Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Chuyện viết lách

VRNs (16.01.2012) – Sài Gòn – Lối vào



Ngay từ thời học sinh cấp I, không hiểu sao tôi đã thích để ý những chuyện hằng ngày xảy ra xung quanh mình, rồi mày mò tự viết lách, dù lúc đó chỉ “viết chơi” thôi. Tôi cũng thích đọc báo chí từ thuở nhỏ, hồi đó các chị tôi hay mua báo Thằng Bờm (kiểu như báo Áo Trắng ngày nay nhưng đa dạng hơn), khi rảnh thì tôi cứ đọc và giải các ô chữ trong báo.

Cứ thế. Thích thì làm. Làm riết rồi quen. Làm mãi hóa… mê. Cái đam mê “không giống ai”, cái “máu” lạc loài ấy không ai có trong dòng tộc – cả nội lẫn ngoại. Mới đầu tôi tự tìm sách vở học nhạc, rồi bắt đầu viết ca khúc khi tôi tròn 16 tuổi, nhưng lúc đó chỉ viết Thánh ca. Sau nhiều năm tôi mới viết nhạc đời. Ca khúc Bài Ca Cho Bé là ca khúc đầu tiên được Đài Tiếng Nói Việt Nam dàn dựng và phát sóng năm 1991. Còn bài thơ đầu tiên của tôi xuất hiện trên báo Tuổi Hồng năm 1991 là bài Tuổi Mười Lăm. Được đà làm tới, “hành trình viết lách” của tôi tính đến nay đã hơn 20 năm. Nếu là tuổi đời thì còn “trẻ người non dạ”, nhưng nếu là “tuổi viết lách” thì cũng không còn trẻ.

Viết lách

Tôi không là người chuyên nghiệp trong nghề báo – vì tôi không được học hành chính quy về lĩnh vực này. Tôi chỉ là kẻ nghiệp dư trong việc viết báo, nhưng viết mãi cũng hóa ra không khác gì chuyên nghiệp vì “máu” càng ngày càng thấm sâu vào con người. Theo thời gian, ngòi bút có thể “sắc” hơn ở mức độ nhất định nào đó, nhưng lại khó “lách” hơn.

Tôi đến với việc viết báo vừa tình cờ, vừa bất đắc dĩ, và cũng có chút “máu mê”. Cái gì đam mê cũng khó bỏ, tất nhiên “chuyện viết lách” cũng vậy. Đối với tôi, cái đam mê viết của tôi có “khác người” hơn vì đó như điều “bắt buộc”. Tại sao? Vì ngòi bút như “cần câu cơm” của tôi, dù chỉ “câu” được những “con cá tép”. Biết sao được, vì không câu không được!

Cụ thi hào Nguyễn Du so sánh: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Còn cụ Đồ Chiểu xác định: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm – Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Điều đó cho thấy ai cũng phải có cái Tâm, đặc biệt đối với những người cầm bút. Lời nói dễ qua tai (trừ trường hợp thu âm và thu hình), nhưng những gì viết ra thì có thể còn hoài, giấy mực rõ ràng từng dấm chấm, dấu phẩy, ai cũng có thể đọc được tư tưởng của người viết.

Việc gì cũng có nỗi khổ đặc trưng. Và “chuyện viết lách” cũng không ngoại trừ. VIẾT được một bài đã là khó, LÁCH được càng khó hơn!

Ca khúc, thơ, truyện hay bài viết đều có “số phận” hẩm hiu nhất định. Sau hơn 20 năm viết lách, tôi thấy có những điều “kỳ lạ” hóa “kỳ quặc”. Có những ca khúc tôi gởi bình thường thì không được dùng (có thể hiểu là “bị chê”), nhưng khi tôi gởi dự thi thì lại đoạt giải. Các tòa soạn cũng khác nhau, tùy quan điểm của mỗi biên tập viên (BTV), có thể BTV trước có “cảm tình” với tác giả này, nhưng BTV sau lại “không ưa” tác giả đó. Nhiều báo tôi thấy có tình trạng này. Cái mà người ta gọi là “phe cánh”. Tất nhiên, là con người thì không thể tránh khỏi “thất tình”, nhưng phải làm sao đừng có định kiến.

Về cuộc vận động sáng tác ca khúc Tuổi Hồng, tại địa chỉ http://vov.vn/Home/Trao-giai-Cuoc-van-dong-sang-tac-ca-khuc-tuoi-hong-2011/201110/188218.vov, cho biết như sau:

Lễ tổng kết và trao giải vào lúc 19h30 ngày 15-10-2011 tại sân khấu Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Sau bốn tháng phát động (từ tháng 4 – 8/2011), ban tổ chức đã tiếp nhận 430 tác phẩm của hơn 300 tác giả thuộc 31 tỉnh thành.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, thành viên hội đồng sơ tuyển và chung tuyển của cuộc vận động, nói một câu “xanh rờn” thế này: “Nhiều tác phẩm hay nhưng không được giải cao vì phần thể hiện của ca sĩ trong bản ghi âm gửi ban tổ chức chưa đạt. Đây là một trong những điều đáng tiếc thường gặp ở các cuộc sáng tác hiện nay”.

Một câu nói khiến nhiều người không đồng tình, vì nói như vậy có nghĩa là ban giám khảo chưa đủ trình độ thẩm đinh một ca khúc. Phần Bình luận có một số ý kiến thế này:

Quang Huy (truonglequanghuy@yahoo.com.vn) – “Theo tôi nghĩ, nếu đánh giá một ca khúc hay, có chất lượng tốt cả về giai điệu và ca từ thì về phía ban giám khảo chỉ đọc bản ký âm thì đã rõ. Xét về góc độ thu âm và phối khí đó chỉ là một phần đưa tác phẩm thêm thăng hoa và nổi bật lên mà thôi. Theo tôi, để cho tất cả những ai đam mê sáng tác và có thể tham dự các cuộc thi sáng tác lần sau, tôi nghĩ ban giám khảo chỉ động viên nộp thêm phần demo thôi. Mục đích là để tạo điều kiện cho những tác giả chưa có điều kiện thuê nhạc sĩ thu âm phối khí cho đứa con tinh thần của mình, vừa là mang tính động viên cho tác giả”.

Quang huy (gamhong09@yahoo.com) – “Theo tôi nghĩ, nếu đánh giá tác phẩm hay hoặc chưa chất lượng, điều quan trọng nhất đó là ca từ và giai điệu. Còn những phần còn lại như hòa âm phối khí ca sĩ thể hiện đó chưa hẳn là quan trọng. Bởi vì đây là cuộc thi sáng tác ca khúc tuổi hồng. Tôi nghĩ chỉ cần ban giám khảo nhìn bản ký âm thì đã biết tác phẩm đó có chất lượng về ca từ và giai điệu rồi. Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu lần sau tổ chức thì nên khuyến khích có bản demo thôi. Đó cũng là dành cho những người có sáng tác hay mà chưa có điều kiện thu âm cũng có thể tham gia”.

Nguyen Giang Anh (kem_cut@zing.vn) – “Đây la cuộc thi sáng tác ca khúc tuổi hồng chứ không phải cuộc thi tiếng hát tuổi hồng”.

Trịnh Công Hoài (hoaitrinhkt@gmail.com) – “Nhiều tác phẩm hay nhưng không được giải cao vì phần thể hiện của ca sĩ trong bản ghi âm gửi ban tổ chức chưa đạt. Đây là một trong những điều đáng tiếc thường gặp ở các cuộc sáng tác hiện nay”. Tôi không đồng ý với ý kiến trên vì tôi nghĩ rằng những tác giả trẻ ở các tỉnh thành không có cơ hội và điều kiện để tiếp xúc với những giọng ca phù hợp với bài hát mà mình dự thi cuộc thi này là cuộc thi SÁNG TÁC ca khúc tuổi hồng chứ không phải cuộc thi tiếng hát tuổi hồng thì tại sao vì giọng hát mà có thể cho cả bài hát là không có chất lượng? Thật vô lí!”.

Còn có những trường hợp theo kiểu “gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy người khác viết được nhiều hoặc làm được nhiều thể loại (văn, thơ, nhạc, họa) thì cũng có người ác cảm. Ngay cả những cuộc thi cũng xảy ra tình trạng thiên tư. Vậy làm sao có cái “công tâm” cần thiết cho nghề báo – báo nói hoặc báo viết? Không dám nói thẳng, nói thật hoặc không muốn phục thiện thì thật nguy hiểm, vì Dục Tử xác định: “Biết đúng mà không theo là dở, biết sai mà không sửa là mê”.

Chuyện thi cử cũng có những điều “rắc rối”. Có những cuộc vận động sáng tác ca khúc mà buộc người dự thi phải kèm CD. Giám khảo không thể “đọc nhạc” sao mà phải chấm giải bằng cách nghe? Vậy thì rất thiếu độ chính xác. Có những cuộc thi người ta nhìn tên tác giả mà “định đoạt”, đây là kiểu tệ nhất. Nhưng có những cuộc thi không cho ghi tên tác giả hoặc bất cứ thông tin nào về tác giả trên bản nhạc, tác giả tự chọn mã số riêng và ghi thông tin tác giả cho vào một phong bì dán kín. Khi nào chấm xong mới lấy các thông tin kia ra và mới biết ai là người đạt giải nào. Tôi thấy cách này hay, nhưng hiếm khi được áp dụng. Mà cũng có thể chưa chắc đủ mức tin cậy, vì ai làm chứng “không bị lộ”? Đã có những lần lộ đề thì trong những kỳ thi tuyển sinh!

Thuận ngôn, nghịch nhĩ. Sự thật luôn phũ phàng. Người ta không thích các “thuận ngôn” vì chúng luôn gây “nghịch nhĩ”. Dám thay đổi là một dạng can đảm. Ngành nghề nào cũng cần có Đức. Ngành y gọi là y đức. Còn nghề báo gọi là gì? Lâu nay người ta phê phán nhiều về chuyện y đức, còn cái đức của nghề báo thì sao?

Tôi rất khâm phục những nhà báo dám sống thật với lòng mình, dám đấu tranh với cái xấu, dám xả thân vì công lý, không nhận tiền đút lót hoặc “nhờ vả” dù cuộc sống họ vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế. Tất nhiên, tôi “không ưa” gì những người xu nịnh, tâng bốc, vì “giá áo, túi cơm” mà sẵn sàng đánh mất lương tri chính trực.

Đó là chuyện đời. Chuyện “nhà đạo” cũng không khá hơn, cũng rất “chảnh”! Có những báo in bài, mà báo in thì có bán và có doanh thu, nhưng lại không hề nhắc gì tới “nhuận bút”, còn các website thì cũng đòi “độc quyền” bài viết của tác giả nào đó.

Những người viết bài về đạo là những người “vô lương” (nghĩa là không có lương), ít nhiều gì cũng vì yêu mến Chúa mà rao truyền về Chúa. Như vậy, nếu một bài đăng ở nhiều website, thiết tưởng là điều tốt, vì số người đọc được bài đó sẽ nhiều hơn. Bởi lẽ có số người này “ưa” website này, số người khác “thích” website khác, không hẳn họ có chung ý thích.

Về “nhà đạo”, làm gì người ta cũng đổ lỗi cho Chúa: “Chúa sẽ trả công”. Thế là xong! Chúa cũng bị oan. Như vậy có khác gì Philatô rửa tay để minh chứng mình vô tội trong vụ án xét xử Đức Kitô? Sự thật quá phũ phàng! Như vậy làm gì có công lý? Không có công lý sẽ không có hòa bình và nhân quyền!

Tạm kết

Có những báo rất lịch sự, quan tâm và nâng đỡ tác giả, thậm chí còn gọi điện hoặc gởi mail mời nhận nhuận bút. Nhưng có những báo lại “chảnh” và “tệ” thật, không hề tôn trọng tác giả, thậm chí còn “xù” nhuận bút của tác giả, và tôi đã từng bị một tờ báo “lớn” ở TPHCM “làm ngơ” như vậy! Về kiểu này, người miền Bắc có cách nói là “ăn cắp cơm chim”.

Ngay cả các Trung tâm Băng Đĩa nhạc cũng chẳng hơn gì. Tôi tình cờ thấy trên internet có ca khúc thiếu nhi “Dưới Mái Trường” của tôi, bé Xuân Mai hát, chắc chắn là do Trung tâm Con Cò Bé Bé dàn dựng, nhưng cả 10 năm qua họ “làm ngơ”. Người ta có câu “phân trâu để lâu hóa bùn”. Trên web thegioinhac.vn có các ca khúc thiếu nhi của tôi là Lễ Phép, Dưới Mái Trường, Bài Ca Cho Bé được hiển thị dưới dạng mã số, mỗi lần tải về, người dùng dịch vụ phải trả 3.000 đồng. Như vậy, nhạc của tôi đã bị người ta kinh doanh còn bản thân tôi thì không được lợi ích gì từ những đứa con tinh thần đó!

Những kiểu làm như vậy của những người mang tiếng là “làm văn hóa” nhưng lại hoàn toàn phi văn hóa – nếu không muốn nói “nặng” là động thái “vô văn hóa”. Thật đáng buồn!

Bất kỳ lĩnh vực nào – xã hội, tôn giáo, báo chí, thương mại, chính trị, nghệ thuật,… – cũng đều cần có cái Tâm, dù là “nghề” hay là “nghiệp”. Nói thì phải làm, không thể nói suông, không thể “đánh trống bỏ dùi” hoặc nói cho có “phong trào”.

Như đã nói, tôi không làm báo chuyên nghiệp. Tôi chỉ là người có khả năng viết ca khúc, làm thơ, dịch thuật, viết truyện ngắn, và viết những gì tôi cảm nhận về cuộc sống, vì đó là cách “xả stress” của tôi, nhưng dù viết ở lĩnh vực nào, tôi vẫn phải chân thật và đưa cái Tâm vào đó. Tôi luôn tâm niệm: “Tôi viết những gì tôi sống, và tôi sống những gì tôi viết”.

TRẦM THIÊN THU