Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Chấp nhận bị đuổi ra khỏi làng chứ không bỏ Đạo

VRNs (04.01.2012) – Gia Lai – Lúc 21 giờ 15 ngày 24/12/2011, trong Thánh Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Phú Yên H’ra thuộc Giáo hạt MangYang, Giáo phận Kontum, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh Giám Mục Giáo phận Kontum làm chủ tế, Cha Phaolô Nguyễn Văn Công đồng tế. Bầu khí Thánh Lễ rất trang nghiêm, long trọng và sốt sắng của đồng bào sắc tộc Bahnar dù tiết trời giá lạnh mùa đông của miền cao nguyên rét mướt, có thể nói đây là mùa đông lạnh nhất trong hơn mười năm trở lại đây.

Sau thánh lễ đêm Giáng sinh, Đức Cha Micae giới thiệu với chúng tôi anh Têphanô Đinh K’lấp, 45 tuổi ở làng Cuốc 1, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, một người dân tộc Bahnar là chứng nhân đức tin rất kiên cường. Mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn, không nhà, không người thân, anh K’lấp chấp nhận hy sinh tất cả để bảo vệ đức tin của mình là trường hợp hy hữu và hiếm có ở Giáo hạt Mang Yang, Giáo Phận Kontum.

Để hiểu rõ hơn về việc chứng nhân đức tin cho Chúa như thế nào, PV. VRNs chúng tôi có cuộc phỏng vấn trực tiếp anh K’lấp tại nhà ăn nhà thờ Phú Yên H’ra như sau.

PV: xin anh vui lòng cho biết anh hiện đang sinh sống ở đâu? Lý do nào mà anh K’lấp biết Chúa và gia nhập đạo Công Giáo?

Anh K’ Lấp: hiện tôi đang ở K’Bang nơi căn cứ cách mạng, làng anh hùng Núp đó, nên mình có thể đi lễ ở hai nơi, ở H’ra cũng được mà ở An Sơn cũng được. Tôi cũng không biết là tại sao nữa, chắc là Chúa chỉ cho mình, vì thời đó người dân tộc ở K’bang huyện An Khê không có đạo. Lúc đó mình chỉ đi theo các Cha vì cảm thấy vui thôi, khi mình tìm hiểu đạo và theo Chúa một mình, sau đó cũng có nhiều người xin theo cũng khoảng ba bốn chục người. Lúc đó thì khó khăn lắm vì trong làng cấm, chính quyền thì đàn áp bắt bớ dữ lắm, rồi cấm mình.

PV: khi chính quyền cấm và bắt anh thì anh làm gì?

Anh K’ Lấp: Lúc đó mình né không đi ban ngày mà đi trong đêm, đi bộ từ làng đi K’bang tức là làng anh hùng Núp đến An Sơn từ 21 giờ đến hơn 23 giờ mới đến, lúc đó là ngày lễ Giáng Sinh. Năm sau đó cũng vậy, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh họ bắt mình phải uống rượu say đến 12 giờ đêm cho say để khỏi đi lễ vì Nhà Thờ thì rất xa nếu đi bộ phải mất khoảng 5 tiếng mới đến được Giáo xứ An Sơn. Những người trong làng, kể cả anh em họ hàng đã từ mình, vì tin vào sự “mê tín”. Họ tin rằng mình đi Lễ là đem điều xui, những điều không may mắn cho làng, họ ngăn cấm mình không cho đi lễ.







Anh K’lấp cùng tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh sốt sắng với đồng bào Bahnar

PV: Khi chính quyền tìm bắt Anh thì Anh làm gì?

Anh K’ Lấp: Lúc đó mình trốn đi khỏi làng đi xa lắm khoảng năm tiếng từ làng của mình làng Anh hùng Núp đến An Sơn mà phải đi bộ nữa, đi vào ban đêm từ 1 giờ cho đến 5 giờ sáng, lúc đó là năm 1989. Mình đã cầu nguyện với Chúa và mình đã đến một ngọn núi nọ để làm chốn nương thân và phó thác cho Chúa tất cả. Mình phác cỏ làm rẫy, đốn cây dựng một cái chòi để ở làm việc trồng trọt nào là rau, chuối, bí … nuôi gà, heo và hiện nay mình có khoảng 6 ha đất.

PV: Sau khi Anh bỏ ra đi thì anh gặp những khó khăn gì trong cuộc sống cũng như làm chứng cho Chúa và giúp những người khác biết Chúa?

Anh K’ Lấp: khi đó mình chỉ biết phó thác cho Chúa mà thôi chứ không biết như thế nào nữa. Vì không tiền, không có ai bên mình nữa, rồi Chúa cũng có cách mà giúp mình vượt qua, cũng nhờ các Cha nên mình cũng tạm ổn. Vì mình phải ở trong núi nữa nên khó khăn lắm. Lúc đó có nhiều người biết, cả chính quyền nữa. Rồi hàng ngày họ đến cũng đông 14-15 người, họ nói với mình là “bỏ Đạo đi về làng không sướng sao, có lúa có gạo ăn, có điện… không sướng sao mà phải ở đây?”. Mình nói tôi đã theo Đạo rồi thì không bao giờ bỏ. Còn nhiều cái khó khăn khác nhưng không thể chia sẻ hết được trong lúc bỏ làng. Tạ ơn Chúa mình không bị đói, không đau ốm gì cả.

PV: Sau sự kiện là làng đuổi anh đi như vậy thì làng gọi anh về hay anh tự về? Anh nói gì với họ?

Anh K’ Lấp: Làng tự tìm đến gọi tôi về lại làng. Mình nói là hồi trước các anh đuổi tôi đi thì bây giờ đến mà rước tôi về, thế là họ tới mời mình về, mình nói về thì về chứ sợ gì. Mình nói mắc gì các ông tổ tiên của mình còn khổ hơn tìm rau củ, giã gạo, có gì ăn đó còn sống được mà mắc gì các ông ép buộc tôi, tôi thà sống như vậy thiếu thốn mà tự do còn hơn chứ không bỏ Đạo. Tạ ơn Chúa mình sống trong núi và khó khăn thiếu thốn như vậy mà không đau ốm gì cả, vẫn mạnh khỏe làm việc nên cũng mừng. Tạ ơn Chúa!

PV: Nghe Đức Cha Micae và Cha Công nói là anh đã làm cho nhiều người tin vào Chúa. Xin anh K’lấp cho biết tại sao Chúa là Đấng mà mọi không thấy, anh tin vì anh được ơn, nhưng làm sao anh làm cho người khác tin vào Chúa được?

Anh K’ Lấp: Việc đó chắc Chúa đã chọn như vậy rồi nên mình chấp nhận như vậy thôi. Ban đầu chỉ có mười bốn, mười lăm người theo, tôi cũng không biết được nữa việc Chúa làm mà, nhưng họ chấp nhận tất cả mặc dầu thiếu thốn và khó khăn. Nhưng tất cả quyết tâm theo Chúa, chết sống cũng theo. Vì trong các làng dân tộc An Khê, K’bang, Kon Ch’ro chưa có đạo nên mình quyết tâm mà chắc Chúa đã chọn rồi, nên cũng tạ ơn Chúa.

Mình muốn cho mọi người trong làng đều tin Chúa, cũng có người tin nhưng khó khăn là theo Chúa thì bỏ các việc như cúng bái Mỹ Tiên, cho nên họ bị ép buộc vào những cái tục đó, chỉ mong họ thoát khỏi cái việc đó thôi. Niềm tin chưa đủ nên họ nói bỏ cũng được thôi nhưng bỏ rồi thì ai, ông nào sẽ cứu mình nên họ không dám, vì vào là tự mình bỏ mà bỏ thì không biết như thế nào. Bắt buộc nào là gà, heo, trâu (chém trâu) mà chính quyền nói như vậy là không được, chém trâu là đụng tới trời.

Nên cứ từ từ mà bây giờ chính quyền có bắt cũng không sợ nữa vì bị nhiều lần rồi, chẳng ngán nữa đâu. Mình nói các anh có làm gì thì làm, có bắt thì bắt tôi chẳng sợ các anh nữa đâu! Tôi đâu có vi phạm gì đâu? Có tội gì đâu mà các anh bắt tôi. Họ luôn tìm cách buộc mình có tội, mình nói với họ là các anh nhìn thấy tôi đi có trung thực hay không? Sống có thực tế hay không? Hồi đó các anh đuổi tôi đi khỏi làng, tôi mất hết tất cả đó, sao các anh không nói gì? Tôi rất buồn rồi thì các anh cũng chẳng đền cho tôi, tôi không dám về, bỏ cái nhà luôn.

Nhưng bây giờ các anh vẫn vui vẻ, còn tôi ở trên núi. Cha Công biết Cha cũng lên, Đức Cha cũng đã lên đó một chuyến rồi. Mình tự khai hoang, mình làm cùng một số ít anh em nữa, có hai gia đình cùng theo mình lên đó và theo Đạo luôn. Mình có tự đào một cái giếng ở trên núi rộng 2m, sâu 7m nước nhiều lắm. Sau đó Cha Công lên có thấy, chiều chiều thì có những trẻ em lên đó sinh hoạt, tắm, có người còn lấy về uống nên chính quyền và những người không có ưa mình họ ghét nên họ tát hết cho khô nước. Mình tiếp tục đào và ráng đào, cũng tạ ơn Chúa nên bây giờ nước nhiều lắm lên trên mặt đất luôn, mà ở trên núi cũng cao đó. Hôm rồi, Cha Công lên thấy ngạc nhiên nói “ồ giếng này là giếng của ông Jacop”, Cha Công đã đặt cho như vậy. Dùng cả làng mà không cạn, kể cả dùng máy nổ cũng không cạn, những chỗ khác thì không có được như vậy, việc Chúa làm mà. Như vậy đó mọi người đều thấy lạ nên mình cũng tạ ơn Chúa.

PV: khi mà cả làng có mình anh K’Lấp theo đạo bị đuổi đi thì anh đã giúp cho hai gia đình là 16 người theo Chúa, sau khi về lại làng thì anh đã giúp cho bao nhiêu người theo Chúa?

Anh K’ Lấp: trong làng hiện có 12 gia đình có khoản 120 người có rửa tội, nhưng sau đó có một số người họ không vững đức tin nên lạc Đạo đi theo đạo Hà Mòn. Nên hiện tại trong làng còn khoảng sáu bảy chục người thôi, chứ không thì bây giờ cũng đông lắm.

PV: theo anh K’lấp thì những người đi theo đạo Hà Mòn thì mình có cách gì để mà giúp họ không?

Anh K’ Lấp: mình cứ từ từ và để cho họ tự do rồi họ cũng sẽ nhận ra và quay về thôi chứ mình không ép họ. Mình có nói với họ là “khi mình đi lễ, đi sinh hoạt nhà thờ thì có các Cha và ông Câu giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất các ông không thấy sao. Còn như thế nào thì tùy vào các ông thôi”.

PV: xin anh K’lấp cho biết rõ hơn về vấn đề giúp đỡ về vật chất như thế nào?

Anh K’ Lấp: là vì làng mình thì ở xa nhà thờ, mỗi lần đi lễ là coi như mất một ngày. Khi đó mình báo với Cha sở là hôm đó chúng con đi lễ bốn năm chục người, xin Cha cho con 20 lon gạo để nấu cơm, rồi xin ông Câu 30, 40 ngàn mình đi mua mắm. Cứ như vậy đó suốt hai năm từ năm 1998, biết bao nhiêu công sức và tiền của như vậy đó.

PV: hiện tại thì làng của anh K’lấp có nhà nguyện chưa? Có ai giúp không?

Anh K’ Lấp: hiện tại làng thì chưa có nhà nguyện vì chính quyền chưa cho, nên làng mình đi lễ ở Nhà Thờ An Sơn. Nhưng mới đây có Cha Tài vào làm lễ một lần rồi. Ngày mai 25 tháng 12 lễ Giáng Sinh, Cha Tài tiếp tục vào làng để làm lễ. Mình nói nếu các anh chính quyền mà không cho thì bà con không biết sinh hoạt nên càng ngày càng lạc Đạo, vì đó là nhu cầu của chúng tôi. Chúng tôi là những người có Đạo, là giáo dân cần phải có Nhà Nguyện, Nhà Thờ để có nơi sinh hoạt với nhau, học giáo lý, dạy dỗ bà con, khuyên nhủ nhau sống tốt không uống rượu, quậy phá, đánh nhau. Như thế không tốt sao mà các anh không cho? Nếu mà bà con không có Cha tới dạy bảo khuyên nhủ, bà con làm như thế thì chính quyền có quản lý nổi không. Cuối cùng bên chính quyền họ đồng ý mình nói như thế có phải là tốt đạo đẹp đời hay không, thế là họ im, nên cũng mừng và tạ ơn Chúa.



Anh K’lấp và các ân nhân Pleiku vừa giúp anh chi phí dựng lều cầu nguyện trên núi

PV: Anh K’lấp mong muốn điều gì cho làng của mình?

Anh K’ Lấp: mình cũng không biết như thế nào nữa nên chỉ cầu nguyện với Chúa và cả nhà cùng quì trước Chúa cầu nguyện để Chúa soi sáng cho mình làm. Mình chỉ mong là cái chòi trong rẫy trên núi là nơi tập trung để đọc kinh cầu nguyện và sinh hoạt trong làng.

Mình cảm nhận được ơn Chúa và Chúa đã làm những điều rất lạ là mình mong có điện nhưng ngoài khả năng vì rất xa và ở trên núi nữa với lại không có tiền. Nghĩ như thế thôi. Mình đánh liều gặp anh điện lực nhờ anh giúp. Thế là anh ta xuống khảo sát đo đạc xong anh ta nói nếu giúp được thì giúp không thì vui vẻ nhé. Sau đó anh ta đồng ý giúp và anh ta nói phía điện lực phụ 300m dây còn lại 500m mình chịu. Mừng quá. Nhưng lại lo là không có tiền, khả năng mình chỉ có khoảng hơn một triệu thôi mà tổng cộng chi phí còn lại là khoảng 13 triệu, nên mình lên gặp Cha Công trình bày là con muốn kéo điện mà không đủ tiền. Thế là Đức Cha và Cha Công phụ giúp nên bây giờ chỗ mình có điện, bà con ngạc nhiên lắm. Một chuyện lạ vì ở trên rừng trên núi mà có điện. Mình có nói là việc đó không phải mình làm mà Chúa làm. Mình cũng mong muốn đặt một cái tượng ở đó, dựng cái chòi để cầu nguyện. Mình cũng đã trình bày với Cha Công rồi.

*********

Sau buổi phỏng vấn, có một vài anh em đã chứng kiến cuộc phỏng vấn của PV.VRNs chúng tôi và anh K’lấp đã giúp cho anh dựng một cái lều nhà nguyện, vì hiện nay anh K’lấp cũng đã mua và để dành được một số tôn, gỗ đủ để cất một cái chòi, chỉ thiếu gạch và xi măng. Xin tạ ơn Chúa với sự đóng góp của anh chị em đủ để anh K’lấp thực hiện ước mơ bấy lâu nay cho các gia đình theo Đạo trong làng anh có nơi cầu nguyện.

Xin lấy lời của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh để thay lời kết: “Ở trên núi hễ đào giếng vài ba chục mét là ít lâu nước cạn. Nhưng Chúa đã thương anh K’lấp là người có lòng đến với Chúa, cho nước dồi dào, chẳng những nước không không bao giờ cạn mà còn đầy tràn ra đất để biến nơi đây thành nhà của Chúa. Đúng là giếng nước Gia cóp…. Theo phong tục của đồng bào Bahnar thì không phải tử hình, đánh đòn, phạt trâu, bò là hình phạt nặng nhất, nhưng bị đuổi ra khỏi làng mới là hình phạt cao nhất. Anh K’lấp chọn hình phạt cao nhất là thà bị đuổi ra khỏi làng vì anh không có trâu để nộp phạt là một việc, nhưng cái chính là anh không bỏ Đạo và hết lòng sống vì Chúa, sống đúng là chứng nhân đức tin cho Tin Mừng của Chúa”.

Giêra Công Trứ & Nguyễn Quân TT