Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Công lý duy nhất của Thiên Chúa là thương xót và tha thứ

VRNs (07.08.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm Mt 18, 21-35 (IV A 47) Chúa nhật XXIV, Phụng vụ Thường niên, năm A



Đoạn Phúc Âm hôm nay gồm có hai phần:

– cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô ( Mt 18, 21-22),

– dụ ngôn về đề tài tha thứ ( Mt 18, 23-34).

Ở phần đối thoại ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô, câu chuyện được khỏi đầu bằng câu hỏi của Thánh Phêrô:

– “ Bấy giờ Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”.

– “ Chúa Giêsu trả lời: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy ” ( Mt 18, 21-22).

Và rồi tiếp tục câu chuyện về đề tài tha thứ,Chúa Giêsu dạy Phêrô và chắc cũng dạy các môn đệ lúc đó với Ngài , và những ai đang nghe Ngài:

– “ Nước Trời giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ mình thanh toàn sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ ấy sập mình xuống bái lạy: Thưa ngài, xin rộng lòng hoản lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ ” ( Mt 18, 23-27).

Và bối cảnh thứ hai được tiếp liền sau đó, cho thấy cách hành động vô nhân của tên đầy tớ vừa được thương xót và tha thứ:

– “ Vừa ra đến bên ngoài, tên ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: Trả nó cho tao! Bấy giờ người đồng bạn sập mình xuống nan nỉ. Nhưng hắn không chịu, tống anh vào ngục cho đến khi trả xong ” ( Mt 18, 28-30).

1 – Trước hết đoạn Phúc Âm hôm nay liên kết câu Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu về việc tha thứ, với đề tài sửa chữa huynh đệ trong cộng đồng Giáo Hội, chúng ta đã có dịp suy niệm trong Chúa Nhật vừa qua ( Mt 18, 15-20).

Tư tưởng liên kết đó được nhắc lại do chính chủ đề “ người anh em vấp phạm ” ( Mt 18, 15) của Phúc Âm tuần trước, cũng như của Phúc Âm tuần nầy chúng ta đang đọc.

Nhưng đề tài của đoạn Phúc Âm hôm nay có tính cách cá nhân hơn, liên hệ đến chính bản thân người đương cuộc,

– “ Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” ( Mt 18, 21).

Và vì đó, câu trả lời bằng dụ ngôn là câu trả lời trực tiếp cho người đang đối thoại với Chúa Giêsu, cho Thánh Phêrô và cho bất cứ ai đang nghe Ngài, cho mỗi người trong chúng ta.

Trong câu 21-22, những con số 7 và 70 lần 7 không có ý nghĩa từng chữ là những con số chính xác cho bằng nói lên một đại lượng to lớn.

Phêrô dùng con số 7 để nói lên nhiều lần, trong khi đó thì câu trả lời với con số 70 lần 7 của Chúa Giêsu có ý nói lên chúng ta đừng bao giờ nản chí tha thứ cho anh em, sẵn sàng xoá bỏ lỗi lầm cho anh em.

Con số 7 và 70 lần 7 trong Phúc Âm hôm nay, lấy lại tư tưởng câu nói của sách Sáng Thế Ký:

“ Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Lamech thì gấp bảy mươi bảy ” ( Gn 4, 24).

Và nếu tinh thần trong Cựu Ước là tinh thần báo thù phục hận 7 lần cho Cain hay 77 lần cho Lamech, thì ngược lại, tinh thần của Ki Tô giáo trong Tân Ước là tinh thần tha thứ không những 7 lần mà còn đến 70 lần 7, nghĩa là luôn luôn tha thứ.

Theo tinh thần tập truyền thời đó trong Cựu Ước, trả thù phục hận, “ ăn miếng trả miếng”, “ có vay có trả ” là phương thức hữu hiệu để thực hiện đức công bằng và giữ vững cho xã hội trong trật tự, khỏi lối sống lưu manh, trộm cướp, tội phạm.

Trên thực tế, trả thù báo oán là khơi nguồn cho chu kỳ bất tận của hận thù và đổ máu.

Sự bảo đảm cho an ninh công cộng, cho xã hội có được một cuộc sống thanh bình không phải là hăm doạ trả thù phục hận vô giới hạn và với bạo lực, như trong viễn ảnh của Lamech được phục hận gấp bảy mươi bảy lần, hay của người đầy tớ vô nhân,

– “ Nhưng hắn không chịu, tống anh vào ngục cho đến khi trả xong ” ( Mt 18, 30),

cho bằng tâm hồn tha thứ luôn luôn được cởi mở và được lập lại,

– “ Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy ” ( Mt 18, 22)

2 – Những tư tưởng vừa kể được câu trả lời bằng dụ ngôn của Chúa Giêsu khai triển và suy luận sâu rộng hơn.

Chủ đề tha thứ được Chúa Giêsu trình bày bằng hai nhân vật chính, nhà vua và người đầy tớ của ông.

Thật ra từ ngữ “ servus ” của La Ngữ được chúng ta dịch là “ người đầy tớ ” đối với trường hợp của nhà vua trong dụ ngôn, là cách dịch không chính xác lắm.

“ Người đấy tớ ” của vua ở đây không hẳn chỉ là người quyét nhà, rửa chén, cắt cỏ, nấu ăn trong hoàng cung thôi, mà cũng có thể là thần dân cao cấp, là bộ trưởng trong triều đình, giúp vua trị nước.

Bởi lẽ tất cả thần dân đối với vua trong vương quốc là “đầy tớ, nô bộc ” của vua, có nhiệm vụ phục vụ vua.

“ Người đầy tớ ” trong dụ ngôn, chúng tôi nghĩ rằng là một thần dân quý tộc, cao cấp hay ít nhứt là bộ trưởng giúp vua trị nước.

Bởi lẽ nếu không phải là người ở địa vị như vậy, làm gì “ người đầy tớ ” có liên hệ đến nỗi phải là kẻ

– “… mắc nợ vua mười ngàn yến vàng ” ( Mt 18, 24).

Như vậy chúng ta có thể tạm gọi hắn là “ người đầy tớ bộ trưởng ” cho dễ xung hô.

Sau khi xác định danh tánh cho dễ xưng hô trong dụ ngôn, chúng ta thử đi vào nội dung mà Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô, với các môn đệ và với chúng ta.

Nội dung của dụ ngôn được diễn tả trong hai bối cảnh song hành tương tợ nhau,

– giữa nhà vua và vị bộ trưởng ( Mt 18, 23-27),

– và giữa vị bộ trưởng vô nhân và người đồng bạn của ông ( Mt 18, 28-30).

Điều mà chúng ta để ý đặc biệt là lời van xin của vị bộ trưởng thiếu nợ đối với vua và lời khẩn khoản của người đồng bạn đối với vị bộ trưởng bất nhân giống hệt nhau:

– “ Bấy giờ tên đầy tớ ( bộ trưởng) ấy sấp mình xuống bái lạy: Thưa ngài, xin rộng lòng hoản lại cho tôi, tôi sẽ trả hết ” ( Mt 18, 26),

– “ Bấy giờ người (đồng bạn) ấy sấp mình xuống nan nỉ: thưa anh xin rộng lòng hoản lại cho tôi, tôi sẽ trả hết cho anh ” ( Mt 18, 29).

Bài Phúc Âm tường thuật lại dụ ngôn theo tập tục hành xử luật lệ của thời cỗ trong Cựu Ước và cả của thời đế quốc Roma, theo đó thì ai không có khả năng trả nợ, phải bán mình và cả gia nhân, vợ con mình làm nô lệ để lấy tiền trả.

Tập tục đó căn cứ vào việc thời gian bị cầm tù hay làm nô lệ bị lao tác và nhiều khi bị hành hạ, khiến con nợ phải nỗ lực tìm mọi cách lo trả, để giải thoát mình và thân nhân khỏi cảnh khốn cùng.

Bối cảnh thứ nhứt ( Mt 18, 23-27) được cấu trúc nói lên lòng đại lượng và thương xót hải hà của vua.

Món nợ mà vị bộ trưởng phải trả cho vua là một món nợ to tác: “…mắc nợ vua mười ngàn yến vàng ” ( Mt 18, 23).

Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng “ người đầy tớ bộ trưởng ” dẫu có gập đầu nan nỉ hứa trả, lời hứa của ông ta khó trở thành sự thật.

Dù biết vậy, nhà vua cũng không áp dụng luật pháp, không kéo thẳng mực tàu “ăn miếng trả miếng ”. Vua động lòng thương và tha bổng cho con nợ bất hạnh:

– “ Tôn chủ của đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y ra về và tha luôn hết nợ ” ( Mt 18, 27).

Trong khi đó thì bối cảnh thứ hai nói lên cho chúng ta một món nợ không có gì là to lớn đến nỗi:

– “…mắc nợ y một trăm quan tiền ” ( Mt 18, 28).

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, một quan tiền lúc đó có giá trị bằng khoản 6.000 đồng bạc và một đồng bạc bằng lương thường nhật cho một người làm mướn.

Biết được giá trị như vậy, chúng ta thấy “ người đồng bạn ” của vị bộ trưởng, có thể là một vị bộ trưởng khác hay một nhà quý tộc cao cấp, có khả năng trang trải món nợ.

Món nợ không to lớn và khả năng trang trải có thể của “ người đồng bạn ” càng nói thêm cho chúng ta biết tâm địa độc ác, vô nhân “ người đầy tớ bộ trưởng ” của vua.

Và như vậy, vị bộ trưởng nhứt định tống giam “ người đồng bạn ” để siết cổ anh ta cho bằng được:

– “ Nhưng hắn không chịu, tống anh vào ngục cho đến khi trả xong ” ( Mt 18, 30).

Về phương diện pháp lý, cách hành xử của vị bộ trưởng đối với “ người đồng bạn ” không có gì là phạm pháp và đáng trách.

Theo luật lệ hiện hành lúc đó, không ai có thể cho là hành động bất công.

Có chăng cách cư xử của nhà vua đối với vị bộ trưởng mắc nợ được tha làm cho chúng ta bở ngở, một phản ứng quá mãnh liệt, bắt ngờ, có lẽ vị bộ trưởng được thương xót và được tha cũng không tiên liệu được:

– “ Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ đòi y đến và bảo: Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót người đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông ” ( Mt 18, 31-34).

Một bản án đã tuyên bố, không thể sửa đổi được. Nếu không phải là cách hành xử coi thường luật pháp.

Có thể đó là yếu tố bất ngờ trong cách hành xử của nhà vua. Nhà vua đã bải bỏ bán án cũ, để có hành động thích hợp với tình trạng mới xảy ra.

Trong thể chế quân chủ, nhà vua không những tượng trưng cho uy quyền, mà còn là định điểm để quy chiếu đường lối chính trị cai quản quốc gia.

Cách hành xử của nhà vua là định chế pháp lý cho vương quốc ông, Chính Quyền và các bộ trưởng thuộc hạ không thể hành động đi ra ngoài hay ngược lại “đường lối lãnh đạo chính trị ” của nhà vua.

Thái độ siết cổ “ người đồng bạn ” để đòi nợ cho bằng được, cho thấy vị bộ trưởng coi không ra gì cách hành xử hay đường lối chính trị quốc gia mà nhà vua mới áp dụng cho ông ta trước đó.

Tệ hơn nữa, vì ông ta là bộ trưởng theo giả thuyết chúng ta nghĩ ra, người phải áp dụng chính hướng lãnh đạo quốc gia của vua, nên thái độ “ siết cổ đòi nợ ” của ông cho thấy hành động, đứng ra bên ngoài hay cả đi ngược lại đường lối chính trị quốc gia của vua, là thương xót và tha thứ.

Hành động khác đi hay ngược lại là mặc nhiên coi thường uy quyền và đường lối chính trị lãnh đạo quốc gia của vua.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được tại sao nhà vua phản ứng mãnh liệt và tức khắc đối với vị bộ trưởng vừa bất nhân vừa ương ngạnh:

– “ Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót người đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” ( Mt 18, 33).

Bởi lẽ đường lối chính trị của nhà vua, công lý duy nhứt trong định chế pháp luật của vua là thương xót và tha thứ.

Vượt ra bên ngoài bối cảnh trần thế của dụ ngôn trong Phúc Âm, tinh thần cách hành xử của nhà vua trong dụ ngôn nói lên cho chúng ta biết rằng điều khoản luật duy nhứt công lý trong Nước Trời là lòng thương xót và tha thứ.

Đó là cách hành xử của Thiên Chúa:

– “ Tôn chủ của đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y ra về và tha luôn hết nợ ” ( Mt 18, 27).

Không có lòng thương xót và tha thứ là không có công lý trong Nước Trời.

Công lý dựa trên “ăn miếng trả miếng ” là công lý không biết thông cảm, thương xót và tha thứ của lối sống trần tục.

Bởi đó hình phạt đối với “ người đầy tớ bộ trưởng ” không phải chỉ vì ông ta lỗi luật cho bằng đó là số phận của ông ta và của tất cả những ai tự đặt mình ra ngoài tình thương của Chúa, ngoài cách hành xử của Chúa đối với anh em, thương xót và tha thứ!

Và vì số nợ của ông ta quá to tác, nên bản án của vua đối với ông ta có thể được coi là bản án vĩnh viễn. Lính có đánh đập, hành hạ ông ta đến chết, ông cũng không làm sao trả nỗi.

Đặt mình ra ngoài tình thương của Thiên Chúa, là đặt mình vào mối bất hạnh vĩnh viễn.

Dụ ngôn không có ý dạy chúng ta lòng thương xót và tha thứ trổi vượt hơn công lý, mà là dạy chúng ta con đường hành xử công lý duy nhứt của Thiên Chúa là thương xót và tha thứ.

Như vậy, người tín hữu Chúa Ki Tô muốn trở thành người tôi tớ phục vụ Thiên Chúa, không có cách sống nào khác hơn là sống theo con đường tình thương và công lý của Ngài.

3 – Hiều như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Phúc Âm Thánh Matthêu liên kết chặc chẻ lòng tha thứ huynh đệ với lòng tha thứ của Thiên Chúa, mà Ngài đã viết lại cho chúng ta trong Kinh Lạy Cha:

– “ Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con ”.

Từ chối tha thứ cho anh em là từ chối vương quyền của Thiên Chúa trên đời sống chúng ta, từ chối sống theo cách hành xử của Ngài đối với con cái Ngài, từ chối tình thương và tha thứ của Ngài, từ chối ơn cứu rỗi!

Kế đến thái độ tha thứ của người tín hữu Chúa Ki Tô không phải chỉ là cách hành xử ngoài miệng, mà là tha thứ phát xuất từ sâu thẩm của tâm hồn:

– “ Thì đến lược ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?” ( Mt 18, 33).

Câu Phúc Âm vừa kể lập lại một lần nữa hành động của chúng ta trong cử chỉ tha thứ cho anh em, lòng thương xót phải phát xuất tự sâu thẩm của tâm hồn, như cách hành động của nhà vua, cách hành động của Thiên Chúa:

– “ Tôn chủ của người đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ ” (Mt 18, 27).

Động từ Hy Lạp “ chạnh lòng thương, splanchizo”, được Thánh Matthêu dùng trong Phúc Âm hôm nay để nói lên cử chỉ nhân hậu và tha thứ của nhà vua trong dụ ngôn, cũng là động từ được Ngài dùng nhiều lần, để nói lên tâm tình của Chúa Giêsu đối với con người chúng ta, trước những bất hạnh của chúng ta:

– “ Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm thang vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt ” ( Mt 9, 36),

– “ Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” ( Mt 14, 14),

– “ Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” ( Mt 15, 32),

– “ Chúa Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người ” ( Mt 18, 34).

Và nhứt là trên thánh giá, gương mặt nhân hậu đầy yêu thương của Thiên Chúa được tỏ ra cho chúng ta nơi Chúa Giêsu. Vì tình thương đối với con người, Thiên Chúa không không lùi bước, ngay cả khi phải hy sinh mạng sống.

Đó cũng là tâm tình và cách hành xử duy nhứt phải có đối với anh em, của những ai muốn hành xử công chính như Thiên Chúa, thương xót và tha thứ.

Sách Sáng Thế Ký kể lại cho chúng ta là chúng ta được Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài:

- “ Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài,

Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ ” ( Gn 1, 27)

“ …giống hình ảnh Ngài ”, có nghĩa là ban cho chúng ta có trí khôn ngoan và lòng ước muốn hạnh phúc, tự do phản ảnh lại trí khôn ngoan vô tận và tự do vô hạn của Thiên Chúa, không bị một trở lực nào giới hạn.

Được dựng nên với khả năng như vậy, không phải chỉ để chúng ta có địa vị cao cả và là tạo vật giống Ngài như khuôn đúc, mà là tiền định để chúng ta trở nên con cái Ngài,

– “ Lạy Cha chúng con ở trên trời…” ( Mt 6, 9),

giống Ngài trong cách ăn thói ở, hành xử theo cách hành xử của Ngài, biết thương xót và tha thứ anh em:

– “ Cha nào, con nấy ”, nói như tục ngữ Việt Nam chúng ta.

NGUYỄN HỌC TẬP