Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Chính đề Việt Nam: Việt ngữ và Hoa ngữ (d)

VRNs (15.11.2011) - Sài Gòn - PHẦN IVd: VIỆT NGỮ VÀ HOA NGỮ



Trong một đoạn ở trên, so sánh hoàn cảnh phát triển của Trung Cộng và của Việt Nam, chúng ta đã chứng minh rằng, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam có điều nhiều kiện thuận lợi hơn, trong đó có nhiều điều kiện về ngôn ngữ.

Ngôn ngữ của một Cộng Đồng Dân Tộc, đương nhiên là dụng cụ của nền văn hóa của Cộng Đồng. Nhưng ngôn ngữ chỉ trở thành một dụng cụ sung mãn của nền văn hóa khi nào ngôn ngữ gồm được hai đức tính: Dễ học để trở thành một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng, và chính xác để trở thành một dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.

Hoa Ngữ là một loại sinh ngữ biểu ý, mỗi một chữ ghi một ý niệm. Vì thế cho nên, một người Tàu muốn sử dụng được Hoa Ngữ một cách trung bình phải nằm lòng một số tối thiểu là từ ba ngàn đến bốn ngàn chữ. Sự cố gắng về lý trí vượt mức thông thường đó, đã tạo ra sự tôn sùng Nhà Nho, trong xã hội Trung Hoa và trong xã hội Việt Nam khi xưa.

Hoa Ngữ hoàn toàn bất lực khi phải đóng vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng cho văn hóa. Cũng vì trở lực tạo ra bởi một sinh ngữ biểu ý, mà văn minh Tàu khi xưa, mặc dầu lên đến cao độ, vẫn không có sinh lực bành trướng như văn minh Tây phương ngày nay.

Lối hành văn của Hoa Ngữ là lối hành văn ‘’khiêu ý’’ cho nên câu văn không có kiến trúc. Mà câu văn không có kiến trúc là một câu văn không có chính xác. Và một sinh ngữ không chính xác không thể trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi được. Vì không có dụng cụ ngôn ngữ suy luận sắc bén và tinh vi để sử dụng trong công cuộc thám cứu vũ trụ vật chất và vũ trụ tâm linh, nên người Trung Hoa xưa đã thay thế suy luận bằng trực giác. Chúng ta đã xem qua trong một đoạn trên, ưu và khuyết điểm của trực giác. Tuy nhiên, có một sự kiện thiết thực không thể phủ nhận được là trong các nền văn minh cổ, chỉ có nền văn minh Trung Hoa là rất yếu kém về toán học và rất nghèo nàn về triết lý.

Nguyên do là Hoa Ngữ, với lối văn khiêu ý, hoàn toàn bất lực khi đóng vai trò dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.

Và chính ngày nay, mặc dầu Trung Hoa đang áp dụng những biện pháp huy động độc tài đảng trị cộng sản cực kỳ tàn nhẫn, để dốc hết nỗ lực của tám trăm triệu dân vào công cuộc Phát Triển Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa, chúng ta cũng có thể đoán biết rằng, công cuộc phát triển của Tàu, nếu có vượt được những trở lực vật chất và chính trị to tát, mà chúng ta đã biết, sẽ không vượt được một giới hạn ấn định bởi ảnh hưởng kìm hãm của một ngôn ngữ, không thể là một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng, và một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.

Việt Ngữ xưa kia dùng chữ Hán và chữ Nôm hoàn toàn lệ thuộc Hoa Ngữ, nên đã có một thời kỳ cũng bất lực trong vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng. Chỉ xét qua di sản văn hóa, vừa nghèo nàn vừa giới hạn của chúng ta, chúng ta càng ý thức được hậu quả tai hại của sự lệ thuộc và sự bất lực đó trong một ngàn năm. Nhưng từ ngày Việt Ngữ được ghi âm bằng mẫu tự La Mã thì đã được giải thoát khỏi sự bất lực trên. Một sự kiện rất cụ thể tiêu biểu cho sự giải thoát này là, trong tất cả các sinh ngữ trong xã hội Đông Á ngày nay, Việt Ngữ là sinh ngữ duy nhất, có thể dùng máy đánh chữ mà viết ra được. Sự kiện trên lại làm bộc lộ tầm xoay trở rộng rãi của lối ghi âm, sánh với lối biểu ý.

Sự ghi âm Việt Ngữ bằng mẫu tự La Mã thay thế cho chữ Nôm và chữ Hán, là một ví dụ thành công của công cuộc Tây Phương Hóa của chúng ta, trong một phạm vi nhỏ, nhưng quan trọng và quyết định, phạm vi ngôn ngữ. Sự thành công này, đương nhiên gieo cho chúng ta một sự tin tưởng mãnh liệt vào những thành công phong phú hơn nữa, trong những phạm vi rộng lớn của công cuộc Tây Phương Hóa mà chúng ta đang theo đuổi.

Riêng sự ghi âm Việt Ngữ bằng mẫu tự La Mã đã là, như chúng ta vừa thấy, một ưu thế không phủ nhận được của Việt Ngữ đối với Hoa Ngữ, trên nhiều phương diện. Nhưng sự ghi âm, bằng mẫu tự La Mã còn mở cửa cho Việt Ngữ một sự phát triển khác mà hậu quả sẽ có một tầm quan trọng bội phần hơn. Sự ghi âm Việt Ngữ bằng mẫu tự La Mã, sẽ cho phép chúng ta kiến trúc câu văn như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên. Và câu văn, một khi đã được kiến trúc hóa, Việt Ngữ đương nhiên sẽ trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.

Lúc bấy giờ Việt Ngữ vừa là một dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng, vừa là một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi, sẽ là một dụng cụ hữu hiệu cho nền văn hóa Việt Nam. Sánh với Hoa Ngữ, ưu thế lại càng rõ rệt hơn nữa.

Lúc bấy giờ, chẳng những văn hóa Việt Nam hoàn toàn không còn lệ thuộc văn hóa Tàu, mà sự phát triển văn hóa của chúng ta sẽ lên đến một trình độ ước mong, khả dĩ góp một phần đáng kể vào di sản của văn minh nhân loại, nhờ sinh lực dồi dào mà một dụng cụ ngôn ngữ hữu hiệu sẽ tạo ra cho văn hóa chúng ta.

Triển vọng về ngôn ngữ, dụng cụ văn hóa đã như vậy, thế hệ của chúng ta không có một lý do nào để không vận dụng tất cả nỗ lực, nắm lấy cơ hội đưa đến cho chúng ta để thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, ý chí của tiền nhân: Cởi bỏ ách tâm lý thuộc quốc đối với nước Tàu, cho Dân Tộc. Và thế hệ của chúng ta, không có một lý do nào, để từ bỏ sự phát triển văn hóa dồi dào mà chắc chắn, Việt Ngữ chỉnh đốn sẽ dành cho chúng ta, để cam chịu một sự lệ thuộc, đối với một văn hóa, mà Hoa Ngữ không bảo đảm sự phát triển. Và các nhà lãnh đạo, vì vô tình hay cố ý, làm cho Cộng Đồng quốc gia của chúng ta lỡ cơ hội này, chẳng những sẽ phản bội quyền lợi Dân Tộc mà còn phải mang hết trách nhiệm của một cuộc sống lệ thuộc, không vùng vẫy nổi, mà các thế hệ trong tương lai, vì lầm lỗi của họ, sẽ phải quy phục trong nhiều ngàn năm nữa.

Chúng ta đã chứng minh trong một đoạn trên rằng, sự quy phục thuyết cộng sản của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, đã làm cho công cuộc tranh đấu giành độc lập trở nên vô cùng tiêu hao sinh lực của Dân Tộc. Tuy nhiên, những sự hy sinh cao cả của các phần tử của Cộng Đồng không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được tính kiêu hùng của Dân Tộc trong các cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù.

Trong một đoạn khác, chúng ta đã phân tích rằng, vì bị sự chi phối của tâm lý thuộc quốc, đối với nước Tàu trong hơn tám trăm năm, đè nặng trên đời sống của Dân Tộc, nên một số nhà lãnh đạo đã cố tròng vào thân thể Việt Nam, cái áo Tam Dân Chủ Nghĩa, mà Tôn Văn đã gắng công nghiên cứu may cắt cho Dân Tộc của ông. Tuy nhiên, những thành tích chiến đấu giải thoát Dân Tộc của các nhà cách mạng quốc gia, không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được những trang vẻ vang, mà họ đã nhân danh Tam Dân Chủ Nghĩa, viết bằng xương máu trong lịch sử Dân Tộc.

Chúng ta lại vừa trình bày rằng, thế hệ của chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để nắm lấy cơ hội đưa văn hóa chúng ta thoát khỏi sự chi phối của văn hóa Tàu, và nhân đó tiêu diệt yếu tố quan trọng nhất trong hai yếu tố, đã trong hơn một ngàn năm, bồi đắp cho tâm lý thuộc quốc của chúng ta, đối với Trung Hoa. Tuy nhiên, di sản văn hóa của Dân Tộc thoát thai tù nền văn minh chung của xã hội Đông Á, không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được những kiến thức uyên thâm và những mẫu người thoát thường, mà nhiều cá nhân Việt Nam đã đạt đến được, nhờ một sự trụ đúng mức vào các tiêu chuẩn giá trị của nền văn minh Tàu.

Trong ba trường hợp trên, thái độ của chúng ta là thái độ của một nhà bác học về quang học, khi nhận thấy rằng, thuyết ánh sáng phát quang theo đường thẳng không còn giải thích được nhiều biện tượng quang học, và cần phải được thay tế bằng một thuyết khác. Nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận rất cả các định luật về quang học, đã được phát minh khi nhà bác học đã trụ vào thuyết ánh sáng phát quang theo đường thẳng, bởi vì những định luật này đã thuộc vào di sản phát minh của ngành quang học.

Tính khí

Một khi đã sử dụng được những dụng cụ để rèn luyện những đức tính làm căn bản cho kỹ thuật của Tây phương, sự chế ngự được kỹ thuật của họ thành công hay thất bại tùy thuộc rất nhiều ở một đức tính khác: Tính khí.

Trong một đoạn trước đây, liên quan đến việc kê khai cái vốn sẵn có của chúng ta, trước khi bắt tay vào công cuộc Tây Phương Hóa, chúng ta đã nhận thấy rằng tính khí của cá nhân thiết yếu cho Cộng Đồng hơn cả thông minh của trí óc.

Các Dân Tộc đã thành công trong mọi sự nghiệp đều là những Dân Tộc có tính khí rất cao. Và giữa hai Dân Tộc, cùng một hoàn cảnh, một cái vốn cùng đứng trước một thử thách và cùng áp dụng một giải pháp thì Dân Tộc nào có tính khí cao hơn, sẽ thắng lợi nhiều hơn. Một ví dụ mà chúng ta đã nêu lên là hai Dân Tộc Anh và Pháp.

Cũng như đối với nhiều đức tính khác cao quí của con người, định nghĩa chi tiết tính khí là một việc không dễ. Bởi vì tính khí thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Và tính khí thể hiện một cách mạnh bạo nhất không phải chỉ ở trong những cơn khủng hoảng kích thích đến tột độ các khả năng của cá nhân. Trong những cơn khủng hoảng tương tự, ví dụ, đứng trước một nguy cơ trầm trọng, con người có thể trong một thời gian ngắn tập trung đến mức tối đa tất cả năng lực lúc bình thường tản mác các nơi. Và nhân thế có thể có những hành động phi thường, khắc phục trở lực bên ngoài đưa đến.

Nhưng không phải những lúc đó là những lúc tính khí đương đầu với những thử thách gian nguy nhất. Ngược lại những lúc bình thường của đời sống mới, vừa có năng lực tiêu hao tính khí, vừa rèn luyện tính khí. Đời sống thường ngày mới là chiến trường, thử thách trường kỳ đối với tính khí. Và cũng chính đời sống thường ngày mới là phạm vi phát triển của tính khí.

Tính khí có điều kiện phát triển, ở một cá nhân hay trong một Cộng Đồng, khi nào cá nhân hay Cộng Đồng tin tưởng một cách vũng chắc vào một số tiêu chuẩn giá trị làm nền tảng cho đời sống Cộng Đồng. Bất cứ trong một xã hội nào, nếu các tiêu chuẩn giá trị còn giữ nguyên vẹn uy tín, thì tính khí đương nhiên sẽ nảy nở ra những hoa quả vô cùng tốt đẹp.

Vì vậy cho nên, những điều kiện có khả năng bảo vệ các tiêu chuẩn giá trị, cũng có khả năng phát huy tính khí. Chúng ta đã thấy, ở một đoạn trên, rằng một trong các điều kiện nói đây là sự liên tục trong vấn đề lãnh đạo Cộng Đồng.

Xã hội của Việt Nam trước đây theo Nho Giáo, toàn thể Cộng Đồng đều tin, một cách mãnh liệt vào các tiêu chuẩn giá trị của Khổng Mạnh. Nhờ đó xã hội chúng ta đã sản xuất được rất nhiều gương tính khí hùng mạnh. Cái tiết tháo của Nhà Nho xưa ta là một hiện tượng của tính khí.

Nhưng cùng với sự sụp đổ về quân sự của quốc gia, nước chúng ta bị đô hộ, xã hội chúng ta tan rã vì các tiêu chuẩn giá trị cũ bị văn minh Tây phương đả phá đến tột độ. Đồng thời với sự mất uy tín của các tiêu chuẩn giá trị cũ, tính khí của Dân Tộc chúng ta suy đồi. Xã hội càng tan rã, tính khí càng mất. Và tính khí càng mất, xã hội càng tan rã hơn.

Như vậy thì công cuộc đào luyện tính khí cho Cộng Đồng phải bắt đầu bằng sự nêu lên các tiêu chuẩn giá trị làm nền tảng cho đời sống của Cộng Đồng.

Tiêu chuẩn giá trị.

Trong hiện tình của văn minh nhân loại, có nhiều tiêu chuẩn giá trị đã trở thành những di sản bất di bất dịch của loài người.

Ví dụ tiêu chuẩn giá trị nằm trong câu: ‘’Quân tử dĩ tự cường bất tức’’ (2) là một tiêu chuẩn giá trị đã trở thành di sản của nhân loại.

Tổ chức gia đình là một tiêu chuẩn giá trị khác mà nhân loại đã thâu thập được sau nhiều năm tìm kiếm.

Cộng Đồng nhân loại là một tiêu chuẩn giá trị đang hình thành.

Lẽ đương nhiên các tiêu chuẩn giá trị thuộc loại trên, sẽ là những tiêu chuẩn giá trị mà xã hội chúng ta sẽ tin tưởng.

Có nhiều tiêu chuẩn giá trị khác mặc dù chưa lên hàng những tiêu chuẩn giá trị mà tất cả nhân loại đều tin tưởng, chúng ta cũng chia xẻ sự tin tưởng vào các tiêu chuẩn giá trị đó với nhiều Cộng Đồng Dân Tộc khác.

Ví dụ tiêu chuẩn giá trị Cộng Đồng Dân Tộc, tiêu chuẩn giá trị tự do con người. ‘’Lý do của cuộc sống là một lý do cá nhân. Điều kiện của cuộc sống là một điều kiện Cộng Đồng’’ cũng là một tiêu chuẩn giá trị mà chúng ta chia xẻ với nhiêu Cộng Đồng khác trên thế giới.

‘’Lãnh đạo là tạo một trạng thái thăng bằng động tiến giữa cá nhân và Cộng Đồng’’ là một tiêu chuẩn giá trị khác.

Nhiều tiêu chuẩn giá trị tương tự, hoặc đã nằm trong các phần được trình bày trong các trang trên đây, hoặc là những kết luận đương nhiên của các suy luận, cũng là những tiêu chuẩn giá trị mà chúng ta tin thưởng. Ví dụ: Công bình xã hội.

Ngoài ra vì công cuộc Tây Phương Hóa mà Dân Tộc theo đuổi để sinh tồn, chúng ta sẽ tin tưởng vào những tiêu chuẩn giá trị của kỹ thuật Tây phương.

Chúng ta sẽ tin tưởng ở sự tiến bộ không ngừng của kỹ thuật Tây phương. Chúng ta sẽ tin tưởng ở các đặc tính chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức.

Lại có tiêu chuẩn giá trị là di sản của truyền thống văn minh Á Đông. Chúng ta tin rằng sự phát triển vật chất phải được thực hiện đồng thời với sự phát triển tâm linh.

Thực luyện tính khí.

Tiêu chuẩn giá trị đã có rồi, tính khí sẽ có cơ hội nảy nở. Tuy nhiên sự nảy nở của tính khí vẫn còn tùy thuộc hai điều kiện.

Trước hết các phần tử của Cộng Đồng phải tin tưởng vào các tiêu chuẩn giá trị đã được chấp nhận. Đó là nhiệm vụ của tổ chức giáo dục chính danh và tổ chức giáo dục quần chúng.

Điều kiện thứ hai là có những phương pháp vật chất, hoặc cá nhân, hoặc tập thể, để luyện tính khí. Mục đích trực tiếp của các phương pháp trên là huấn luyện cho mỗi cá nhân tập quán chế ngự cơ thể và tư tưởng của mình. Sự huấn luyện lúc nào cũng bắt đầu với những phương pháp chế ngự cơ thể, bởi vì hành động đối với vật chất cụ thể dễ hơn hành động đối với tư tưởng trừu tượng. Trong những phương pháp này, thì cho đến ngày nay, các môn thể thể thao có hướng dẫn đã tỏ ra có hiệu quả nhất. Các môn thể thao tập cho ý chí chủ động các bắp thịt và các phản ứng của cơ thể.

Ý chí đã chủ động được cơ thể thì lần lần đạt được lên trình độ chủ động được tư tưởng. Các môn thể thao tập thể còn được khả năng huấn luyện ý thức Cộng Đồng và trang bị cá nhân với những phản ứng cần thiết cho một đời sống Cộng Đồng. Chính trong các môn thể thao tập thể thể hiện ra một cách cụ thể, dễ nhìn hơn hết, ý nghĩa của mệnh đề ‘’Lý do của đời sống là cá nhân. Điều kiện của đời sống là Cộng Đồng’’.

Một bằng chứng cho tính cách hữu hiệu của thể thao trong sự thực hiện tính khí, là các Dân Tộc yêu chuộng đến cao độ các môn thể thao đều là những Dân Tộc có nhiều tính khí. Nhiều môn thể thao cũng là những phương pháp để tập trung tư tưởng trong đó có các môn võ.

Vượt lên các phương pháp thể thao đó có những phương pháp vật chất khác, cũng giúp cho cá nhân chế ngự được cơ thể và dần dần lên đến trình độ chế ngự được tư tưởng. Phép yoga của Ấn Độ, phép Thiền Định của Phật và Lão Tử, phép tu dưỡng tinh thần của Đạo Hồi và Đạo Gia Tô, đều nhằm mục đích chế ngự cơ thể để lần lần lên đến mức chế ngự tự tưởng. Các phép sau này kiến hiệu hơn phương pháp thể thao nói trên rất nhiều, và chóng đưa con người đến chỗ tự chủ với một trình độ rất cao. Tuy nhiên các phương pháp này đều không có tính cách tập thể như những phương pháp thể thao. Mỗi cá nhân dưới sự hướng dẫn của một người được mình tôn kính làm Thầy, cố gắng tập trung tư tưởng vào một đối tượng để tìm cách chế ngự bản thân. Các phép luyện thần này đều dựa trên căn bản khổ hạnh.

Tất cả các phép luyện thần và phương pháp thể thao đều dựa trên căn bản huấn luyện cơ thể và trí óc làm việc cho đến hết khả năng và cho có quy củ. Vì vậy cho nên hai cách luyện tính khí trên không có đối chọi nhau, mà ngược lại bổ sung cho nhau.

Giáo dục quần chúng.

Chúng ta đã thấy rằng, ngay trong những thời kỳ bình thường của Cộng Đồng, nhu cầu của sự lãnh đạo Cộng Đồng cũng đã đặt thành một vấn đề rất quan trọng, sự đa số chịu lãnh đạo hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của Cộng Đồng.

Đã như thế thì, ngay trong những thời kỳ bình thường của Cộng Đồng, việc giáo dục quần chúng đã là một vấn đề trọng hệ.

Tuy nhiên, trong những thời kỳ bình thường như vậy, chúng ta đã biết sự mâu thuẫn đương nhiên giữa quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của Cộng Đồng, không lên mức độ căng thẳng có thể là một mối đe dọa cho sự tồn tại của Cộng Đồng. Do đó, sự giáo dục quần chúng mặc dầu rất cần cho sự thực hiện trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi Cộng Đồng và quyền lợi cá nhân, vẫn không khẩn thiết như ở những thời kỳ mà Cộng Đồng phải qua các cơn khủng hoảng.

Ngày nay Cộng Đồng Dân Tộc Việt Nam đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng vô cùng trầm trọng. Trong lịch sử của chúng ta, Dân Tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ khủng hoảng rất là ác liệt, các cuộc ngoại xâm, các cuộc nội chiến tàn sát, chúng ta đều có trải qua. Nhưng cuộc khủng hoảng lần này nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó đã bắt đầu từ hơn một Thế Kỷ nay và cho đến ngày giờ này chúng ta vẫn chưa giải quyết được. Chỉ riêng sự kiện thời gian đó, cũng là một yếu tố đủ để chứng minh tính cách vô cùng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.

Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, Cộng Đồng của chúng ta bị những sức mạnh vật chất tàn phá kinh khủng làm chấn động. Tuy nhiên, những sức mạnh đó, mặc dầu đã gây cho Cộng Đồng Dân Tộc của chúng ta những vết thương mà ảnh hưởng đã kéo dài trong nhiều thế hệ, vẫn không đủ mãnh lực để động đến những tiêu chuẩn giá trị làm căn bản cho đời sống của Cộng Đồng. Nhờ đó mà, sau khi cơn bão tố đã qua, Cộng Đồng của chúng ta vẫn tiếp tục được cuộc tiến hóa trên những căn bản cổ truyền vững chắc.

Trái lại, trong cuộc khủng hoảng này, ngoài những lực lượng vật chất tàn phá không kém gì những lần trước, thêm vào những lực lượng tinh thần ghê gớm hơn mười lần, đã tấn công và đánh phá đến tận gốc rễ tất cả các tiêu chuẩn giá trị của xã hội Việt Nam. Chính vì lý do sau này mà cuộc khủng hoảng đã kéo dài đến từ hơn một Thế Kỷ nay. Sau khi những cuộc sóng gió do những lực lượng vật chất gây ra, đã qua rồi, Cộng Đồng Dân Tộc của chúng ta vẫn chưa tìm lại được trạng thái thăng bằng thiết yếu cho sự tồn tại và sự tiến hóa của Cộng Đồng: Bởi vì các tiêu chuẩn giá trị căn bản đã bị mất mà những tiêu chuẩn giá trị mới chưa được thâu nhận.

Xem thế chúng ta ý thức ngay lý do và mức độ trầm trọng của thời kỳ khủng hoảng này của Cộng Đồng. Cho đến khi nào chúng ta lập lại được các tiêu chuẩn giá trị, lúc bấy giờ cơn khủng hoảng mới hết.

Đã như thế thì, sự đa số chịu lãnh đạo phải hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của Cộng Đồng, không lúc nào, trong lịch sử của chúng ta, lại thiết yếu như lúc này và vì vậy cho nên vấn đề giáo dục quần chúng không lúc nào mà cần phải được đặt ra và thực hiện như trong lúc này.

Thực hiện giáo dục quần chúng.

Kỹ thuật khoa học ngày nay đã cung cấp cho chúng ta những phương tiện giáo dục quần chúng hữu hiệu và mãnh liệt. Theo thứ tự thời gian phát minh, chúng ta có thể kể: Sách báo, phim ảnh, vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình…

Tất cả đều là những dụng cụ sắc bén trong vấn đề giáo dục quần chúng. Tuy nhiên, một sự giáo dục quần chúng có quy củ, mặc dầu đương nhiên áp dụng những dụng cụ nói trên, phải lấy sự tổ chức quần chúng làm một điều kiện tiên quyết.

Tổ chức quần chúng phải được quan niệm như thế nào, phải được thực hiện ra sao, chúng ta đã phân tích với nhiều chi tiết trong đoạn trên đây nói về bộ máy quần chúng.

Chú Thích:

1.- T.D. Lisenko By gaining favor with Stalin, Lisenko gained control of all agricultural science throughout the country, including all scientific institutions, universities and laboratories related to biology, genetics and agriculture.

Stalin embraced the ideas of Lisenko and it wasn t long before he had Serebrovski and Koltsov shot to death. Vavilov was imprisoned and died of dysentery. Hundreds of other genuine geneticists and selectionists suffered during the Repression as well [especially during the year 1937]

http://azer.com/aiweb/categories/magazine/ai131_folder/131_articles/131_genetics_stalin.html

2.- ‘’Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức’’ (luật Trời vận hành một cách cứng rắn, người quân tử phải dựa vào đấy mà tự sức tranh đấu không ngừng)

NGÔ ĐÌNH NHU