Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Nhân chuyến về quê của giáo sư Trịnh Xuân Thuận

VRNs (17.12.2011) – Trong các tác phẩm của mình, cũng như trong đợt diễn thuyết hiện nay ở Việt Nam, giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhấn mạnh khá nhiều đến cảm quan tôn giáo. Giáo sư không chủ trương lấy Phật giáo chứng minh cho khoa học hay lấy khoa học chứng minh cho Phật giáo. Đối với ông “Khoa học là một cửa sổ, nơi đó người ta nhìn được thực tại”, nhưng “Khoa học không có độc quyền trong việc tìm kiếm thực tại. Con người cần đến tôn giáo và tâm linh. Con người cũng cần thi ca. Thơ là một cửa sổ khác. Con người cũng cần nghệ thuật. Lãnh vực nào cũng quan trọng.”



I

Tháng 12 này, có một sự kiện đáng lưu ý, đặc biệt đối với giới trí thức và các bạn sinh viên, và nói chung là những ai quan tâm đến lãnh vực tư tưởng. Đó là đợt diễn thuyết của giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhân dịp giáo sư về thăm quê nhà.

Sự kiện này đáng lưu ý trên hai bình diện:

Trước tiên, giáo sư Trịnh Xuân Thuận dạy vật lý thiên văn tại đại học Virginia, Hoa Kỳ, hiện nay được nhìn nhận như một nhà bác học tầm cỡ thế giới, chuyên viên trong một lĩnh vực rất hấp dẫn tư duy của người thời đại. Không chỉ là nhà bác học, giáo sư Thuận còn là một nhà văn có tài phổ biến các kiến thức của mình cho đại chúng. Các tác phẩm của ông đã được nhiều giải thưởng quốc tế có uy tín.

Trong vài lần trả lời phỏng vấn, ông có nhận định về các bạn trẻ Việt Nam như sau: “Các bạn trẻ ngày nay theo đuổi những nghề nghiệp giúp họ tiến nhanh như kinh doanh, bác sĩ, luật sư… hơn là khoa học. Trách nhiệm của các nhà giáo dục là phải truyền đạt tới lớp trẻ tình yêu khoa học (Tuần Việt Nam net 15.01.2009) và “Việt Nam cần phát triển khoa học cơ bản, chứ không chỉ trú trọng khoa học ứng dụng” (Báo Công An Nhân Dân online 10.12.2001). “Dù nước mình còn nghèo, cũng phải nghĩ đến kiến thức… cần giầu có kiến thức, chứ không nên chỉ nghĩ đến cái giầu vật chất” (Vietsciences, 29.05.2004)”. Hiển nhiên những thiếu sót trên đây, một phần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và văn hóa hạn chế của giai đoạn hiện tại, đang làm cho nước ta thiếu một đội ngũ tri thức tầm cỡ.

Lý do thứ hai khiến cho chuyến về quê của giáo sư Thuận hứa hẹn nhiều điều phong phú là vì ông là một trong những nhà bác học kết hợp khoa học với tâm linh. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, những năm gần đây ông để tâm nghiên cứu sâu về đạo Phật. Ông cũng là một trong những người sáng lập Hiệp hội Khoa Học và Tôn Giáo quốc tế. Quan điểm của ông về tương quan giữa khoa học và tôn giáo đáng để cho nhiều người trong xã hội chúng ta, nhất là các bạn trẻ, suy nghĩ.

II

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam, học tại trường Yersin Đà Lạt (nay là trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt) và trường Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn (nay là trường Trung Học Phổ Thông Lê Quý Đôn, TpHCM). Năm 1966, sau khi đậu tú tài, ông đi du học Thụy Sĩ. Vì là sinh viên xuất sắc ông được học bổng du học tại Hoa Kỳ. Ông theo học ngành Vật Lý Thiên Văn tại Học viện Kỹ thuật California (California Institute of technology) từ 1967 đến 1970, sau đó học tại đại học danh tiếng Princeton từ 1970 đến 1974 và lấy bằng tiến sĩ tại đây. Ông được thụ giáo với nhà bác học Richard Feynman, Nobel Vật Lý 1965. Từ năm 1976, giáo sư Thuận dạy Vật Lý Thiên Văn tại đại học Virginia (Mỹ) và cũng là giáo sư thỉnh giảng của Đại Hoc Paris VII (Université Paris VII, Diderot).

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận hấp thụ ba nền văn hóa Việt, Pháp, và Mỹ. Ông được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình (thân phụ ông là cụ Trịnh Xuân Ngạn, trước 1975 là chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Việt Nam Cộng Hòa, Sài Gòn. Sau 1975 cụ Ngạn phải đi học tập, gia đình kể như ly tán. Sau nhờ bạn đồng nghiệp của giáo sư Thuận ở Pháp can thiệp với thủ tướng Phạm Văn Đồng, cụ Ngạn được sang Pháp đoàn tụ với gia đình. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp giáo sư Vũ Quốc Thúc. Về phía họ ngoại, giáo sư được tiếp thu văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Giáo sư học trung học chương trình Pháp ở Sài Gòn, rồi học đại học và thành đạt ở Mỹ. Hiện nay ông dạy học và viết nghiên cứu chuyên môn bằng tiếng Anh, nhưng mỗi khi viết sách thì lại dùng tiếng Pháp. Ông cho rằng Pháp ngữ giúp ông biểu đạt mọi sắc thái tế nhị của tư duy. Các tác phẩm của giáo sư Trịnh Xuân Thuận được đánh giá rất cao cả về tính chính xác khoa học lẫn văn phong thi vị. Các tác phẩm này đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Các tác phẩm chính của giáo sư Trịnh Xuân Thuận là:

- La Melodie secrète 1968 (bản tiếng Việt: Giai điệu bí ẩn, Phạm Văn Thiều dịch, nxb Khoa Học và Kỹ Thuật, 2011)

- Le Destin de l’Univers 1992

- Le Chaos et l’ harmonie (bản tiếng Việt;: Hỗn độn và Hài Hòa, Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch, nxb Khoa Học và Kỹ Thuật 2003)

- L’ Infini dans la paume de la main, viết chung với Mathieu Ricard, 2000 (bản tiếng Việt : Cái vô hạn trong lòng bàn tay, từ Big Bang đến giác ngộ, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ biên dịch, nxb trẻ & tạp chí Tia Sáng, 2000).

- Le Cosmos et le Lotus, 2011 (Lượng Tử và Hoa Sen)

- Les Voies de la lumière, 2007 (Những con đường của ánh sáng) Giải thưởng Moron của Hàn Lâm Viện Pháp 2007…

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cũng được giải thưởng Kalinga của UNESCO vì đã đóng góp phổ biến kiến thức khoa học.

III

Như chúng tôi đã giới thiệu, giáo sư Trịnh Xuân Thuận không chỉ là một nhà khoa học, nhà văn, ông còn là một Phật tử quan tâm đến các vấn đề tâm linh và tôn giáo. Ông nghiên cứu nhiều về Phật giáo từ khi giao tiếp thân tình với tăng sĩ người Pháp Mathieu Ricard. Ông Mathieu Ricard là con của triết gia và nhà báo Jean Francois Revel, ông học sinh học với giáo sư Francois Jacob (Nobel Y học 1965). Năm 1967 Ricard đi Ấn Độ giao tiếp và thụ giáo với các vị Lạt Ma Tây Tạng. Từ 1972, ông sống ở Bhutan và đến năm 1979 thì quy y Phật Pháp. Ông cũng là một người thân tín thông dịch tiếng Pháp cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông Thuận và ông Ricard cùng viết cuốn “Vô hạn trong lòng bàn tay”.

Trong các tác phẩm của mình, cũng như trong đợt diễn thuyết hiện nay ở Việt Nam, giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhấn mạnh khá nhiều đến cảm quan tôn giáo. Giáo sư không chủ trương lấy Phật giáo chứng minh cho khoa học hay lấy khoa học chứng minh cho Phật giáo. Đối với ông “Khoa học là một cửa sổ, nơi đó người ta nhìn được thực tại”, nhưng “Khoa học không có độc quyền trong việc tìm kiếm thực tại. Con người cần đến tôn giáo và tâm linh. Con người cũng cần thi ca. Thơ là một cửa sổ khác. Con người cũng cần nghệ thuật. Lãnh vực nào cũng quan trọng.”

Từ đó ông minh định: “Phật Giáo nhìn vào trong, còn Thiên Văn nhìn ra ngoài. Khoa học cần trí tuệ phân tích chính xác với dụng cụ như kính thiên văn. Còn Phật giáo nhìn trực giác để tìm hiểu sự thật. Phật giáo và Thiên Văn có hai lối nhìn khác nhau”.

Giáo sư Thuận là phật tử, những ý niệm và ngôn từ ông dùng dĩ nhiên có những điểm không đồng nhất với Kitô giáo chúng ta. Tuy nhiên ông chuyển đến cho người đọc và người nghe ông những ý tưởng mà người Kitô tâm đắc.

Một trong những điểm tương đồng là khi ông đặt vấn đề vũ trụ này có ý nghĩa gì không. Ông nói: “Vũ trụ có ngẫu nhiên hay không là tùy quan điểm của mỗi người. Với tôi thì vũ trụ hình thành không phải ngẫu nhiên, vì sắc đẹp hài hòa toàn hảo và tuyệt vời của vũ trụ tạo thành khối thống nhất như ngày nay thì chắc chắn có chủ ý tạo ra”.

Nói như vậy tức là ông đi ngược lại với một quan điểm duy vật nào đó cho rằng trời đất này chẳng có ý nghĩa gì cả. Tiêu biểu cho lối nhìn này là nhà bác học Jacques Monod (Nobel Y học1965) trong tác phẩm nổi tiếng: Le Hasard et la nécessité (Ngẫu nhiên và tất yếu) 1970. Monod kết luận: “Cuối cùng thì con người cũng biết chỉ có mỗi một mình mình trong cái vũ trụ mênh mông mà lãnh đạm này, con người từ trong cái vũ trụ ấy mà nảy ra chẳng qua cũng là ngẫu nhiên thôi, chẳng thấy đâu là định mệnh, chẳng thấy đâu là bổn phận”.

Đối với Trịnh Xuân Thuận, một lối nhìn như thế đẩy con người vào một thế “Tuyệt vọng”. Trái lại, ông cho là vũ trụ học cho ta thấy một thế giới thần kỳ, khiến ta tái phát hiện mối tương quan thâm sâu giữa con người và vũ trụ: “Mỗi khi qua ống kính thiên văn, tôi quan sát kiến trúc của vũ trụ…thì thật khó mà nghĩ rằng tất cả chẳng có ý nghĩa gì”

Từ đó ông nhận định: “Vấn đề nhà vũ trụ học đặt ra nó gần gũi lạ thường với những vấn đề các nhà thần học quan tâm: đâu là nguồn gốc của vũ trụ? Vũ trụ có thể nào tự tạo ra mình? Cuộc sinh tồn có ý nghĩa nào không trong cõi mênh mông đó? Sự phát triển của trí tuệ và ý thức phải chăng chỉ là sự ngẫu nhiên hay là đã được lập trình trong từng nguyên tử, từng ngôi sao, từng thiên hà, từng định luật vật lý chi phối hoàn vũ? Các định luật vật lý và toán pháp cứ như những nhát búa nghìn cân phá vỡ mãi bức tường bao chặt thực tại vật chất. Thế rồi nhà vũ trụ học và nhà thần học bỗng mặt giáp mặt nhau. Vũ trụ đề cập những vấn đề bao lâu nay là sở hữu độc quyền của tôn giáo. Tôi tin chắc một điều là khoa học có thể tỏa một nguồn sáng mới vào những vấn đề cổ xưa này.” (Xem trang web chính thức của giáo sư Trịnh Xuân Thuận, phần tiếng Pháp, bài trả lời phỏng vấn của Figaro Magazine ngày 27.08.2011).

Có thể nói Trịnh Xuân Thuận cùng một hướng tư tưởng với nhiều nhà khoa học hiện nay (thiên văn, vũ trụ, cổ sinh, vật lý…) cho rằng vũ trụ có định hướng và ý nghĩa. Điều này không có nghĩa là ông hoàn toàn đồng ý với tín lý về Tạo Dựng của Kitô giáo. Đã có lần ông nói rằng ông dùng từ “Sáng Tạo” “Création” trong “ngoặc kép” nghĩa là không phải như đạo Kitô vẫn hiểu: “Tôi nghĩ rằng ngay từ đầu đã có một nguyên lý sáng tạo”, hay nói cách khác vũ trụ này là do “có chủ ý tạo ra”. Nhưng “Nguyên lý sáng tạo” hay “Chủ ý” ở đây là như một lý vô ngã, chứ không phải là một Đấng Thiêng liêng, một bản vị như chúng ta tin thờ.

Ông Trịnh Xuân Thuận thường nói một cách tượng hình rằng Tạo Hóa của ông không phải là một Đấng Thượng Đế râu xồm (Dieu barbu) có ý ám chỉ cách mà các họa sĩ Kitô giáo hay diễn tả Đức Chúa Cha dựng nên vạn vật. Trên nhiều trang sách cũng như một lần trả lời phỏng vấn của đài phát thanh của nhà thờ Đức Bà ở Paris (Radio Notre Dame) hôm 18.09.2011 ông cho thấy quan niệm của ông về Thượng Đế là một quan niệm phiếm thần (panthéiste, xem trang web chính thức của ông, phần tiếng Pháp “Et Dieu dans tout ca” Radio Notre Dame). Thượng Đế là một cái lý thường hằng mọi nơi trong vũ trụ. Nói theo kiểu của giáo sư Trịnh Xuân Thuận, niềm tin Kitô giáo là một “Cửa sổ” khác.

Sự khác biệt dẫu có đó, chúng ta vẫn có thể cảm nhận tầm nhìn rất tâm linh và nhân bản của giáo sư Trịnh về vũ trụ và con người. Trên một trang mạng Phật giáo, ta có thể thấy ông tâm đắc với những lời của nhà thơ Công giáo Pháp Paul Claudel: “Sự thinh lặng vĩnh cửu của những không gian vô tận không làm tôi sợ hãi nữa. Tôi đi dạo ở những nơi đó với niềm tin quen thuộc. Chúng ta không ở một góc mất hút của sa mạc hoang sơ và vô dụng. Mọi nơi trong vũ trụ đều là anh em một nhà với chúng ta” (Xem bài phỏng vấn: “Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nói về tinh thần khoa học của Phật giáo” của Đỗ Kim Thêm và Võ Thị Diệu Hằng trên trang mạng Đại Tạng Kinh Việt Nam org).

Giáo sư Thuận nhắc tới “Sự lặng thinh vĩnh cửu của các không gian vô tận” đủ thấy rõ ông không xa lạ gì với văn hóa Kitô giáo, bởi những lời đó trích từ tư tưởng của nhà bác học và cũng là văn hào Blaise Pascal (1623-1662) mà ông vẫn coi là một đại danh sĩ, cũng như ông quen thuộc với thánh nhạc Johann Sebastian Bach (1685-1750), hay thi hào Paul Claudel (1868-1955) ông vừa trích dẫn trên đây và rất nhiều vị khác nữa. Chính ở những điểm giao thoa như vậy giữa hai truyền thống tâm linh mà ta có thể mong đợi những trao đổi phong phú cho đời sống tinh thần.

Hồng Vũ