Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Nhớ về một con người

VRNs (23.11.2011) - Sài Gòn - Trước đây, thỉnh thoảng tôi có xem chương trình “ngày ấy bây giờ” trên ti vi, nhắc lại những mốc sự kiện. Từ đó tôi bắt đầu có thói quen để ý đến những mốc thời gian trong quá khứ để nhớ về một sự kiện có ý nghĩa hay nhớ về một ai đó.



Đang ưu tư với những bận tâm về các vấn đề xảy ra trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, tôi chợt nhớ đến một khuôn mặt: Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Ngài nhận mũ Hồng Y ngày 26.11.1994. Ngày 22.02.2012 sắp tới là đúng 3 năm kỷ niệm ngày ngài về với Chúa.

Nhìn lại tiểu sử cuộc đời ngài, nhất là trong giai đoạn vô cùng khó khăn của Giáo hội tại miền Bắc Việt Nam dưới sự cai trị khắc nghiệt của nhà cầm quyền, không ai không cúi đầu ngưỡng mộ một gương mẫu kiên cường và khéo léo.

Sau cuộc di cư năm 1954, con số các linh mục phục vụ tại các giáo phận Miền Bắc giảm sút trầm trọng. Linh mục chính xứ Hàm Long – Phaolô Phạm Đình Tụng – được Đức cha Giuse Trịnh Như Khuê tín nhiệm đặt làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội mới được khai sinh. Đây là Tiểu Chủng viện liên giáo phận đầu tiên tại Việt Nam, quy tụ gần 200 chủng sinh của 7 giáo phận Miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hoá). Sau hai năm hoạt động, 9 chủng sinh lớp lớn được tách ra để thành lập Đại Chủng viện Thánh Giuse. LM Phaolô Phạm Đình Tụng kiêm nhiệm luôn chức Giám đốc Đại Chủng viện. Năm 1960, cả hai nơi này đều bị đóng cửa vì không chấp nhận việc nhà nước điều động giáo viên vào dạy môn chính trị. Ngài đã can đảm bảo toàn tính độc lập của Giáo hội trong lãnh vực đào tạo giáo sĩ. Các chủng sinh như đàn chim non phải rời xa me, bươn chải giữa bao sóng gió cuộc đời. Tuy nhiên, chính Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội đã cung cấp cho Giáo Hội Miền Bắc hơn 50 linh mục nhiệt tình và trung tín.

Năm 1963 linh mục Phaolô Phạm Đình Tụng được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chính Toà coi sóc giáo phận Bắc Ninh. Đức tân Giám mục đã “chú ý đến việc đào tạo các linh mục không chỉ giỏi nghiệp vụ mà quan trọng hơn, gần gũi với giáo dân, đồng thời chú ý đến hàng ngũ giáo dân được đào tạo để dấn thân trong trần thế. Nên nhớ đây là những trục tư tưởng chính trong công đồng Vatican II (1963-1965, đặc biệt qua sắc lệnh “Chức vụ và đời sống linh mục”, hai Hiến chế về Giáo Hội và Giáo Hội trong thế giới ngày nay). Tuy không tham dự Công đồng – thậm chí có thể không nắm bắt tình hình thời sự của Công đồng tại Vatican trong những năm Việt Nam đóng cửa – nhưng dường như ngài đã có những trực giác ấy của Công đồng. Người ta có thể giải thích đó là do hoàn cảnh thực tế của các giáo phận bắt buộc ngài suy nghĩ thế, nhưng tại sao chúng ta không được phép nghĩ đó là kết quả thu lượm được từ những suy nghĩ và cầu nguyện sâu xa của ngài về Ðức Giêsu mục tử, hay từ tấm lòng nhân ái và bao dung của một người cha và một người thầy?

Tu sĩ Giuse Vũ Văn Được, DCCT viết những ký ức về ngài: “… Ngài luôn lo lắng, trăn trở, thao thức với Giáo Hội, với những vấn đề của mà Giáo Hội đang gặp phải như vấn đề các giáo phận Miền Bắc thiếu linh mục trầm trọng, như làm sao trong hoàn cảnh thiếu và vắng bóng chủ chăn, giáo dân, nhất là giới trẻ, có thể sống đạo tốt giữ vững đức tin. Trong thời kỳ có nhiều ơn kêu gọi linh mục, nhưng chính quyền hạn chế một cách khắt khe số lượng chủng sinh vào chủng viện, nên ai được vào chủng viện được coi như trúng số độc đắc, Đức Hồng Y thực sự muốn có những người dâng mình cho Chúa trưởng thành về lý tưởng tu trì, không tìm danh lợi trong chức vụ, phẩm trật, nhưng tìm ý Chúa và nhất là lý tưởng hiến thân để phục vụ Chúa nơi mọi người. Người thường dạy chúng tôi: Đi tu không phải để tiến thân, mà là để hiến thân. Theo Đức Hồng Y, những người dâng hiến giữa đời phải là ĐÈN là MEN, là MUỐI cho môi trường sống của mình”.

Hơn 20 năm Đức Giám mục Bắc Ninh không được ra khỏi Tòa Giám mục để thi hành mục vụ! Khi Chủ chăn không thể đến với đoàn chiên thì đoàn chiên tìm đến với người mục tử. Tòa Giám Mục Bắc Ninh đã thật sự trở thành Nhà Chung của giáo phận. Để đồng cảm và gần gũi với quần chúng giáo dân, chăm lo cho giáo dân từng bữa cơm, từng đêm ngủ, gia đình Tòa Giám mục từ Đức cha cho đến người giúp việc đã lựa chọn một nếp sống giản dị, khó nghèo và phục vụ. Không người giáo dân nào cảm thấy mình là người xa lạ khi về Tòa Giám mục. Hàng ngày, Đức cha cùng ăn, cùng đọc kinh chung với giáo dân. Trong thời kỳ “hạt gạo miền Bắc chia ba” mà nhà ăn Tòa Giám mục thường xuyên đông vui, đầm ấm. Những ngày lễ trọng, Đức cha kêu gọi và tổ chức cho giáo dân “góp gạo thổi cơm chung”. Trên những chiếc xe đạp “cọc cạch” của giáo dân “miền rừng” có cả bó củi, bao khoai, bao sắn… góp thêm chất đốt và thực phẩm cho “nồi cơm chung giáo phận”! Cộng đoàn tín hữu thời các thánh Tông đồ được tái hiện ngay tại Nhà Chung Bắc Ninh!

Nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho giáo dân là điều luôn thúc bách vị chủ chăn. Không được đến với giáo dân, Đức cha Tụng đã trăn trở suy nghĩ làm sao để đời sống đức tin của giáo dân được nuôi dưỡng. Hàng tuần ngài gửi các bài suy niệm Lời Chúa đến từng xứ họ. Ngài đặt lời Thánh vịnh vào những làn điệu quan họ Bắc Ninh để ngâm nga, ca ngợi Thánh Tâm Chúa. Ngài soạn “Kinh Bản tắt” giúp giáo dân học hỏi giáo lý căn bản trong các buổi cầu nguyện chung. Ngài sáng tác những vần thơ “Ca nhiệm tích”, “Tóm lược cuộc đời Chúa”… giúp giáo dân dễ dàng thực hành việc thánh hoá ngày sống, học hỏi giáo lý và gặp gỡ Lời Chúa bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Tiếp bước các vị tiền bối, ngài đã đưa Tin Mừng hội nhập nền văn hoá dân tộc.

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ngài dâng giáo phận cho Thánh Tâm và phát động phong trào dâng các gia đình cho Thánh Tâm Chúa. Nhiều gia đình đã thực sự trở thành nhà cầu nguyện, trường dạy giáo lý. Ngài đã vượt qua mọi trở ngại để tổ chức định kỳ những “đại hội” Ban Hành Giáo, cộng đoàn “sống lý tưởng tại gia”, “Dòng Ba Đaminh”, đoàn “thiếu nhi” Thánh Thể … Nhờ những “đại hội” định kỳ cho từng thành phần ấy, các buổi cầu nguyện chung được duy trì và ngày càng có sức thu hút giáo dân, đặc biệt giới trẻ hăng say học hỏi Lời Chúa, suy tôn Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

Ngày 18 tháng 05 năm 1990, Đức Hồng Y Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Trịnh Văn Căn qua đời. Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Toà Tổng giáo phận Hà Nội. Ngày 23.03.1994, Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám mục và cùng năm ấy ngày 26 tháng 11 ngài được vinh thăng Hồng Y.

“Ngài là một trong những gương mặt vĩ đại của Giáo Hội Việt Nam, là chứng nhân lịch sử của Giáo Hội ở Miền Bắc trong hơn 70 năm qua. Ngài đã góp phần to lớn và quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là trong các lãnh vực tông đồ, đào tạo, tổ chức nhân sự và quan hệ ngoại giao. Cuộc đời phục vụ của ngài còn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công cuộc xây dựng Giáo Hội hôm nay” (Lm. Thanh Bình).

Ngài qua đời ngày 22 tháng 02 năm 2009, một tháng sau dịp mừng kỷ niệm 90 năm ngày sinh, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng Y. Để ghi dấu ấn về cuộc đời của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói trong Huấn từ với HĐGMVN dịp các Giám mục Việt Nam thăm viếng Toà Thánh tháng 06 năm 2009: “Tôi muốn tưởng nhớ ở đây Đức Hồng Y đáng kính Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội trong nhiều năm. Cùng với Anh Em, tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lòng nhiệt thành mục tử của Ngài đã thể hiện cách khiêm nhường, với tình yêu hiền phụ sâu xa đối với đoàn dân của Ngài và tình huynh đệ lớn lao đối với các linh mục”. Và khi được tin Đức Hồng Y qua đời, trong điện văn phân ưu gửi tới Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Đức cố Hồng Y đã phục vụ Giáo Hội trong những hoàn cảnh khó khăn với lòng can đảm lớn lao và trong niềm quảng đại trung thành với Toà Thánh Phêrô, xả thân tận tuỵ rao giảng Tin Mừng”.

Thiết tưởng đây là lời đẹp nhất mà Đức Thánh Cha đã dành cho Đức cố Hồng Y kính yêu, bởi vì cả cuộc đời ngài là một lời tuyên xưng liên lỉ: “Tôi tin vào Tình Yêu Thiên Chúa”. (GP Bắc Ninh). Trong tang lễ của ngài ngày 26.02.2009, hàng vạn người đã tới viếng linh cữu một vị mục tử nhân lành của Công giáo Việt Nam. Ngài từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tổng Giám mục Hà Nội. Ngài cũng được cho là người tiên phong trong đối thoại với chính quyền và xúc tiến mối liên hệ giữa Tòa Thánh với Hà Nội. Nhưng ngài chưa bao giờ làm điều gì thiệt hại cho Giáo hội VN hay tổn thương cho sự hiệp nhất trong Giáo hội.

Tước vị Hồng Y không phải là một Chức Thánh, mà chỉ là một Tước Vị. Dù dược vinh thăng Hồng Y, các ngài vẫn là Giám Mục. Trong lễ nghi trao Mũ Ðỏ Hồng Y, Ðức Thánh Cha cũng chỉ định cho mỗi vị một nhà thờ trong Thành Roma với quyền linh mục chánh xứ danh dự trong Giáo phận của Ðức Thánh Cha. Các Hồng Y phải trung thành, vâng phục và hiệp nhất với Chúa, với Giáo hội và với Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô, Ðại diện Chúa Kitô ở trần gian, thậm chí sẵn sàng hy sinh chính mạng sống nếu cần.



Trong tang lễ của Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã cử đặc sứ của ngài chủ tế thánh lễ là Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn. Nhưng nhiều người ngạc nhiên khi chính trong tang lễ Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng ngày 26.02.2009, mặc dù chỉ được bổ nhiệm làm đặc sứ trong thánh lễ an táng, nhưng ĐHY GB Phạm Minh Mẫn đã cấm các Giám mục VN đến Thái Hà lúc ấy đang bị đánh phá tơi bời bởi nhà cầm quyền Cộng sản với lý do để cho ‘Giáo hội mở đường đối thoại’!!!

ĐHY GB Phạm Minh Mẫn còn đề nghị Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt phải đi gặp nhà cầm quyền Hà Nội để “cám ơn họ”. Đức Tổng Giuse vâng lời đi, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã từ chối đón tiếp ngài.

Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn cũng vừa kỷ niệm 8 năm được ĐGH Gioan Phaolô II phong Hồng Y vào ngày 21.10.2003.

HIẾU MINH, VRNs