Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Linh mục trước Thánh Thể (1): Cử hành Thánh Thể

VRNs (09.01.2012) - Đồng Nai - Lạy Chúa Giêsu,



Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đến viếng thăm chúng con mỗi ngày. Chúa ở lại với chúng con. Chúa viếng thăm để gặp gỡ, để trao đổi, chia sẻ cảnh đời đầy thăng trầm nổi trôi. Chúa hằng mãi mãi ở bên chúng con. Ước gì chúng con luôn được lưu lại trong Chúa. Bên Chúa chúng con sẽ luôn an vui , vì có Chúa là Thầy dạy, là khiên che, thuẫn đỡ, là chỗ chúng con tựa nương trong tháng năm dài dương gian.

Đọc Lời Chúa : Ga 1,1-14

Tin Mừng Đức Giêsu Kytô theo thánh Gioan

Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Ngôi Lời là ánh sáng thật , ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng không do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Đó là lời Chúa

Suy Niệm : (Mời ngồi)

“Đến” và “lưu trú” nói lên cuộc viếng thăm trọn vẹn của Thiên Chúa với nhân loại, trong Đức Kytô. Ngài chính là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Vì thế, mảnh đất người trở thành nơi, thành lối đường mạc khải của Thiên Chúa. Qua Đức Kytô , từ nay Thiên Chúa nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người. Ngài đến với chúng ta bằng bước chân con người, và chia sẻ với chúng ta nơi bàn ăn thắm đượm tình người.

Trong thực tế, viếng thăm luôn gắn liền với sự trao đổi. Trao đổi nụ cười, cái nhìn, lời nói và ngay cả sự im lặng. Mức độ thâm sâu nhất của trao đổi là chia sẻ, đến nỗi không còn là của anh, của tôi mà là của chúng ta. Nhờ đó, nỗi khổ sẽ vơi đi, vì tìm được sự đồng cảm, đỡ nâng. Có thể, tôi khổ nhưng anh còn khổ hơn. Tôi không thể vui vì biết anh đang buồn.

Một cuộc viếng thăm có ý nghiã thường đưa đến sự biến đổi theo hướng thăng hoa. Một cuộc gặp gỡ đích thực tự nó đã làm cho thời gian và không gian của mỗi người như rộng lớn hơn. Vì chưng :

Một cuộc đời bị bỏ rơi nay lại được đón nhận.
Một cuộc sống cô độc nay lại được chia sẻ.
Một cuộc đời lây lất tìm lại được sức sống.
Một cái tôi chật hẹp nay mở toang cho một ai khác.

Vì vậy, xuyên suốt chiều dài lịch sử ơn cưú độ. Thiên Chúa luôn dùng hình thức viếng thăm để biểu lộ tình yêu của mình với nhân loại.

Từ những ngày đầu trong vườn địa đàng. Thiên Chúa luôn viếng thăm Adam – Evà . Ngài còn thăm nom tất cả công trình Ngài đã tạo nên. Ngài thăm Abraham và Sara. Ngài đến với Môsê trong bụi gai bốc cháy. Ngài thăm dân Israel dưới ách nô lệ Aicập. Ngài thăm để tỏ lòng thương xót đối với dân mà ngài đã cưu mang. Dù rằng đoàn dân đó đã bao lần sa đi ngã lại trong bất tín, bất trung. Và cuối cùng, Ngài đã viếng thăm và lưu lại trọn vẹn giữa nhân loại nơi Con Một Chí Thánh. Vì tên của người con đó là Emmanuel.

Bí tích Thánh Thể cũng chính là bí tích của cuộc viếng thăm cứu độ của Thiên Chúa với con người qua Đức Kytô. Thế nên, cử hành Thánh Thể là cử hành cuộc viếng thăm của Thiên Chúa trong hiện tại. Chiêm ngắm Thánh Thể là cuộc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa. Thưa chuyện với Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể là cuộc trao đổi và tâm sự với Chúa về những ưu tư, lo lắng của cuộc đời. Trong tông thư về năm Thánh Thể Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể dân Chúa hãy học lấy kinh nghiệm của hai môn đệ đi làng Emmau. Họ không chỉ gặp Chúa, giải bầy tâm sự với Chúa nhưng vượt xa hơn, sau khi được lời Chúa hướng dẫn, lòng họ đã bừng cháy lên, lời Chúa đã giải thoát các ông khỏi sự tối tăm buồn bực và ngã lòng, và khơi lên trong lòng các ông ý muốn ở với Người: “Mời ông ở lại với chúng tôi”. Chính thời gian Chúa lưu lại với các ông, cùng ăn cùng uống với các ông, các ông đã nhận ra ánh sáng Phục Sinh của Chúa. Niềm vui vì nhận ra Chúa Phục sinh đồng thời cũng thôi thúc các ông đứng dậy ngay lúc đó để ra đi loan truyền về tất cả những điều các ông đã thấy, đã nghe và đã cảm nghiệm.

Như vậy đỉnh cao của việc gặp gỡ Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể chính là lòng hăng say loan truyền tin mừng cứu độ của Chúa đến với muôn dân. Chính việc ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa, ban cho chúng ta niềm hoan lạc của sự sống trong Chúa và củng cố đức tin, đức cậy và đức mến để chúng ta hăng say ra đi loan báo cho mọi người về những điều mình đã thấy, đã nghe và đã cảm nghiệm. Hai môn đệ Emmau đã bừng sáng niềm tin khi nhận ra dấu chỉ của việc bẻ bánh như là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thầy Chính Thánh. Ước gì mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể là cơ hội cho mỗi người chúng ta đón nhận những giây phút đầy hoan lạc bên Chúa và ước gì trong sứ vụ linh mục của Chúa, chúng ta cũng là dấu chỉ cho sự hiện diện đầy yêu thương, cảm thông của Chúa giữa anh chị em mình. Ước gì Chúa Phục sinh cũng nên bạn đồng hành cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.

Cầu nguyện (Mời quỳ)

Lạy Chúa Giêsu, là Đấng mà ai gặp gỡ cũng được Chúa biến đổi, thăng tiến. Những con người tội lỗi như Giakêu, như Madalêna, đã tìm được niềm vui của sự hoán cải, của tha thứ và cảm thông. Những con người đang nặng trĩu những hoang mang lo lắng như hai môn đệ đi làng Emmau đã bừng sáng niền tin và hy vọng. Những trái tim chân thành như các tông đồ năm xưa đã tìm được lẽ sống để hân hoan bước đi theo Chúa. Tất cả những cảnh đời đó đã được biến đổi, được tăng thêm sức mạnh và nghị lực nhờ gặp được Chúa và trọn vẹn tín thác nơi Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời linh mục được gọi là Alter Christus nên cũng phải dấn thân như Thầy Chí Thánh Giêsu. Linh mục không được chọn để chuyên lo bàn giấy, hay chỉ chăm lo xây dựng nhà thờ, chỉnh trang nhà xứ. Linh mục là mục tử hướng dẫn đoàn chiên. Linh mục phải biết từng con chiên. Con đau yếu. con tật nguyền. Con khoẻ mạnh. Con lầm đường lạc lối. Con đang đi dần tới vực thẳm hiểm nguy. Linh mục sẽ không bị chê trách vì thiếu khả năng kiến thiết và xây dựng. Linh mục sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa và Giáo hội nếu linh mục không chu toàn trách nhiệm của người mục tử chăm sóc đàn chiên, và càng lỗi bổn phận khi để con chiên xa đàn lạc lối. Linh mục cần phải gần gũi để ân cần chăm sóc từng con chiên. Linh mục cần tìm muôn nghìn cách để đưa về ràn những con chiên lầm đường lạc lối, hay đang chìm đắm trong sương đêm của ảo ảnh trần gian. Linh mục sẽ cảm thấy thảnh thơi sau một đời dẫn dắt đàn chiên luôn bình an, được no đầy ân sủng và tình yêu của Chúa.

Linh mục được chọn để hiện diện giữa đàn chiên. Thế nên, cuộc đời linh mục phải là một cuộc hành trình đi đến với anh em. Sự gần gũi của linh mục sẽ mang lại niềm vui của sự cảm thông, khích lệ thật qúy báu cho đoàn chiên. Sự gần gũi tiếp xúc ân cần với đoàn chiên còn giúp cho linh mục có cơ hội phục vụ anh em một cách thiết thực, đúng lúc và đúng việc hơn.

Giờ đây, trong bầu khí linh thiêng của tuần tĩnh tâm, chúng con muốn chiêm ngắm tình yêu của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Ước gì chúng con cũng biết lưu lại nơi đàn chiên của mình bằng trái tim mục tử hết mình vì đàn chiên. Xin ban cho chúng con trong những ngày tĩnh tâm này được soi dẫn bởi giáo huấn của Chúa hầu hiểu biết rõ sứ vụ của mình, biết rõ con đường mình phải đi hầu chúng con có thể đi trọn con đường theo Chúa. Nhưng lạy Chúa, với bản tính yếu đuối bất toàn và đầy khiếm khuyết, chúng con sợ sẽ thiếu trung thành trong sứ vụ của mình. Xin Chúa hãy ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, vì đêm tối của thế gian, ma qủy và ác thần luôn rình chờ quật ngã chúng con. Xin Chúa trở nên bạn đồng hành với chúng con hôm nay và trong suốt cuộc đời chúng con. Amen

Lm. Jos Tạ duy Tuyền