Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Thời gian nào, trôi bềnh bồng trên phận người

VRNs (29.08.2011) - Chuyện phiếm của Trần Ngọc Mười Hai.
“Thời gian nào, trôi bềnh bồng trên phận người
Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi…”

(Vũ Đức Sao Biển – Thu Hát Cho Người”)



(Mt 18: 3)

Là Thu, đã hát cho Người, mà sao anh vẫn cứ bảo:“Thời gian nào, trôi bồng bềnh trên phận người.”? Để rồi, lại còn viết: “Biệt ly nào không buồn phiền, trên dấu môi!” Phải chăng, nói như thế, tức bảo rằng: đời người, nào có vui?

Bần đạo đây, không đủ tư cách để trả lời những câu hỏi mang ý nghĩ ly kỳ như thế. Chỉ dám vin vào lời lẽ của tác giả viết nhạc buồn bằng cách trích dẫn một chuyện vãn văn nghệ với phóng viên tuần báo “Sinh viên” như sau:

“Âm nhạc là thú chơi, quà tặng của cuộc sống dành cho con người. Tình khúc của tôi không ồn ào, sôi động, nó là bức thông điệp của một người gửi đến đám đông những suy tưởng về cuộc sống, tình yêu và sự xa biệt”, nhạc sĩ của “Điệu buồn phương Nam” và “Thu, hát cho người” tâm sự…

-”Thu, hát cho người” của ông đã gây xúc động cho người nghe bởi sự biệt ly, cô đơn và lẻ loi trong chờ đợi, ông viết bài này trong hoàn cảnh nào?

-Tôi viết năm 1968, khi 20 tuổi, với một tình yêu trong sáng và những cảm xúc yêu thương rất thuần khiết. Nhưng rồi cũng chỉ là một tình yêu đơn phương, vô vọng và chia xa…

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, tất cả các bài hát của ông đều mang tâm trạng buồn?

- Quả thật tôi viết không có bài nào vui. Cả trăm ca khúc là cả trăm nỗi buồn, mỗi bài một vẻ. Có khi tôi cũng thử viết một vài ca khúc sôi động, nhưng rồi cảm thấy gượng ép quá, không viết nữa. Bây giờ nghiệm lại, tôi chỉ có thể viết theo những lắng đọng từ trong tim dẫn dắt và bật ra thành lời ca, nốt nhạc, thế thôi.

- Ngoài sáng tác, ông còn viết báo. Hai việc đó, một đòi hỏi sự tỉnh táo, khách quan, một cần sự bay bổng, lãng mạn. Tại sao chúng dung hòa được trong ông?
- Viết báo và sáng tác có phương tiện, cách thức thể hiện khác nhau nhưng đích đến vẫn là một: lòng yêu thương con người, nên cũng không có gì mâu thuẫn cả. Đi làm báo, tiếp xúc với những số phận con người, lòng tôi lúc nào cũng tràn ngập cảm xúc khó tả. Đêm về, nằm nghĩ lại, nhiều khi trăn trở ấy lại tạo mạch cảm hứng cho tôi viết ca khúc…

-Điều ông luôn tìm kiếm để vươn tới trong suốt cả cuộc đời mình là gì?

-Tình yêu. Đó là thứ quý giá nhất trong cuộc sống. Chính tình yêu thương con người đã chắp cánh cho tâm hồn và cả nghị lực sống của tôi, cho tôi cảm xúc thăng hoa trong sáng tác… và tôi là người lữ hành đam mê tình yêu… (x. music.vietvoice.net/song_details.php?lang=vietnamese&ID=430)

Vâng, lập trường của tác giả “nhạc buồn” họ Vũ Đức tên gọi Sao Biển là như thế. Thế nhưng, “như thế” không có nghĩa là tất cả những người viết nhạc nào khác, đều như vậy. Tức là, toàn viết những giòng nhạc buồn chứ không vui. Dù đời người quả thật vẫn vui, chứ không buồn. Và, tiếp theo đó, là lý do của những “Thu hát cho người” hoặc “Điệu buồn (rất) phương Nam”, của ông:

“Thời trung học, cứ mỗi lần đi học ở trường Tiểu La, tôi vẫn có thói quen hay uống café tại một quán rất quen thuộc tên là Café Thu. Quán giản dị với những chiếc bàn đã cũ kỹ theo năm tháng. Ngày ấy, ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam), ai cũng biết quán này, chủ nhân là một người đàn bà trên 30 tuổi, nhưng còn rất đẹp và sâu lắng. Một điều đặc biệt, café ở đây rất ngon, nhạc hay và buồn như chính chủ nhân của nó. Lúc bấy giờ, thứ “nhạc vàng” này, người ta thường hay cấm nên mỗi khi nghe xong, tôi nuốt từng lời, về nhà chép lại và tập với cây đàn guitar cũ. Chính vì thế, tội thuộc rất nhiều nhạc của các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên,… Trong lúc rỗi, tôi cũng thường nói chuyện với chủ quán, những lúc như vậy, đôi mắt cô Thu thừơng đượm buồn, xa xăm, nhớ về một dĩ vãng không xa lắm…” (Trích cảm nghiệm của tác giả Sao Biển qua điện thư buồn của bạn hiền, gần đây)

Gợi nhớ điệu buồn nghệ sĩ viết, thì như thế. Thế còn, hồi ức vui của tôi và của bạn, sẽ ra sao?

Ra sao hay ra răng, bần đạo đây rày chẳng biết. Chỉ biết mỗi một điều, là: xung quanh hồi ức về Đạo của riêng mình, vẫn thấy rất nhiều điều lạ và vui hơn nỗi buồn trăm năm, của nhà thơ. Buồn sao được, khi bần đạo mới ở độ tuổi “hai năm rõ mười”, vào cái tuổi rất ư là phá phách/nghịch ngợm, đến phát sợ. Không chỉ phá, còn là la cà ngoài đường chòm xóm những bay nhảy, cùng chạy rong đã bị -ấy chết, nói “được” thì đúng hơn- Vâng! Bần đạo được mẫu thân gọi lại mà nhủ bảo nhiều điều rất vui và chí tình mà đến bây giờ, hơn 50 năm sau nhìn lại, bần đạo vẫn còn nhớ như in trong hộp não vừa bé lại vừa tệ, hơn ai hết. Mẫu thân bần đạo, là cụ bà chân chất xuất thân từ đất Hà Nam – Phủ Lý, rất quê nhà. Cụ sống nhiều năm ở chốn thị thành, vốn dĩ thiếu niềm vui nhà Đạo, nên mới gọi bảo:

“Con à. Nhà mình thì đông đúc, giòng họ lại sung túc nhiều, thế mà chẳng được một ai chịu làm việc trong nhà Chúa để được vui đuợc sướng, ở chốn này. Hay là, con thử tìm đến hỏi cha xứ họ mình hỏi xem ngài có bằng lòng cho con theo học để đời con được sướng vui không con nhé…”

Hồi ức của bần đạo tuy không sắc và thanh tao như người nghệ sĩ nhắc ghi ở trên. Duy, có một điều khiến bần đạo nắm chắc rất rõ là: ý của mẫu thân bần đạo khi ấy chỉ muốn cho bầy con sống sung sướng với cha với Chúa, chứ chẳng mong cho buồn con khổ như bất cứ ai trên đời, chí ít là người nghệ sĩ. Mẫu thân bần đạo, vốn xuất thân từ chốn quê mùa chân chất, rất đạo hạnh, nên nghĩ thế. Cụ vẫn tưởng rằng sống Đạo ở đời bao giờ cũng vui, cũng sướng hơn người đời chỉ ca với hát hết những bài “Thu hát cho người”, rồi lại đến “Điệu Buồn Phương Nam”, nên mới thế.

Hôm nay nghe lại lời ca sầu phát ra từ loa phóng thanh của ai đó, bên hang xóm, bần đạo thấy như văng vẳng một lời trần (rất) tình, biết đâu trong giọng buồn ấy, mình lại tìm ra lời ca vui ở câu cuối. Câu hát rằng:

“Giòng sông nào, đưa người tình đi biền biệt?
Mùa thu nào, đưa người về thăm bến xưa?
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ,
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”

(Vũ Đức Sao Biển – bđd)

Nhớ người vô bờ, ở “đồi sim” không là chỉ nhớ mỗi lời buồn của người đời, mà thôi. Dù, người đó có là mẹ đẻ ra mình, hay của người cha ở bốn phương tám hướng, phía chân trời bể dâu, vẫn là nhớ. Nhớ, là bởi bậc mẹ cha ở đời hay trong Đạo, vẫn là các đấng các bậc có những lời thơ để đời, mong ta ghi và nhớ, rất như sau:

“Trong bài nói chuyện với người trẻ ở Madrid sau Đại Hội Giới Trẻ một ngày, Đức Bênêđíchtô 16 kêu gọi giới trẻ hãy đem theo những gì mình học được từ Đại hội Madrid về nhà mà san sẻ cho cộng đồng. San sẻ niềm vui đức tin mình học được: “Anh em đừng giữ Chúa cho riêng mình. Hãy san sẻ với người khác, niềm vui ấy” (www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/08/110822_pope_closed_wyd.shtml?pri…)

Lời Đức Giáo Tông nói lên hôm ấy đã khiến nhiều người nhớ đến Lời Chúa từng phán bảo:

“Thầy bảo thật anh em:
nếu anh em không hoán cải nên như trẻ bé,
anh em sẽ chẳng vào được Nước Trời.”

(Mt 18: 3)

Người trẻ bé mọn ở đây, là người còn nghèo và cũng rất hèn, bị bỏ rơi hoặc quên lãng ở xó chợ, ngoài xã hội. Những người ấy, vẫn dẫy đầy nơi đất trời, ở mọi nơi. Nhưng hỏi rằng, trời kia đất ấy có nhớ họ không, đó mới là vấn đề. Và, vấn đề nay còn nhạy cảm như lời đấng bậc chủ quản ở trời Tây đất Mẹ cũng đề cập đến Đại Hội Giới Trẻ ở Madrid 2011 hôm vừa qua, cùng với những lời trần rất chí tình cũng giản đơn, chân chất, thành thật như sau:

“Trong lúc Hội thánh Công giáo tìm cách giúp đỡ người trần đến được Nước Trời, thì rất thường là Hội thánh hay đối xử với thành viên trẻ của mình như thể họ đến từ một hành tinh nào đó, khá xa xôi. Ý tưởng đối xử với người trẻ như người từ hành tinh mới xuất hiện, là của một viên chức cao cấp trong Giáo triều La Mã, đã nói thế trong cuộc phỏng vấn bên lề Đại Hội Madrid hôm 16/8/11.

Phát biểu với phóng viên Đại Hội, Tổng Giám Mục Joseph W. Tobin, Tổng Thư Ký Thánh Bộ Tu Sĩ và các Tu Hội Sống Đời Mục Vụ, có nói: “Người trẻ hôm nay có thể tìm thấy chính mình ngay trong lòng Hội thánh; nhưng cho đến nay, họ vẫn trong tư thế sống bên lề Hội thánh do bởi một số chuyện như: rất nhiều vị không nói cùng một thứ ngôn ngữ như họ, nên đã đối xử với họ như với người từ hành tinh khác chợt đến.”

Với người trẻ Công giáo, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vẫn là lễ hội qua đó họ có thời gian, không gian và tình bằng hữu thân thưong cần có, để có thể suy tư về đường lối mà Chúa muốn họ sống niềm tin tươi mát ngay trong Hội thánh, cũng như giữa lòng đời. Thêm vào đó, có sự kiện cho thấy người trẻ hôm nay đang sẻ san kinh nghiệm tư riêng của mình với cả trăm ngàn bạn trẻ khác đến từ khắp nơi, trên thế giới. Đại Hội nay đem đến cho họ một dịp may hiếm có để họ có thể tham gia vào nghi thức phụng vụ, cùng nguyện cầu trong lặng thinh cũng như tìm hiểu thêm huấn giáo của Đạo, dành cho mình.

Với những ý tưởng như thế, đấng bậc chủ quản trên còn nói thêm: “Trong khung cảnh như thế này, người trẻ hôm nay còn có cơ hội gặp gỡ bầu bạn đang dấn thân vào cuộc đối thoại mà tất cả chúng ta cần có với Đấng Tác Tạo nên mình, bằng cách hỏi Ngài: “Chúa muốn con làm gì?”

Tổng Giám Mục Tobin còn cho biết: cuộc hội ngộ dành cho giới trẻ rất cần thiết cho những ai suy nghĩ về những đáp trả lời gọi mời đi vào cuộc sống chuyên tu giáo sĩ hoặc đời tu trì, và cho cả những vị từng dấn thân vào hành trình có lời tuyên hứa hoặc đã được tấn phong. Nói về những việc chính yếu sau Đại Hội có tầm vóc quốc tế này, Tổng Giám Mục cũng nói đến việc Hội thánh cần làm sau ngày Đại Hội, là: bám riết và hỗ trợ giới trẻ một khi Đại Hội bế mạc. Tổng Giám Mục Tobin công nhận: “Đây là thách thức không nhỏ đính kèm với kinh nghiệm mang nhiều cảm tính đã diễn ra. Nếu đây là điểm chuẩn cho mọi công tác về sau, thì cũng khó mà tái tạo được nó. Hãy hỏi các cặp vợ chồng trẻ mới cưới để xem họ cảm nghiệm thế nào trong đời mình, khi phải giáp mặt thực trạng cuộc sống cụ thể, như: phải giải quyết cả thau nồi niêu bát dĩa ngập đến đầu từ lâu, chưa kịp rửa. Hãy cứ hỏi những cặp vợ chồng có con còn nhỏ đang đau yếu hoặc những cặp vừa lấy nhau xong đã mất việc. Hỏi, để biết rằng niềm vui ngày mới cưới nào đã kéo dài, mãi thiên thu.

Dĩ nhiên, yêu đương là một nghệ thuật ở đời. Nhưng đó vẫn là nghệ thuật đòi hỏi nhiều kỷ luật và thao tác, đôi lúc cũng dẫn đến thất bại. Nhưng, bất cứ ai đương yêu cũng đều biết mình có cả một đời để sống và làm cho đúng hết mọi việc. Đấng bậc tu trì nào từng tiếp xúc với bất kỳ người trẻ ở đâu, cũng đều coi đó như phút chốc của mời gọi. Mời và gọi, là bởi giới trẻ bao giờ cũng kiếm tìm một giải pháp thoả đáng cho đời mình, xem mình có thích hợp với khuôn khổ đời tu hay không. Bởi thế nên, đấng bậc tu trì cũng cần để tai mà lắng nghe tâm tư của người trẻ. Biết rõ lai lịch họ và gọi mời họ thử xem đời sống tập thể với tu trì có thích hợp với điều mình kiếm tìm không.

Là đấng bậc chuyên đặc trách về Đời Tu, nên Tổng Giámmục Tobin cũng để ý nói: “Người trẻ không muốn các đấng bậc tu trì đánh giá thấp hoặc coi nhẹ đòi hỏi của Tin Mừng mình nghe biết. Thông thường, người trẻ chỉ dấn thân tham gia đời sống tu trì cộng đoàn mỗi khi được yêu cầu, mời gọi thôi. Và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là cung cách yêu cầu họ sống đáp trẻ lời mời gọi ấy.“

Ngay tại các nước bị lung lay sau những vụ tai tiếng do một số giáo sĩ mắc phải lầm lỡ/sơ xuất qua phong cách xách nhiễu tình dục, nay vẫn thấy có ơn gọi giáo sĩ và đời tu: “Bản thân tôi, tôi nhìn sự việc bằng ánh mắt lạc quan ngay cả vào ngày đen tối xảy đến vụ 9 tháng 11 ở Hoa Kỳ. Khi ấy, tôi thấy nhiều người tìm cách tháo chạy khỏi hai toà nhà chọc trời đang bị hun cháy, thì cùng lúc ấy vẫn thấy có những người trẻ vẫn chạy về phía khói đen mù mịt có lửa bốc thiêu rụi cả con người lẫn vật dụng. Trong số những người ấy, tôi thấy có cả lính cứu hoả, cảnh sát cũng như nhân viên cứu trợ, đầy đủ cả. Ngay trong lòng Hội thánh cũng thế. Dù một số vị đang bị tai tiếng làm lung lay, suy sụp thì nỗi niềm giận dữ, nghiêm khắc vẫn rực sáng và có nhiều người trẻ vẫn cứ chạy về phía đó. Nhìn kỹ mới thấy, cái lôgích rất rồ dại của cuộc sống là chấp nhận có mất mát trong đời mình, có thế mới cứu vãn được chính nó.” (x. Cindy Wooden, “Church must not treat the young as aliens”, The Catholic Weekly 21/8/2011, tr. 23)

Về với chuyện buồn vui đời người, là về với nghệ sĩ vui cứ viết lên ca từ buồn, sau đây:

“Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người, một đóa đẫm tương tư,
Đêm nguyệt cầm, ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan, hồn ta khóc bao giờ.

Ta vẫn chờ em, trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương,
Giữa thu vàng bên đồi sim, trái chín
Một mình ta, ngồi khóc tuổi thơ bay.”

(Vũ Đức Sao Biển – bđd)

Nói cho cùng, thì buồn vui đời người đâu nằm ở nơi lời nói, hoặc câu ca. Nhưng vẫn cứ là và có thể là ý tưởng/lập trường sống, có chọn lựa. Chọn mừng vui hay buồn chán, cả một đời, vẫn còn đó âm hưởng của lời ca, không vui lắm:

“Thời gian nào, trôi bềnh bồng trên phận người,
Biệt ly nào, không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi,
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.

Thu hát cho người.
Thu hát cho người, người yêu ơi! “

(Vũ Đức Sao Biển – bđd)

Tắt một lời, hãy nói và hát như nghệ sĩ ngoài đời, ở đời thường, dù có viết bài ca những là “Thu hát cho người”, thế nào đi nữa, cuối cùng vẫn cùng ông công nhận rằng: “Tình yêu. Đó là thứ quý giá nhất trong cuộc sống. Chính tình yêu thương con người đã chắp cánh cho tâm hồn và cả nghị lực sống của tôi, cho tôi cảm xúc thăng hoa trong sáng tác. Và, tôi là người lữ hành đam mê tình yêu…”

Nếu vậy thì, xin mời bạn và mời tôi, mời cả các vị trong ngoài nhà Đạo, ta hãy dấn thân vào giòng đời, mà giữ Đạo. Cứ thế mà sống Đạo, vẫn rất đạo. Dấn thân, để rồi sẽ luôn nghe theo lời dặn dò của Đức Chúa từng ở Tin Mừng, với mọi người, rằng:

“Nếu anh em không hoán cải
trở nên như người trẻ/bé nhỏ,
anh em sẽ chẳng vào được Nước Trời đâu.”

(Mt 18: 3)

Người trẻ nhỏ bé mọn vừa qua đã đặt chân đến thủ phủ Madrid ở Tây Ban Nha hoặc ở đây, nơi này vẫn là bạn, là tôi, đang sống giữa cuộc đời có cả điều buồn lẫn chuyện vui. Nhưng còn gì vui hơn, khi người người nay áp dụng lời dạy của Thầy Chí Ái, mà sống thực đời mình, cùng mọi người.

Sống rất vui, bên cạnh những người buồn. Sống tinh thần trẻ, cả trong lòng Giáo hội nay đã già. Già, nơi thân xác. Đầu óc. Nhưng không già, trong quyết tâm đổi mới với Lời Chúa, ở quanh ta.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhớ nhiều
những điều Thầy từng dạy,
rất như trên.