Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Pháp luật Việt Nam và việc thực hành

VRNs (10.10.2011) – Sài Gòn – Ở Việt Nam có nhiều việc người ta làm theo thói quen có trước mà ít khi chịu tìm hiểu lý do. Khi có người chất vấn tại sao làm như thế thì người ta ấp úng, không trả lời được. Có một thời các văn bản pháp luật được “giấu kín” đối với người dân như thể “bí mật quốc gia” (để cán bộ dễ bề thao túng) nên hầu hết người dân không hiểu rõ luật pháp để áp dụng cho trường hợp của mình. Việc làm này đã vô tình hay hữu ý tiếp tay cho tệ nạn tham nhũng trong giới cán bộ, gây ra tình trạng sách nhiễu, “làm luật” mỗi khi người dân có việc liên hệ đến chốn công đường.



Bài viết này chỉ đề cập đến hai việc nhỏ: thứ nhất, có bắt buộc hay không khi ghi hai dòng Quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM và Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” trên các văn bản hành chính của người dân gửi đến các cơ quan chính quyền? Thứ hai, có vi phạm pháp luật hay không khi treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ khác (trong đó có cờ của Đảng cộng sản)?

Thông thường thì đa số chúng ta vẫn không thắc mắc gì về những điều trên vì dường như đã thành thói quen và ít có ai tham chiếu các văn bản pháp luật. Người dân hễ đặt viết xuống viết đơn là phải ghi ngay câu Quốc hiệu, nếu không thì sợ “phật lòng chính quyền”. Một nguyên nhân khác khiến người dân cảm thấy đương nhiên phải viết vì trên tất cả các mẫu văn bản như Sơ yếu Lý lịch, Đơn xin việc làm,… luôn luôn ghi sẵn câu Quốc hiệu này. Hoặc đi đâu người ta cũng thấy các cơ quan nhà nước treo cờ Tổ quốc ngang với cờ búa liềm, nhìn mãi thành quen mắt. Người dân thành phố này cứ gần đến dịp lễ hội nào đó bỗng nhiên thấy tất cả các xe taxi của Vinasun cắm cờ búa liềm chạy khắp nơi. Không biết có phải để “lấy lòng” hay không mà doanh nghiệp này lại hăng hái quá mức bình thường như vậy: đưa chính trị vào cả trong lãnh vực kinh doanh?

Tuy nhiên, trong Thông tư 01/2011/TT-BNV Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính của Bộ Nội vụ (http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=26230) thay thế Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/05/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ quy định ngay tại Điều 1 như sau: “Thông tư này hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản; được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức)”. Sau đó, thể thức và kỹ thuật trình bày Quốc hiệu được quy định tại Điều 6 của Thông tư.

Như vậy, tất cả mọi thành phần khác không phải là “các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân” không phải là đối tượng áp dụng của Thông tư này. Vì lẽ đó, mọi cá nhân công dân Việt Nam và các TỐ CHỨC TÔN GIÁO không buộc phải ghi Quốc hiệu trong các văn bản hành chính.

Bất cứ ai bắt buộc các cá nhân hoặc tổ chức khác không quy định tại Điều 1 của Thông tư 01/2011/TT-BNV phải ghi Quốc hiệu vào văn bản hành chính là không phù hợp pháp luật.

Trong Nghị định 75/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá (http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=25491), tại điểm c, khoản 2 Điều 18 có ghi: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ khác.”

Khi các tổ chức hay cá nhân nào vi phạm điều này thì, theo quy định tại điểm a, khoản 6 Điều 18 sẽ phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc treo cờ Tổ quốc cao hơn, trang trọng hơn các cờ khác đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này”. Về mặt này thì có lẽ các cơ quan của Đảng hiện nay vi phạm hơi bị nhiều… Không tin cứ đảo mắt một vòng những nơi ấy mà xem.

Dường như thực tế tại Việt Nam không xảy ra như quy định của pháp luật.

Hiếu Minh, VRNs