Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Thắp nến cầu nguyện phải là đối thoại của Uỷ ban CLHB

VRNs (08.08.2011) – Sài Gòn – Hình ảnh thắp nến cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình (CLHB) đã trở nên quen thuộc với mọi người trong và ngoài nước, bất kể người có theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, từ sự kiện Thái Hà và Toà khâm sứ, năm 2008.



Khởi từ DCCT Thái Hà – Hà Nội và Tổng Giáo phận Hà Nội, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) dù “có đồng cảm nhưng không đồng thuận” thì tiếng nói của GHCGVN đã chính thức lên tiếng đối thoại thẳng thắn và chân thành với nhà nước để mưu cầu lợi ích cho đồng bào và cùng nhau xây dựng một nền “Văn hoá sự sống và văn minh tình thương”.

Trong Thông điệp Caritas in veritate của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Bênêdictô XVI, ngài đã nêu lên: “Tình yêu – Caritas – là một sức mạnh ngoại thường, thúc đầy con người dấn thân thật can đảm và quảng đại trong lãnh vực CLHB” (x Caritas in Veritate số 1).

Ngài tiếp: “Bác ái là tâm điểm trong giáo huấn của Giáo hội về xã hội (GHXHCG). Và tình yêu này phải được hiểu, được xác nhận và thực hiện trong ánh sáng của Chân lý” (x Caritas in Veritate số 2). Mà chân lý (sự thật) chính là Đức Kitô Yêsu đã huỷ mình ra không vì yêu mến nhân loại tội lỗi và bất xứng.

Trong chân lý, tình yêu phản ánh chiều kích cá nhân và cộng đồng của niềm tin vào Đấng Yavê của Kinh Thánh, Đấng vừa là AGAPE – TÌNH YÊU vừa là LOGOS – LỜI. (x Caritas in Veritate số 3).

Chân lý là LỜI, Lời tạo nên DIA – LOGOS – ĐỐI THOẠI và do đó, kiến tạo truyền thông và hiệp thông. (x Caritas in Veritate số 4).

Nhìn lại ngày cầu nguyện cho CLHB, ngày 31/7/2011, trong Thánh lễ cho người xa quê tại DCCT Sài gòn, 38 Kỳ Đồng, Q.3, chúng tôi nhận thấy rằng ý cầu nguyện rất rõ và thời sự, cầu cho nạn nhân trong các vụ khủng bố ở Nauy, cầu nguyện cho TS luật Cù Huy Hà Vũ, v.v. Hiện trạng rõ ràng cụ thể, nói thẳng nói thật, há không phải và đối thoại chân thành và thẳng thắn sao?

Vậy Uỷ ban CLHB trung ương nói chung và Giáo phận Sài gòn nói riêng, có nên đối thoại thẳng thắn và cởi mở như vậy không? Lời là bản chất Ngôn sứ của Hội Thánh, thì phải nói chứ không thể “lên tiếng hay không lên tiếng”.

Nếu chỉ dừng lại ở bác ái có toả sáng bằng những việc bác ái xã hội, những việc này là tốt, nhưng như vậy thì cần gì có Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình để thêm tốn tiền và tốn công điều hành?

Chẳng hạn, trong trang mạng Uỷ ban CLHB có dự án “Đồ án Xây dựng Trung tâm Phục hồi Định An”. Đây là công việc của Uỷ ban BAXH (Caritas), chứ không phải là công việc của Uỷ ban CLHB.

Cần lắm huấn thị của các bậc chủ chăn, từ Đức Hồng Y, Quý Đức cha, quý bề trên các Dòng tu, quý vị chức sắc trong giáo phận và giáo xứ, để ủy ban CLHB xứng với nhiệm vụ và bổn phận đầy khó khăn trong bối cảnh XHVN hiện nay. Đó là một thái độ Luân lý và xã hội, như là “một nhân đức” chính là tình liên đới.

Mà “Liên đới không phải là một mối đồng cảm mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những đau khổ của bao người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững lo cho công ích, nghĩa là cho ích lợi của tất cả và của từng người. (x Sollicitudo Rei Socialis – Quan tâm đến vấn đề xã hội số 38 – Đức Chân Phước Gioan Phaolô II).

Ngọc Linh