Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Người truyền giáo bản địa là ai?

VRNs (23.09.2011) - Gia Lai - Yao phu, cách gọi của cộng đồng Bahnar, Xêđăng hay Ako khul cách gọi của người Jarai để chỉ những người bản địa cộng tácvới các linh mục trong nhiệm vụ tông đồ truyền giáo.

Yáo Phu hay Ako Khul là những người đã có gia đình hoặc chưa có gia đình, được cha sở tuyển chọn, huấn luyện về Thánh kinh, giáo lý, phụng vụ, đạo đức nhân bản… Công việc của họ là đọc và hướng dẫn đọc Lời Chúa trong các nhóm cộng đoàn, nhưng không được cử hành các bí tích như linh mục.

Bác Philip Rahlan Blơi, thuộc Trung tâm truyền giáo Pleichuet, giáo hạt Pleiku, giáo phận Kontum là một trong những Ako khul.

Năm 1971, bác theo đạo nhưng có lối sống buông thả, nhậu nhẹt, đánh đập vợ con, bỏ bê việc thờ phụng Chúa. Năm 1975, cuộc đời bác thay đổi khi bác gặp cha Antôn Vương Đình Tài (12.06.1930 – 27.05.2005). Nhờ đời sống giản dị, gần gũi và nhờ lời cầu nguyện của cha bác đã quay trở về với Chúa. Bác phụng vụ giáo điểm từ năm 2000 đến năm 2004, sau đó nghỉ một thời gian, và năm 2006 bác tiếp tục công tác với Trung tâm cho đến bây giờ.



Cha Antôn Vương Đình tài, CSsR, rửa tội cho một người Jarai tại Biển Hồ, Pkeiku

Sau đây là cuộc trò chuyện của phóng viên VRNs với bác Philip Rahlan Blơi.

PV: Thưa bác, bác đã chuẩn bị những gì trước khi đi truyền giáo?

Philip Rahlan Blơi: Từ 8-12 giờ, thứ 7 hằng tuần, cha, các sơ và các ako khul bàn về nội dung chia sẻ ngày Chúa Nhật trong tuần. Trước khi đi truyền giáo phải thông báo cho cha và các sở biết mình đi truyền giáo ở xã nào, huyện nào.

PV: Thưa bác, bác bắt đầu công việc truyền giáo như thế nào?

Philip Rahlan Blơi: Trước tiên, mình phải sống thành thật, có cái gì giúp cái nấy, có lòng yêu mến Thiên Chúa thông qua đời sống hằng ngày, gặp gỡ Chúa trong thánh lễ nhưng cần phải quan tâm đến những người anh em đau ốm, bị tai nạn và gặp khó khăn. Gặp ai mình cũng bắt tay chào và nói: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần và cầu xin Đức Mẹ Maria cho họ”, không phân biệt người có đạo hay người bên lương vì mọi người đều là con của Chúa, và Chúa sẽ tác động để họ tin theo Chúa. Phong tục người Jarai, hễ ai vào nhà là họ mời ăn cơm. Tôi đến thăm các gia đình người Jarai, trong bữa ăn tôi làm dấu thánh giá và cầu nguyện là họ nhận biết tôi là người Công giáo. Tôi đến thăm nhiều lần như vậy, họ hỏi: “Theo đạo có gì khác hơn không?” tôi trả lời: “Có, mình sẽ sống tốt hơn”. Chúa sẽ làm tiếp công việc của Ngài.

PV: Theo bác điều quan trọng nhất trong công tác truyền giáo là gì?

Philip Rahlan Blơi: Đầu tiên, mình phải cho họ biết về Thiên Chúa. Thiên Chúa có ba ngôi: Chúa Cha yêu thương con người yếu đuối, Chúa Con chịu chết trên thập giá vì tội lỗi con người, Chúa Giêsu chịu chết, ba ngày sau Ngài sống lại và hứa ban Thần Khí của Chúa và giây phút này, giờ phút này mình đang sống trong Thần Khí của Chúa. Thứ hai, tập cho anh chị em biết cầu nguyện và tạ ơn Chúa. Cầu nguyện xin Chúa ban ơn Thần Khí của Chúa, soi sáng những điều Chúa muốn mình làm. Chúng tôi cầu nguyện từ trong Kinh Thánh. Trước khi chia sẻ Lời Chúa, tôi và ba người trong làng lần lượt đọc Lời Chúa, sau đó, im lặng cầu nguyện rồi gợi ý cho nhau : “Anh chị em muốn xin Chúa ơn gì?”, “Chúa muốn anh chị em làm gì cho Chúa?”. Chúa sẽ lắng nghe và nói chuyện với mỗi người chúng tôi trong giờ cầu nguyện. Và tạ ơn Chúa trong các bữa ăn, trong khi làm rẫy vì chính Thiên Chúa tạo dựng ra con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài ban cho mặt trời, mặt trăng, đất, nước để mọi người được sống.



Anh Philip Rahlan Blơi cùng với phóng viên Huyền Trang

PV: Bác gặp những khó khăn gì khi đi truyền giáo? Bác đã giải quyết khó khăn này như thế nào?

Philip Rahlan Blơi: Thứ nhất, trình độ văn hóa của người đồng bào hạn chế không thể hiểu thấu được vấn đề mình chia sẻ. Thứ hai, trong làng có nhiều kẻ nói xấu người Công giáo : “Trong làng có những người Công giáo đang làm hư làng hư xóm”. Nhưng tôi luôn tin rằng những người chưa biết Chúa mới làm điều xấu, những người tin theo Chúa sống rất tốt và tôi phó thác vào Chúa mọi sự. Thứ ba, ngày nay nhiều bạn trẻ trong các làng bị xã hội lôi kéo vào việc đua xe, đánh nhau, chúng trở nên hư hỏng. Có người bị công an bắt để cảnh cáo nhưng vẫn không thay đổi được hành vi xấu. Tôi chỉ biết cầu nguyện xin Thiên Chúa ra tay cứu giúp vì chỉ có Thiên Chúa mới biến đổi được con người.



Ông Ơi Vina, một người truyền giáo bản địa tại vùng Cheoreo-Tơlui

PV: Xin bác chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo !

Philip Rahlan Blơi: Chính đức tin và đời sống của anh em đồng bào làm cho tôi tin vào Thiên Chúa. Trong việc truyền giáo, các linh mục, các sơ và các Yáo phu không thể làm một mình được, mà phải phó thác kết hợp với Chúa Yêsu. Có một lần tôi đi truyền giáo ở Măng Yang, trên đường đi xe hết xăng, tôi lo lắm nhưng Chúa đã lo liệu cho tôi, gặp được một cặp vợ chồng đi tới, và họ đã giúp đổ đầy bình xăng cho tôi. Tôi cảm tạ Chúa và cám ơn họ rất nhiều.

PV: Thưa bác, động lực nào đã thúc đẩy bác truyền giáo?

Philip Rahlan Blơi: Chính Chúa Thánh Thần đã tác động để tôi phục vụ cho dân Chúa và biết sống với cộng đoàn. Tôi lớn lên trong nhiều thử thách khó khăn, điều này làm tôi tin Chúa đã giúp tôi. Tôi có kinh nghiệm được Chúa chữa lành bệnh. Đó là tôi hút thuốc lá từ năm 8 tuổi. Nhiều lần tôi muốn bỏ thuốc lá nhưng không thể cai được. Năm ngoái, tôi quyết định bỏ và cầu xin Chúa cứu giúp. Lời cầu nguyện của tôi đã được Chúa chấp nhận và tôi đã bỏ hút thuốc lá được một năm nay.

PV: Thưa bác, bác mong muốn gì nhất khi truyền giáo?

Philip Rahlan Blơi: Tôi mong Nhà nước chấp thuận cho các linh mục được cử hành thánh lễ trong các làng cho các anh em người đồng bào ở xa, để họ nhận được đầy đủ các bí tích. Tôi chỉ có thể dạy giáo lý, phụng vụ Lời Chúa, khuyến khích các em học sinh đến trường và giúp những người chưa được biết Chúa.

***

Philip Rahlan Blơi, người giáo dân truyền giáo, đã truyền đạt rất say xưa, đầy lửa về Thiên Chúa. Sự biểu lộ nhiều bằng ngôn ngữ không lời và một chút vốn từ tiếng Kinh của người truyền giáo diễn tả họ đang có đời sống giản dị, phương tiện vật chất khó khăn và chỉ với niềm tin xác tín vào Thiên Chúa, bác Philip Rahlan Blơi đã trở thành một công cụ đơn sơ nhỏ bé, một người thợ bé nhỏ trong vườn nho của Thiên Chúa.

Mỹ Hằng – Huyền Trang, VRNs