Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Tiễn biệt người Cha Hiền

VRNs (29.09.2011) – Ban Mê Thuột – Cha Hiền mà tôi muốn nói ở đây là Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên Giám Mục Ban Mê Thuột, mới qua đời.



Vào cuối năm 1995, anh L. và tôi được gởi lên Ban Mê Thuột theo lời gợi ý của Đức Cha. Chúng tôi lên Ban Mê Thuột, nhưng chưa trình diện Đức Cha ngay mà đến nhà ông bà H., thuộc xứ Châu Sơn (ông bà H. lúc đó có một cậu con trai tên là Hải, vào thời điểm ấy cậu Hải đang làm nhà Tập DCCT). Chúng tôi ở được một tuần, thì vào một buổi sáng, trước khi chúng tôi ra rẫy, một sơ dòng Nữ Vương Hoà Bình chạy xe honda vào và nói với chúng tôi: “Hai chú ra gặp Đức Cha”. Hai đứa chúng tôi sợ hết hồn, vì mình đến đây âm thầm thế mà sao Đức Cha biết. Hơn nữa, vào địa phận Đức Cha mà không trình diện ngài thì chắc chắn phen này nguy rồi! Hai đứa chúng tôi lóc cóc đạp xe ra Toà Giám Mục. Đang còn loay hoay tìm chỗ dựng xe, thì ở phía góc sân bên kia, có một cụ già vẫy vẫy tay. Chúng tôi đi tới phía cụ và tự hỏi: “Không biết đây có phải là Đức Cha không?” Đó là một cụ già tóc bạc, mặc áo thun, quần âm lịch đen, không thấy đeo nhẫn, nhưng chúng tôi cứ chào là Đức Cha cho chắc ăn. Đúng là Đức Cha thật, Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực.

Ngài nói ngay: “Tôi ở ngoài này mà còn biết 2 ông đến Châu Sơn, thì “bọn chúng” biết hết rồi. Ở đâu không ở, lại ở Châu Sơn. Tôi không biết để các ông ở đâu, nhưng bây giờ về dọn đồ, trong vòng 24 tiếng phải ra khỏi Châu Sơn”. Hai tên lủi thủi ra về dọn đồ, đi đâu thì chưa biết, mà đồ thì có ít đâu. Ngoài 2 chiếc xe đạp, mỗi đứa chúng tôi còn có 2 bao quần áo và sách vở, lại còn chăn mền gối… mới mua được một tuần. Đang dọn đồ, bà sơ gặp buổi sáng lại đến truyền lệnh mới: “Đức Cha gọi hai chú”.

Hai anh em vội đến toà Giám Mục xem Đức Cha truyền lệnh gì. Đến nơi, đã thấy một người phụ nữ ngồi chờ sẵn cùng với Đức Cha. Đức Cha giới thiệu: “Đây là bà cố một thầy đang ở đại chủng viện Sao Biển; còn đây là 2 thầy Sáu”. Ngài nói tiếp với bà cố: “Chỉ tôi biết, bà biết thôi đấy, không được nói cho ai. Tôi gởi hai thầy về nhà bà trong ít ngày”. Nhà bà cố ở xứ Chính Nghĩa, cách toà Giám Mục khoảng 5 cây số.

Chúng tôi dọn đồ đến nhà bà cố ngay hôm đó, nhưng khi vừa chở đồ chuyến thứ hai, cũng là chuyến cuối cùng đến nhà bà cố, thì bà nói: “Cha xứ Chính Nghĩa có hỏi con: ‘Có phải 2 ông thầy không? Bà phải nói thật”. Bà cố vì sợ con mình đang tu bị ảnh hưởng gì gì đó nếu giấu cha xứ, nên phun ra bằng hết. Thế là chúng tôi lại phải lên Đức Cha trình bày sự việc. Đức Cha nói: “Cái ông cha này, không chịu lo làm lễ, cứ đi xoi mói chuyện người khác. Thôi hai ông chở đồ về Châu Sơn, tính sau”. Thế là chúng tôi lại chở đồ về, về đến Châu Sơn với hai chuyến xe đạp, thì trời đã tối mịt, hai tên đành nhịn đói mà ngủ.

Một tuần sau, Ngài cho gọi đến. Khi chúng con đến nơi, thì ngoài Đức Cha, còn có một người đàn ông nữa. Đức Cha giới thiệu: “Đây là cha T. dòng thánh Biển Đức, còn đây là hai thầy Sáu DCCT. Chỉ có tôi biết, cha biết thôi đấy. Nhà dòng cho hai thầy do tôi mời lên đây để lập cơ sở cho nhà dòng. Tạm thời hai thầy sẽ về nhà dòng của cha để ở một thời gian… Bây giờ, cha đạp xe đi trước, hai thầy sẽ đạp xe sau cách một quãng xa để người ta khỏi chú ý.” Thế là chúng tôi đến nhà dòng Thiên Hoà cách đó khoảng 3 cây số.

Cứ sáng sớm, chúng tôi lại đạp xe, hoặc đi bộ đến Toà Giám mục để tham dự thánh lễ, và hầu như 10 ngày thì khoảng chục lần Đức Cha đã chờ sẵn ở sân nhà nguyện, đã gọi chúng tôi lại và nói chuyện một lúc trước khi sơ tài xế xe jeep đưa ngài đi dâng lễ ở nhà dòng NVHB. Thi thoảng, ngài mặc đồ như một ông nông dân: quần âm lịch, áo jacket chạy xe honda 82 đến gặp chúng tôi khi thì ở nhà dòng Thiên Hoà, khi thì ngay trong rẫy cà phê, khiến các chú đệ tử ở dòng Thiên Hoà rất ngạc nhiên thắc mắc: “Hai anh chàng này làm cái gì, mà Đức Cha hay gặp thế?”. Chúng tôi cũng xin bái Đức Cha….. Chúng tôi nói: “Đức Cha cứ bảo chúng con phải kín, mà Đức Cha cứ gặp chúng con như thế, thì sao mà giấu”. Tôi hay nói đùa với anh em mình: “Trong một tháng, số lần chúng tớ gặp Đức Cha, còn nhiều hơn số lần các cha trong giáo phận hay các thầy của cả nhà dòng gặp các Đức Cha trong suốt cả đời….”

Một lần khác, Ngài gọi đến: “Tôi mời các ông lên đây, tôi cũng phải tính để các ông có cái mà sống chứ?”. Chúng tôi nói: “Chúng con cám ơn Đức Cha, nhà dòng gởi chúng con lên đây phục vụ giáo phận, chúng con rất biết ơn Đức Cha, còn việc ăn uống, thì nhà dòng đã chu cấp cho chúng con đầy đủ rồi”. Đức Cha nói: “Đó là việc của nhà dòng, còn giáo phận vẫn phải có bổn phận với các thầy”. Rồi ngài nói tiếp: “Tôi có một sào ruộng nước, đang thả rau muống. Tôi cho các thầy. Các thầy chăm sóc tốt mà bán rau để có tiền sinh sống”. Tôi mừng quá, cám ơn Đức Cha rối rít.

Khi về nhà, anh L. nói: “Chết cậu rồi, cậu tưởng làm rau muống dễ xơi hả? Hàng ngày phải lo xịt thuốc, buổi sáng 4 giờ, phải lội xuống cắt rau, bó rau rồi đem đi bán. Giờ đâu mà làm, rồi làm sao mà đi Pleiku vào những dịp mùa Vọng, mùa Chay?”. Tôi nghe mà hết hồn. Thế là hôm sau, chúng tôi lại ra Đức Cha để trả ruộng. Đức Cha nghe chúng tôi trình bày, ngài đồng ý; thế là thay vì nhận một sào ruộng nước, ngài hứa sẽ cho chúng tôi mỗi tháng 3 triệu để sinh sống và Ngài trao cho ngay 3 triệu. Mừng húm…..

Thế nhưng, hai ngày sau, Ngài lại gọi chúng tôi đến: “Thôi, tôi không cho các thầy tiền nữa, thay vào đó, tôi cho các thầy 5 sào đất đã trồng cà phê được 3 năm rồi, năm nay thu hoạch sẽ có tiền mà sinh sống. Sau này chỗ ấy sẽ làm nhà thờ, còn chỗ đất 2 mẫu sẽ làm Trung tâm hành hương Đức Mẹ. Nếu sau này, nhà dòng không coi xứ nữa, thì sẽ trả lại nhà thờ cho giáo phận, còn nhà dòng sẽ về lại trung tâm để chỉ lo hành hương và giảng Đại phúc thôi. Thế là chúng tôi có thêm 5 sào cà phê. Sướng quá, tạ ơn Đức Cha.

Nỗi mừng vui chưa trọn, vì năm đó cà phê xuống giá. Chúng tôi ra “khóc”với Đức Cha: “Giá như Đức Cha cho chúng con 3 triệu một tháng, thì một năm chúng con có 36 triệu rồi, đàng này, chúng con lỗ vốn”. Đức Cha nói: “Rồi có lúc cà phê cũng tăng giá chứ, rồi lại có nhà thờ nữa (sở dĩ chúng tôi dám nói với Đức Cha như vậy, không phải chúng tôi dám hỗn với Đức Cha đâu, vì chúng tôi biết Đức Cha rất thương chúng tôi. Chúng tôi còn gọi Đức Cha là ông Nội cơ đấy).

Sau khi chúng tôi ở nhà dòng Thiên Hoà khoảng một tháng, một lần nữa, Đức Cha gọi chúng tôi đến gặp Ngài. Đến nơi, thì đã thấy Đức Cha đang nói chuyện với một ông già. Đức Cha giới thiệu: “Đây là ông K., còn đây là hai ông thầy Sáu (và câu muôn thuở của ngài), chỉ tôi biết, ông biết thôi đấy. Tôi mời hai ông ấy lên đây để lập nhà dòng. Ông sắp xếp để hai thầy ở chỗ của ông”. Thế là ông K. dẫn chúng tôi về giáo họ Duy Linh, ở ngay nhà phòng của giáo họ. Chúng tôi hết hồn, vì mình “đang chui”, mà lại ở chỗ thường xuyên có người lui tới thì dúng là “lạy ông tôi ở bụi này”. Chúng tôi đang định lên trình Đức Cha nỗi khó này, thì có ông N.; một ông trùm của giáo họ gợi ý: Ông có một căn nhà gỗ ở dưới vườn cà phê gần nhà của ông, rất kín đáo, yên tĩnh lại gần phố và gần Toà Giám mục. Quả là một “túp lều lý tưởng”. Thế là chúng tôi dọn đến chỗ đó, đó là ngày 8/3/1996.

Hôm nay, ngày 27/9/2011 tôi đến Ban Mê Thuột để dâng lễ cầu nguyện cho Đức Cha, một người cha hiền đã rất thiết tha với sứ mạng truyền giáo, rất yêu mến nhà dòng Chúa Cứu Thế và yêu quí chúng tôi. Thế mà có một “đấng bậc” khi thấy tôi ở lễ tang Đức Cha, vị ấy như thể “bắt quả tang” tôi làm chuyện gì đó giấu giếm nên đã chuyền cho tôi một đường bóng chéo chân: “Bây giờ mới lộ mặt ra nhé….”.

Trong thánh lễ an táng Đức Cha, lúc chào bình an, tôi phát hiện ra Cha Giám Tỉnh ngồi ngay sau ghế của tôi đúng một hàng, xa xa là cha Quyền, cha Bình, dưới đó nữa là cha Bích và cha Phương. Đến khi di quan, tôi mới thấy cha Sơn (BMT)…

Hôm nay, chúng tôi không còn được phục vụ ở BMT nữa, nhưng chắc chắn sứ mạng loan báo Tin Mừng ở BMT của nhà Dòng chúng ta vẫn luôn tiếp tục theo nguyện vọng của Đức Cha. Chúng tôi cám ơn Đức Cha đã đón tiếp và chăm sóc chúng tôi với tấm lòng của người cha hiền. Nguyện xin Chúa ban cho Đức Cha Giuse được hưởng nhan thánh Chúa. Và như lời cha Tổng đại diện trong lời từ biệt Đức Cha có nói: “Xin cho những gì Đức Cha ước mong mà chưa thực hiện được, thì khi về Trời, ngài tiếp tục xin Chúa hoàn thành”. Vâng, chúng con tin như thế.

Antôn Phạm Văn Tịnh, C.Ss.R.