Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Người miền núi: Không ăn cắp kiến thức

VRNs (06.12.2011) – Sài Gòn – Trước đây, tôi được biết thánh lễ xa quê cho người di dân xa quê được cá linh mục DCCT Sài Gòn thực hiện tối chủ nhật hàng tuần qua các bài giảng online, nay tôi tận mắt được nhìn, được nghe và cùng hiệp thông cầu nguyện thì với tôi đây quả là một điều quá đổi khác với những gì tôi từng tưởng tượng trước đây.

Lẽ ra chiều nay, ngày 04.12.2011, tôi phải ở nhà với bao công việc bộn bề rối nùi như mớ bồng bong, tôi chẳng biết phải làm gì trước và làm gì sau, bỡi lẽ cái gì đối với tôi việc gì cũng thật hấp dẫn, cũng thật gấp rút mà sức người có hạn nhưng trót hứa với một người tại DCCT nên tôi phải đến, và tôi ở lại tham dự Thánh Lễ xa quê, là thánh lễ thứ hai trong một ngày chủ nhật.

Tôi vốn rất mến cách giảng chân tình, thẳng thắn pha chút dí dỏm của cha Uy khi nghe trên mạng nên hễ có bài giảng mới nào xuất hiện của lễ xa quê online là tôi nghe tất cho đến khi trang này bị “khóa” không thể nghe được. Bù vào đó, tôi tham dự các thánh lễ cầu nguyện cho công lý hòa bình cuối mỗi tháng tại Kỳ Đồng mặc dù nhà tôi không gần cho lắm.

Những lời cha giảng sao mà y như những gì chúng ta thấy hàng ngày trong cuộc sống quanh mình. Con người ngày nay vốn nhiều tội lỗi, vốn tham lam, vốn quanh co, khúc khuỷu, vô cảm với đồng loại, sống ích kỷ, sống vội trước nỗi đau của người cần cứu giúp. Làm sao một xã hội văn minh mà con người có thể chấp nhận việc CSGT Thanh Hóa dùng lưới cá để tóm người chạy xe trên đường khi vi phạm luật giao thông “giống như ngư phủ tung lưới bắt cá” trên sông, trên biển. “Đây là sáng kiến kinh nghiệm làm người ta kinh ngạc, là hãnh diện của công an khi sáng tạo trong việc bắt người phạm luật”. Khi lưới tung ra tóm người thì xe máy ở lại và người văng ra phía trước. Thật đau lòng khi con người đối xử với nhau kinh tởm như thế, thậm tệ như thế. Công an nhân dân xem nhân dân không phải là một con người. Khốn nạn thật. Với tốc độ của người chạy xe bình quân khoảng 40km/giờ, nếu bất ngờ “phanh” gấp do lưới chụp lại thì con người “bay” xuống đường trong tình trạng như thề nào, có trời mới biết. nhiều người hay đùa “làm người ai làm thế”, và “làm thế mới làm người” đặt vào trường hợp này thì chúng ta nên cười hay nên suy gẫm.



Anna Giàng Thị Pang và cha Lê Quang Uy

Trong thánh lễ này tôi được gặp một cô gái H’mông Anna Giàng Thị Pang quê ở Yên Bái, cũng là người di dân xa quê, làm công tác bác ái là xóa mù chữ cho người dân tộc vùng sâu vùng xa ở mãi Bảo Lộc, Lâm Đồng lên cung thánh chia sẻ với cộng đoàn. Pang kể lại sự khao khát thèm muốn có cái chữ, biết đọc, biết viết, có trí thức không riêng của bản thân mà là của rất nhiều người dân tộc H’mông làng chị. Người Công giáo luôn gặp nhiều khó khăn trong mọi việc khi liên hệ với chính quyền cho nhu cầu chính đáng của mình vì cái lý lịch có ghi mình là người Thiên Chúa giáo. Tất cả 13 người đến tuổi đi học mà không được đến trường vì không ai làm việc hoặc có họ hàng làm việc trong UBND xã, đặc biệt là người có đạo. Pang may mắn được được cha Antôn Nguyễn Hữu Ban đưa chị và những người khác vào nhà dòng Đức Mẹ Truyền Giáo học chữ và học giáo lý mà còn bị công an tìm bắt đến nỗi phải “trốn vào chuồng heo, nhờ mùi cứt heo thối quá mà nó không vào xem” nên chị mới thoát. Với nghị lực và lòng khát khao thoát dốt mà Pang giờ đã là sinh viên đại học nhưng thi hoài không lấy được bằng vì không thể “nuốt” được môn chính trị. Nhìn các em trong làng mình học lớp bốn lớp năm mà chẳng viết được chính tả, chẳng làm được toán do cơ chế nhà nước học hết năm thì “được” lên lớp, chạy theo thành tích mặc dù thi cử cứ lấy vở giáo viên cho chép trước mà ghi vào, nên Pang quyết định đem ánh sáng văn hóa đến cho các em, để các em sống bằng kiến thức và chính sự hiểu biết của mình chứ không là thứ kiến thức vay mượn tạm bợ. Có được lớp học này là do pang “viết thư và gửi đại cho một cha” để xin sự trợ giúp bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập cho các em.



“Pang là người thượng, người rừng” mà còn biết nhận ra chân sự thật, sống ngay thẳng với đức tin Chúa Kitô, khai sáng cho con người, chấp nhận sống nghèo sống khổ trong vùng sâu vùng xa, “không có điện 6 giờ chiều đi ngủ, 5 giờ sang thức” với bao thiếu thốn trăm bề, “mọi cái” có được đều phải đi xin để cho dân làng. Cay đắng thay lòng tốt không phải lúc nào cũng được người khác đón nhận, con người luôn nghi kỵ lẫn nhau vì “cái người ta cho là vì tụi tui nghèo mà người ta cho chứ không phải vì Pang xin mà người ta cho”. Một lần nữa Pang làm mọi người phải suy gẫm về cách sống hiện tại của mình, xét lại mình có sống ngay thẳng chưa, có gọt lại con đường lương tâm ngay thẳng, dù có thi rớt nhưng Pang nhất định không quay cóp, không ăn cắp kiến thức, không làm việc sai trái với luật Chúa. Đây là giá trị đáng quý đã “tiệt chủng” ở nhiều người trong xã hội đầy vật chất và xa hoa nơi đô hội.

Một bất ngờ khác là cha Uy mời gọi những ai cảm thấy lòng mình còn tội lỗi, còn gồ ghề chưa thẳng cứ mạnh dạn tiến lên cung thánh quỳ xuống mà nhận tội để được Chúa thứ tha. Hình ảnh những người thanh niên nam nữ, thậm chí có cả người trung niên quỳ cung kính trên cung thánh với lòng xám hối chân thành làm người ta thật cảm động. Dễ gì ta thấy được ai dám vỗ ngực xưng rằng tôi có tội ngoại trừ nghi thức phụng vụ xám hối, nhưng tại đây tôi bắt gặp bao gương mặt với lòng xám hối chân thành thiết tha mong Cha trên trời tha thứ mọi tội lỗi trót phạm với anh em mình hoặc những việc làm khuất tất là có tội dẫu người khác không biết nhưng Chúa biết, lương tâm con người biết và luôn thôi thúc ta phải ăn năn hoán cải canh tân đón nhận Tin mừng.



Nhiều người đã diễn tả lòng sám hối trước cộng đoàn

Thánh lễ kết thúc nhưng âm vang lời giảng và những lời cầu nguyện của cha Uy cứ vang trong lòng mọi người ‘hãy sống tốt’ để chính mình là hoa trái của Chúa tại chốn trần gian.

Minh Quân TT