Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

40 năm theo Cha lang thang khắp núi rừng

VRNs (23.10.2011) – Gia lai - Ngày 10 tháng 10 năm 2009 là tròn 40 năm ngày Đức cha Paul Seitz, giám mục Kontum, đưa bốn thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (từ nay viết là DCCT) đến Pleikly, quận Phú Nhơn, tỉnh Pleiku (nay là làng Pleikly, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), để họ sống với người Jarai như một người Jarai. Điều này đã được Đức giám mục đương nhiệm của Kontum xác nhận đó là một gia sản DCCT góp cho giáo phận. Ngài mời gọi các thế hệ thừa sai mới hãy bước theo con đường ơn huệ này của các vị tiên phong là ở với dân như dân để cho dân.



Già làng và cộng tác viên truyền thông đang nói chuyện

Các ông DCCT trước khi đến Pleikly chưa hề chuẩn bị mình sẽ là dân với dân, vì suốt quá trình đào tạo, mặc dù có được huấn luyện hướng đến người nghèo bị bỏ rơi hơn cả, nhưng các ông vẫn được lưu ý cũng như tự ý thức rằng mình là cha, là linh mục, là người hướng dẫn dạy bảo dân. Nền đào tạo các ông được hưởng trở nên một thách thức lớn lao khi đến Pleikly. Không có ai có đạo, nên không ai cần nghe về Thiên Chúa của các ông, mặc dù là Thiên Chúa yêu thương gì gì đó. Người Jarai giao tiếp bằng tiếng Jarai, còn các ông thì giao tiếp bằng tiếng Kinh, thỉnh thoảng xen lẫn những câu thoại Pháp ngữ, Anh ngữ hay La ngữ mà mấy ông đã thụ huấn, nên họ nói các ông không hiểu, các ông nói họ chẳng biết các ông muốn nói gì ?!

Phải học tiếng

Bước đầu học tiếng, dù muốn dù không, các ông cũng là những trí thức, không chỉ đối với người thuộc các sắc tộc thiểu số, mà đối với cả người kinh đa số. Nên việc học tiếng Jarai cùng những người thất học, không biết viết không biết đọc là một sự hạ mình đậm nét anh dũng. Đã hạ mình đến thế, vậy mà chưa xong. Một ông trong nhóm thừa sai kể rằng: “Một đứa bé dạy mình đọc, mình đọc hoài không đúng, nó liền nói một tràng rối bỏ đi, mình hỏi một đứa khác có đi học rằng đứa bé kia nói gì vậy. Nó tĩnh bơ trả lời – nó bảo ông lớn mà ngu, có một chữ đọc hoài không đúng !” Ông ấy nói: “Lúc này mình mới bắt đầy cảm nhận một chút thế nào là kenosis (tự hủy) của Chúa Yêsu.



Cha Giuse Trần Sĩ Tín đang thanh tẩy cho dự tòng giữa dòng suối



Tiếng Jarai cấu trúc câu thì gần với tiếng Anh, nhưng từ ngữ thì có nhiều từ bê nguyên xi từ tiếng Pháp, bởi vì từ những năm 20 của thế kỷ 20, chính các ông Quan Tây đã ký âm tiếng Jarai theo âm hiệu alphabet. Sau 1975, mấy ông cách mạng muốn phủ nhận công lao của người Pháp trên người Jarai về văn hóa (giống như họ muốn phủ nhận hoàn toàn vai trò của cha Đắc Lộ với tiếng Kinh), nên đã dựng nên một ông giáo Jarai theo cách mạng tên là Nay Der và xem ông là người sáng tác ra tiếng Jarai. Hiện nay những người Jarai trí thức cao niên cũng như mới được đào tạo đang khốn khổ vì sự nghịch lý của sự biểu dương “người Kinh cái gì cũng đúng, phải theo” của cách mạng. Vì tiếng Kinh có rất sớm, nên khi ký âm chữ “cho”, cha Đắc Lộ và những người cộng sự đã ký âm là “ch + o”. Nhưng sang cuối thế kỷ 19, ngành ngôn ngữ học đã phát triển mạnh, người ta quy ước mỗi âm chỉ nên ký âm bằng một ký tự, nên khi người Pháp ký âm tiếng Jarai, không ký âm chữ “cho” theo kiểu tiếng Kinh là “ch+o” nữa, mà đã ký âm là “Co”. Những người học tiếng Jarai hay gọi là chữ sê (c) toắt (). Té ra cách mạng không phải là sự tiến bộ mà là sự tụt lùi.



Dân làng cầu phúc cho thầy phó tế Phêrô Leonard Hồ Văn Quân

Khi đã biết được tiếng, các ông DCCT đã được dân đón nhận và yêu thương như người Jarai họ vậy, nhưng họ vẫn chưa sẳn sàng nghe Chúa của các ông truyền giáo. Còn các ông thừa sai thì sau lúc ngộ nhận truyền giáo là giảng dạy của những ngày đầu, họ đã trải qua một kinh nghiệm nhập thể đặc biệt. Nhập thể với người nghèo đồng nghĩa với bị miệt thị, khinh chê và bị tước bỏ giá trị. Cũng may là các ông chưa bị đóng đinh như Chúa Yêsu, Đấng đã nhập thể làm người.

Những giá trị bị tước đoạt

Trong nhóm thừa sai, có một vị, trong thời gian khoảng 1969-1971, vì không có việc nhiều đã tranh thủ ghi danh làm cao học về nông nghiệp với luận văn tốt nghiệp là “Cách làm lúa luân canh của người sắc tộc Tây Nguyên” đã được đánh giá cao. Vậy mà sau 1975, người ta đã tuyên truyền, dạy học và ép buộc người dân phải bỏ lối làm lúa luân canh, và khẳng đình rằng cách làm ăn di canh di cư như vậy là lạc hậu. Đây là một âm mưu lừa đảo hay sự ngu dốt có hệ thống ?

Ai cũng biết, Tây Nguyên là đồi núi, nên thành phần cấu tạo nên đất chủ yếu là đá, lớp đất thịt có thể canh tác là lớp đất rất mỏng ở trên bề mặt. Chính vì biết thế (chắc là thần linh chỉ bảo), nên từ hơn bốn nghìn năm nay, người các sắc tộc Tây Nguyên, Miền Trung Việt Nam luôn luôn làm lúa và trồng trọt theo cách luân canh. Cụ thể thế này: năm nay gia đình tôi làm ở mảnh đất này, năm sau tôi di chuyển đến mảnh đất khác, mảnh đất cũ được gọi là ksor (đất bỏ trống, nhưng không vô chủ) tự nó sẽ mọc lên cỏ cây và sau 6 -7 năm thành rừng thưa. Rồi năm tới gia đình tôi sang một mảnh đất khác nữa, và cứ như vậy sau bảy năm, năm thứ tám, gia đình tôi trở về mảnh đất đầu tiên. Mẳnh đất này sau bảy năm được “nghĩ hưu” sẽ tự phục hồi “sức khỏe và kháng thể” do đó lúa trồng không bao giờ bị sâu rầy, chẳng cần thuốc kích thích hay phân bòn, mà lúa vẫn tốt, cơm vẫn thơm ngon. Cách đây hai ba năm gì đó, ông thầy lúa Việt Nam ở Miền Tây, giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói ở các nước tiên tiến, người ta làm lúa một năm chỉ một vụ chứ không như ở ta làm hai, ba rồi tới bốn vụ một năm, để dẫn đến tình trạng đất kiệt sức, mất khả năng đề kháng, dẫn đến hàng lạot bệnh tật cho cây lúa. Như vậy ai văn mình hơn ai ?

Người ta cũng nói đến nguyên do mất rừng là do thói quen làm ăn luân canh luân cư. Đây cũng là hành động “gắp lửa bỏ tay người”. Mảnh đất ksor của một gia đình sau bảy năm nhìn như cánh rừng non, nhưng đây là đất nông nghiệp của cả gia đình chứ không phải rừng hoang. Khi trở lại mảnh đất đó, người ta chặt lấy gỗ ngay tại mảnh đất đó để làm ngôi nhà ở tạm trong một năm và lấy đất canh tác. Hãy nhớ, ngày xưa nhà của người thiểu số Tây Nguyên rất thô sơ, vì thường xuyên di cư. Như vậy người sắc tộc khồng hề phá thêm rừng để làm nương, làm nhà như tuyên truyền. Hãy nhìn xem, hơn bốn nghìn năm người thiểu số cư ngụ, rừng vẫn còn nguyên, nhưng chỉ 30 năm, gọi là “giải phóng” thì hết rừng. Do đâu?



Cha Gioan B. Nguyễn Văn Phán hướng dẫn cộng đoàn các bà góa

Cần nói thêm, ngày xưa, chỉ có nhà rông, tức ngôi nhà chung của làng thì mới làm kiên cố và rất nghệ thuật. Ngoài ra cũng có những người dân tộc biến chất, do buôn bán, làm ăn nhiều với người Kinh trở nên giàu có, cũng tỏ ra mình là một thứ chủ nhân ông nhất định nào đó. Nhà cửa của họ cũng kiên cố hoành tráng kiểu người kinh, họ không còn làm theo kiểu người thiểu số nữa. Dân gọi những người đó là những “pơtao”. Pơtao trong ngoặc kép, tức là những người tỏ ra quyền thế, và dùng tiền hay lực tạo uy thế đáng ghét của dân, chứ không như những pơtao thật, vì pơtao thật là những người trung gian giữa trời và con người. Các vị pơtao này có vai trò của một tư tế. Cho đến nay, người Jarai vẫn tôn kính pơtao Ia (thủy xá) ở phía Tây, pơtao Apui (hỏa xá) ở phía Đông và pơtao Angin (phong xá) ở phương Nam. Trong quan niệm của những người bản địa, đời sống các vị pơtao này ảnh hưởng trực tiếp đến các huyết mạch thủy thổ, nên tự họ, đời sống cũng rất tiết chế.

Lại sau 1975, người ta không muốn nhìn nhận chút giá trị gì tốt của người sắc tộc thiểu số nên đã tìm cách dẹp bỏ, đồng hóa và có dấu hiệu diệt chủng. Những chiếc áo, panh eng (giống như xà rông của người Kh’me dành cho phụ nữ), toai (khố dành cho đàn ông), những ching cheng (người Kinh hay gọi sai là cồng chiêng), rượu cần … đều bị coi là lạc hậu. Những thờ cúng của tổ tiên người bản địa để lại bị cho là mê tín, tà ma. Nói chung là nơi người dân tộc không có gì là tốt cả với cái nhìn của cách mạng được thể hiện ra bằng chính sách.

Ngay đến cái họ của dân bản địa cũng bị xâm hai nghiêm trọng. Ví dụ người Bru Vân Kiều ở dãy núi Trường Sơn (Quảng Trị) sau 1975 bị mang họ “Hồ” hết. Người Bahnar ở phía Mangyang trở về An Khê lại phải mang họ Đinh. Đó là những họ của người Kinh. Người thiểu số phải mang họ của người Kinh để làm gì? Để họ mất tổ tiên giồng tộc của họ chứ còn gì nữa. Những người thiểu số ở Kontum, bất kể dân tộc nào, cứ nữ thì trước tên có chữ “Y”, còn nam trước tên có chữ “A”. Áp đặt như vậy để làm gì? Để cách mạng dễ quản lý chuyện giới tính nam / nữ. Hàng loạt người Jarai ở Sa Thầy, Mang La phải bỏ họ của tổ tiên mình là Siu, nay, Rahlan, Kpă … để nhận một cái họ không giống ai là A hay Y.

Nếu mà còn kể những giá trị của dân bản địa Tây Nguyên bị tước đoạt thì sẽ không kết luận được bài này. Trong hoàn cảnh đó, các ông thừa sai DCCT nhận mình là Jarai sống với Jarai. Như Chúa Yêsu là người sống với con người.

Người thiểu số đón nhận giá trị của mình trong Cha là Thiên Chúa

Các ông thừa sai DCCT qua các thế hệ ở Tây Nguyên, người còn sống cũng như đã chết lần lượt được người thiểu số đón nhận vào dòng tộc, đặt tên và xem như là người của mình. Cha Antôn Vương Đình Tài có tên Siu Dam But, cha Yuse Trần Sĩ Tín có tên Siu Brâo, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Phán có tên Rahlan Tơgu\, thầy Leonard có tên Nay Truh, cha Thịnh là Rahlan Dam Pun, cha Chiến – Nay Anh, cha Thanh – Nay Gum, cha Niệm – Kpă Sang, cha Công – Ksor Khăp … Người bản địa xem các ông thừa sai là con, cháu, cha, ông, anh, em, chú, bác của họ.

Từ năm 1990, các ông thừa sai bắt đầu khuyến khích dân dùng lại sắc phục bản địa của mình, mang ching cheng ra sử dụng lại trong những dịp ma chay, cưới hỏi và lể hội. Ở thời điểm đó, tại Pleikly và Cheoreo-Tơlui\ tổ chức đánh ching chêng, công an, bộ đội được điều động đến để bắt ! Bây giờ thì họ tự hào cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới, nhưng cũng tuyên truyền sai không đúng sự công nhận của Tổ chức văn hóa khoa học Liên hiệp quốc. Họ không tuyên bố “cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới”, mà xác nhận “quần thể văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới”, tức là cái môi trường nuôi sống cồng chiêng làm cho cồng chiêng nên hấp dẫn mới là di sản văn hóa thế giới. Mà môi trường đó là môi trường nào? Toàn bộ là các môi trường cúng tế, môi trường đẩy con người đến với thần linh !

Từ đó, người bản địa nhận ra, các ông thừa sai không chỉ là người khoác áo của mình, mà thật sự là người của thần linh gởi đến để giúp mình lại là mình nên họ bắt đầu tìm hiểu Thiên Chúa của các ông thừa sai. Mãi đến lúc đó (sau 20 năm), mấy ông thừa sai DCCT mới bắt đầu tất bật với những gì mình đã chuẩn bị từ mấy chục năm trước. Nhưng bây giờ rất khác. Một ông thừa sai lão làng nói: “Tôi không dạy gì cho họ, nhưng nhờ hành trình đức tin của họ, tôi biết tôi đang tin vào Thiên Chúa nào cách rõ ràng”. Nhiều ông khác thì nhận ra rằng nhờ họ tin Chúa mà mình vững tin hơn, nhờ họ yêu cầu mình giúp họ thấy Chúa mà mình trở nên đơn sơ để Chúa chiếm hữu mình cho họ.

Như vậy mới thấy hành trình truyền giáo 40 năm qua là một hành trình lang thang trên khắp núi đồi. Lúc khác phá vách núi cao vút của lòng kiêu hãnh, khi lội qua ke suối sâu của ngăn cách Kinh Thượng để cuối cùng Kinh Thượng gặp Chúa, các ông thừa sai và người bản địa được ơn cứu độ.

Nếu chỉ mới đọc mà đã thấy thú vị thì khi chạm tay vào vách núi, đẩy chân rời đấy để lao đến đỉnh ngọn đồi sẽ còn thú vị hơn.

10.10.2009 – Kỷ niện 40 năm Pleikly
An Thanh, CSsR