Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Rồi đây, mây xám bay qua rồi

VRNs (25.07.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện Phiếm Đạo đời Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên Năm A



Rồi đây, mây xám bay qua rồi”
“Trong gió reo hẹn ước, không thôi”
Là lúc, tin yêu lên ngôi
Ta hát, khúc chung đôi.”

(Lê Trọng Nguyễn – Chiều Bên Giáo Đường)

(1Cr 10: 25-27)

Bên giáo đường, vào buổi chiều, mà lại thấy “mây xám bay qua rồi”, và những là: “tình yêu lên ngôi”, “ta hát khúc chung đôi”, thì ôi thôi, thật quá đẹp! Tuy là thế, nét đẹp ấy còn nhân lên thêm rất nhiều lần, khi người người hát câu tiếp:

Vàng rơi, bên gót chân son mềm,
Trên lối đi về xứ hoa duyên
Tà áo trinh nguyên tung bay nụ cười thân ái
.”
(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

“Nụ cười thân ái” ấy, hôm nay đây, không chỉ thấy có ở giáo đường, vào buổi chiều. Nhưng, sẽ còn thấy dài dài, khi “tà áo trinh nguyên tung bay’, “trên lối đi về xứ hoa duyên”, có “gót chân son mềm”, ánh vàng rơi.

Phải thế không anh? Có đúng không chị? Hỡi người anh/người chị của tôi và của bạn, vẫn cứ lân la bên giáo đường, những buổi chiều? Hỏi là hỏi thế, chứ bần đạo đây, nay biết chắc một điều, là: nhiều người/nhiều vị, dù đã có tuổi hay chỉ mới có tên ở xứ đạo lền khên bên nhà, vẫn thích mục “khi-ly-khi-tô” ở nơi nào, hơn là đến “bên giáo đường”, mà nguyện cầu!

Dĩ nhiên, đây chẳng là xác quyết của một ai. Nên, cũng không cần bằng chứng. Bởi, tìm bằng chứng mà làm gì, khi trên trang mạng ngày nay vẫn thấy đầy những truyện kể rất dễ nể, như sau:

“Truyện rằng:

Có cô vợ trẻ, thường đi làm về trễ, nên chồng ở nhà cũng không thấy có gì để lo lắng. Nhưng một hôm, cô về trễ hơn mọi ngày nên nghĩ rằng chồng mình ở nhà sẽ rất lo, bèn vội báo cáo ngay khi vào tới cửa:

-Hú hồn! Thoát rồi anh ạ!
-Thoát, là thoát gì thế, em?
-Thoát chết đấy! Tối nay trên đường về, em gặp một tên vô lại nó dí dao vào cổ em rồi quát tháo: Yêu thì tha, kêu la thì chết!
-Trời ơi! Thế rồi làm sao? Em giải quyết thế nào?
-Em xin tha. Thế là nó tha, chẳng cần yêu iếc gì hết….”

“Chẳng cần yêu”, ý nghĩa câu nói ở trên là thế nào, làm sao biết? Chỉ biết mỗi điều, là: chắc cô vợ và tay tệ nạn cũng hiểu ý nghĩa của chữ “yêu”, không theo lẽ Đạo, nên mới thế? Chắc, mọi người ở đời vẫn cứ hiểu tình yêu theo nghĩa chữ, ở bên dưới:

“Theo hoá học, tình yêu là phản ứng hoá học sinh ra axít.
Theo vật lý, tình yêu là lực hút mạnh hơn lực của trái đất, vẫn cứ hút.
Theo toán học, thì tình yêu là phép trừ của túi tiền, phép chia của trái tim, phép nhân của cộng đồng nhân loại, và phép cộng của rắc rối, trong cuộc đời.
Theo văn học, thì tình yêu là cuốn sách dầy đọc từ đầu trang đến cuối trang, vẫn không hiểu gì…”

Vâng “yêu” là như thế. Cả người nói lẫn người nghe vẫn chẳng hiểu gì, như ca từ ta lại hát:

“Hồi chuông thiêng sức loang mây trời
Rung nắng Xuân chiều xuống chơi vơi
Lời hát vang đưa cô liêu bên giáo đường yêu.”

(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

Không hiểu gì, là bởi: làm gì có chuyện “đưa cô liêu bên giáo đường yêu.” Giáo đường bao giờ mà chẳng rất “yêu”, chứ nào có cô liêu. Cô đơn. Hay cô độc! Cô liêu chăng, chỉ là những bạn gặp phải tình buồn, chốn yêu đương thần thánh, có giáo đường, là chốn thần thiêng đồng đạo vẫn yêu Chúa, yêu người nên đâu dám hát lời ca buồn, sau đây:

Nguyện cầu gục đầu bên hoa mắt, ướt nhòa
Hồn anh buồn trống duyên anh còn sống đời bềnh bồng
Nguyện cầu gục đầu bên nhau mắt, ráo sầu
Xa dần đen tối tìm màu Xuân mới, trên làn môi.”

(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

Mắt em và mắt tôi, có “ướt nhoà”, “sầu buồn”, thì “hồn anh buồn trống”, “sống đời bềnh bồng” đi nữa, thì “màu Xuân mới” vẫn cứ đến “trên làn môi” của anh và tôi, vẫn đang cười. Nở rộ. Và, hồn anh/hồn tôi, hồn mọi người dù khô cứng, đọng ngưng, vẫn hy vọng tình huống Chúa đỡ đần. Giùm giúp. Cũng chóng thôi.

Về hồn khô cứng, rất ngưng đọng, vẫn là tâm trạng của dân con đi Đạo vào mọi thời. Chí ít, là thời có nhiều thứ hấp dẫn hơn chuyện “Chiều bên giáo đường”, kể ở trên. Giáo đường hôm nay, vẫn còn nhiều người ưu tư/thắc mắc về động thái với hành xử ở giáo đường, mỗi sáng chiều. Vì ưu tư/thắc mắc, nên có vị đã chạy đến với đấng bậc để hỏi han lan man, một tình tiết rất như sau:

“Thưa cha. Con cũng chẳng biết được những gì đang xảy đến với con vào lúc này. Nhưng, sao con cứ thấy tâm hồn khô khan, rất nguội lạnh mỗi khi đọc kinh cầu nguyện không như dạo trước. Tức, dạo này con không còn thấy sốt sắng đi nhà thờ đọc kinh, chầu Mình Chúa nữa. Và cảm thấy như Chúa đang ở nơi nào đó, xa vời quá đối với con. Nhiều lúc, con lại nghĩ không biết mình có nên tiếp tục đọc kinh cầu nguyện hay không, khi lòng mình ra chai đá, vào lúc này. Cha nghĩ con nên làm gì, bây giờ? (Một giáo dân vẫn thắc mắc rất nhiều điều)

“Thắc mắc rất nhiều điều”, đâu là tâm trạng của anh, của chị rất hôm nay. Không thắc mắc, mới là chuyện lạ. Bởi, bình thường thì đấng bậc nhà mình đâu còn gì để làm, hoặc để phán nếu không có người thắc mắc, và hỏi han! Cụ thể như đấng bậc ở Sydney này, lại chỉ những mong và đợi xem có người anh/người chị nào thắc mắc như thế, để còn thưa. Và, đấng bậc nay thưa rằng:

“Có thể nói, chị là người thứ hai trong vòng có một tháng, vẫn hỏi tôi những câu như thế. Và, tôi tin chắc còn nhiều người khác nữa, cũng thắc mắc những điều tương tự, do bối rối. Bởi thế nên, chúng tôi mới có mục hỏi/đáp thắc mắc của bà con, ở cột này.

Điều mà chị hoặc ai khác đang kinh qua cảm nghiệm này, vẫn là điều mà nhiều người từng trải, mà ta có thói quen gọi đó là sự khô khan, nguội lạnh về thiêng liêng, đạo đức. Vốn rơi vào trạng huống này, người người đều thấy rằng mình ít sốt sắng hoặc chẳng sốt sắng chút nào hết. Vẫn cứ lo ra/chia trí hoặc cách nào đó, không còn thấy mình gần gũi Chúa nữa.

Nhìn vào những ngày xưa cũ, nhiều người thấy mình không còn như trước. Tức, không còn dễ dàng tập trung nguyện cầu, gần gũi Chúa. Nay thì khác. Người người vẫn tự hỏi không biết có nên cầu nguyện nữa hay không? Bởi, có nguyện cầu thì cũng đâu làm Chúa hài lòng được nữa.

Thật ra, đây là tình trạng mà nhiều người đang gặp phải. Ngay đến các thánh cũng còn gặp những trường hợp tương tự. Ai cũng biết, Mẹ Têrêxa từng kinh qua điều mà mẹ gọi là “những đêm tối trời của linh hồn”, vào những lúc như thế, mẹ thấy như Chúa đang xa rời mình, quá đỗi.

Hệt như thế, thánh nữ Têrêxa thành Avila cũng mô tả thời gian dài đằng đẵng, khí đó thánh như cảm thấy rất đau khổ vì sự khô khan/nguội lạnh, khi nguyện cầu. Thánh nữ từng viết: “Tôi nghĩ, với tôi thì thật là khó lòng mà bền đỗ suốt 18 năm liền cứ phải chịu thử thách như thế. Vẫn cứng lòng tin như thế, là do tôi không thể tập trung mà suy tư . Trong thời gian này, ngoài trừ những lúc rước Chúa vào lòng, còn ngoài ra tôi chẳng thể nào dám cầu nguyện mà không dùng đến sách kinh. Linh hồn tôi lúc ấy thật khiếp sợ cả việc cầu được điều gì nếu không nhất quyết đánh đuổi lũ quỷ mà cứ chực rình mình sơ hở. Bởi, thông thường thì, tôi ít gặp nỗi khổ khổ phải chịu cảnh khô kha/nguội lạnh. Điều này chỉ xảy đến khi tôi không có sách kinh nào ở trong tay. Khi ấy, hồn tôi lập tức đâm bối rối; và đầu óc tôi cứ thế rong chơi. Kịp đến khi tôi bắt đầu đọc kinh, thì mọi tư tưởng mới tụ hội. Như thế, sách kinh đóng vai trò móc mồi câu linh hồn mình.” (x. Cuộc đời #4)

Khô khan nguội lạnh về đường thiêng liêng/đạo đức có thể chỉ kéo dài một thời gian ngắn thôi. Có thể chỉ vài ngày, hay vài tuần. Cũng có khi đến cả tháng hoặc nhiều năm. Nếu buộc phải ngang qua tình huống như thế, ta nên làm gì?

Điều trước tiên, là nên tiếp tục cuộc sống có chuyên chăm nguyện cầu, chẳng cần biết mình thấy lòng trí mình khi ấy ra sao. Bởi, ác thần/sự dữ vẫn muốn ta nghĩ rằng: nếu thấy mình không còn gần gũi Chúa nữa, thì cầu nguyện làm gì cho mệt xác. Nếu thế thì, ta lại càng không chịu chào thua để cho chúng tung hoành mà phá phách.

Từ đó, phải nhận rằng: lời cầu nguyện của ta càng làm đẹp lòng Chúa hơn nếu ta cầu nguyện mà lòng trí lại khô khan, nguội lạnh. Chúa ban cho ta lòng trí sốt sắng để thấy mình gần gũi Ngài như thể Ngài đang đoái hoài nhìn xuống mà cứu giúp, thì khi ấy cầu nguyện lại càng dễ. Trường hợp này, ai cũng có thể làm được.

Thế nhưng, khi thấy mình khô khan, không gần gũi Chúa, ta càng phải cố gắng cầu nguyện hơn nữa. Có như thế, mới càng quý giá trước mặt Ngài. Khi đó, có cầu nguyện cho lung, ta sẽ càng làm đẹp lòng Chúa chứ chẳng phải để làm vui lòng mình đâu chứ.

Có điều ta biết chắc chắn, là: Chúa vẫn đánh giá cao động thái nguyện cầu như thế. Nếu ta có khuynh hướng nói rằng mình cũng chẳng muốn cầu nguyện vì thấy khô khan/nguội lạnh và không làm sao thoát khỏi cảnh huống này, thì khi ấy Chúa sẽ phán: “Ta không đánh giá lời cầu của con bằng cách xem con có ra khỏi cảnh khô khan/nguội lạnh được hay không, mà xem con có cố gắng đưa vào đó những gì của phần mình, thôi.”

Quả thế. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từng cho biết là cầu nguyện bao giờ cũng đòi hỏi một phấn đấu, rằng: “Cầu nguyện vừa là quà tặng ân huệ, vừa là quyết tâm đáp trả từ nơi ta. Cầu nguyện bao giờ cũng cần cố gắng. Các hình ảnh về việc nguyện cầu trong sách Cựu Ước, trước thời Chúa xuống thế làm người, cũng như lời cầu nguyện của Mẹ Chúa và các thánh, và của chính Đức Giêsu, đều dạy ta điều này: cầu nguyện quả thực là sự chiến đấu. Chiến đấu chống lại ai? Chống chính mình! Chống cám dỗ nào khiến ta xa vời cầu nguyện và rời xa, không còn hiệp thông với Chúa nữa.” (x GLHTCG #2725)

Cuối cùng thì, khi ta thấy mình ra khô khan/nguội lạnh, là ta có dịp tập dượt niềm tin trong nguyện cầu. Sách Giáo Lý cũng có viết: “Khô khan nguội lạnh, là chiêm niệm nguyện cầu trong khi lòng trí xa vời Đức Chúa, không còn vị ngọt của tư tưởng, ký ức và cảm xúc. Cả đến xúc cảm về mặt thiêng liêng, đạo đức nữa. Đây là thời khắc có niềm tin gắn bó vào với Chúa khi Ngài đang trong cơn hấp hối, ở mộ phần. Nếu khô khan là do thiếu bám rễ sâu, là vì lời cầu đã rơi xuống bệ đá sỏi, thì cuộc chiến đòi hỏi ta hồi hướng quay về.” (x.GLHTCG #2731)

Tóm lại, khô khan/nguội lạnh về mặt thiêng liêng, đạo đức có thể có điều lợi là đặt ta trong tình huống có ân huệ. Và, có thể còn có lợi về đường thiêng liêng, đạo đức do việc ấy mà ra nữa. Cuối cùng, thì điều quan trọng vẫn là: chớ có ngưng nguyện cầu, bao giờ.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 05/6/2011, tr. 10)

Nghe lời khuyên răn/tâm sự của đấng bậc vị vọng trên, là như nghe bài giảng thuyết, rất quen quen. Quen, từ hồi tôi và bạn, ta học giáo lý ở nhà thờ. Cũng chuyên chăm. Thầm lặng. Nghe và học như thế, có nghĩa là mình đã từng nghe, rồi quên lãng. Thế, những người chưa từng nghe và học, thì sao? Làm sao hiểu được lời cao siêu/khô cứng, rất ở trên? Câu trrả lời, có lẽ nên để các vị thánh nam nữ của Giáo hội, có thừa phương cách để trả lời, và trả vốn.

Bần đạo đây, vốn đã bần và phần đạo lại lạo xạo chỉ ba chữ, nên chẳng dám có ý kiến với “ý cò”. Chỉ dám trích câu Kinh (rất) thánh qua đó, thánh Gioan Tông đồ từng có thị kiến về một “Khải huyền”, rất như sau:

Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến,
thì Ta răn bảo dạy dỗ.
Vậy, hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn!
Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.
Ai nghe tiếng Ta và mở cửa,
thì Ta sẽ vào nhà người ấy,
sẽ dùng bữa với người ấy,
và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.”

(Kh 3: 19-20)

Về với thói quen rất cố hữu khi có những lời hỏi khá “hóc búa, như ở trên, bần đạo lại cứ từ từ trở về với ca từ của nghệ sĩ ở trên để hát thêm lời ca cuối, là đoạn kết. Hát rằng:

“Rồi đây mây xám bay qua rồi,
trong gió reo hẹn ước không thôi.
Là lúc tin yêu lên ngôi,
ta hát khúc chung đôi.”

(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

Khúc chung đôi, là khúc hát của tôi, chứ không hẳn là của bạn, vẫn muốn hát. Vào lúc này.

Trần Ngọc Mười Hai
nhiều lúc vẫn muốn hát
vì hát là nhân đôi lời nguyện cầu.
Ở bất cứ nơi đâu.