Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

“Minh sùi” và đồng nghiệp

VRNs (12.11.2011) – Sài Gòn – Những ngày đầu của tháng 11 năm 2011, công dân mạng đang nóng lên bàn tán xôn xao về tin tức giáo xứ Thái Hà bị nhà cầm quyền cho hơn 100 tên côn đồ cùng đài truyền hình, báo chí, an ninh, công an, cựu chiến binh, dân phòng, vân vân và vân vân loại người gây hấn, làm đình đám trong khuôn viên giáo xứ nhà thờ với lý do “nhân dân bức xúc khi xem thấy báo đài nói Nhà thờ Thái Hà ngăn cản một việc làm tốt của nhà nước”. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng đó, Cha Phượng đã cho kéo chuông nhà thờ để báo động cho giáo dân đến nhà thờ.



Đọc những bài bình luận, blog thành viên, tin nóng về Thái Hà, tôi có thể tưởng tượng sự việc diễn ra qua sự miêu tả lại những gì đã xảy ra nhưng không rõ ràng và không đầy đủ lắm. Sự tưởng tượng của con người có tuy phong phú nhưng không thể lột trần được bản chất, màu sắc và ấn tượng của sự vật cách tuyệt đối trung thành. Bởi vì mỗi cá nhân có một trình độ tư duy khác nhau, có cách nhận thức sự việc khác nhau, có sự hiểu biết khác nhau, có tri thức và học vấn khác nhau, có quan điểm khác nhau cho nên việc cảm nhận và thấu suốt sự việc không ai giống ai, ‘chín người mười ý’.

Sáng nay và sáng qua, tức là ngày 09 & 10/11/2011, tôi lang thang các trang mạng để tìm món ăn tinh thần do trang Truyền Thông Chúa Cứu Thế không có bài mới, chắc là các Cha các Thầy đang bận rộn trong tuần tĩnh tâm. Tình cờ, tôi vô được trang Giáo xứ Thái Hà sau khi vượt tường lửa.

Thật may mắn khi tôi tận mắt xem được các đọan video clip ghi lại tuy không kỹ thuật và không đẹp như phim xi nê, nó đơn sơ mạc mạc thô kệch như là của người lần đầu tiên cầm máy nhưng có thể thấy được gần như tòan cảnh sự việc bọn côn đồ gây hấn tại giáo xứ Thái Hà. Điều này chứng tỏ người ghi lại vedeo clip do công tâm mà làm, không vì lợi lộc hay quyền thế.

Giữa cái không khí ô hợp, hỗn tạp, bác nháo, lộn xộn tanh mùi chửi bới, la lối, văng tục, tiếng gào thét của một mụ tay cầm loa tay xỉa xói, chỉ chỏ vào cung thánh, giữa cảnh các tay phóng viên đài truyền hình, phóng viên truyền thông báo chí vừa quay vừa chụp hình liên tục, …. ngay giữa khuôn viên nhà thờ, nơi tôn nghiêm dành cho việc phụng vụ thờ phượng là tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi cách thúc giục lòng người.

Tiếng chuông vốn dĩ rất gần gũi với nhân dân Việt Nam qua bao đời nay. Mỗi người trong chúng ta ít nhiều cũng vài lần nghe chuông đổ. Chuông được sử dụng ở nhiều nơi với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung, chuông là công cụ tạo âm thanh để truyền thông điệp tới người nghe điều muốn nhắn gửi.

Chuông ở chùa thường to, dáng hơi lùn và tròn, lòng chuông trống được đặt nơi không cao lắm khoảng vài ba mét trong sân gần chính điện, dọng chuông bằng dùi nên tiếng chuông thông thả, ấm cúng, trầm lắng, vang xa, ngân dài và đọng lại trong lòng người nghe một cảm giác bi ai, cầu thiện (người ta hay nói đùa là nghe tiếng chuông chùa nhớ bà ngoại/bà nội, muốn đi tu mà sợ chùa không chứa). Lúc đó, người ta biết đó là tiếng chuông báo sắp đến giờ đọc kinh, tụng niệm để chuẩn bị hương đăng trà quả mà đi lễ Phật.

Song, tiếng chuông ở nhà thờ cũng vang xa, cũng ngân dài nhưng lanh lảnh như thúc giục, rộn rã, mang âm hưởng tưng bừng, vui vẻ, thánh thót như nghe một khúc nhạc tấu vì chuông được treo trên tháp cao, kéo chuông bằng dây thừng bản lớn, tạo âm thanh bởi dái chuông bên trong (giống chuông của mấy chú bán cà rem). Mỗi kiểu đổ chuông ở nhà thờ mang một tin báo khác nhau: chuông lễ, chuông báo tang, chuông báo hỉ, chuông báo khẩn, chuông báo động,… mà người Công giáo nghe là hiểu sự gì đang diễn ra.

Nhưng, tiếng chuông Thái Hà là một tiếng chuông rất lạ và không giống bất kỳ tiếng chuông nào mà tôi từng nghe trước đây trong đời.

Tiếng chuông Thái Hà là tiếng chuông thúc bách, là tiếng chuông vang xa không chỉ đánh để tạo âm thanh mà chính là tiếng chuông kêu cứu trước bất công xã hội, là tiếng chuông kêu gọi cầu hòa giữa những con người trong một nước với nhau, là tiếng chuông cảnh báo vấn nạn xâm phạm sự thật công lý và cũng là tiếng chuông thức tỉnh lòng người trong thời suy đồi đạo đức.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc sống lâu đời trong Lão giáo, Nho giáo và Phật giáo, nên việc tôn kính người tu hành và nơi tôn nghiêm luôn được đặt ở hàng đầu. Con người dầu bất nghĩa, du côn, độc ác đến đâu cũng không dám phạm thánh nơi tôn nghiêm huống hồ gì là việc hành hung, trấn áp tu sĩ.

Người ta thường nói ‘hùm chết để da, người chết để tiếng’ quả không sai. Việc “Minh sùi” đạp vào mặt anh Đức dẫu lấy trăm ngàn tấm vải, cuộn bông cũng không bịt hết miệng thế gian, cũng không xóa được hình ảnh “người công an nhân dân” đạp vào mặt nhân dân, đạp vào mặt người dân yêu nước khi biểu tình vì muốn giữ gìn cương thổ, biển đảo quốc gia.

Nay hình ảnh “Minh sùi” lại tái diễn không phải ngoài đường phố, ngòai chợ trời hay trên sân khấu mà ngay trong khuôn viên nhà thờ Thái Hà, ngay nơi tôn nghiêm thờ phượng. Không phải chỉ có một ‘Minh sùi’ mà là hàng trăm ‘Minh sùi’ đủ thành phần, từ kẻ nhếch nhác đến người ăn bận bảnh bao, từ người tỉnh táo đến kẻ nặc nồng mùi rượu, từ người tay không đến kẻ được trang bị đầy đủ “vũ khí chiến đấu” là loa tay, máy quay máy chụp hình, búa tạ,… đồng thanh ồ ạt gây hấn để hòng trấn áp nhà thờ, trấn áp người tu hành, trấn áp người hiền lành, trấn áp người cô thế. Tất cả cảnh tượng này được giới truyền thông đại chúng Hà Nội gọi là “nhân dân bức xúc” thì có mấy ai tin?

Những ‘Minh sùi’ mới có khi nào nghĩ lại việc mình làm là đúng hay sai và động lực nào để mình đánh mất lương tri mà làm như vậy?

Có. Chắc rằng dầu xấu xa độc ác tàn bạo đến mức cùng cực nào thì ở một góc nhỏ của tâm hồn lương tri, lương tâm và liêm sỉ, lòng tự trọng của con người vẫn thao thức, vẫn khao khát, vẫn hoài bão việc làm hướng thiện, việc quay về với cội rễ làm người.

Tiếng chuông Thái Hà là lời tự bạch tất cả nỗi niềm cay đắng mà DCCT phải gánh chịu lâu nay giờ gióng lên không chỉ cho toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước nghe thấy mà còn là tiếng nói về sự thật và công lý cách chân thành gửi đến tất cả nhân dân trên toàn thế giới để mong nhận được sự hiệp thông, đồng cảm.

Thái Hà đã gióng lên hồi chuông tỉnh thức cho những con người có lúc đã đánh mất nhân vị làm người, vì ‘quay đầu là bờ’ chẳng có gì là quá muộn nếu chúng ta biết nhận ra chính bản ngã của chính mình để kịp quay về con đường chính đạo.

Nguyễn !