Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Tiếng hô đòi công lý

VRNs (22.10.2011) - MindaNews - Im lặng bao trùm Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thung lũng Arakan, Bắc Cotabato. Hàng trăm người đang tụ họp chờ nhận xác cha Fausto Tentorio từ nhà tang lễ gần đó. Mọi người đều ngỡ ngàng khi nghe tin cha bị bắn. Một số đang ngồi khóc bên lề đường.



Đám đông xúm lại khi chiếc quan tài màu xanh đến. Đây chỉ là chiếc áo quan dùng tạm trong khi chờ đóng xong một cái quan tài khác xẻ ra từ cây gỗ gụ do chính cha trồng. Nắp quan tài “Tatay Pops” mở ra, tất cả mọi người từ người lớn đến trẻ em òa khóc nức nở.



Giáo dân thường trìu mến gọi Cha Fausto Tentorio 59 tuổi, một thừa sai truyền giáo người Ý là “Tatay Pops”. Ngài thuộc Viện Thừa Sai Hải Ngoại Giáo Hoàng (Pontifical Institute for Foreign Missions – PIME). Chọn sống chết với dân trên đảo Mindanao, Philippines này, cha coi đây như quê hương thứ hai. Ngài đã chỉ cụ thể một cây gụ trong số hàng trăm cây ngài trồng sau nhà xứ vào những năm 80 sẽ được dùng để an táng ngài. Sáng thứ hai 17/10/2011, ngài gục xuống vì 10 viên đạn từ nòng một khẩu súng 9mm bắn vào đầu và ngực vừa khi bước lên chiếc ôtô Suzuki Jimny của mình để đi dự cuộc họp hàng tháng của linh mục đoàn Giáo phận Kidapawan cách nhà 52 km. Cây gụ định mệnh cũng bị hạ theo.



Hôm qua 21/10, chưa thấy tổ chức nào tuyên bố đứng sau vụ ám sát này. Điều tra tại hiện trường, cảnh sát trưởng Benjamin Rioflorido cho biết hung thủ đứng cách nạn nhân chỉ khoảng 2m và bắn liên tiếp. Khi chắc chắn nạn nhân đã chết, hắn chạy ra đường cách đó khoảng 50m, nhảy lên một chiếc xe gắn máy màu xanh dương đồng bọn chờ sẵn rồi phóng về phía thành phố Davao.

Khám nghiệm tử thi, cảnh sát cho rằng hung thủ bắn cha Tentorio phải là “dân chuyên nghiệp”. Có thể đã có hai loại đạn lắp trong cùng một khẩu súng, những viên bắn trước có đầu đạn xuyên thủng và những viên sau là công phá để tạo vết thương chắc chắn đưa đến tử vong. Những đầu đạn công phá này không thường thấy sử dụng trong lực lượng cảnh sát và quân đội Phi vì đắt giá.



Bà Emmylou Mendoza, thống đốc Bắc Cotabato nói rằng bà rất buồn vì cái chết của Cha Tentorio: “Cha đã dấn thân làm việc cho dân chúng Bắc Cotabato. Tất cả những nỗ lực hòa bình sẽ là vô ích nếu chúng ta không đòi công lý cho cái chết này.”

Cha Tentorio là thừa sai người Ý thứ hai của Giáo phận Kidapawan và thứ ba của Viện thừa sai hải ngoại giáo hoàng bị bắn chết ở Mindanao. Hai vị trước đây là Cha Tullio Favali bị bắn chết vào ngày 11 tháng tư năm 1985 bởi nhóm dân quân do Nortberto Manero lãnh đạo trong khi cha Salvador Carzedda thì bị bắn đang khi lái xe ở Zamboanga vào ngày 20 tháng 3 năm 1992 do hai người đàn ông trên một chiếc xe máy.

Tiếng hô cho công lý



Tatay Pops đến Philippines năm 1978, đã làm việc nhiều nơi trước khi đến Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Arakan. Cha hoạt động xóa mù chữ, tìm kiếm học bổng và tổ chức các dịch vụ y tế cho nông dân và người Lumads bản địa.

Dấn thân cho quyền lợi của các cộng đồng địa phương, tiếng nói của ngài chắn chắn gây khó chịu cho giới tài phiệt được sự bảo kê của quân đội khai thác tài nguyên bất chấp môi trường và đời sống dân bản địa. Tatay Pops cũng đã biết đến khả năng có thể bị hại vì công lý. Năm 2003, nhờ dân làng, cha Pops đã từng thoát khỏi cuộc lùng bắt của nhóm Bagani. Đêm ấy, dân làng đã hỏi một người vũ trang : “Anh sẽ giết ông ta sao ?” Họ trả lời : “Không, bắt rồi giao ông ta cho cấp trên.”

Năm ngoái, tại một diễn đàn cổ võ cho hòa bình tổ chức tại thành phố Davao, cha Pops đã tuyên bố: “Rõ ràng là quân đội thống trị vùng này. Họ được luật pháp ủng hộ. Theo tôi, bao lâu quân đội không phục chính quyền dân sự thì sẽ không có yên lành. Ngay cả khi chúng ta lên chương trình nghị sự để tìm một giải pháp ôn hòa, họ cũng sẽ phá vỡ. Chúng ta chỉ có thể thảo luận hòa bình nếu chúng ta có một tổng thống mạnh mẽ. Tương lai chẳng tươi sáng chút nào”.

Theo tin của MindaNews ngày 19/10/2011 thì Tatay Pops bị ám sát có lẽ vì những vận động chống khai thác mỏ và những hoạt động tích cực để bảo vệ quyền lợi cho dân thiểu số bản địa Lumads. Hội Giáo dục Công giáo Philippines tuyên bố: “Cha Tentorio biết dân của ngài sẽ chịu hậu quả tai hại thế nào nếu khai thác mỏ. Bởi thế, như một người của Chúa, ông nói thay cho người không tiếng nói, ông lên tiếng phản đối bất kể nguy hiểm có thể xảy đến cho mình.”

Nguyễn Minh Đức C.Ss.R.
tổng hợp từ MindaNews