Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Thú chơi sách

VRNs (05.08.2011) – Sài Gòn
Cảo thơm lần giở trước đèn

Cuối năm 2010 giới chơi sách Sài Gòn rộ lên một thông tin giật gân. Anh La Văn Tiến phó giám đốc công ty Savimex ở Thủ Đức may mắn mua được một quyển từ điển Việt -Bồ – La của Alexandre de Rhode xuất bản tại Rôma năm 1651 qua một người mua ve chai với giá 100.000 đồng. Việt – Bồ – La là quyển từ điển đầu tiên ở Việt Nam liên quan đến chữ Quốc ngữ, mặc dù chữ Quốc ngữ thời sơ khai có một số từ và cách viết ngày nay chúng ta không còn dùng nhưng được sở hữu một quyển từ điển này là mơ ước cháy bỏng của bất cứ người chơi sách nào tại Sài Gòn.





Một quyển sách viết về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Adrien Launay, Les Cinquante-deux Serviteurs de Dieu, Paris, 1893

Trong hàng loạt các thú giải trí, niềm đam mê lành mạnh như chơi chim cá kiểng, chơi đồ cổ, xe cổ thì thú chơi sách cũ là một niềm đam mê của không ít người tại Sài Gòn, đặc biệt là giới trẻ. Sài Gòn là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lâu đời. Nơi đây cũng là nơi tập trung những nhà xuất bản lớn, những tờ báo có số lượng phát hành “khủng”, là nơi tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ra đời.

Một thú chơi tao nhã

Mấy năm gần đây, ở Sài Gòn rộ lên một phong trào chơi sách. Đến với thú chơi này mỗi người đều có một lý do riêng. Có người chơi sách vì thích những bìa sách đẹp như tranh, nhìn ngắm kệ sách còn đầy đủ bìa và gáy đã ngả màu thời gian người chơi sách cảm thấy sung sướng lạ thường. Có người chuyên chơi từ điển. Các bản từ điển từ xưa đến nay họ đều mua cho bằng được. Thậm chí có những bản sách quý hiếm họ mua tới 2-3 bản như bộ Từ điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ xuất bản năm 1970, bộ Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển của Trịnh Vân Thanh xuất bản năm 1969.

Riêng nhà báo Yên Ba báo Quân đội nhân dân thì lại chơi toàn Tam Quốc Chí. Các bản Tam Quốc Chí bằng các thứ tiếng từ tây sang Tàu anh đều có cả. Đến nỗi trong giới chơi sách phong anh là nhà Tam Quốc Chí học. Có người chuyên chơi sách in trên giấy gió trước năm 1945. Loại sách này xuất bản đã lâu và lại được săn lùng ráo riết nên giá trị của nó không dưới 500.000 đồng một quyển. Anh Phạm Văn Đôn, 40 tuổi, nhà ở đường 3 tháng 2 lại có một thú chơi khác đó là sưu tầm báo xưa. Sau 10 năm sưu tằm anh đã sưu tầm được hàng trăm tờ báo có tuổi đời gấp đôi gấp ba tuổi của anh ấy. Trong số ấy anh trân quý nhất tập Gia Định báo 20 số mà anh may mắn được nhượng lại từ giáo sư Hoàng Xuân Việt. Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng. Nhìn anh nâng niu từng trang báo xưa đọc một cách thích thú mới thấy giá trị của thú chơi này.



Nam Kỳ Địa Phận số 1, năm thứ nhất, ngày 26/11/1908

Tin vui cho giới chơi sách Sài Gòn, tháng 6 năm 2011 tiến sĩ Trần Tuyết Nhung, trợ lý giáo sư tại Khoa Lịch sử Đại học Toronto Canada, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử Việt Nam, đến Việt Nam để tìm tài liệu cho một quyển sách đang được viết về Công Giáo Việt Nam thế kỷ thứ 17 và 18. Suốt 2 tháng ở Sài Gòn bà đã đi thăm phần lớn các tủ sách của các dân chơi sách cự phách của đất Sài Gòn. Đầu tiên bà đã đến viếng tăm tủ sách của Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, chính xứ Tân Sa Châu, tiếp đến là tủ sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và các tủ sách chuyên đề của các “tay chơi” khác như Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ, Phạm Văn Thiện, … Trao đổi với người viết tại tiệm sách Minh trên đường Trần Nhân Tôn bà Nhung nói: “ Tôi thật sự khâm phục thú chơi tao nhã của thanh niên Sài Gòn. Rất nhiều quyển sách tôi không hề thấy tại các thư viện lớn trên thế giới nhưng lại được diễm phúc đọc nó ở tại các tủ sách tư gia tại Sài Gòn. Đây là một thú chơi rất văn hóa và hữu ích.”

Sau nhiều lần điện thoại nói chuyện với anh Hoàng Minh, tôi mới có được một cuộc hẹn thăm tủ sách của anh. Lần đầu nhìn thấy anh đi trên chiếc “Su 100 năm” với lỉnh kỉnh những bịch sách báo cũ treo móc trên xe, nếu anh không mang kính trắng, “đóng thùng”, đi giày tôi cứ ngỡ là đang nhìn thấy một ông ve chai. Anh Minh dẫn tôi đi qua những con hẻm ngoằn ngoèo ở quận Tân Bình để đến nhà anh. Bước vào căn nhà nhỏ chừng 50m2 tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy không biết cơ man nào sách. Tủ sách của anh có khoảng 20.000 quyển sách, 50% trong số đó là sách trước 1945 bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Latinh, Kinh, … Đặc biệt trong số đó anh bảo quản kỹ nhất là quyển Từ điển Annam – Latinh của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 mà anh đã đoạt giải nhất trong hội thi những quyển sách vàng lần thứ hai. Bên cạnh đó còn có bộ Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895, 1896 tại Sài Gòn, bộ từ điển tiếng Việt đơn ngữ đầu tiên, là bộ sách gần như đã tuyệt bản trên thị trường. Anh Minh tâm sự: “Sách là một kho tri thức mà các bậc tiền nhân đã để lại. Đọc sách là cách tốt nhất để mở rộng kiến thức. Chơi sách là một thú chơi nhẹ nhàng nhưng cũng không vô cùng tốn kém trong giai đoạn gạo châu củi quế này.”

Thú chơi sách đã tạo nên công ăn việc làm cho các của hàng bán sách cũ, bên cạnh đó xuất hiện một tầng lớp mới là lái sách, những người này là cầu nối để những quyển sách quý sách hay đến tay người cần.

Thú chơi sách đi về đâu?

Nguồn sách cũ ngày càng cạn kiệt, sách quý lại càng hiếm hơn và giá cao đến chóng mặt. Những người chơi sách dần dần mở rộng gu của mình sang các loại sách hay xuất bản gần đây với đầy đủ chữ ký của tác giả, dịch giả. Họ còn săn tìm những sách có vấn đề như sách vừa in ra đã bị thu hồi như tiểu thuyết 2 cuốn Truyện Kể năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn, hay những quyển sách có vấn đề chỉ “lỡ dại” xuất bản một lần rồi thôi như Thời của Thánh Thần của tác giả Hoàng Minh Tường, những quyển sách hay in với số lượng ít như Ba người khác của tác giả Tô Hoài, một trong những quyển sách chính thống hiếm hoi viết về cải cách ruộng đất, cũng là những quyển sách trong tầm ngắm của dân chơi sách.

Thật đúng là nghề chơi nào cũng lắm công phu.

Sài Gòn, ngày 21/7/2011

Nguyễn Văn Miếng