Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Thói quen xấu của trẻ em

VRNs (29.10.2011) – Sài Gòn – Người ta thường nói trẻ con là thế hệ tương lai, là mầm xanh của tổ quốc. Lớp trẻ được giáo dục tốt về đức và tài năng thì tương lai của đất nước mới sáng sủa, nếu lớp trẻ còn nhiều điều đáng quan tâm thì làm sao có thể yên tâm về tương lai của chúng chứ nói gì tới tổ quốc quê hương.



Trẻ có những thói quen xấu, không được quan tâm dạy dỗ, cứ thế hình thành, mặc nhiên lan tỏa và phát tán như cỏ dại từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng sau, từ năn này qua năm kế. Những thói quen này trở thành nếp và theo các em cho đến khi trưởng thành.

Cứ nhìn vào em cháu xung quanh chúng ta và ngay cả người lớn cũng có nhiều điều đáng quan tâm và cần điều chỉnh. Sau đây là một số thói quen xấu của trẻ nhỏ tuy không đủ nhưng khá phổ biến:

- Chống cằm: không biết tại sao trẻ con có điều gì bận tâm mà thường hay chống cằm đưa ánh mắt nhìn về xa xăm tư lự suy nghĩ có vẻ rất ư là người lớn. Thông thường, các em ngửa bàn tay nhỏ xinh của mình dưới cằm và gát toàn bộ sức nặng của đầu và cổ đồng thời đẩy cằm hướng lên về phía trước. Thói quen này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh cột sống cổ. Thói quen này dần giết khả năng tập trung, lắng nghe người khác.

- Cắn viết: đó là khi trẻ không suy nghĩ ra điều muốn biết thì trẻ có thói quen cắn viết. Học sinh, sinh viên cũng không bỏ được thói quen này khi suy nghĩ hoặc lúc làm bài bị bí. Các trẻ đâu biết rằng khi cắn viết sẽ ảnh hưởng không tốt đến men răng, chưa nói đến việc vi trùng sẽ theo đó mà vào miệng. Thói quen này làm cho con người dừng lại ở những cái gì mình đã biết và cố gắng nhớ, mà không dám đột phá, tìm kiếm một điều hoàn toàn mới lạ.

- Cắn môi: việc cắn môi cũng nguy hại không kém: cắn môi trên sẽ thành cụ móm, còn cắn môi dưới sẽ thành lão hô. Răng bị hô hay món tự nhiên đến khi lớn dễ cảm thấy tự ti xấu hổ phải đi chỉnh lại rang, tiêu tốn một số tiền khá lớn. Nay do thói quen con trẻ mà người lớn không điều chỉnh kịp thời vô tình cho trẻ có một gương mặt không thẩm mỹ. Thói quen này làm con người tự khép mình lại, khó hợp tác với người khác.

- Cắn móng tay: hình ảnh trẻ con và người lớn cắn móng tay thay vì dùng đồ cắt móng phổ biến khá nhiều. Thói quen này phổ biến ở nhiều lứa tuổi, tuy đã lớn nhưng khó sửa. Tôi từng thấy có nhiều cô gái trẻ chưa hoặc đã lập gia đình có thói quen cắn móng tay, đôi lúc cắn sát quá làm hư tổn móng và chảy máu. Hàng triệu con vi trùng dưới móng tay có cơ hội thâm nhập vào đường ruột, qua thành ruột vào máu và đi đâu nữa thì có trời mà biết chúng sẽ gây ra những hệ lụy gì.

- Ngoáy mũi: có nhiều trẻ và ngay cả người lớn cũng rất thích ngóay mũi, móc cứt mũi vò vò rồi vứt đi. Có lần, tôi nổi da gà khi thấy một em học lớp hai cứ móc mũi mà ăn liên tục không ngừng. Việc móc/ngóay mũi mạnh và nhiều lần sẽ làm tổn thương mũi – vốn rất nhạy cảm với khói bụi thời tiết – gây ra các bệnh lý về mũi.

- Chải răng cẩu thả: dù các trẻ đã được cha mẹ, cô giáo hướng dẫn chảy răng từ rất bé nhưng khi các em lớn dần thì thói quen này cũng mất dần nếu không được cha mẹ động viên nhắc nhở chảy răng sạch hằng ngày. Phổ biến nhất là các em ở tuổi tiểu học, chỉ làm qua loa để có nhiều thời gian xem ti vi và chơi trò chơi mình thích. Sau một thời gian, răng vàng và có dấu hiệu sâu răng dù là răng vĩnh viễn.

- Tắm gội cẩu thả: các bé thường xói nước chớp nhoáng chưa đầy hai phút là chạy ra khỏi nhà vệ sinh coi như mình vừa tắm xong. Kết quả là người ngợm bùn đất vẫn y nguyên dù người chổ ướt chổ khô nhưng vẫn quả quyết là ‘con tắm sạch rồi’. Việc tắm gội không sạch dễ dẫn đến các bệnh về da, bị chí (cháy) và trông không thẩm mỹ tí nào.

- Không chà chân/tay: trẻ con tắm không sạch thì làm sao có thời gia cho việc chà chân/tay sạch sẽ. Hai bàn tay/chân trẻ với lớp móng đen đầy đất, đất hằn trong da tay, kẻ bàn tay/chân, nhất là móng chân vàng ánh phèn. Phụ huynh nên chuẩn bị cho trẻ bàn chải loại mềm và nhắc trẻ chà chân/tay mỗi khi tắm gội.

- Không cắt móng: trẻ con ‘thích để móng tay dài, ghét cắt móng tay/chân lắm’, cũng không biết vì sao nhưng đó là nhận định của nhiều bé khi được hỏi. Việc cắt móng cho trẻ người lớn nên chủ động để ý tay/chân con mình hằng ngày để cắt cho bé khi không quá dài. Đây không những là thẩm mỹ cho trẻ mà còn tạo môi trường vệ sinh tốt cho bé, tránh được các bệnh lý về tay chân miệng.

- Không rửa tay trước khi ăn: trẻ con có thói quen là cứ để tay bẩn sau khi dọc cát đất, chơi đồ hàng nhào thẳng vô bàn bưng cơm ăn, thậm chí còn ăn bóc nữa. Ăn bóc có cái thú của nó nhưng tay phải sạch thì ăn bóc càng lý thú, càng hào hứng. Nhưng khi tay dơ bẩn mà ăn thì vô tình dẫn cả tập đoàn vi trùng vô bụng đi chu du rồi phát triển thành giun to, giun nhỏ, giun tóc, giun móc, giun lươn và bao nhiêu thứ vi trùng khác.

- Xem ti vi gần: ngày nay có nhiều trẻ con tụm năm tụm ba đến thật gần tivi (khoảng 50-60cm) để xem phim hoạt hình hoặc chương trình yêu thích. Các bé không hiểu rằng với khoảng cách tối thiểu an toàn khi xem tivi là 2m, nếu xem gần quá thì sẽ hại cho mắt. Song, nhiều gia đình cứ thản nhiên với thói quen này của con cháu mình.

- Đọc sách quá gần và thiếu sáng: trẻ con hễ cầm được quyển truyện tranh yêu thích thì cứ cắm cúi xem liền một mạch thậm chí quên cả cơm nước. Đọc sách là thói quen tốt nhưng phải để sách xa mắt từ 25-30 cm và phải đọc nơi có đủ ánh sáng thì mới tốt. Nhưng trẻ con thường để sách quá gần mắt, ngồi đâu đọc đó chẳng kể là nơi đó có sáng đủ không miễn sao thấy chữ là được, làm cho mắt mau mỏi và dễ dẫn đến cận thị.

- Cầm bút sai: các bé thường cầm bút sát ngòi viết nên mực luôn dính vào tay, lâu dần tay nổi cả cục chai sần. Phụ huynh nên hướng dẫn và kiên trì việc cầm bút của trẻ nhỏ vì thói quen này sẽ theo bé suốt cả cuộc đời. Cầm bút đúng cách sẽ giúp cho bé viết chữ đẹp hơn và lâu mỏi hơn khi viết.

- Ngồi sai tư thế: các bé có thói quen ngồi ghì sát người vào bàn, chòm thấp xuống tạo lưng trở thành vòng cung, không thẳng. Có nhiều bé nằm dày ra bàn để viết cách uể oải mỏi mệt. Thói quen này dễ dẫn đến việc đau mắt và khòm lưng, đau lưng, các bệnh lý về cột sống lưng.

- Chửi tục: trẻ bắt chước người lớn trong gia đình và người lớn xung quanh để chửi tục đôi khi chúng chẳng hiểu điều chúng nói. Những câu chửi tục trở thành nếp của một số gia đình, hễ bắt đầu câu nói là phải có đệm mấy từ tục tỉu vô cho rôm rả và có khí thế hào hứng hay sao đó. Dần dà, trở thành thói quen của trẻ do ông bà chửi tục, ba mẹ chửi tục. Người lớn là tấm gương sống cho trẻ nên chúng ta cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình để trẻ có môi trường phát triển tốt.

- Đánh bài: đánh bài là thú vui của không ít gia đình vì người ta hay nói đánh cho vui. Khi người lớn đánh bài ăn nhau vài ba chục, cải vả dăm ba câu rồi chơi tiếp, nghĩ chẳng chết thằng tây nào nhưng vô tình trở thành thói quen của trẻ, trẻ ghiền đánh bài đỏ đen từ đó. Ban đầu trẻ cũng chơi bằng những hình úp ngửa, thẩy hình, đánh bằng bài thật và cũng cải vả và đánh nhau. Trẻ con đánh nhau nếu không dàn xếp đúng cách sẽ dẫn đến quan hệ bất hòa với người lớn với nhau.

- Trốn học: có những trẻ được cha mẹ chở đến cổng trường, thậm chí vào trường rồi nhưng khi ba mẹ vừa quay lưng đi làm là mình cũng lẻn ra cổng trốn học để đi chơi, hoặc chơi game ở một tiệm nét gần trường do mê chơi hoặc do chán học, đến giờ về lại quay lại trường chờ ba mẹ đón như chẳng có chuyện gì xảy ra. Phụ huynh không nên giao phó con cái mình cho cô thầy ở trường là xong bổn phận vì cô thầy có hàng mấy chục trẻ không thể quán xuyến chu tất cho tất cả các em, mà nên quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn để giữ trẻ luôn trong vòn tay yêu thương của mình, không bị cái xấu lôi cuốn.

- Làm biếng: trẻ lười biếng, thụ động trong suy nghĩ, trong lời nói và trong việc làm làm vì có nhiều bậc cha mẹ nghĩ thay và làm thay cho con mình tất cả mà quên việc phải truyền cho con cái ham thích tư duy, ham thích lao động để trẻ trưởng thành toàn diện. Trẻ phát triển về thân xác mà đầu óc và vận động không phát triển sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Nói dối: trẻ con nói dối vì sợ, để chống chế hoặc đối phó với lầm lỗi của mình, thậm chí đổ thừa cho người khác. Phụ huynh nên dạy cho trẻ biết nhận lỗi khi có lỗi để trẻ không cảm thấy mặc cảm, bị xa lánh khi phạm tội.

Nhìn chung, các thói xấu của trẻ hình thành và phát triển đều do bậc làm cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc, gần gũi, yêu thương, tâm sự, bảo ban, sửa đổi. Không có gì là muộn màng nếu chúng ta nhận ra và sửa ngay thói xấu cho trẻ từ hôm nay.

Nguyễn Quân TT