Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Đời ở trọ

VRNs (29.07.2011) – Sài Gòn – Vào những ngày đầu của tháng 8 cũng là thời điểm các em sinh viên lo tìm chỗ trọ, chuẩn bị cho năm học mới, nhất là tại Sài Gòn. Ở nhà trọ, người trọ gặp không ít gian nan.

Từ sau những năm của thập kỷ 80, kinh tế Sài Gòn phát triển, thu hút một lượng lớn người lao động từ mọi miền đất nước, đặc biệt là những vùng nông thôn, hẻo lánh. Người lao động đến đây với khao khát có được cuộc sống tốt hơn, được đổi đời. Từ đó, phát sinh nhu cầu về nhà ở ngày càng nhiều. Có những người trong thành phố trước đây, nhà chỉ sử dụng vào mục đích sinh hoạt ăn ở cho gia đình, nay họ đã tìm cách cơi nới cho rộng ra và cao thêm nhằm ngăn thêm dăm ba phòng trọ cho thuê. Những vùng đất trũng, ao, kênh, ruộng như Bình Hưng Hòa nay cũng mọc đầy nhà trọ. Giá cho thuê phòng ở mỗi nơi mỗi khác do chủ nhà quy định, điện nước sinh hoạt cũng thế.



Chị Thương, 40 tuổi, quê ở Long An, làm kế toán ở một Cty TNHH nói: “Mình sống ở Sài Gòn từ bé với ba mẹ và anh chị em, dĩ nhiên là ở trọ. Nhà mình nghèo nên cuộc sống vất vả, khó khăn lắm. Từ nhỏ, các anh chị em trong gia đình mình vừa đi học vừa phụ má buôn bán kiếm tiền. Ác một cái là chủ nhà trọ, họ kỳ cục lắm. Mình ở trên lầu, chủ ở nhà dưới. Thay vì 6 giờ 30 chị em mình đi học thì 8 giờ họ mới mở cửa. Họ buộc 5 giờ phải ra khỏi nhà để họ khỏi phải đóng cửa 2 lần (vì lúc đó bạn hàng tới lấy đồ gửi trong nhà đi bán). Mấy chị em ngồi ngủ gục ở hàng ba nhà, chờ trời sáng rồi đi học. Hai mươi mấy năm trước, thành phố ít người cho thuê nhà nên gia đình mình phải chịu trận mà ở. Được một cái là nhà cho thuê lúc đó rộng rãi lắm chứ không bé xíu như bây giờ. Giá thuê hồi ấy tuy cao do vàng lúc đó còn rẻ, nhưng mỗi tháng gia đình mình cũng tiết kiệm được chút đỉnh. Đến năm 1989 má mình cũng mua được nhà ở Sài Gòn”.

Những năm 80, nhà đất còn rẻ, đầu tư nước ngoài chưa nhiều, Việt Kiều cũng chưa về ở và mua nhà rầm rộ, chưa có sốt đất, sốt nhà như bây giờ. Những người lao động nghèo, buôn bán nhỏ, công nhân viên chức có thu nhập thấp sống cần kiệm, cố gắng làm thêm việc cũng có dư một mãnh vườn ở nông thôn, một miếng đất ở vùng ven hoặc một cái nhà nhỏ cấp 4 tại Sài Gòn. Chuyện nhà ở hồi ấy là bình thường. Sự chênh lệch giàu nghèo chưa rõ rệt và cách biệt như bây giờ.

Bà Sáu, 52 tuổi, quê ở Bình Định, hiện buôn bán quần áo chạy chợ tại Bình Tân, cho biết: “Má hồi đó cực lắm con, bây giờ cũng cực. Hồi đó. Má đi tàu lửa buôn bán hàng BắcNam, mua đồ trong này đem ra ngoài đó bán, mua đồ ngoài đó về trong này bán. Con cái còn nhỏ nên gửi bà ngoại, gửi dì nó nuôi, tội lắm. Cả chục năm buôn bán vất vả, gian nan mới cất được cái nhà ngoài quê. Hiện tại, má cho thuê cái nhà đó để người ta làm đại lý bia, nước ngọt. Tiền má cho thuê ngoài đó một năm chưa đủ 2 tháng tiền nhà mình trả trong này nữa. Trong khi cái nhà má ngoài đó lớn bằng 4, 5 lần cái phòng trọ trong này. Nói tới tiền nhà mới nhớ, sắp tới ngày chủ nhà nó “hỏi thăm sức khỏe” rồi đó bây. Rầu ghê!”

Chị Thương kể, chị đã chuyển chổ ở 5 lần trong 6 năm nay. Chị sợ nhất là cảnh chuyển nhà vì cực lắm. Nhà chị đơn chiếc, ít người, chồng đi làm xa nên việc chuyển nhà do chị và em gái tự lo liệu, phải mất mấy ngày mới dọn dẹp lau chùi xong. Chị kể:

“Có lần, mưa lớn quá, nước theo khe cửa ùa vô nhà như thác đổ, nước dưới cống cứ ục ục trào lên nhanh trông thấy. Nước đen thui, hôi rình, sợ chết khiếp. Hai chị em nằm trên giường ngủ chung với con trai mình, yên tâm chắc nước không lên tới giường. Nửa đêm, cả nhà giật bắn người tỉnh giấc vì cái tivi ngã chổng gộng xuống nước, nước văng lên mùng, ướt nhèm. Thì ra cái kệ tivi làm bằng mạc cưa ép bị nở nước thấm nên bung ra. Từ đó, mình thượng nó lên đầu tủ quần áo luôn cho chắc ăn”.

Chị Thương hiện sống là Kênh Nước Đen, Bình Hưng Hòa, với màu nước đen ngòm, đặc sánh, hôi thối hơn cả mùi nước cống trời mưa. Cộng thêm rác là rác, cỏ và rau muống lênh bênh trên kênh cùng cái nắng rát bỏng trưa hè làm tôi bất giác rùng người, khó chịu. Chị Thương như hiểu được ý tôi nên tâm sự:

“Bây giờ, nắng thì đỡ, chớ mưa thì cực lắm. Nước đen xì, hôi thối, ngập khắp nơi. Mình cứ chạy xe trong nước, nước ngập hơn nửa bánh xe, xe trước chạy thì mình cứ chạy theo. Vô phúc, lọt cống, có trời mà cứu. Đi nhằm lúc trưa xe vắng còn khá, chớ đi vào giờ cao điểm thì chết còn sướng hơn: vừa ướt, vừa thối, vừa kẹt xe, vừa ngứa nữa chứ. Về tới nhà phải tắm ngay. Khổ nổi, nước không phải lúc nào cũng có đâu em, nó giống như tâm trạng chủ nhà vậy: lúc vui nước chảy, lúc buồn nó ngưng”.

Về đến nơi, tôi thấy phòng trọ có diện tích khoảng 16m2, có cái gát nhỏ 2m, cửa sắt, nóc tole, trần được che thêm la phong là những tấm móp cho đỡ nóng. Đồ đạc trong phòng khá nhiều so với diện tích phòng (giường, bếp, tủ lạnh, tivi, tủ quần áo, xe máy) làm cho phòng không còn khoảng trống nữa. Chị Thương cột luôn cái xe đạp của con trai mình lên bông gió cho đỡ chật vì không có chỗ để. Chị nói: “Tội nghiệp con trai mình, bé cứ đòi tập chạy xe vì từ hồi mua xe tới giờ đã chuyển 2 chỗ trọ, chỗ nào cũng chật chội quá nên không cho bé tập chạy được. Bé cứ nói : ước gì mình có nhà to, có chổ để xe để con tập chạy xe. Ước gì con biết chạy xe đạp, há mẹ !”

Ở đây sử dụng nước máy hay nước giếng vậy chị ? Tôi hỏi.

“Nước giếng em”. Chị Thương nói tiếp: “Chủ nhà có 4 cái phòng trọ cho thuê, mỗi phòng giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng/ tháng. Điện 3.500 đồng/ KW, nước 5.000 đồng/ m3, cho 5 khối đầu. Mỗi tháng thu hơn 4 triệu bạc, vậy mà cũng không đủ, tháng nào cũng qua mượn tiền trước. Em biết không, có tháng tiền điện bả tính tới 4.000 đồng/ KW. Vậy mà cứ nợ Nhà nước mấy triệu đồng, tháng nào cũng bị niêm phong, cắt điện. Ý là nhà có tới 2 cái đồng hồ cái lận, hễ bị cắt cái này thì xài cái kia. Nhân viên điện lực niêm phong riết rồi cũng chán vì dán xong cái giấy, quay lưng đi ít phút là chủ nó kéo cầu dao lên xài, tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra vậy. Dạo này, họ khôn rồi, họ không thèm niêm phong nữa mà tháo mối điện trên nóc nhà luôn. Quýt dầy có móng tay nhọn. Cũng may là ông chủ nhà trọ làm nghề thợ điện, nên điện lực có tháo mối điện buổi sáng thì chiều tối ông chủ nhà về móc lại. Cúp điện có mấy tiếng một ngày mà tháo mồ hôi hột, chảy mỡ. Noài lịch cắt điện của Nhà nước, Tháng nào 4 phòng trọ này cũng bị vài lần như vậy. Thiệt là khổ”.



Xe đạp con chị Thương trên trên mái nhà

Phòng trọ bà Sáu sát vách, chung chủ nhà với chị Thương. Bà Sáu tuy có tuổi nhưng vẫn còn bương chảy, chở quần áo trẻ con bán chạy chợ và tại các khu công nghiệp, xí nghiệp. Bà Sáu tâm sự :

“Má thuê phòng này cũng 4, 5 năm rồi. Năm nào chủ nó cũng lên tiền nhà hết đó. Mấy bữa trước, nó nói là tiền nhà tháng này lên 200 ngàn đồng, vậy là 1,2 triệu/ tháng. Mà tháng nào nó cũng qua mượn tiền trước hết đó con. Mà mượn rồi tới tháng sau trừ nó còn cằn nhằn, nhăn nhó nữa chứ. Mình nhớ mình nhắc thì nó cho trừ, chớ mình quên là nó lơ luôn. Đã vậy, nhà dột mấy chổ, má báo chủ nhà trét lại nhưng nó lơ luôn. Nên đi đâu thấy trời mưa là má lật đật đi về vì sợ ướt hết đồ. Cái đèn hư, mình tự bỏ tiền ra để mua bóng thay. Cái cầu dao điện hư mình cũng tự thay luôn. Chủ nhà chỉ biết lụm tiền thôi con”.

Tôi sang phòng bên cạnh là phòng của bà Ba, gần 70 tuổi, quê ở Quãng Ngải, bán Hủ tíu gõ tại đầu hẻm phòng trọ, bà Ba cho biết:

“Tui mới về mướn phòng này được ít tháng. Cực lắm. Chiều nào cũng không có nước. Phòng nhỏ, không có sân nên tui để xe hủ tíu ở ngoài này. Tui bán tới 1, 2 giờ khuya mới về. Bữa nào đắt, công nhân ăn nhiều cũng phải sau 9 giờ tối mới về tới. Mệt chết. Tiền nhà bà chủ thu, tiền điện ông chủ lấy. Tháng rồi cũng qua mượn trước tiền nhà, tiền điện. Mình đã nghèo còn mắc cái eo. Khổ thiệt”.

Đời ở trọ, đi thuê nhà quả nhiêu khê, khốn khó. Cái nghèo cứ thêm, cái khổ vì chổ trọ chật chội, ngập nước, thiếu điện, thiếu nước sạch, ô nhiễm, tiền thuê nhà cứ tăng. Có một cái giảm là sức khỏe, là ước mơ về một nơi ở khang trang, thông thoáng, sạch sẽ. Không biết bao giờ con chị Thương mới được tập xe đạp và bao giờ bé mới biết chạy xe. Ước mơ nghe chừng nhỏ nhoi nhưng quả không nhỏ với người ở trọ.

Nguyễn Quân TT