Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Bác ái, chân lý có toả sáng, Hoà bình, công lý mới giao duyên

VRNs (04.08.2011) – Sài Gòn – Vào lúc 10:00 sáng ngày 30/7/2011 vừa qua, tại phòng khách của Toà Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn, Đức Hồng Y đã có buổi gặp gỡ đại diện các nhóm giáo dân đã thao thức tìm hiểu, tự học hỏi và mong muốn truyền bá GHXHCG cho mọi thành phần dân Chúa trên quê hương Việt Nam.



Buổi gặp gỡ còn có sự hiện diện của linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, trưởng ban Công lý – Hoà bình của Giáo Phận Sài Gòn. Cha Trác vừa hoàn tất tiến sỹ chuyên về GHXHCG ở Rôma mới về và cha thư ký Toà Tổng Giám Mục.

Khởi từ “Lời chủ chăn đầu xuân 2011”, Đức Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã huấn thị: “Ban Công Lý và Hoà Bình : mở đường cho các gia đình và các cộng đoàn tín hữu tổ chức học hỏi và thực thi giáo huấn XH của Giáo Hội công giáo (GHXHCG) về xây dựng nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay”

Tiếp theo, vào ngày 27-5-2011 vừa qua, Uỷ ban Công lý và Hoà bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBCLHB/ HĐGMVN) chính thức ra mắt, cũng nêu lêu mục đích: “Hướng tầm nhìn đến các tín hữu Công giáo Việt Nam để giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hoà bình trong đời sống theo mẫu gương Chúa Kitô và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo; nhờ đó giúp họ thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội”

UBCLHB của giáo phận đang khởi sự với những bước đi ban đầu còn nhiều khó khăn. Mối quan tâm hiện nay là làm thế nào để quảng diễn GHXHCG cho toàn thể cộng đồng dân Chúa, trong khi đại đa số các linh mục (cha xứ) trong Giáo phận còn chưa thiết tha và còn “sợ” đụng vào GHXHCG, ngoại trừ một số cha giáo và các cha có quan tâm – Đó là tâm tư của cha trưởng ban UBCLHB của giáo phận và cũng là của tất cả những ai đang thao thức với hiện trạng của Giáo hội Việt Nam.

Một đại diện phỏng vấn Đức Hồng Y: “ĐHY muốn gì nơi chúng con lúc này, ngài muốn chúng con, những người đã ầm thầm, tự mày mò, tìm thầy, tự tìm hiểu học hỏi GHXHCG làm gì lúc này?”

Đáp lời, ngài nói mọi người nên làm thế nào để bác ái và chân lý toả sáng, thì mới kết hợp được công lý và hoà bình, ngài nêu lên châm ngôn: “Bác ái, chân lý có toả sang, Hoà bình, công lý mới giao duyên”. Ngài nhắc đến thông điệp Caritas in Veritate của Đức Thánh Cha (ĐTC) Biển Đức XVI.

Trong Thông điệp Caritas in Veritate, ĐTC Biển Đức XVI nhắc đến trong phần dẫn nhập: “Bác ái là con đường vương giả của học thuyết xã hội Giáo Hội, kể cả khi nó bị hiểu sai và không được bao gồm trong vốn liếng hiểu biết về đạo đức học. Thế nhưng,”một Kitô giáo sống bác ái mà không có chân lý, thì có nguy cơ chỉ là một danh mục liệt kê những tình cảm tốt đẹp, có ích cho sự sống xã hội, nhưng vẫn nằm ở bên lề… Sự phát triển cần phải có chân lý” và Đức Thánh Cha giữ lại hai tiêu chí hành động đạo đức xuất phát từ khái niệm Bác Ái trong Chân Lý. Công bằng và Công ích. Mọi Kitô hữu được mời gọi sống bác ái, cả trong vai trò xã hội của họ” (Trích từ nguồn “Để đọc Thông điệp Caritas in Veritate” XBVN).

Cũng trong thông điệp này, ĐTC Biển Đức XVI nhắc lại tính hiện tại của Thông điệp “Populorum progression – Phát triển các dân tộc” của Cố ĐTC Phaolô VI. Trong thông điệp “Populorum progression” số 84, Cố ĐTC Phaolô VI có ngỏ cùng các chính khách: “Các chính khách, nghĩa vụ của các ngài là làm cho các cộng đoàn tuỳ thuộc các ngài liên đới chặt chẽ hơn với mọi người; thuyết phục họ bằng lòng cho trích một phần xa hoa xài phí của họ để xúc tiến việc mở mang các dân tộc và bảo vệ hoà bình. Sau hết một phần lớn nhờ các ngài, quý vị đại diện trong các cơ quan quốc tế, để có thể thay thế những cuộc đụng độ bằng vũ lực nguy hiểm và vô bổ bằng sự hợp tác tinh thần, ôn hoà và vô vị lợi, để cho nhân loại được phát triển đồng đều và con người được phát triển toàn diện”.

Phải chăng đó là con đường đối thoại mà Đức Hồng Y luôn nhắc đến?

An Phúc