Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Cảm nghĩ sau khi tham dự buổi cầu nguyện cho Công lý tối 25.09.2011

VRNs (26.09.2011) - Đồng Nai – Khi đói khát thì con người mới thấy quý cơm bánh, khi gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta mới nhớ đến Chúa nhiều, vì chỉ nơi Ngài ta có thể được tha thứ vô điều kiện, được khóc lóc, nài xin. Tôi đã khóc suốt buổi lễ cầu cho Công Lý – Hòa Bình được diễn ra vào tối ngày 25.09.2011 tại nhà thờ Kỳ Đồng.



Thánh lễ hiệp dâng lời cầu nguyện cho 15 thanh niên công giáo bị nhà cầm quyền bắt không đúng trình tự pháp luật, những tù nhân lương tâm, những ngư dân và cầu cho nước Việt Nam được hòa bình, đập tan âm mưu xâm lược của Trung Quốc.

Nhiều lúc nghĩ vẩn vơ tôi thấy ghét cái tính “mít ướt” của mình, sao mà lại mau nước mắt đến thế, dẫu biết là con gái có đặc quyền được khóc. Tiếng khóc là lời đầu tiên ta “chào” thế giới này, và đến khi trở về với cát bụi ta cũng muốn mọi người tiễn đưa ta bằng nước mắt. Con người thật là lạ, khi vui cũng khóc, khi buồn cũng khóc. Và tôi đã khóc, khóc cho những người anh em đang bị bắt bớ vô cớ, những tù nhân lương tâm đấu tranh để bảo vệ nhân quyền, bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Khóc cho sự hèn nhát của chính bản thân mình, khóc cho sự bất công, tội lỗi vẫn đang hoành hành mà chỉ biết bất lực đứng nhìn.

Bài giảng của cha Yuse Nguyễn Thể Hiện trích dẫn trong Tông huấn tông đồ giáo dân của chân phước Yoan Phaolo II ấn hành năm 1988 đã cho tôi thấy việc tham gia chính trị là một trách nhiệm và đòi buộc của một người Kitô giáo. Bằng giọng giảng trầm ấm, những lý lẽ, dẫn chứng đầy thuyết phục làm người nghe như “nuốt” lấy từng lời.

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy rẫy những bất công, tội lỗi, nó không phải là một xã hội hòa bình, êm ấm như cách chúng ta đang tô hồng hay không dám nhìn thẳng vào nó mà thừa nhận sự thật xót xa. Làm sao có thể hòa bình và phát triển khi mà những quyền cơ bản của con người còn đang bị tước đoạt, nhân quyền không được coi trọng, nhân phẩm của con người đang bị chà đạp. Những thanh niên công Công giáo và những tù nhân lương tâm kia họ đang đấu tranh để bảo vệ những quyền cơ bản của con người, quyền được sống, được bảo toàn thân thể, được tự do thể hiện niềm tin tôn giáo, tự do ngôn luận … đó lại là sai? Hay là họ thể hiện không đúng cách, đúng thời trong xã hội này?

Cha Yuse Nguyễn Thể Hiện kêu gọi chúng ta hãy dám nhìn thẳng vào thế giới mà chúng ta đang sống, dám lên tiếng vì những bất công, cường quyền, dám dấn thân để bảo vệ cho sự thật, cho công lý. Chúng ta không thể cho người khác cái mà chúng ta không có, chúng ta không thể kêu gọi mọi người sống và làm chứng cho sự thật trong khi chúng ta không sống như thế. Làm sao có thể phòng chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích khi học sinh, sinh viên xem việc quay cóp là chuyện “thường”, các thầy cô lo chạy thành tích để giữ vững danh hiệu thi đua thì “xưa như trái đất”. Làm sao dạy cho con trẻ biết thành thật không dối trá trong khi người lớn nói một đàng làm một nẻo. Cha mẹ lo lót “chạy” cho con mình được vào trường công, trường điểm. Tham nhũng cũng trở thành những chuyện “bình thường” ở Việt Nam. Tôi đúng là con bé ăn khoai mì mà đòi nói chuyện chính trị, nhưng thiết nghĩ, là những người trẻ, những người nắm vận mệnh tương lai của đất nước tôi phải nói.

SV. Huệ Thanh