Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Những cuộc hành trình

VRNs (05.09.2011) – Sài Gòn – Hai thập niên 1980 – 1990 là hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 20. Lúc bấy giờ trên thế giới đã có người thám hiểm Hoả tinh, tàu Mars Global Surveyor đã gửi về vô số hình ảnh và dữ liệu. Còn ở Việt nam thì xe đò vẫn còn ì ạch, chen chúc, nhưng tài xế lại có biệt tài muốn phóng nhanh bằng hoả tiễn.



Khi nghĩ đến những chuyến xe đò ngày ấy, nhiều người vẫn không quên thời gian đứng xếp hàng mua vé, những giờ mệt nhọc và uể oải trên chuyến xe, và cả những bất bình vì bị đối xử như hàng hoá…





Bây giờ xe đã khác nhiều. Xe có máy lạnh, có nước uống, có khăn lau mặt và nếu đi ban đêm thì có cả chăn mền để đắp. Những người phục vụ trên xe đò cũng khác xưa vì nhiều lý do. Cái khác nhiều nhất có lẽ là tốc độ. Bây giờ xe chạy nhanh hơn nhiều, nhưng có điều là tốc độ lại được kiểm soát kỹ, chạy nhanh quá giới hạn là bị “bắn tốc độ”. Mà tốc độ giới hạn lại quá “eo hẹp” đến nỗi các ông tài xế vẫn than thở rằng lái xe mà phải chạy như đi bộ!

Nếu những chuyến xe là hình ảnh rõ nét của cuộc đời thì quả là có nhiều điều để suy gẫm khi nhìn những chuyến xe đi qua. Ngày xưa nhà thơ Tế Hanh thích đến nhà ga những chiều Chúa Nhật để “thấy thương những con tàu ngàn đời không đủ sức đi mau” hay để “đứng bơ vơ xem tiễn biệt”, và ngẫm nghĩ về phận người, về cuộc đời.

Ngày nay, những chuyến xe đò cũng giúp con người suy gẫm về Lời của Chúa Yêsu khi Người truyền cho môn đệ hãy ra đi. Có điều trùng hợp thú vị là câu mở đầu của Bản Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo cũng nhắc đến thời gian, nhắc đến những cuộc hành trình và nhắc đến chính Con Đường mà dân Chúa bước theo:

“Giáo Hội tiến vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba của kỷ nguyên Kitô giáo như một đoàn dân lữ hành, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô, vị “Mục Tử cao cả” (Dt 13,20). Người là “Cửa Thánh” (x. Ga 10,9) mà chúng ta đã bước qua trong Năm Toàn Xá 2000. Đức Yêsu Kitô chính là con đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6): khi nhìn ngắm dung nhan Người, chúng ta càng thêm tin tưởng và hy vọng nơi Người, Vị Cứu Tinh duy nhất và cũng là mục tiêu duy nhất của lịch sử.”

Hội Thánh cùng với nhân loại này đang đi vào thời gian mới, nhưng các phương tiện đi lại của Hội Thánh không tuỳ thuộc vào những điều khiếm khuyết như các chuyến xe đò ở xứ ta. Hội Thánh đi trên Con Đường ngay chính, mà Con Đường ấy cũng chính là Đấng Chỉ Đường, là Mục Tử, và là mục tiêu duy nhất của Hội Thánh.

Câu mở đầu trích dẫn trên đây ngắn thôi, nhưng lại trình bày đầy đủ tất cả hành trang cho chuyến đi cuộc đời. Đó là nhìn ngắm dung nhan vị Mục Tử để thêm tin tưởng và hy vọng.

Ai đã từng nóng lòng ngồi trong những chuyến xe còn nóng hơn lòng mình ngày ấy, đã cảm thấy nỗi mong mỏi được đến nơi như thế nào. Có điều là sự chờ mong ấy không có gì làm bảo đảm khi người ta nhìn thấy phương tiện quá tàn tạ.

Còn “đoàn dân lữ hành” của Thiên Chúa thì khác. Có nhiều thử thách, có nhiều cám dỗ làm cho nhiều lữ khách chán nản, giống như dân Do thái trong sa mạc tiếc “củ hành củ tỏi bên Ai cập”, muốn quay lưng bỏ cuộc. Nhưng niềm hy vọng của phần đông Dân thánh vẫn bùng cháy lên vì họ biết “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (TV.23)

Trong cuộc lữ hành nhiều thử thách ấy, Hội Thánh không ngừng nhắc lại niềm “tin tưởng và hy vọng nơi Người, Vị Cứu Tinh duy nhất và cũng là mục tiêu duy nhất của lịch sử”.

Và như thế, khi thấy những đau khổ, bất công, chèn ép trong cuộc lữ hành, dân Chúa không có quyền cúi mình van xin hay cậy dựa vào các thế lực trần gian, bởi một lẽ đơn giản: bóng tối không thể soi đường cho con người tìm thấy ánh sáng. Chỉ có ánh sáng mới soi đường cho con người bước đi.

Khi dân Chúa tìm nương ẩn nơi các thế lực đối nghịch với Thiên Chúa, dù biện minh cách nào đi nữa thì họ vẫn cho thế gian thấy niềm hy vọng vào Đấng là Mục tử đã không còn mạnh mẽ. Khi con người tự mình tìm thoả hiệp với thế gian để mong cho đường đi bằng phẳng, thì họ vô tình phủ nhận bảng chỉ đường là chính Lời Chúa và huấn quyền của Hội Thánh.

Niềm hy vọng và tin tưởng của dân Chúa chỉ bùng lên khi họ biết “nhìn ngắm dung nhan Người”. Dung nhan ấy là dung nhan của Người Tôi Tớ đau khổ mà ngôn sứ Isaia diễn tả, và cũng chính là dung nhan của ngày Phục Sinh vinh hiển. Dung nhan ấy được diễn tả ngày Đức Yêsu biến hình trên núi Tabor, và cũng là khuôn mặt dịu dàng cúi xuống trên người cùng khổ, và đồng thời cũng là hình ảnh khi Người lên án bọn người bất lương đàn áp Dân Chúa.

Chúa Yêsu không phải là người tài xế trên chuyến xe cuộc đời dân Chúa. Chẳng có hành khách nào “nhìn ngắm dung nhan” tài xế được, và người tài xế cũng không gắn liền với cuộc đời con người, dù họ là hành khách thường xuyên trên chiếc xe ấy.

Chúa Yêsu chính là Con Đường, là vị Mục Tử đi bên cạnh và trong tâm hồn dân Người, và là mục tiêu cho dân. Cầu xin Người ban cho các mục tử đại diện Người luôn củng cố niềm hy vọng cho dân thánh, xin Người cho đoàn dân lữ hành chỉ đặt niềm hy vọng vào một mình Người, không chia sẻ niềm hy vọng ấy vào một thế lực nào khác, bởi vì chỉ nơi Người mới có ơn giải thoát.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs