Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt: Muốn có Hòa bình bền vững phải thực thi Công lý!

VRNs (20.11.2011) – Đức Quốc – “Muốn có Hòa bình bền vững phải thực thi Công lý!” (Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt)



Xin được đóng góp nhỏ mọn trong công cuộc đòi hỏi Công lý, Hòa bình và sự thật của anh chị em giáo hữu và qúi anh em tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế giáo xứ Thái Hà, đang hứng chịu những hành vi bỉ ổi đốn mạt vào những ngày này. (16/11/2011).

Nếu một chế độ cấu kết với bọn côn đồ du đãng xì ke ma túy để hành hạ cướp đất dân, nhằm ném đá dấu tay, thì chúng ta gọi chế độ đó là chế độ gì? Tập đoàn Mafia? Quân giặc cướp? Bọn man rợ hèn hạ? Tập đoàn xã hội đen? Câu trả lời xin dành cho qúi vị. Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức thêm nữa, chế độ này còn là chế độ buôn dân bán nước, chế độ phản nước hại dân, chế độ phản bội dân tộc quê hương.

Khi nhà nước liên minh với thành phần xã hội đen chống lại nhân dân đó là hiện tượng khoảng trống chính trị! Vì người dân bầu người thay mình, đại diện cho mình làm chính trị.

Mở đầu

Hòa bình và Công lý luôn song hành chặt chẽ với nhau, khắn khiết với nhau như tình anh em. Không có Công lý thì không có Hòa bình. Và ngược lại, không có Hòa bình thì không có Công lý.

Tại sao hai chữ Hòa bình quan trọng như vậy? Hòa bình là gì? Hòa bình liên quan đến Công lý như thế nào?

Khi người thân yêu của chúng ta trăn chối điều gì, thì điều đó rất hệ trọng. Cũng vậy, trước khi về trời, Đức Chúa Giê-su cũng trăn chối. Vậy, Ngài để lại gì cho chúng ta? Vàng bạc trâu báu. Xin thưa, không! Ngài để lại cho chúng ta đó là eirhnh (Hy-lạp), Pax (La-tinh), Friede (Tiếng Đức), Peace (Tiếng Anh) (Xem Gioan 14, 27-31). Theo bản Kinh Thánh Việt Nam, thì chữ này được dịch ra là BÌNH AN. Nếu chữ bình an dịch sát nghĩa theo tiếng Anh, có thể hiểu hai chữ bình an là «peace of minde» (Bình an trong tâm hồn) Nhưng theo cốt bản, thì chữ Pax còn có nghĩa là Hòa bình. Vậy câu :

«Thầy để lại (trăn chối) sự bình an cho các con, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, không phải bình an mà thế gian cho. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!»

Nếu chúng ta đổi chữ bình an, thành chữ hòa bình, thì câu trên có thể là: «Thầy để lại hòa bình cho các con… » Hòa bình (Pax) của Thầy khác hòa bình mà thế gian ban cho. Chiếu theo đoạn này, thì chính Thiên Chúa đã phân ra hai loại Pax: Loại Pax Thiên Chúa và Pax của thế gian. Thiên Chúa ban Pax của Người cho chúng ta, chứ không Pax của thế gian.

Vậy Pax của Thiên Chúa là gì? Và Pax của thế gian ra sao? Trước hết, chúng ta tìm hiểu Pax của Thiên Chúa.

Pax của Thiên Chúa

Chắc người Ky-tô hữu còn nhớ tới tâm trạng của các Tông đồ, khi Đức Chúa Giê-su mới chết. Khi Người vừa mất, thì các môn đệ sợ hãi lo âu vì liên lụy đến ông Giê-su. Họ lập tức tụ họp rút hết vào phòng, ở trong đó tới ba ngày ba đêm. Đóng cửa cài then, không ai dám ra ngoài. Mười một môn đệ của Ngài rất sợ, vì từ nay không còn ai dám đứng ra đối đầu công khai với chế độ La mã đang thống trị trên quê hương mình. Họ sợ, vì từ nay không còn ai có đủ can đảm đứng ra lo bảo vệ quyền lợi cho dân tộc của họ và đòi hỏi Công lý hòa bình, trong lòng dân tộc của họ. Họ sợ hãi là đúng, vì từ cái chết của Đức Chúa Giê-su thì bao nhiêu sự mong ước sẽ thoát khỏi cảnh thống trị của ngoại bang, bỗng tan mây khói. Họ sợ cũng có lý, vì họ bị liên hệ là «đồng chí» với Đức Chúa Giê-su, kẻ bị coi là muốn làm cách mạng, là nổi loạn. Kẻ bị coi là anh hùng muốn giải phóng dân tộc khỏi đế quốc La-Mã.

Chúng ta còn nhớ là, trước đó vài ngày, khi Đức Chúa Giê-su vào thành Jerusalem, thì thiên hạ còn tung hô vạn tuế trải thảm cỏ, đón tiếp ngài như một vị vua, vì dân thành Gerusalem tin rằng, họ đã tìm ra và nhận thấy vị cứu tinh cho dân tộc Do-thái đã đến. Nhưng nay không! Đấng sẽ đem niềm tin Hy vọng cho họ đã bị đóng đinh và đang treo trên thập giá. Họ hoàn toàn thất vọng, chán nản vừa âu lo vừa sợ sệt!

Và trong khi các môn đệ đang run rẩy lo sợ như vậy, thì Chúa sống lại hiện ra và chúc họ câu nói đầu tiên: «Bình an (Pax) cho anh em» (Gioan 20, 19). Cứ mỗi lần Thiên Chúa sống lại hiện ra với các Tông đồ, thì câu chúc đầu tiên đều là: «Bình an (Pax) cho anh em!» Thiên Chúa chúc các môn đệ của Người hai chữ bình an, khi họ đang sợ hãi. Anh em hãy an tâm bình tĩnh lại. Ta đây! Ta ở cùng các con mà! Ta đâu có xa cách các con. Đừng lo sợ hãi nữa! Và sau khi Thiên Chúa chúc bình an và trấn an các môn đệ xong, thì «Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh thần!» (Xem Gioan 20, 22). Sau đó, các môn độ cùng với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cùng hiệp nhất một lòng cầu nguyện. Từ đó, họ không sợ nữa. Mọi người can đảm ra đi rao giảng tin mừng ơn cứu độ. (Sách Tông đồ Công vụ 1, 14; 2, 1-4). Vừa cầu nguyện vừa được ơn Chúa Thánh thần soi sáng giúp đỡ.

Trước khi về trời và sau khi sống lại, đức Chúa Giê-su đều để lại «Pax» (bình an) cho nhân loại. Và ngay trong đêm giáng sinh, thì các Thiên thần cũng loan báo xứ điệp con Chúa đến: «Bình an dương thế cho những ai có lòng thiện tâm!» (Luca 2, 24). Ngôn sứ Isaja cũng loan báo tin mừng một Trinh nữ sẽ hạ sinh một con trai, ngài là Hoàng Tử Hòa Bình, một danh xưng cao trọng của Đấng cứu độ mà Ngôn Sứ Jesaja diễn tả vị cứu tinh nhân loại sẽ đến. (9, 6).

Như vậy, từ lúc sinh ra cho đến khi về trời, Thiên chúa để lại cho nhân loại một báu vật vô giá, đó là sự hòa bình, bình an của Thiên Chúa PAX CHRISTI.

Nếu chúng ta sống không có sự bình an thanh thảm trong tâm hồn, thì chúng ta ở trong trạng thái lo âu sợ hãi. Mà khi con người sợ hãi, thì chẳng làm được việc gì ra hồn. Sự sợ hãi còn làm cho chúng ta trở nên dối trá, gian xảo và ngay cả làm chúng ta khiếp nhược, hèn hạ và chối từ bạn bè như xưa thánh Phê-rô đã chối bỏ Chúa tới ba lần lận. Vì sao, vì Phê-rô sợ.

Muốn có sự bình an thì chỉ có tin cậy vào Thiên Chúa. Trong Thánh lễ, chúng ta luôn nghe cha chủ sự chúc cho chúng ta: «Frieden sei mit euch!» (Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em). Và sau khi kết thúc thánh lễ, vị chủ tế «chúc anh chị em ra về bình an!» (Geht hin in Frieden) (Tiếng Đức).

Không phải vị chủ tế chúc giáo dân ra về bình an, theo nghĩa lúc ra về xe không bị nổ nốp, đi đường không bị trúng gió v.v. Không! Mà Thiên Chúa chúc anh chị em tham dự Thánh lễ xong mang sự bình an, hòa bình cho người khác, mà chúng ta đa đón nhận được trong Thánh lễ. Hãy ra đi rao giảng tin mừng cho mọi người! Hãy ra về kiến tạo hòa bình. Đó là ý nghĩa câu chúc ra về bình an sau mỗi Thánh lễ.

Ý nghĩa “Pax của Thiên Chúa” đó chính là sự bình an, sự an tâm trong tâm hồn. Xem ra, từ vựng tiếng Việt thật phong phú, diễn tả khá đầy đủ nội dung ý nghĩa Pax Christi (Bình an của Chúa). Vậy, “Pax của thế gian” là gì?

Pax của thế gian

Trong sách Phúc ân theo Thánh sử Luca, thì Đức Chúa Giê-su nói về «Pax của thế gian» như sau: «Anh em đừng tưởng rằng, Ta đến để ban Hòa bình cho trái đất? Thầy bảo cho anh em biết. Không phải thế, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người cùng chung một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai cống lại ba.« (Xem Luca 12, 49-54).

Chữ Pax trong câu trên được hiểu là HÒA BÌNH. Hòa bình có nghĩa không chiến tranh, chiếu theo bình diện quốc gia; Hòa bình có nghĩa là không tranh chấp, không đối đầu, không bạo lực xét trên bình diện xã hội; Hòa bình là không biểu tình, không đình công trong phạm vi hãng xưởng; Hòa bình là không bất đồng bất hòa, không bạo lực, không chia rẽ đố kỵ ganh ghét trong gia đình học đường.

Thiên Chúa đến đem chia rẽ? Đó là tin mừng Phúc âm?! Câu nói của Thiên Chúa xem ra khó hiểu. Người chẳng mang tước hiệu Hoàng Tử Hòa Bình đó sao?

Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ đoạn kinh thánh này, thì chúng ta nhìn ra một thực trạng bất dịch, đó là sự bất hòa, chống đối, đối kháng, chiến tranh, bạo lực, khủng bố luôn tái diễn. Nơi đâu có con người, nơi đó có chia rẽ. Thiên Chúa nói lên một thực trạng cụ thể như thế, nhưng Người không chúc phúc cho chúng ta tệ nạn này. Như vậy, Đức Chúa Giê-su đã tái khẳng định lại là: Ngài không ban «PAX (hòa bình) của thế gian» cho chúng ta. Không, Ngài đến không phải mang kết qủa Hòa bình đã có sẵn dâng biếu chúng ta. Nhưng chính Thiên Chúa muốn đòi hỏi và mời gọi nơi mỗi người chúng ta là phải biết đấu tranh, phải cố gắng kiến tạo hòa bình. Hòa bình không cho mà có, hòa bình không có mà cho! Hòa bình không phải từ trên trời cao rớt xuống. Phải tranh đấu mới có. Và khi bất công hiện nay tràn nan trên quê hương, thì ở đó có đấu tranh khắp nơi. “Chổ nào có bất công, chổ ấy có đấu tranh”. Mục tiêu của đấu tranh kiến tạo hòa bình là nhằm thay đổi cái gốc tạo bất công. Chính tổ sư Cộng sản Karl Marx cũng nhận ra điều này.

Thiên Chúa đến với chúng ta là vị Hoàng Tử Hòa Bình là đúng rồi! Nhưng, đừng vì thế, chúng ta ỷ lại cho Ngài làm hết, rồi chúng ta ngồi dưới gốc sung vỗ ngực tự hào hoặc đóng khóa kín của thật chặt chẽ, rồi tin Hòa bình sẽ só chân tự nó chạy đến. Thưa không! Kiểu „Pax của thế gian“ này Thiên Chúa sẽ không mang đến cho chúng ta đâu!

Năm 2002, tại Giáo Hội Công Giáo Đức Quốc có tổ chức ngày Chúa Nhật Miserior hằng năm (Ngày quên tiền giúp cho những Giáo hội Công Giáo nghèo trên thế giới còn phải gặp tràn nan bất công, sự gian ác còn gieo vãi khắp nơi), có chủ đề là: Frieden ist TATsache (Hòa bình là một sự việc). Chính trong tiếng Đức, họ cố tình viết chữ Tatsache thành TATsache. Vì chữ TAT lấy ra từ chữ TUN, có nghĩa là làm. Họ nhấn mạnh chữ TAT. Hòa bình là việc phải làm. Muốn có hòa bình phải hành động!

Đức chúa Giê-su không đem PAX (hòa bình) thế gian cho chúng ta. Như vậy, Người đòi hỏi chúng ta phải tích cực trong công cuộc kiến tạo và đòi hỏi Hòa bình. Và muốn có Hòa hình phải chống lại sự bất công. Ý nghĩa nghịch của bất công đó là công lý, công bằng. Ngôn sứ Jesaja thừa nhận như thế: „Hoa qủa của sự Công lý, (công chính, công bằng) là Hòa bình.“ (32, 17-18).

Con cái của vị Hoàng Tử Hòa Bình phải làm gì?

Trong bài giảng tám mối phúc thật, -bản tuyên Ngôn của Chúa-, thì chính Đức Chúa Giê-su có nhắc đến ba lần về ý nghĩa Công lý. (Xem Máthêu 5, 1-12)

- Ai khao khát sự công chính, thì Thiên Chúa chúc họ sẽ đầy đủ no nê, có nghĩa họ sẽ được sống trong hòa bình. Họ sẽ có được đời sống đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất.

- Nếu có ai bị bách hại vì lẽ Công chính, thì nước trời là của họ. Họ là những vị thánh đời này đời sau. Nước Trời thuộc về họ, không phải là quyền lực trần gian, song nước Trời đó chính là sự Hòa bình, Niềm vui và sự công chính trong Chúa thánh thần.

Là con cái của chúa, chúng ta có thật sự khao khát công chính? Chúng ta là những người chân chính chưa?

Một điểm đặc biệt: Khi chúng ta có danh hiệu là con cái của Chúa, -người Kytô hữu-, thì đây là danh xưng rất quan trọng, vì chúng ta là con cái của Chúa. Chính khi xưa Đức Giê-su tự xưng mình là con Thiên Chúa, đó là nguyên nhân Ngài phải chết.

Cũng trong bài Giảng tám mối phúc thật, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta trở lên thánh bằng cách, khi chúng ta biết thực thi hòa bình. „Phúc cho ai kiến tạo hòa bình, thì họ được gọi là con của Chúa“. Chúng ta mới là con của Chúa. Nhưng, chỉ chừng khi nào chúng ta đòi hòi và xây dựng Hòa bình, có nghĩa chống bất công, chống những điều bất chính, thì lúc đó, chúng ta mới được gọi là con của Chúa. Chúng ta sống theo tâm trạng nào? Là con của Chúa hay được gọi là con của Chúa? Chúng ta sống theo tinh thần nào? Nếu, theo tinh thần là „con của Chúa“ thì thụ động. Sống để được gọi là con của Chúa thì phải hoạt động.

Hòa bình (Pax) trong hiến chế Vui Mừng và Hy vọng

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng cũng nêu những nguyên nhân không có hòa bình (29, 63, 83). Đó là những chênh lệch về kinh tế xã hội. Nó đe dọa nền hòa bình. Hiến chế cũng nhấn mạnh: Hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi (78). Muốn vậy, trước tiên phải tận diệt những nguyên nhân bất hòa giữa con người với nhau. Một số những nguyên nhân đó bắt nguồn từ những chênh lệch thái qúa trong địa hạt kinh tế, óc thống trị, miệt thị con người, tham lam, nghi kỵ lòng kiêu căng và ích kỷ.

Cũng theo hiến chế này thì những chênh lệch về kinh tế và xã hội là gương xấu đi ngược lại nền hòa bình xã hội. (29,63,82,83). Muốn có Hòa bình phải luôn kiềm chế dục vọng háo danh, bảo đảm bênh vực giá trị của từng cá nhân, tôn trọng nhân phẩm con người và ân cần thực thi tình huynh đệ.

“Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em!”

Dấn thân cho công lý và hòa bình thật hệ trọng. Cùng chiến đấu với chúng ta còn có đấng Hoàng Tử Hòa Bình. Ngài là vua của sự bình an và là vua Tình Yêu. Vì: „Một hài nhi sinh ra cho chúng ta, một người con (trai) đã được ban tặng cho chúng ta, mà quyền năng ngự trên vai ngài. Danh hiệu của Người là: Cố vấn kỳ diệu, Anh hùng Thần linh dũng cảm, Người cha muông thủa, Thủ lãnh hòa bình“ (Jesaja 9, 5). Đấng này sẽ mở rộng quyền bính và lập nền hòa bình vô tận.

Thế giới chúng ta và ngay hiện nay tại trên quê hương thân yêu của chúng ta tràn ngập bao bạo lực hận thù tranh chấp ghen ghét. Để thoát ra khỏi vòng đai ma qủy này, chúng ta phải tìm kiếm con đường kiến tạo hòa bình và tình thương. Chỉ có con đường duy nhất này!

Có vị lão thông thái kia tin chắc rằng: Để có thể kiến tạo hòa bình, trước hết, chúng ta phải kiến tạo hòa bình trong lục địa chúng ta đang sống. Để có thể kiến tạo hòa bình cho lục địa chúng ta, chúng ta phải kiến tạo hòa bình trong đất nước quê hương xứ sở chúng ta. Để có thể kiến tạo hòa bình trong đất nước chúng ta, chúng ta phải kiến tạo hòa bình trong gia đình. Để có thể kiến tạo hòa bình trong gia đình, chúng ta phải biết kiến tạo hòa bình trong tâm hồn chúng ta. Nhưng, để có thể kiến tạo được hòa bình trong tâm hồn chúng ta, chúng ta phải hoàn toàn nhúng và đâm vào trái tim đang mở rộng của đấng gọi là Hoàng Tử Hòa bình và Thiên Chúa Tình Yêu, -Đức Chúa Giê-su Kytô-.

Tôi nói cho mọi người nghe. Kẻ nào tin rằng, họ xây dựng hòa bình với cái gươm luỡi kiếm thì họ sai lầm trầm trọng. Không! Cái gươm không tạo hòa bình, mà duy nhất chỉ là tình yêu. Tình yêu duy nhất và trung thực nhất đến từ Thiên Chúa. Vì, tự chính Thiên Chúa là Tình yêu.

Kết luận

Trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi Công lý, Hòa bình và sự thật của Giáo xứ Thái Hà, chúng tôi nhận thấy, qúi giáo hữu luôn hát bài „Kinh hòa bình“. Và khắp nơi trên thế giới. Nơi nào có Thánh lễ cầu bình an cho quê hương, cộng đoàn đều hát kinh này. Ngay cả khi có dịp cầu nguyện cho quê hương, chúng tôi cũng luôn ca bài hát này. Tôi nhớ lần đầu tiên ca bài này „trong sinh hoạt chính trị“ vào lúc có khoảng gần 20 người, cùng nhau lên đường đến thủ đô Kopenhagen, nước Đan-mạch dự đại hội Asem của các tổ chức Phi Chính phủ năm 2001.

Trong thời gian người dân Đông Đức (DDR) đòi hỏi Công lý và Tự do, họ tụ họp tập trung đến nhà thờ Gethesemani đọc kinh nghe giảng ca hát thường xuyên. Những buổi cầu nguyện luôn được kết thúc với bài hát: “Dona nobis Pacem” (Xin (Chúa) ban cho chúng con sự bình an/hòa bình).

Trong công cuộc đòi hỏi Công lý, Hòa bình và Sự thật hiện nay tại giáo xứ Thái hà, chúng ta đều cùng hát lên Kinh hòa bình. Chúng ta cần tiếng hát câu kinh này để giữ vững niềm tin và hỗ trợ tinh thần cho nhau. Để chúng ta cùng nhau xin Thiên Chúa là Đấng Hoàng Tử Hòa Bình, ban bình an cho chúng ta luôn vững tin kiên quyết đòi hỏi Công Lý, Hòa bình và sự thật, dù phải đứng trước việc đàn áp bạo động của băng đảng côn đồ cấu kết với Công an Việt Cộng.

Câu nói của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt qủa thật chí lý! Hòa bình bền vững chỉ có, khi Công lý được thực thi và tôn trọng. Vì, “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi!” (Mát-cô 9, 29)

Nguyện xin Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.

Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh

Đức quốc, thứ năm ngày 17 tháng 11 năm 2011