Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Thiên Chúa sẽ trả cho anh em xứng với những gì anh em đã làm

VRNs (08.12.2011) – Sài Gòn – Hằng năm Tỉnh Dòng chúng tôi tổ chức Tĩnh Tâm Năm chung cho anh em Tu Sĩ trong Tỉnh Dòng, trong chương trình Tĩnh Tâm luôn có một buổi sám hối, thường do một Linh Mục đảm nhiệm, đọc Lời Chúa, giúp anh em xét mình, sám hối, cầu nguyện và tản ra giải tội lẫn cho nhau…



Năm nay ban tổ chức mời cha Tiến Lộc giúp sám hối. Tiến Lộc, một Linh Mục nhiều sáng kiến đã giúp anh em xét mình như những cuộc xét mình khác, nhưng lại khác các cuộc xét mình trước đây, đó là ngài chú trọng đến thứ tội NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC. Cha Tiến lộc bắt đầu bằng câu hỏi: “Ai trong chúng ta dám giơ tay lên quả quyết rằng mình không hề nói xấu người khác ?” Rồi ngài trưng dẫn lời của Thánh nữ Marie Madeleine de Pazzi, rằng: “Tôi sẽ xin phong Thánh ngay cho người nào trong đời chưa một lần nói xấu kẻ khác !” Dĩ nhiên không ai dám giơ tay lên vì ai cũng kinh nghiệm về việc nói xấu người khác, và cũng kinh nghiệm nỗi đau khi bị người khác nói xấu.

Quả thật, nói xấu người khác là vi phạm đức bác ái, bởi người bị nói xấu không có cơ hội bào chữa cho mình, và thường chúng ta có ác cảm với người bị nói xấu, hoặc ít là có cái nhìn thiếu thiện cảm về họ cho dẫu mình đã cảnh giác. Chúng ta thường bị ảnh hưởng từ câu chuyện đầu tiên về người khác.

Là một bất công và vi phạm đức bác ái trầm trọng hơn nữa nếu câu chuyện nói xấu đó không phải là sự thật, hoặc là chỉ đúng một phần còn một phần do thêm thắt. Càng là bất công hơn nếu đó lại là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, dựa trên những suy đoán thiếu nền tảng: Tôi nghe một Cha nói…, tôi nghe một Đức Cha nói…, tôi nghe một cán bộ nói… Nhưng Cha nào, Đức Cha nào, cán bộ nào thì lại không nói rõ !

Mức độ bất công và lỗi đức bác ái càng gia tăng trần trọng khi người nói xấu càng có chức vụ và địa vị cao trong xã hội, vì ảnh hưởng của người ấy rộng lớn hơn những người khác, dễ làm cho người ta tin hơn những người khác.

Thiên Chúa nhân từ vô cùng nhưng Thiên Chúa cũng công bằng vô cùng, Ngài sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta nhưng Ngài cũng đói buộc chúng ta phải hoàn trả sự công bằng cho những ai chúng ta xúc phạm. Bài đọc một trong Kinh Sách Lễ Thánh Phanxicô Xaviê ( ngày 3 tháng 12 ) trích một đoạn trong thư của Thánh Phaolô gởi ông Timôthê: “Lời tố cáo một kỳ mục, anh đừng chấp nhận, trừ phi có hai hoặc ba nhân chứng” ( 1Tm 5, 19 ), đó là lời răn dạy kẻ làm thầy phải thận trọng đừng vội nghe nói xấu hoặc chính mình đừng có đi nói xấu người khác vô căn cứ.

Năm 2007, sau khi đi Đại Phúc ở Giáo Xứ Quần Cống, Giáo Phận Bùi Chu về, cha Quang Uy có viết trên báo Ephata giai thoại lý thú nghe được ở Quần Cống từ miệng một số cụ già trên 80 tuổi kể lại câu chuyện đến nay đã hơn 50 năm, khi các cha Thừa Sai DCCT dạo ấy về làm Đại Phúc ở Quần Cống.

Trong một bài giảng, cha DCCT Canada đã thuyết về tội nói xấu người khác, rằng tội sẽ được tha ngay trong tòa Giải Tội, nhưng việc đền tội rất thú vị và… bất khả thi ! Đó là hãy bắt một con vịt, nhổ sạch lông, làm thịt, nấu một bữa ăn thật ngon… Đến đây thì cả Nhà Thờ vỗ tay thích thú. Nhưng chưa hết, cha giảng cứ nhẩn nha tiếp tục: Sau đó đừng quên một việc quan trọng là còn phải đem phơi chỗ lông vịt ấy ra trước gió cho khô ngoài sân. Cuối cùng, việc đền tội là hãy đi nhặt lại cho đủ số lông vịt đã bay đi tứ tung khắp làng trên xóm dưới. Dĩ nhiên nhặt chưa đủ thì chưa hoàn thành việc… đền tội ! Mọi người chết lặng !

Là Tu Sĩ, chúng tôi càng phải lưu ý mình hơn ai hết về tội này, tư cách và sứ mạng không cho phép chúng tôi buông tuồng trong việc vi phạm đức công bằng và bác ái, càng không cho phép hơn khi chính chúng tôi được giao sứ mạng rao giảng về công bằng và bác ái, phải nhắc nhau: không phải rao giảng bằng lời nhưng bằng chính cuộc sống cụ thể của mình. “Ngày nay người ta không cần thầy dạy nhưng cần chứng tá”.

Những ngày Tĩnh Tâm đã đi qua, những nóng sốt của cuộc Tĩnh Tâm cũng rất nhanh chóng hạ nhiệt, bao nhiêu người còn giữ được quyết tâm không nói xấu ? Bài chia sẻ này cũng là dịp nhắc nhau về cái cố tật thâm căn cố đế của kiếp người, nó vương vấn ràng buộc không trừ một ai. Chúng ta hãy dừng lại để tỉnh thức như lời kêu gọi đầu Mùa Vọng, vì chỉ có “kẻ tay sạch lòng thanh, mới được nhìn ngắm Thiên Chúa”.

Xin Chúa giữ cho tay con được sạch, lòng con được trong trắng, để con có thể nhìn ngắm Thiên Chúa đang đến gần, rất gần với chúng con.

Lm. VĨNH SANG, DCCT,
Mùa Vọng 2011
Ephata số 486