Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Phúc Âm hoá, chạnh lòng thương, tìm công lý

VRNs (08.08.2011) – Trong bài viết trước, chúng ta có nhắc đến tài liệu “Một Tầm Nhìn Mới, Một Trái Tim Mới và Một Ơn Gọi Đổi Mới” của Diễn Đàn Phúc Âm Hoá Thế Giới 2004.



Xin nói thêm rằng Phong trào Lausanne là một phong trào quốc tế thúc đẩy “Toàn thể Hội Thánh đưa toàn bộ Lời Chúa đến cho toàn thế giới.” Phong trào có tên gọi là Lausanne vì Công Hội Quốc Tế lần thứ nhất về công cuộc Phúc Âm Hoá Thế Giới, được tổ chức tại Lausanne, Thuỵ Sĩ vào tháng 7 năm 1974.

Mỗi lần họp mặt, Uỷ Ban Quốc Tế Lausanne chọn một địa điểm khác nhau, và bàn về một vấn đề liên quan đến mục tiêu của phong trào là Phúc Âm hoá thế giới. Tài liệu “Một Tầm Nhìn Mới…” là của Diễn Đàn Phúc Âm Hoá Thế Giới 2004 tại Pattaya, Thái lan năm 2004. Chủ đề hội nghị năm ấy là về nghệ thuật và nghệ sĩ Công giáo.

Nói về nghệ thuật và nghệ sĩ, nhưng tài liệu của Diễn đàn lại đưa ra vấn đề rất gần với xã hội con người nói chung trong cái nhìn Kytô giáo, đón nhận Đức Kytô là nhà Truyền Thông vĩ đại.

Tôi đọc tài liệu ấy đồng thời được ghé “thăm Cha Giám Tình” DCCT để được “nghe” ngài chia sẻ những suy tư sâu sắc mà thực tế. Bài chia sẻ của ngài về việc Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” chỉ có 158 từ (con số gần với số những con cá mà các Tông đồ bắt được khi kéo lưới theo lệnh truyền của Đức Kitô).

Trong chia sẻ của Cha Giám Tỉnh, có đoạn viết súc tích: “Chúng ta không được quyền dửng dưng với “đoàn người đông đảo” nếu chúng ta còn muốn chúng ta là người Kitô hữu. Hội Thánh không được quyền vô cảm với thế gian nếu Hội Thánh còn muốn là Hội Thánh của Chúa Kitô (…) Bao vết thương đau đớn của nhân loại, của anh em, của đồng bào ruột thịt đang chờ chúng ta chữa lành.”

Không dửng dưng, mà phải chạnh lòng thương. “Chạnh lòng thương” là những từ diễn tả tấm lòng của Đức Kitô mục tử. Đó cũng là khẩu hiệu Giám Mục của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, một vị mục tử đã sống chết cho dân nghèo của Thiên Chúa. Đó cũng là lời mà phong trào Lausanne muốn nói đến, ngay cả khi nói về nghệ thuật và nghệ sĩ.

Tài liệu Lausanne viết: “Việc Giáo Hội tham gia vào các vấn đề xã hội có thể bị ngăn cản bởi những yếu tố sau đây: Không nhận ra rằng sứ vụ hướng đến người nghèo và người thiếu thốn là phục vụ Chúa Kitô.” Giáo Hội mà lại có thể không nhận ra sứ vụ của mình? Vậy đâu phải chỉ giáo dân Việt nam đặt vấn đề này, mà chính là phong trào quốc tế về Phúc Âm hoá thế giới đã cảnh báo rồi.

Mấy hôm nay nhiều anh chị em trong Gia đình Truyền Thông Chúa Cứu Thế chúng tôi thấy ray rứt vì một chuyện bất ngờ được nghe biết. Một nhóm anh em đến trao đổi với một vị chủ chăn về các vấn đề xã hội. Và vị chủ chăn ấy cũng nhấn mạnh đến “yêu thương” mà không chú ý lắm đến chuyện công lý xã hội.

Những người nghe vị ấy nói thấy buồn, và ai nghe kể lại cũng buồn vì ba câu hỏi được đặt ra, đã có lời giải đáp nhưng một số chủ chăn chưa quan tâm và còn phải tự hỏi tiếp: Công lý là gì? Công lý và tình yêu có mối quan hệ thế nào? Yêu là lệnh truyền Chúa Giêsu, nhưng nếu chỉ yêu người có quyền lực thì có đủ bổn phận chưa? Chọn yêu người giàu và người có quyền thế thì khá dễ vì… có lợi. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc phải yêu thương người bé mọn nhất.

Có một điều rất lạ là phong trào học hỏi Giáo huấn Xã Hội Công Giáo đang bắt đầu ở nhiều nhóm giáo dân, nhưng dường như một số người e dè không dám dùng những từ ngữ mà Hội Thánh dùng, thậm chí có vị còn sửa đổi từ ngữ hoặc bỏ bớt chi tiết để được phép in sách (!)

Không phải chỉ từ cuối thế kỷ 19, khi Đức Thánh Cha Leo XIII công bố Thông điệp Tân sự (Rerum Novarum) thì Giáo huấn Xã Hội Công giáo mới ra đời. Chính Chúa Giêsu đã loan báo Giáo huấn của Người dưới chiều kích xã hội trong lời giảng dạy và phép lạ Người thực hiện cho dân Israel, vốn là dân nghèo của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu không đến nơi công đường để ăn uống, ký kết hay đối thoại với người có quyền chức. Đối với Người chuyện ấy không cần thiết. Người cũng chẳng đặt vấn đề phải hành xử thế nào với nhà cầm quyền Do thái. Người chỉ rao giảng, đón nhận người nghèo, chữa lành họ. Và còn nữa, những kẻ giàu có hay có quyền chức mà hạch sách dân nghèo, thì Người lên án.

Chúa không loại trừ người quyền chức ra khỏi nhiệm cục Cứu độ, nhưng Chúa không chấp nhận việc họ dùng quyền cao chức trọng để đàn áp dân nghèo. Và chính Người cũng nói rõ rằng Người đến để cứu những con chiên lạc, đến vì người đau yếu khốn khổ.

Khi một người nổi tiếng gặp nạn, nhiều người lên tiếng bênh vực, thì việc ta lên tiếng xem ra có vẻ dễ dàng, nhưng khi những anh em nhỏ bé hơn gặp phiền toái, thì dường như việc bênh đỡ cho các anh em ấy không đơn giản chút nào!

Hội Thánh Chúa Kitô đã chọn con đường Thầy mình bước đi. Ngay trong phần mở đầu của bản Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, chúng ta đã có thể vui mừng nhìn thấy con đường ấy: “Biết bao anh chị em nghèo đói đang cần giúp đỡ, biết bao người bị áp bức đang chờ công lý, biết bao người thất nghiệp đang cần công ăn việc làm, biết bao người đang mong được tôn trọng”.

Khi nói yêu thương mà không nhắc đến những con người ấy, thì e rằng tình yêu còn xa rời công lý. Những con người ấy không phải chỉ được nhắc đến do một Dòng tu, mà còn là do Hội Thánh, và do chính Đức Kitô, đó là “anh chị em nghèo đói, người bị áp bức, người thất nghiệp, người đang mong chờ được tôn trọng”. Vâng, chỉ chờ được tôn trọng mà thôi, chứ chẳng cần đến vinh dự hay chức quyền!

Như thế, “Phúc Âm hoá, chạnh lòng thương, tìm công lý” là những từ ngữ, những khái niệm và những thực hành đi chung với nhau, không tách rời ra được. Tất cả những nỗ lực truyền giáo sẽ không đem lại kết quả nhiều nếu chúng ta đi ra khỏi quỹ đạo công lý và yêu thương.

Và chúng ta hiểu “Tầm Nhìn Mới” mà phong trào Lausanne đề cập hoá ra là tầm nhìn truyền thống của Hội Thánh: “Phúc Âm hoá, chạnh lòng thương, tìm công lý”.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs