Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Dụ ngôn thợ làm vườn nho

VRNs (17.09.2011) – Mt 20,1-16a (CN 25 – A)



Một hôm, ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng những người như ông đã bỏ mọi sự mà theo Chúa thì sẽ được gì. Chúa Giêsu mau mắn trả lời cho ông rằng phần thưởng dành cho các ông sẽ là vô cùng bội hậu. Và lập tức, Người kể cho các môn đệ dụ ngôn thợ làm vườn nho mà chúng ta được nghe công bố trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mt 20,1-16a).

“Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc” (cc.1-2). Có hai điểm đáng chú ý trong các câu mở đầu dụ ngôn này. Thứ nhất, trong truyền thống Cựu Ước, vườn nho thường tượng trưng cho dân của Thiên Chúa là Israel (x. Is 5,7; Gr 12,10; Tv 80,9t.15t); nay có thể hiểu là dân mới của Thiên Chúa, tức là toàn thể nhân loại (x. 21,41). Cũng có thể hiểu theo một cách giải thích khác, theo đó, ở đây rõ ràng có hàm ý về sự tương tự giữa “ông chủ nhà” và Chúa Giêsu (x. 10,25) một bên, và bên kia là giữa “những người thợ làm vườn nho” và các môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi vào làm việc trong Nước Thiên Chúa. Điểm thứ hai đáng chú ý là thỏa thuận giữa ông chủ vườn nho với những người thợ được mướn từ sáng sớm về tiền công nhật mà ông sẽ trả cho họ. Ghi nhận về thỏa thuận này là quan trọng để dẫn đến kết luận đầy kịch tính ở cuối dụ ngôn. Ngoài ra, các chi tiết khác đều đơn giản và chẳng có gì lạ.

“Khoảng giờ thứ ba [= 9 giờ sáng], ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng’. Họ liền đi” (cc.3-5a). Tốp thợ này chấp nhận được trả công theo số thời gian họ làm việc trong ngày. “Khoảng giờ thứ sáu [= 12giờ trưa] rồi giờ thứ chín [= 3 giờ chiều], ông lại trở ra và cũng làm y như vậy” (c.5b), tức là ông cũng thuê các tốp thợ với thỏa thuận “sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Hình như công việc ở vườn nho đang cấp thiết lắm, đến độ ông chủ phải ra chợ thuê thợ ngay cả khi trời đã về chiều. Hoặc có thể vì đó là mùa thu hoạch? Và nếu thế, sẽ không có gì ngạc nhiên khi có người hiểu rằng câu chuyện ngụ ý nói về cuộc phán xét cánh chung.

“Khoảng giờ thứ mười một [= 5 giờ chiều] ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi cả’. Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho’.” (cc. 6-7). Khác với những lần thuê thợ vào giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín, lần này có một cuộc đối thoại, trong đó các người thợ cho biết rằng suốt cả ngày, không có ai mướn họ cả. Chắc chắn không phải vô tình mà tác giả câu chuyện lại đưa vào đây mẩu đối thoại này, nhất là câu trả lời rất thật của những người thợ thất nghiệp. Rõ ràng tác giả muốn cho thấy đây là những người thợ bị các người sử dụng lao động chê không thuê. Họ thất nghiệp suốt ngày vì họ bị coi là không chất lượng, không đáng để thuê làm việc. Tuy nhiên, ông chủ vườn nho của chúng ta, mặc dù biết tốp thợ này bị các ông chủ khác chê không thuê, vẫn sẵn sàng nhận họ vào làm việc trong vườn nho của ông, và là vào giờ thứ mười một, y như ông đã kêu mời những người thợ thuộc tốp thứ nhất. Họ cũng giống như những người thu thuế và những cô gái điếm được Đức Giêsu gọi mời vào Nước Thiên Chúa (x. 21,31) cho dù đó chỉ là những kẻ bị người ta coi là không xứng đáng, là đồ bỏ đi.

“Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất’” (c.8). Trả tiền công cho thợ vào cuối ngày làm việc là một thói tục phổ biến thời xưa. Ông chủ vườn nho ở đây có lẽ cũng chính là ông chủ nhà ở c.1 và c.11. “Vậy những người mới vào làm lúc giờ thứ mười một tiến lại và lãnh được mỗi người một quan tiền” (c.9). Không chỉ được lãnh tiền trước, những người vào làm việc sau cùng còn được lãnh mỗi người một quan tiền, bằng với số tiền mà ông chủ đã thỏa thuận nhóm thợ đầu tiên. Vì thế, “khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn. Thế nhưng họ cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền” (c.10).

“Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (cc.11-12). Xét từ một quan điểm (và cũng là quan điểm đang chi phối cách nghĩ của những người thợ này), thì quả thực có vẻ như đang xảy ra một tình trạng bất công lớn ở đây.

“Nhưng ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Hãy cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn” (cc.13-14). Ông chủ đã rất lịch sự và nhẹ nhàng trong câu trả lời của mình. Ông gọi một người thợ đang cằn nhằn: “Này bạn!”. Ông nhấn mạnh hai luận cứ: (a) vì ông thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu, nên không thể nói có chuyện bất công ở đây, và (b) chính ý muốn của ông chủ vườn nho là căn cứ duy nhất của việc ông trả cho người vào làm sau chót cũng bằng người vào làm đầu tiên, cho dù họ làm ít hơn và hình như kém chất lượng hơn rất nhiều.

Rồi ông nói tiếp: “Chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi hay sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà anh đâm ra ganh ghét?” (c.15). Hai câu hỏi này giả thiết tiền đề về ân huệ dành cho những kẻ không xứng đáng. Câu thứ nhất nói đến đặc quyền của ông chủ, người sử dụng nhân công. Ông có quyền định đoạt về những gì là của ông, theo cách ông muốn. Nếu ông muốn cho những người không xứng đáng được hưởng những gì họ không đáng được hưởng, thì đó cũng hoàn toàn là quyền của ông. Câu thứ hai đặt nền trên lòng tốt mà ông chủ có đối với kẻ bị coi là bất xứng. Ghen tức là thái độ hoàn toàn và mạnh mẽ đối nghịch với thực tại ân sủng.

“Thế là những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (c.16a). Câu châm ngôn này được đưa vào điểm kết thúc của dụ ngôn để nhấn mạnh điểm chính yếu của dụ ngôn. Sự đứng hàng đầu hay đứng hàng chót ở đây không phải là chuyện thứ tự vào làm vườn nho và thứ tự lãnh lương, mà là tính theo trật tự của sự xứng đáng hay không xứng đáng, tức là tính theo chất lượng. Những người được gọi vào làm vườn nho vào giờ cuối cùng là những kẻ đã đứng ngoài chợ suốt ngày mà chẳng được ai thuê vì kém chất lượng. Họ lại chỉ làm được rất ít thời gian. Họ đứng hàng chót trong trật tự phẩm chất và hiệu năng. Nhưng họ vẫn được nhận tiền công y như những người thợ chất lượng, lao động đủ giờ và đầy hiệu năng.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ

1. Bài học chính yếu của dụ ngôn tập trung vào ân huệ được ban cho những người thợ đi vào vườn nho làm việc vào giờ thứ mười một. Họ là những người đã bị các ông chủ khác coi là không xứng đáng, không đủ phẩm chất. Nhưng chính số phận của những người không xứng đáng nhất ấy, của những người bị gạt ra bên lề nhất ấy, lại cho thấy rõ ràng hơn cả thế nào là bản chất ân huệ của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Dụ ngôn trình bày cho chúng ta cũng một đạo lý mà Chúa Giêsu đã từng nhiều lần nói rất tỏ tường: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (9,13). Chính Đức Giêsu làm bạn với quân thu thuế và người tội lỗi (11,19). Người đồng bàn với những người thu thuế và những người tội lỗi (9,11), tức là những kẻ bị coi là không xứng đáng vào Nước Thiên Chúa. Quả thực, như Chúa nói với các thượng tế và kỳ mục, “những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (21,31).

2. Những người thợ được gọi vào làm vườn nho đã rất mau mắn nhận lời mời gọi. Câu trả lời tích cực đó của họ là hình ảnh của những sự dấn thân tích cực của các môn đệ Chúa Kitô trong việc phục vụ nhân loại là vườn nho của Thiên Chúa. Ân huệ được ban cho tất cả mọi môn đệ là Thánh Thần và phần thưởng đời sau. Không ai trong chúng ta được so bì và ghen tị với người khác vì nghĩ rằng mình được ban Thánh Thần ít hơn người khác, hay vì nghĩ rằng mình xứng đáng được hưởng nhiều ơn huệ Thánh Thần hơn những người khác.

3. Chất lượng phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, số lượng công việc phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, thời gian phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, các vị trí và chức vụ đã đảm nhận trong cộng đoàn Hội Thánh, hiệu quả của công việc phục vụ trong cộng đoàn Hội Thánh…, tất cả những điều ấy không tạo ra những đặc quyền khác nhau của người ta trong Nước Thiên Chúa, cũng không phải là nguồn của sự xứng đáng hay không xứng đáng hưởng ơn cứu độ. Chú tâm đến sự hơn kém nhau trong việc xứng đáng hưởng ân sủng của Thiên Chúa, chính là điều làm cho người ta bất hạnh và chia rẽ. Việc phục vụ trong Hội Thánh không nhắm tạo ra sự bất bình đẳng, mà là nhằm kiến tạo sự bình đẳng giữa người với người, và điều này phải được đề cao trong cộng đoàn Hội Thánh, chứ không phải sự hơn kém nhau trong những thứ người ta vun vén được trong cuộc dấn thân vì Nước Trời.

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.