Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Phụng vụ và công lý (Phần 1)

VRNs (07.08.2011) -Phong trào thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình của người Công giáo Việt Nam đã khởi động từ vài năm gần đây, đứng trước nhiều biến cố xảy ra trong cũng như ngoài Hội thánh. Không phải tất cả người Công giáo Việt Nam, từ giáo dân đến hàng giáo phẩm, đều “đồng cảm và đồng thuận” với việc này. Bằng chứng hiển nhiên là tuy bất công lan tràn khắp nơi nhưng việc cầu nguyện cho công lý và hòa bình chỉ nhen nhúm một vài chỗ… Nhà cầm quyền Việt Nam thì luôn tìm cách ngăn chặn nhân danh những điều… không có trong luật pháp!…

Một linh mục DCCT đang du học nước ngoài đã bỏ công nghiên cứu về vấn đề “phụng vụ và công lý” dưới ánh sáng những hướng dẫn và truyền thống của Hội thánh Công giáo.

VRNs xin giới thiệu bài nghiên cứu công phu này trong 2 kỳ. Xin mời quý vị cùng xem và suy nghĩ.



Nên hay không nên dập tắt phong trào thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình?

Mấy năm trở lại đây, người ta thường nhắc nhiều đến phong trào thắp nên cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Việt Nam. Phong trào này khởi phát trong bối cảnh của một đất nước chịu sự chi phối của những người cộng sản hơn 65 năm qua. Thực tế cho thấy với chế độ độc đảng hiện nay, xã hội Việt Nam đang ngày càng trở nên ngột ngạt và tràn ngập những bất công, lũng đoạn. Điều đau lòng cần được nhắc đến ở đây là đất đai của dân nghèo đang bị chính nhà nước vốn tự xưng là “của dân, do dân và vì dân” chiếm đoạt để bán chác kiếm lời.

Với tiếng kêu cứu của người nghèo, kể từ cuối 2007, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Hà Nội, được xem là người đã khởi xướng phong trào này nhằm tố cáo những áp bức, bất công và việc tước đoạt các quyền sống căn bản của con người. Đáp lại lời mời gọi của vị Tổng Giám mục can trường này, hàng ngàn tín hữu Công giáo đã tham gia những buổi cử hành phụng vụ với nghi thức thắp nên cầu nguyện cho những người nghèo, những người bị đàn áp, chà đạp.

Ứng phó với phong trào này, nhà cầm quyền Hà Nội đã có những cuộc trấn áp nhắm vào bản thân Đức Tổng Kiệt và giáo dân Hà Nội. Một loạt các vụ bắt bớ, đánh đập đã xảy ra. Ngay cả thánh giá, biểu tượng thánh thiêng của người Công giáo, cũng bị đập phá.

Quan ngại trước tình trạng đè nén, bắt bớ người Công giáo tại Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, đạo cũng như đời, đã lên tiếng phản đối giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Chẳng hạn, trong kháng thư gửi đại sứ Việt Nam tại Canada, Đức Tổng Giám mục Thomas Collins, Tổng Giáo phận Toronto đã bảy tỏ mối bận tâm của mình: “Ông Nguyễn thân mến, một nỗi bất bình đang gia tăng trong tôi khi biết rằng những hành động gần đây của nhà cầm quyền Việt Nam chống lại Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô quang Kiệt và cộng đồng Công giáo Hà Nội. Chắc chắn rằng sự đàn áp này không thể tránh khỏi sự lưu tâm của cộng đồng quốc tế và sự đàn áp này chắc chắn gây thiệt hại lớn cho vị trí của Việt Nam trong cộng đồng các quốc gia.”[i] Trong một kháng thư khác, ngài cũng nhấn mạnh: “Thưa ông đại sứ, tôi quan tâm một sách sâu sắc về việc gia tăng bách hại người công dân công giáo tại qúy quốc …. Hình ảnh tuyệt vời của dân tộc Việt Nam đã bị hoen ố trong con mắt mọi người trên thế giới khi mà những công dân Việt Nam hiền hoà đã bị sách nhiễu và thậm chí bị tấn công bằng bạo lực chỉ vì đức tin của họ. Hành động này rất đáng tiếc và thật không cần thiết. Người tín hữu Công giáo là những công dân tốt của các quốc gia trên toàn thế giới, và việc tự do thực thi đức tin cũng như việc tôn sùng Thánh giá của họ không phải là những mối đe dọa cho bất kỳ một quốc gia hay chính phủ nào. Thật vậy, người công dân Công giáo Việt Nam là một nguồn sức mạnh và sinh lực sống còn cho đất nước tuyệt vời của qúy quốc. Thật là điều hổ thẹn khi họ không được tôn trọng.”[ii]

Người Công giáo Việt Nam hôm nay vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí là bị đàn áp, khống chế thậm tệ, nhưng không vì thế họ lãng quên việc dấn thân trong công cuộc tìm kiếm công lý cho quê hương, dân tộc mình nói chung và cho những người dân nghèo bị đè nén, áp bức nói riêng. Điều này gợi nhắc đến tương quan nội tại giữa phụng tự Kitô giáo và vấn đề công lý –hòa bình. Bài viết này sẽ làm sáng tỏ tương quan đó bằng cách truy nguyên các căn cứ Kinh thánh, thần học và lịch sử của vấn đề, sau đó sẽ gợi nhắc các khía cạnh của công lý được thể hiện qua phụng vụ thánh lễ, qua đó có thể tìm được những khởi hứng cần thiết cho một phong trào vì công lý của người nghèo chiếu theo tinh thần Tin mừng.

Những thuật ngữ cần làm sáng tỏ

Phụng vụ

Khi nói đến Phụng vụ Kitô giáo, đôi khi chúng ta chỉ nghĩ đến những bản văn với luật chữ đỏ. Điều đó không diễn tả hết được ý nghĩa của phụng tự Kitô giáo. Phụng vụ Kitô giáo không dừng lại ở những công thức với những chỉ dẫn chữ đỏ, mà nó bao hàm toàn vẹn sự kiện một cộng đoàn tín hữu diễn tả đức tin của mình dựa trên những nghi thức phụng tự có trong Giáo hội. Khám phá ý nghĩa phụng vụ Kitô giáo, Catherine Vincie nhấn mạnh rằng “hành động mang tính nghi thức phụng vụ bao hàm bầu khí, hình ảnh, âm thanh, khoảng cách, hành động của con người với các vật thể, sự tương tác giữa con người với vật thể, lời nói hoặc lời ca, những cảm thụ sáng tạo được chia sẻ và hơn thế nữa là sự gặp gỡ với cõi thiêng….”[iii] Tương tự như vậy, Mark Searle giải thích rằng “thuật ngữ [phụng vụ] được sử dụng ở đây có ý ám chỉ đến hành động của một cộng đoàn được quy tụ để lắng nghe Lời Chúa, để cùng bẻ bánh, cùng cử hành nghi thức đón nhận những thành viên mới, nghi thức xức dầu bệnh nhân, nghi thức sám hối và canh tân, hôn phối và truyền chức thánh, hoặc cộng đoàn đó cùng nhau ngợi ca, cảm tạ Thiên Chúa.”[iv] Tắt một lời, phụng vụ là nghi lễ căn bản qua đó người tin diễn tả sự gặp gỡ Thiên Chúa của mình cùng với mầu nhiệm cứu độ của Người, là cách thế người tin diễn tả vai trò người môn đệ đích thật bước theo sát Chúa Kitô.

Công lý

Một ý niệm khác cũng cần được làm sáng tỏ ở đây đó là ý niệm về công lý. “Công lý” cũng có nhiều nghĩa khác nhau. Hiểu một cách đơn giản, công lý là hành động ngay chính trong vấn đề trao ban và lãnh nhận những giá trị vật chất, tinh thần. Một xã hội có công lý là một xã hội trong đó mỗi người được hưởng những quyền lợi phân chia đông đều, tương thích với các giá trị vật chất và tinh thần trong xã hội đó.[v] Công lý theo nghĩa đạo đức, pháp lý này được thể hiện cụ thể chiếu theo những quy tắc về luật nhằm phân định rạch ròi cái gì là công bằng, cái gì là bất công bằng; và việc “đấu tranh cho công lý là đi tìm kiếm sự chỉnh sửa về mặt pháp lý hay sự sửa đổi hiến pháp cho những tình huống thiếu công bằng.”[vi] Tóm lại, công lý theo nghĩa pháp lý đồng nghĩa với đức công bằng.

Nhưng công lý còn có một ý nghĩa cao hơn nghĩa pháp lý. Công lý theo nghĩa Kinh thánh đó là công lý của Thiên Chúa được mạc khải trong lịch sử cứu độ, được ghi lại trong Kinh thánh và được công bố nơi cộng đoàn những người tin. Một đàng, công lý của Thiên Chúa được mạc khải nơi tạo thành qua đó thụ tạo phải được hiện hữu và hoạt động theo như những gì Thiên Chúa muốn cho nó khi Ngài sáng tạo nên nó; đàng khác, công lý của Thiên Chúa được thể hiện khi thụ tạo quy thuận theo ý định của Thiên Chúa trong lịch sử. Nói cách khác, công lý của Thiên Chúa là muốn con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10b). Nói như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma, công lý của Thiên Chúa là “giải án tuyên công” cho những ai Ngài đã kêu gọi (x. Rm 8, 30). Lẽ ra con người phải bị phạt vì tội lỗi của họ, nhưng nhờ công lý của Thiên Chúa, họ được giải gỡ khỏi vòng tội lụy để được sống dồi dào như ý định ban đầu của Thiên Chúa dành cho họ khi tác tạo nên họ. Nói cách ngắn gọn như Searle: “Công lý của Thiên Chúa được thực thi khi thụ tạo quy phục ý hướng ban đầu Thiên Chúa sáng tạo nên nó.”[vii] Searle cũng nhấn mạnh rằng “công lý của Thiên Chúa đã được mạc khải cho ta qua nhiều phương nhiều cách khác nhau trong lịch sử nhân loại, nhưng trên hết, mọi chiều kích của nền công lý ấy được tỏ hiện nơi con người Đức Giêsu Kitô. Ngài là Đấng công chính… không chỉ vì Ngài tuân giữ các giới luật, nhưng vì Ngài đã sống theo đúng trật tự và ơn gọi mà Đấng tiền định mọi sự đã kêu gọi Ngài.”[viii] Như vậy, công lý của Thiên Chúa cũng bao hàm cả ý nghĩa pháp lý, nghĩa là đức công bằng trong xã hội. Bất cứ tác nhân hay thể chế nào tước đoạt những quyền sống căn bản của con người thì đều là đối nghịch với công lý của Thiên Chúa. Bài viết này sẽ đề cập cả hai ý nghĩa của ý niệm công lý: công lý theo nghĩa pháp lý và công lý theo nghĩa Kinh thánh.

Nền tảng Kinh thánh và thần học cũng như lịch sử của vấn đề

Mark O’Keefe khẳng định rằng “tương quan giữa phụng tự và công lý được đề cập rõ ràng trong Kinh thánh.”[ix] Các ngôn sứ trong Cựu Ước thường nhắc đi nhắc lại cho dân Chúa về mối tương quan này. Chẳng hạn, ngôn sứ Isaia công bố rằng thực thi công lý chính là cách thế thờ phượng chân thực nhất: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7). Cũng vậy, ngôn sứ Amos cảnh tỉnh Israel về sự tách rời việc phụng tự với việc thực thi công lý: “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu… những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi. Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Am 5, 21-24).

Không chỉ Cựu Ước luôn nhắc đến sự khăng khít giữa phụng tự và việc thực thi công lý, mà tương quan này còn được nhấn mạnh cách đặc biệt trong Tân Ước. Điều đáng lưu ý nhất là ngay bản văn đầu tiên của Tân Ước (1 Cr) đã đề cập đến mối tương quan này. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã quở trách những biểu hiện của óc bè phái là căn cớ đe dọa tính chân thực của việc cử hành Thánh thể. Ngài phê phán một cách nặng nề những người giàu có không sẵn lòng đón tiếp những người nghèo khi cả hai cùng tham dự Bữa ăn của Chúa: “…Tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao?” (1 Cr 11, 18-22). Nhận định về bản văn này, Mark R. Francis chỉ ra rằng “nhưng lời quở trách của thánh Phaolô là lời lên án một thứ phụng tự tách rời khỏi đời sống công chính.”[x] Phân tích bản văn 1 Cr 11, 17-33, Eugne La Verdiere cũng nhận xét rằng “thánh Phaolô đã kêu gọi các tín hữu Côrintô hướng đến một lối sống, một thái độ sống ứng hợp với Bữa ăn của Chúa. Nếu không có lối sống ứng hợp này, thì việc cử hành Bữa ăn của Chúa không có ý nghĩa…. Đời sống luân lý không ứng hợp với phụng tự thì việc phụng tự không có giá trị, thậm chí là trở nên gớm ghét trước mặt Chúa.”[xi]

Không chỉ bản văn đầu tiên của Tân Ước nhắc đến tương quan giữa phụng tự và công lý, mà toàn bộ Tân Ước cũng nối kết hai khía cạnh đó trong đời sống của người tin. Có cùng một nhận xét với Hans Bernard Meyer, O’Keefe nhận định rằng “nhiều thuật ngữ được cộng đoàn Kitô tiên khởi sử dụng để nói đến những bận tâm có tính cách xã hội nhưng đồng thời cũng lại bao hàm tính cách tôn giáo, phụng tự, chẳng hạn như diakonia, koinonia, oblation, operari… Chính do có sự gắn kết khăng khít giữa phụng tự và luân lý, việc thờ phượng và tinh thần dân thấn có tính cách xã hội mà đức tin Kitô giáo đã thu hút dân ngoại trở lại….”[xii]

Tiếp nối truyền thống của Tân Ước, Giáo hội thời các Giáo phụ cũng tiếp tục nhấn mạnh đến ý nghĩa của phụng tự với việc thực thi công lý. Giáo phụ Justinô đã thúc giục cộng đoàn của ngài: “Trong chúng ta, những ai có khả năng thì hãy đến giúp đỡ những người đang cần sự giúp đỡ và chúng ta luôn trợ giúp cho nhau.”[xiii] Hơn nữa trong Didaskalia Apostolorum, ta cũng tìm thấy những lời thúc bách các giám mục: “Nếu người nghèo đến với địa phận của anh em, dù họ thuộc hay chưa thuộc về địa phận của anh em, thì anh em cũng vẫn phải dành cho họ một chỗ với tất cả tấm lòng chân thành, thậm chí là anh em phải ngồi xuống đất để nhường chỗ cho họ. Anh em không được phân biệt đối xử người này người kia nếu anh em thực lòng muốn làm vui lòng Thiên Chúa.”[xiv]

Sau thời các Giáo phụ, chiều kích phụng vụ gắn với việc thực thi công lý xem chừng bị lu mờ phần nào. Nhận xét về giai đoạn này, James Dallen than thở rằng “vị trí con người vượt trên sự vật dường như bị lãng quên. Người ta đã quá chú trọng đến bàn thánh hơn là những người đứng vây quanh bàn thánh.”[xv]

Thực ra, mối tương quan gắn kết giữa phụng vụ và viêc thực thi công lý không bị lãng quên hoàn toàn. Những nhà thần học lỗi lạc của các thời đại vẫn không ngừng tìm kiếm sự nối kết giữa đời sống phụng tự với việc thực thi công lý cho người nghèo. Trong số những thần học gia như thế phải kể đến thánh Augustinô, Đức Leo Cả, thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Tôma, Martin Luther, John Calvin và Charles Wesley….[xvi]

Những thế kỷ sau này, song song với những nỗ lực suy tư của các nhà thần học, huấn quyền Giáo hội cũng không bao giờ lãng quên mối bận tâm về nền phụng tự gắn liền với việc thực thi công lý. Các thông điệp liên quan đến giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội là một bằng chứng cho thấy Giáo hội không bao giờ tách rời đời sống phụng tự khỏi việc thực thi công lý. Chẳng hạn, trong thông điệp Rerum Novarum, Đức Leo XIII đã đề cập đến nền phụng vụ gắn liền với giá trị lao động và sự song đối giữa việc bảo vệ quyền lợi của những người lao động với việc tuân giữ việc thờ phượng ngày Chúa Nhật.[xvii] Cũng tương tự như vậy, trong Thông điệp Quadragestio Anno, Đức Pio XI nhấn mạnh phụng vụ như là động lực thúc đẩy việc canh tân, biến đổi đời sống xã hội.[xviii] Đến thời Đức Gioan XXIII, với Thông điệp Mater et Magistum, ngài đã chỉ ra mối tương quan nội tại giữa phụng tự và việc thực thi công lý. Cụ thể, ngài tương chiếu việc Chúa hóa bánh ra nhiều với lương thực nước trời được trao ban trong Bữa ăn tối và phụng vụ với ý nghĩa của việc nghỉ lễ ngày Sabát.[xix] Với cách diễn giải đó, ngài ám chỉ đến quyền lợi căn bản mà con người được hưởng trong đời sống xã hội. Ngoài ra, các văn kiện quan trọng khác của huấn quyền Giáo Hội như Thông điệp Pacem in Teris (Gioan XXIII), Populorum Progressio, Octogesima Adveniens (Phaolô VI) và Loborem Exercens (Gioan Phaolô II), cách này hay cách khác cũng phản ánh mối bận tâm của Giáo hội về mối tương quan giữa phụng tự và công lý. Khi nhận định về các văn kiện này, James Dallen chỉ ra rằng “tất cả những thông điệp này của các Đức Giáo hoàng đều đề cập đến các khía cạnh lao động của con người như biểu tượng trung tâm làm cho việc cử hành Thánh thể có ý nghĩa. Bánh và rượu trong cử hành Thánh thể biểu trưng cho sản phẩm và công lao của con người góp thành.”[xx]

Ngoài những văn kiện của các Đức Giáo Hoàng luôn lưu ý đến khía cạnh phụng vụ và công lý, các phong trào canh tân phụng vụ trước Công đồng Vatican II cũng phát xuất từ những bận tâm về công lý. Có lẽ Virgil Michel, đấng sáng lập dòng Orate Fratres, là người tiên phong trong phong trào canh tân phụng vụ chiếu theo tinh thần thực thi công lý. Ngài từng nhấn mạnh rằng “trong khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội vốn là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô được đòi buộc phải hành động như Chúa Kitô ở trong thế gian, nghĩa là cần biểu tỏ những mối bận tâm, ưu ái của Đức Giêsu đối với những người khác, nhất là những người lao động, những người nghèo khổ.”[xxi] Một nhân vật nổi bật khác cũng ưu tư về mối tương quan giữa phụng tự và công lý đó là Dorothy Day. Bà quan niệm rằng thánh lễ được cử hành ngày trong chính công việc bác ái xã hội. Linh đạo của bà đã gợi hứng cho phong trào công nhân Công giáo trước Công đồng Vatican II.

Sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nền phụng vụ gắn liền với công lý đó là sự kiện Công đồng Vatican II. Nhấn mạnh đến nền tảng của nền phụng vụ này, các Nghị phụ của Công đồng tuyên bố rằng “Chúa Kitô đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng cậy trông và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của lao công con người, được biến thành Mình và Máu vinh hiển, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời.”[xxii] Quả thật, với Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes), Công đồng Vatican II đã tạo nguồn cảm hứng cho các tín hữu dấn thân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là khía cạnh công bằng xã hội. Một trong những người dám dấn thân hết mình trong lĩnh vực này theo tinh thần của Công đồng đó là Đức Giám mục Oscar Romero. Ngài đã bị sát hại đang khi cử hành thánh lễ và lý do ngài bị sát hại là dám dấn thân trong công cuộc đấu tranh đòi công lý cho những người nghèo khổ, những người bị áp bức. Cái chết của ngài đã phản ánh mối tương quan đích thực giữa phụng tự và công lý. Nói cách khác, hình ảnh Đức Giám mục Romero là một minh chứng hùng hồn cho một nền phụng tự Kitô giáo thúc đẩy các tín hữu dấn thấn trong đời sống trần thế để hướng đến một nền công lý đích thực của Thiên Chúa. Đức Giám mục Romero có thể miệt mài đấu tranh tìm kiếm công lý cho người nghèo đến nỗi phải hy sinh tính mạng mình là do ngài đã được dìm mình trong một đời sống phụng tự Kitô giáo đích thực.

(Còn tiếp…)

LM. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R

--------------------------------------------------

[i] Thomas Collins, “Letter of Archbishop of Toronto to the Ambassador of Viet Nam in Canada,” http://vietcatholic.net/Media/1068d6ca16e3b087haikhangthu.pdf (accessed August 1, 2011).
[ii] Ibid.
[iii] Catherine Vincie, “The Cry for Justice and the Eucharist,” Worship 68 no.3 (May 1994): 200.
[iv] Mark Searle, “Serving the Lord with Justice” in Liturgy and Social Justice, ed. Mark Searle (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1980), 15.
[v] Christopher Kiesling, “Liturgy and Social Justice,” Worship 51, no. 4 (July 1977): 352.
[vi] Searle, “Serving the Lord with Justice,” 15, quoted in D. Burrell, “Justice…What Is It All About?,” Occasion Papers on Catholic Higher Education 4, no. 2 (Winter 1978) 12-17.
[vii] Searle, ““Serving the Lord with Justice,” 16.
[viii] Ibid., 17.
[ix] Mark O’Keefe, Becoming Good, Becoming Holy: On the Relationship of Christian Ethics and Spirituality (New York: Paulist Press, 1995), 105.
[x] Mark R. Francis, “Announcing God’s Reign: Liturgy, Life and Justice” in Finding Voice to Give God Praise: Essays in the Many Languages of the Liturgy, ed. Kathleen Hughes (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1998), 179.
[xi] Eugene LaVerdiere, “Worship and Ethical Responsibility” in To Do Justice and Right upon the Earth, ed. Mary E. Stamps (Collegeville: Liturgical, 1993), 20.
[xii] O’Keefe, Becoming Good, Becoming Holy: On the Relationship of Christian Ethics and Spirituality, 105.
[xiii] Lucien Deiss, Springtime of the Liturgy, trans. By M. J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1979), 93.
[xiv] Ibid., 176.
[xv] James Dallen, “Liturgy and Justice for All,” Worship 65, no. 4 (July 1991): 293.
[xvi] Francis, “Announcing God’s Reign: Liturgy, Life and Justice,” 180.
[xvii] Pope Leo XIII, “Rerum Novarum,” 41 &57, http://www.vatican.va/holy_father/leo_xiii/encyclicals/documents/hf_l-xiii_enc_15051891_rerum-novarum_en.html (accessed August 2, 2011).
[xviii] Marvin L. Krier Mich, Catholic Social Teaching and Movements (Mystic, CT: Twenty-Third Publicatioins, 1998), 88.
[xix] Pope John XXIII, “Mater et Magistra,” 5, 249 & 258, http://www.vatican.va/holy_father/john_xxiii/encyclicals/documents/hf_j-xxiii_enc_15051961_mater_en.html (accessed August 2, 2011).
[xx] Dallen, “Liturgy and Justice for All,” 294.
[xxi] O’Keefe, Becoming Good, Becoming Holy: On the Relationship of Christian Ethics and Spirituality, 105.
[xxii] Vatican II, Gaudium et Spes, 38.