Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Hồi chiêng tử đạo

VRNs (10.11.2011) – Sài Gòn – Tối ngày 07 tháng 11 ca đoàn Anphong gồm các chú đệ tử DCCT kết hợp với ca đoàn Trùng Dương tổ chức buổi hợp xướng tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam và mừng kỷ niệm 279 năm ngày thành lập Dòng Chúa Cứu Thế, do cha Giuse Tiến Lộc trưởng ban tổ chức cùng với nhà thơ Đình Bản là người dẫn chương trình. Chương trình hợp xướng diễn ra tại Hội trường thánh Anphong, nhà Mục vụ DCCT Kỳ Đồng.

Nói đến ca đoàn Trùng Dương, tưởng cũng nên nhắc lại đôi dòng lịch sử của ban hợp xướng



Cha Yuse Tiến Lộc, trưởng ban tổ chức

này. Theo lịch sử ca đoàn Trùng Dương khai sinh khoảng năm 1958, tại nhà thờ Mai Khôi, lúc đó bắt đầu có hát Thánh Lễ, trụ sở đặt tại số 43 Nguyễn Thông, Quận 3. Số lượng thành viên tham gia ban đầu khoảng mươi người, nhưng chỉ tự phát và qui tụ các anh chị em biết, thích hát nhạc lễ, chưa có tên của ca đoàn, chưa hình thành nên một đoàn thể có qui củ, chưa có hoạt động nề nếp.

Trãi qua nhiều biến cố thăng trầm, ca đoàn này đã thay đổi nhiều địa điểm và mang nhiều tên gọi khác nhau như: Câu Lạc Bộ Phục Hưng (1960-1963). Ban hợp xướng Trùng Dương (1963-1975), thời gian này ca đoàn đã thành lập ban hợp xướng hoàn chỉnh gồm bốn bè, với tổ chức qui mô, tất cả gồm 40 thành viên với nhiều hoạt động phong phú. Nhưng rồi biến cố 1975 xảy ra, phải đổi địa chỉ và Tùng Dương được đổi tên thành Cung Chiều (1975-1978). Đến năm 1979 ca đoàn này lại đến nương tựa trong DCCT cùng cha Matthêu Vũ Khởi Phụng với tên gọi Lang Thang. Từ năm 1982-1998 lại ra đi và đổi tên là Bê Linh. Năm 1998 lại trở về DCCT được coi là chiếc nôi bình an. Nhưng năm 1999, Cha Sở Phêrô Nguyễn Văn Hiền gọi về Giáo xứ Mạc Ty Nho. Ca đoàn xin vâng, và tại đây Bê-Linh đã lấy lại tên gốc của mình là Trùng Dương.

Đêm hợp xướng hôm nay được phối hợp giữa ca đoàn Anphong và ca đoàn Trùng Dương, và các thánh Tử Đạo Việt Nam là đề tài gợi hứng cho buổi hợp xướng này, như lời nhà thơ Đình Bản dẫn giải trong giờ khai mạc. Dịp đầu tháng 11 năm nay gần tới Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CN 33 thường niên). Trọng tâm của buổi trình diễn hôm nay là hai bài hợp ca “Vết Tử Hùng” và “Kinh Các Thánh Tử Đạo ViệtNam”.



Nhà thơ Đình Bảng

Vâng, các Thánh Tử Đạo Việt Nam là một bằng chứng hào hùng của các chiến sĩ Chúa Kitô trên quê hương Việt Nam trong những năm tháng gian khổ của cuộc bách hại Đạo Công Giáo, đã can đảm đứng lên làm chứng cho Ơn Cứu Độ và tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa bằng chính giá máu của mình.

Hạt giống Lời Chúa được gieo trên mãnh đất Việt Nam từ năm 1533, và khỏang 82 năm sau đó (1615) Hạt Giống ấy đã được trổ sinh hoa trái thì cũng là lúc các cơn bách hại bắt đầu ập tới, và mỗi ngày một khốc liệt hơn, kéo dài gần 300 năm, đến năm 1888 mới thật sự chấm dứt.

Đối với các Thánh Tử Đạo ViệtNam, bước qua thập giá là từ chối ơn cứu độ của Đức Kitô, là bội tín với Thiên Chúa. Vì thế, khi cuộc bắt đạo càng khốc liệt, càng đẫm máu, thì niềm tin của họ càng được nung nấu, được tôi luyện thành sắt thép vững chắc nhờ đức mến nồng nàn và đức cậy trông mạnh mẽ. Giáo hội Việt Nam thừa hưởng một di sản Đức tin quí báu, vì nhờ máu các Ngài đổ ra, mà cánh đồng truyền giáo trổ sinh muôn hạt vàng tín hữu.

Theo gương các Thánh Tử Đạo ViệtNam, các tín hữu ViệtNamđã kiên trung trong đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn thật đáng khâm phục. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử đất nước, qua bao nhiêu đổi thay của ý thức hệ… nhưng giáo lý Chúa Kitô và niềm tin vào Thiên Chúa vẫn ngời sáng trên quê hương nghèo nàn lạc hậu này, lại còn chịu bao thảm họa của thiên tai, dịch nạn.



Cha giám tỉnh DCCT chia sẻ trong buổi hợp xướng

Đêm hợp xướng hôm nay nhằm ca ngợi lòng trung kiên của các vị Anh Hùng Tử Đạo, mà cũng là nhắc nhớ cho mỗi tín hữa Chúa Kitô trong xã hội hôm nay nhìn lại đời sống đức tin của mình. Đây cũng là hồi chiêng báo thức cho những ai còn đang say ngủ trong lời ru lừa dối của dục tình, hưởng thụ của sự vinh hoa vật chất và những tư tưởng đi trong tối tâm lầm lạc.

Fx75.



Cử toạ tham gia buổi hợp xướng mừng Thánh tử đạo Việt Nam



Cộng đoàn chia sẻ hồn nhạc với ban hợp xướng



Ban hợp xướng Trùng Dương và các Ban khác cùng hoà giọng