Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Thánh lễ tối 30/10/2011: Bài dẫn ý cầu nguyện

VRNs (31.10.2011) – Sài Gòn – Trong thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tối hôm qua tại Nhà thờ Kỳ Đồng, linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại đã dành phần thời gian trước thánh lễ để dẫn ý cầu nguyện. VRNs xin đăng toàn văn bài dẫn ý này:

1. Cầu nguyện cho các nạn nhân bão lụt tại Việt Nam và Thailand:

Thời gian vừa qua đồng bằng sông Mekong của Việt Nam đang trải qua trận lũ lụt nặng nề nhất trong lịch sử kể từ năm 2000. Theo thông tin từ báo chí, ở Miền Tây có ít nhất 15 người tử vong do chết đuối, có 1 trường hợp bị rắn cắn chết. Mưa to, gió lớn gây lũ lụt và lở đất, khiến ít nhất 31 cư dân miền Trung thiệt mạng nhiều người mất tích. Tại các tỉnh miền Nam, nước lũ tàn phá hàng ngàn ngôi nhà, nhấn chìm hàng chục ngàn hecta lúa, và gây tắc nghẽn lưu thông. Tỉnh An Giang được biết là chịu thiệt hại nặng nề nhất. các trường học ở tỉnh Đồng Tháp hầu như đóng cửa trong thời gian này vì nước lớn. Gần 20.000 cư dân các tỉnh duyên hải Việt Nam di tản tìm nơi tránh bão.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho người dân Thailand bị lũ lụt thời gian qua. LM Vĩnh Sang, DCCT viết trên báo điện tử Ephata một bài về lũ lụt, tôi rất đồng cảm với bài viết này: … nhìn Thái Lan chạy lũ thấy xót xa lòng mình, thương người ta một, thương mình mười. Người ta lũ nặng nề nhưng mọi người hợp tác chung sức chiến đấu, còn mình thì cứ mỗi mùa lũ về, y như rằng là cơ hội béo bở cho các quan tham, nhỏ tham nhỏ, lớn tham lớn. Thái người ta ra ngay những biện pháp tình thế và dài lâu, còn Việt mình thì bịt trên bịt dưới, bịt đến đâu vỡ đến đó, chẳng công trình chống lũ nào tồn tại được trước cơn lũ. Cũng cơ cực nhưng gương mặt người Thái rạng rỡ vì có niềm tin, còn dân Việt mình thì đau khổ vì màn đêm bủa vây tứ phía, cứ nhìn các tấm ảnh của các phóng viên trên các kênh thông tin thì thấy ngay điều ấy. Thái người ta cả nước vào cuộc, Việt mình dân lo lũ, quan lo nhậu. Cách đây một tháng tôi đọc được một bài báo ảnh, chụp hình quan chức của một huyện miền núi cao nguyên Bắc trung phần đi xuống cơ sở giúp chống lũ, chống đâu chưa thấy, địa phương phải mời các quan anh ra nhà hàng thịt rừng nhậu phủ phê, khi phát hiện ra có ống kính chụp hình bèn bảo nhau giải tán !

Chuyện lũ là chuyện hằng năm nhưng những biện pháp giúp người dân sống trong hoàn cảnh như vậy không hề được nghiên cứu, năm nào cũng vậy, khi lũ chưa về đã hoàn chỉnh báo cáo thiệt hại gởi ra trung ương để xin… cứu trợ ! Tôi tự hỏi mẫu ngôi nhà nổi trên phao tự chế do sáng kiến của người dân sao không được giúp đỡ để sản xuất và áp dụng rộng rãi ? Những vùng cao vượt lũ, những đỉnh đồi sao không xây dựng những công trình trốn lũ ? Tại sao không xây dựng và tích trữ lương thực trước mùa lũ ở những khu đất cao thoát lũ ? Tại sao năm nào cũng mì gói và chỉ có mì gói, nếu xây kho dự trữ ta hoàn toàn có thể chủ động lương thực và thuốc men cho dân chúng. Cứ những cái câu hỏi tại sao như thế càng làm cho ta thêm bức xúc.”

Cũng liên quan đến lũ: Cầu đường tránh La Vang (người dân thường gọi là cầu An Lạc – thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, H.Hải Lăng, T. Quảng Trị) với kinh phí 6.6 tỉ, thi công hơn 1 năm mới khánh thành ngày 30/7/2011. Tuy nhiên, mới qua một trận lũ, đến ngày 18/10, cây cầu mới toanh này đã đổ sập xuống sông. Theo tin trên báo Thánh Niên của PV Nguyễn Phúc: ông Phạm Đình Lợi – Giám đốc BQL cho rằng nguyên nhân dẫn đến sập cầu là do lũ lớn, cầu lại nằm bên hàng rào kiên cố của nhà thờ La Vang nên nước không có chỗ thoát, tạo luồng xoáy lớn… Nhưng có một điều trớ trêu là cây cầu tạm già nua ọp ẹp đã sử dụng 20 năm, nằm bên cạnh cây cầu mới vẫn… đứng vững, không hề hấn gì (?!). Con số thiệt hại đã được BQL này tính sơ bộ là 1,2 tỉ đồng nhưng theo ông Thái Văn Hiền, cán bộ kỹ thuật của BQL: “Là do thiên tai, nên các bên liên quan cũng khó bị quy trách nhiệm, kể cả đơn vị thi công (?)”.



Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, chủ tế thánh lễ

2. Cầu nguyện cho nạn nhân của bất công, những tù nhân lương tâm, những người bày tỏ quan điểm mà lại bị bắt dưới hình thức bắt bóc, khủng bố của công an

Cụ thể là những người như LM Tađêô Nguyễn Văn Lý, blogger Điếu Cày, blogger Ba Sài Gòn, giáo sư Phêrô Phạm Minh Hoàng, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, 15 thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt từ ngày 30/7 đến nay chưa trả tự do, mà không đưa ra bằng chứng gì kết tội họ. Họ đang bị giam để ép buộc nhận tội bằng mọi hình thức vô nhân đạo và vi phạm pháp luật. Ở VN có cái ngược đời là công an bắt người trước rồi quy tội sau, chư không phải thu thập đầy đủ chứng cứ rồi mới bắt. Còn nữa, VKS là nơi phê chuẩn việc bắt người thì luôn cấu kết mật thiết với công an điều tra… Từ đó đến nay, gia đình của những người nêu trên không hề được gặp mặt người thân, bởi 1 lý do là công an sử dụng việc gặp mặt này để mặc cả những việc khác, bất thân nhân cam kết này nọ mới cho gặp.



Nhiều tràng pháo tay dành cho cha giảng 92 tuổi

3. Cầu nguyện cho DCCT Hà Nội và Gx Thái Hà

Đầu tháng 10 này nhà cầm quyền Hà Nội đã ngang nhiên thông báo “dự án trạm xử lý nước thải” trong phần đất của Tu viện DCCT Hà Nội mà họ mượn làm bệnh viện Đống Đa từ 40 năm qua. Ngay từ khi nhận được giấy mời của UBND phường Quang Trung để ra nghe thông báo cái “dự án ngang ngược” kia, ngày 7/10/2011 hàng trăm giáo dân đã kéo ra trụ sở UBND để phản đối nhà cầm quyền. Bên cạnh đó, cùng ngày 7/10 linh mục Giuse Nguyễn Văn Phượng, Chính xứ Thái Hà kiêm Phó Bề trên Tu viện đã gửi kiến nghị đến nhà cầm quyền Hà Nội yêu cầu ngưng triển khai dự án trên phần đất của Tu viện và trả lại để Tu viện sử dụng vào mục đích tôn giáo. Vì cơ sở tôn giáo được nhà nước bảo hộ và không thể sử dụng vào bất cứ mục đích nào khác mà không xúc phạm đến tôn giáo.

Tiếp đó, ngày 11/10/2011 Giám đốc bệnh viện Đống Đa và cán bộ Sở Y tế Hà Nội xin gặp cha xứ và giáo dân Thái Hà, để tiếp tục thông báo dự án trạm xử lý nước thải, liền gặp phải sự phản kháng quyết liệt của cộng đồng Công giáo, đến nỗi cuối cùng nhóm người này buộc phải ký vào “biên bản” xác nhận đã không dám ký vào biên bản làm việc của hai bên.

Trong thư gửi cho các linh mục tu sĩ DCCT tại Việt Nam ngày 15/10/2011, linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Bề trên Giám tỉnh của Dòng đã nói rõ lập trường của người lãnh đạo cấp cao này cùng với tất cả các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà là yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội “Dừng ngay dự án xây dựng trạm xử lý nước thải và trả lại tu viện cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội”. Hàng chục linh mục triều thuộc TGP Hà Nội đã đến bày tỏ sự hiệp thông và sát cánh với Tu viện DCCT Hà Nội.

Để tỏ rõ quyết tâm đòi lại Tu viện bằng mọi giá, một bảng đèn led đã được lắp đặt trên nóc khối nhà hiện nay các linh mục, tu sĩ DCCT Hà Nội đang sinh sống với nội dung “Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại Tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo xứ Thái Hà”; và một poster lớn treo phía trên bảng tin “Hãy đến mà xem” với hình ảnh Tu viện DCCT Hà Nội bị chiếm dụng làm bệnh viện Đống Đa và ngôi nhà nguyện bị xúc phạm khi dùng làm nơi khiêu vũ của các cán bộ.

Chiều ngày 26/10/2011 hàng chục cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng đi với một nhóm công an, phóng viên đài báo cộng sản tự làm biên bản quy chụp Tu viện và Giáo xứ “vi phạm Pháp lệnh Quảng cáo” và “đưa nội dung tuyên truyền trái pháp luật”! Với cái cớ là biên bản vi phạm hành chính này, nhà cầm quyền Hà Nội đã chỉ đạo cho UBND phường Quang Trung gửi giấy mời linh mục Nguyễn Văn Phượng ra làm việc về những vi phạm trên. Ngay hôm sau, ngày 27/10/2011 linh mục Nguyễn Văn Phượng đã gửi văn thư trả lời thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội rằng căn cứ trên Pháp lệnh Quảng cáo thì cả giấy mời lẫn biên bản vi phạm hành chính của họ đều là những văn bản không phù hợp pháp luật, vì Tu viện và Giáo xứ không hề vi phạm những quy định của pháp lệnh quảng cáo cũng như không có hành vi tuyên truyền trái pháp luật. Buổi chiều cùng ngày, nhiều giáo dân cùng với ba tu sĩ linh mục DCCT đã dẫn nhau đến trụ sở UBND quận Đống Đa nộp đơn yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội hủy bỏ hoàn toàn dự án xây dựng trạm xử lý nước thải y tế, chuyển bệnh viện Đống Đa ra khỏi khu dân cư và trao trả tu viện DCCT Thái Hà lại cho hoạt động tôn giáo. Công an ở nhiều nơi đã được điều động đến để “bảo vệ” giáo dân. Trong đoàn giáo dân, nhiều người đã mang theo biểu ngữ: “Tu viện là nhà của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa”, “Hãy dừng tay lại ! Đừng phạm thánh nữa”, “Nơi thờ tự tín ngưỡng được pháp luật bảo vệ yêu cầu thực hiện nghiêm túc“,…



Từ trái qua: cha Lê Quang Uy, cha Chân Tín, cha Đinh Hữu Thoại, cha Nguyễn Thể Hiện, cha Lê Ngọc Thanh và cha Trịnh Ngọc Hiên

4. Cầu nguyện cho các thai phụ bị các bác sĩ thiếu lương tâm tư vấn phải phá thai để giảm tỷ lệ sinh với lý do thai bị bệnh này tật kia, sinh ra sẽ thế này thế nọ… Con số ấy dạo này tăng cao và anh em Linh mục cùng các cộng tác viên của chúng tôi phải tư vấn để cứu lại các cháu bé, mỗi ngày có khi đến 5,6 ca, chưa kể các trường hợp người ta không biết chúng tôi để gọi nhờ tham vấn.



Thiết tha dâng lời cầu nguyện

5. Cầu nguyện cho người Việt Nam bớt vô cảm, biết quan tâm đến những vấn đề xã hội, chính trị, môi trường, đạo đức, biết liên đới với anh chị em mình… Giáo huấn Xã hội của Giáo hội nhấn mạnh tính liên đới và nâng lên như một nhân đức.



Góp nến để xua tan bóng đêm sự dữ

LM. Giuse Đinh Hữu Thoại, C.Ss.R