, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến các động từ “ thấy”, “ nghe” và “ hiểu”, như chúng ta vùa trích dẫn ở trên.

Cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.

Trước câu hỏi của các Môn Đệ:
- “ Sao Thầy lại dùng ngụ ngôn mà nói với họ ” ( Mt 13, 10),
Chúa Giêsu đưa ra hai câu trả lời:

a) Câu trả lời thứ nhứt trong các câu 11-12, bằng cách nhấn mạnh đến động từ “ cho ” dưới thể thụ động : “được cho” và “ sẽ được cho”.

Trong cách chú giải Thánh Kinh, cách dùng động từ dưới thể thụ động, được gọi là thể thụ động thần học ( passif théologique ), để diễn tả động tác của Thiên Chúa, mà không phải xưng danh Ngài ra, vì kính trọng Người:

- “ Bởi vì anh em thì “được ơn cho” hiểu biết các mầu nhiệm nước Trời, còn họ thì không…Ai có thì “ sẽ được cho” thêm, và sẽ có dư thừa, còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất đi ” ( Mt 13, 11-12).

Câu Phúc Âm vừa kể có thể viết lại theo ngôn ngữ của chúng ta “ Bởi vì anh em “được Chúa ban ơn cho” hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời,…Ai có thì “ sẽ được Chúa cho thêm”, và sẽ có dư thừa…”.

b) Câu trả lời thứ hai của Chúa Giêsu, câu 13-17, ngụ ý ám chỉ thái độ của con người, khác biệt giữa kẻ “ không thấy ” và kẻ “ không hiểu ”, vì trái tim họ trở nên chai đá :

- “ …vì họ nhìn mà không thấy, họ nghe mà không hiểu” ( Mt 13, 13),

thái độ của những kẻ vừa kể, được Chúa Giêsu đề cập đến, ngụ ý đề cập đến dân Do Thái, như lời tiên tri Isaia:

- “ …ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia rằng: ” Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng dân nầy đã ra chai đá…” ( Mt 13, 14),

trong khi đó thì đối với các Môn Đệ Chúa Giêsu, là những người có phước, bởi vì các ông “thấy” và “ hiểu ”:

- “ Bởi vì anh em “ được hiểu biết” cả mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không…Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì “được thấy”, tai anh em thật có phúc, vì “được nghe ”…nhiều ngôn sứ và ngưòi công chính đã mong mõi thấy điều anh em thấy, mà “ không được thấy”, nghe điều anh em nghe, mà “ không được nghe ” ( Mt 13, 11.16.17).

Câu trả lời thứ nhứt của Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn về cách hành xử của “ người gieo giống ” hay của Thiên Chúa:

- “ Người gieo giống ra đi gieo giống ” ( Mt 13, 3).

Và động từ được Ngài nhấn mạnh là “được cho ”, “ sẽ được cho”, như chúng ta đã trích dẫn ở trên, chớ không đề cập gì đến thái độ tiếp đón “ nghe”, “ thấy”, “ hiểu”, “ không hiểu ” của con người.

Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa dụ ngôn.

Trước hết qua cách nhấn mạnh vừa kể của động từ “ ra đi gieo giống ” “được cho”, “ sẽ được cho”, chúng ta thấy được đặc tính ưu tiên, trổi vượt của việc Thiên Chúa hành động.

Thiên Chúa toàn năng và sáng suốt quyết định lúc nào và cách nào can thiệp vào lịch sử con người, như ý Người muốn, như người gieo giống quyết định thời điểm ra đi gieo giống:

- “ Người gieo giống ra đi gieo giống ” ( Mt 13, 3).

Và “ cho ai” ( hay được cho), “ sẽ cho ai” ( hay sẽ được cho) là tùy ở thánh ý Ngài.

Chính Chúa ban cho chúng ta “ơn hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời…” ( Mt 13, 11).

Thánh ý đó chính là lời loan báo, cách hành xử và chính con người Chúa Giêsu, nơi Chúa Giêsu Chúa Cha mạc khải chính Ngài cho nhân loại và thực hiện công trình cứu rỗi.

Nói như vậy không có nghĩa là không quan trọng, thái độ của con người, mở rộng tâm hồn ra đón nhận những gì Thiên Chúa mạc khải cho.

Bởi lẽ thái độ chối từ đó không dẫn con người đến ơn cứu rỗi, đến Thiên Chúa, như lời trách của tiên tri Isaia:

- “ …chúng đã bịt tai, nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa cho chúng lành” ( Mt 13, 15).

Còn nữa, thái độ của ai đón tiếp ơn Chúa ban cho, mở rộng tâm hồn tin cậy và đón tiếp những gì Chúa mạc khải cho, sẽ được Chúa cho thêm dư tràn:

- “ Ai có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa, còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất ” ( Mt 13, 12).

Thiên Chúa như “ người gieo giống ra đi gieo giống ”, đại lượng
- gieo cho kẻ “ ở bên vệ đường”,
- kẻ khô cứng như “đá sỏi ” không tha thiết gì đến lời mời gọi của Ngài,
- kẻ đặt nhiều lợi thú khác hơn lời Chúa như bụi gai, lấy vinh quang phú quý, chức quyền toa rập để bóp nghẹt lời Chúa,
- cũng như cho kẻ tốt lành, như đất mầu mỡ.

Chúa ban phát ân sủng của Ngài cho tất cả, nhưng nếu chúng ta không biết mở rộng tâm hồn đón nhận, cộng tác với Ngài làm cho ơn gọi phát triển, Thiên Chúa Toàn Năng cũng không làm gì được để cứu chúng ta.

Đó là điều Thánh Augustino đã nói:

- “ Thiên Chúa sinh ra chúng ta không cần có chúng ta, nhưng Thiên Chúa không thể cứu chúng ta, nếu không có chúng ta ”.

Thái độ đối ngược giữa các Môn Đệ, mà Chúa Giêsu gọi bằng “ anh em” (đại danh từ ngôi thứ hai số nhiều,

- “ bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không…Còn anh em, mắt anh em thật có phúc, vì được thấy, tai anh em thật có phúc , vì được nghe…”( Mt 13, 11.16),

và “ họ”, ám chỉ đoàn lủ dân Do Thái mà Chúa Giêsu phải dùng dụ ngôn để nói cho, là những người cứng lòng không nhận Chúa Giêsu và những gì Ngài đem đến cho họ về Nước Trời,

- “ chúng bịt tai, nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng chúng hiểu được mà hoán cải và Ta sẽ chữa cho chúng lành”,

được Chúa Giêsu dùng để diễn tả rõ ràng hơn tầm quan trọng con người biết dùng tự do của mình, mở rộng tâm hồn ra đón nhận ơn Chúa để được cứu rỗi.

Thái độ từ chối gia trọng.

Và rồi ở câu 19, Chúa Giêsu thêm một yếu tố gia trọng, cộng thêm cho thái độ đóng kín của con người, không “ muốn nghe”,không “muốn thấy” và không “ muốn hiểu ” tình thương mà Thiên Chúa dành cho họ, yêu thương họ đến nỗi Ngài không lùi bước, dù phải hy sinh Con Một của Ngài cho đến chết:

- “ …chúng bịt tai, nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, lòng chúng hiểu mà hoán cải và Ta sẽ chữa cho chúng lành ”.

Yếu tố gia trọng đó là cộng thêm với thái độ bất cần và ương ngạnh của con người, quỷ dữ sẽ cám dỗ và làm cho con người ra tối tăm, chai đá hơn:

- “ Hể ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy…” ( Mt 13, 19).

Hạt giống là người tín hữu Chúa Ki Tô giữa trần thế.

Một yếu tố khác chúng ta cũng có thể suy niệm, đó là trong Phúc Âm Thánh Matthêu, lời Chúa không được Thánh Matthêu coi như là hạt giống, được đề cập trong Phúc Âm, như Phúc Âm Thánh Marco và Thánh Luca:

- “ Người gieo giống đây là người gieo lời Chúa” ( Mc 4, 14),
– “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: hạt giống là lời Chúa” ( Lc 8, 11).

Nhưng trong Phúc Âm Thánh Matthêu, hạt giống mà Chúa gieo xuống trong thế gian được hiểu chính là những tín hữu của Ngài, những kẻ nghe lời Chúa và mang lời Chúa ra khắp thế gian để

- “… làm cho sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23).

Như vậy ý nghĩa hiệu năng của Lời Chúa được Phúc Âm Thánh Matthêu chuyển từ lời Chúa, mà Isaia đề cập ở câu 15, thành hiệu năng của những tín hữu Chúa Ki Tô, những kẻ đã “ lắng nghe, thấu hiểu” và đem ra thực hành làm sinh sôi nẩy nở ra trong thể gian , trong môi trường sống của họ.

Hiểu như vậy, Thánh Matthêu mặc nhiên có ý nhấn mạnh vai trò của Cộng Đồng Ki Tô Hữu nói chung và mỗi tín hữu Chúa Ki Tô nói riêng, nhờ họ mà tình thương và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được

- “ làm cho sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục ”.

Cùng trong tư tưởng đó, đặc biệt đối với ngưòi tín hữu giáo dân, “ lắng nghe và thấu hiểu ” Lời Chúa không phải chỉ là xưng tội, rước lễ, đi đàng thánh giá, tưng bừng rước kiệu, lần hạt mân côi, mà là đem Lời Chúa ra “ thực hành ” giữa trần thế, để thánh hoá trần thế như ý Chúa muốn,

- “ làm cho sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục ”,

Công Đồng Vatican II đã mời gọi người tín hữu Chúa Ki Tô:

- “ Chính sứ mạng của người tín hữu giáo dân khiến họ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách hoạt động trong các lãnh vực trần thế và thiết định chúng trong trật trật tự như ý Chúa muốn ” (Lumen Gentium, 31).

NGUYỄN HỌC TẬP