Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Phúc trình Toàn cầu 2012: Trung Quốc

VRNs (25.01.2012) - Human Rights Watch - Tương phản với tốc độ thay đổi nhanh chóng về kinh tế – xã hội và hiện đại hóa, Trung Quốc vẫn là một quốc gia độc đảng độc quyền, áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ nhằm khống chế các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo; công khai ngăn cấm tự do báo chí và tư pháp độc lập; tùy tiện cản trở và đàn áp các tổ chức và cá nhân bảo vệ nhân quyền, thường với các biện pháp ngoài vòng pháp luật.



Chính quyền cũng kiểm duyệt mạng internet; duy trì chính sách áp bức nghiệt ngã ở các vùng dân tộc thiểu số như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông; làm ngơ một cách có hệ thống những vụ việc lạm dụng quyền lực nhân danh “ổn định xã hội” – chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi; và bác bỏ các lời phê bình về thành tích nhân quyền trong nước và quốc tế, gọi đó là các âm mưu gây mất ổn định và áp đặt các “giá trị phương Tây” ở Trung Quốc. Quyền lực của bộ máy an ninh – lực lượng dị ứng với những cải cách tư pháp và tự do hóa – dường như càng ngày càng tăng lên kể từ sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Hiện nay, các chi phí “duy trì ổn định xã hội” của Trung Quốc đã lớn hơn ngân sách quốc phòng của quốc gia này.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc đang ngày càng có ý thức hơn về quyền của mình và dám lên tiếng chất vấn chính quyền về các vấn đề dân sinh, cưỡng chiếm đất đai, nhà ở, tình trạng lạm dụng quyền hành của các quan chức tham nhũng, kỳ thị và bất bình đẳng về kinh tế. Theo các thống kê chính thức và của các học giả, ước tính có khoảng 250 đến 500 cuộc biểu tình mỗi ngày, với số người tham gia từ mười người đến hàng vạn người. Những người sử dụng internet và giới truyền thông ủng hộ cải cách đang mạnh dạn thúc đẩy mở rộng biên giới kiểm duyệt, bất chấp những rủi ro, bằng cách kêu gọi đề cao pháp quyền và minh bạch, phát giác những sai phạm của quan chức chính quyền và kêu gọi cải cách.

Dù không có tư cách pháp nhân chắc chắn và luôn bị chính quyền theo dõi, các nhóm xã hội dân sự tiếp tục nỗ lực phát triển hoạt động, và càng ngày càng kết nối tốt hơn với các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Một mạng lưới gồm một số nhỏ các nhà vận động nhiệt thành tiếp tục phát hiện và tố cáo các sai phạm, góp phần vào phong trào duy quyền (weiquan – bảo vệ quyền) dù bị đàn áp một cách có hệ thống, từ bị công an theo dõi đến bị câu lưu, bắt giữ, bị buộc phải biến mất, và bị tra tấn.

Những người bảo vệ Nhân quyền

Vào tháng Hai năm 2011, lo lắng vì phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả-rập và cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Mười năm 2012, chính quyền phát động đợt đàn áp lớn nhất trong thập niên vừa qua nhằm vào các luật sư, các nhà vận động và những người phê phán chính phủ về nhân quyền. Chính quyền cũng xiết chặt kiểm duyệt báo chí và internet, theo dõi hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến và những người chỉ trích chính phủ, hạn chế các hoạt động của họ và thực hiện một động thái chưa từng có là đồng loạt vây bắt hơn 30 người chỉ trích chính quyền trực ngôn nhất và làm họ “mất tích” trong hàng tuần.

Vụ bắt nghệ sĩ đương đại đồng thời là nhà phê phán chính phủ trực ngôn Ngải Vị Vị vào ngày mồng 3 tháng Tư và giam giữ ông tại một địa điểm bí mật không cho tiếp xúc với luật sư đã gây phản ứng mạnh mẽ trên toàn thế giới, dẫn đến việc ông được thả vào ngày 22 tháng Sáu với một khoản tiền thế chân. Ngày mồng 1 tháng Mười Một, cơ quan quản lý thuế thông báo rằng ông phải trả hai triệu tư đô la Mỹ tiền thiếu thuế và tiền phạt đối với doanh nghiệp do vợ ông đứng tên. Đa số các nhà vận động khác cuối cùng cũng được thả, nhưng buộc phải mềm tiếng hơn vì sợ bị thêm các đòn trả thù. Một số luật sư bị bắt giữ trong năm 2011, trong đó có Lưu Sĩ Huy, kể lại là đã bị thẩm vấn, tra tấn, đe dọa và chỉ được thả sau khi chịu ký vào bản “thú tội” và cam kết không sử dụng Twitter, không nói chuyện với báo chí, các nhóm nhân quyền hay các nhà ngoại giao nước ngoài về chuyện bị bắt giữ.

Chính quyền tiếp tục áp đặt chế độ quản chế tại gia vô thời hạn đối với những người chỉ trích chính phủ. Bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel Hòa bình đang phải ngồi tù, bị mất tích từ tháng Chạp năm 2010 và có tin bà đang bị quản chế tại gia để ngăn không cho bà vận động cho chồng mình. Vào tháng Hai năm 2011, bà phát biểu trong một cuộc trao đổi ngắn trên mạng internet rằng bà và gia đình hiện đang như “những con tin” và bà cảm thấy “khổ sở.” Bà được tới thăm ông Lưu Hiểu Ba một lần một tháng, nếu ban quản lý trại giam cho phép.

Trong năm 2011, Trần Quang Thành, một nhà vận động pháp lý khiếm thị được thả khỏi trại giam từ tháng Chín năm 2010, vẫn bị quản chế tại gia. Các nhân viên an ninh tấn công ông Trần và vợ ông vào tháng Hai, sau khi ông công bố các đoạn băng ghi lại tình trạng bị quản chế của gia đình mình. Nhà vận động nổi tiếng Hồ Giai, người vừa thi hành xong bản án ba năm rưỡi và được thả vào tháng Sáu, hiện đang bị quản chế tại gia ở thủ đô Bắc Kinh, cùng với vợ Tăng Kim Yến, cũng là một nhà hoạt động, và con gái họ. Có những quan ngại nghiêm trọng về số phận của luật sư Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), người bị chính quyền “hô biến” vào tháng Chín năm 2009, rồi thoáng xuất hiện vào tháng Ba năm 2010 với những thông báo về việc mình bị tra tấn liên tục và dã man, sau đó lại mất tích kể từ tháng Tư năm đó.

Vào ngày 12 tháng Sáu năm 2011, bất chấp tình trạng môi trường nhân quyền ở Trung Quốc ngày một xấu đi, chính quyền nước này vẫn tuyên bố đã hoàn thành “mọi chỉ tiêu nhiệm vụ” trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Nhân quyền (2009-2010).

Cải cách pháp lý

Trong khi ý thức pháp luật của người dân ngày một nâng cao, thái độ thù địch công khai của chính quyền đối với sự độc lập thực sự về tư pháp đã thụi ngược vào những cải cách pháp lý và đánh bại mọi nỗ lực nhằm hạn chế quyền lực của Đảng Cộng sản bao trùm lên cơ chế và bộ máy tư pháp.

Công an khống chế hệ thống tư pháp hình sự, vốn dựa chủ yếu vào lời thú tội của các bị can. Hệ thống tòa án yếu kém và việc quyền của bị cáo bị hạn chế chặt chẽ đồng nghĩa với việc những lời nhận tội do bị tra tấn vẫn hết sức phổ biến và việc xử án bất công vẫn thường xuyên xảy ra. Vào tháng Tám năm 2011, trong một nỗ lực nhằm giảm bớt số vụ án oan và cải thiện năng lực tư pháp, chính quyền đã công bố các quy định mới nhằm loại bỏ các chứng cứ thu được bằng các biện pháp bất hợp pháp và tăng cường quyền tố tụng của bị cáo trong dự thảo sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Có nhiều khả năng dự thảo này sẽ được thông qua trong tháng Ba năm 2012.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi cũng đưa ra một điều khoản gây lo ngại là việc “cưỡng ép mất tích” sẽ được hợp pháp hóa trên thực tế, khi cho phép công an giam giữ bí mật các nghi can trong thời hạn lên tới sáu tháng tại một địa điểm tùy chọn trong các “vụ án an ninh quốc gia, khủng bố và tham nhũng nghiêm trọng.” Biện pháp này sẽ làm tăng cao nguy cơ các nghi can bị tra tấn, cũng như trở thành căn cứ biện minh cho việc “làm mất tích” các nhà vận động và bất đồng chính kiến trong tương lai. Nếu biện pháp này được thông qua – dù đang bị chỉ trích gay gắt từ phía các nhà vận động, luật sư bênh vực nhân quyền, và một bộ phận của giới tư pháp – sẽ đưa Trung Quốc chệch một bước khá xa khỏi lập trường trước đây của nước này là tiệm tiến đến các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tư pháp, ví dụ như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà quốc gia này đã ký vào năm 1997 nhưng chưa phê chuẩn.

Tính trong năm 2011, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về số vụ tử hình. Con số chính xác vẫn còn là một bí mật quốc gia, nhưng theo ước tính dao động trong khoảng từ 5,000 đến 8,000 một năm.

Tự do Ngôn luận

Trong năm 2011, chính quyền tiếp tục vi phạm các điều luật trong nước và quốc tế về bảo đảm tự do báo chí và ngôn luận khi cản trở các blogger, nhà báo và ước tính khoảng hơn 500 triệu người sử dụng mạng internet. Chính quyền yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm internet và báo chí nhà nước kiểm duyệt các vấn đề bị chính thức cho là “nhạy cảm,” ngăn cản đường truy cập tới các trang mạng nước ngoài, kể cả Facebook, Twitter, và YouTube. Tuy nhiên, sự phát triển của các mạng xã hội trực tuyến ở Trung Quốc, nhất là mạng Vi Bác (Weibo) của tập đoàn Tân Lãng (Sina) với hơn 200 triệu người sử dụng, đã tạo một môi trường mới cho các công dân bày tỏ ý kiến và thách thức sự hạn chế của chính quyền đối với tự do ngôn luận, bất chấp sự giám sát chặt chẽ của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc.

Ngày 30 tháng Giêng, mối lo về những cuộc biểu tình chống chính quyền ở Ai Cập dẫn đến việc từ khóa “Ai Cập” bị loại khỏi phạm vi tìm kiếm trên mạng internet. Ngày 20 tháng Hai, những lời đồn trên mạng internet về một cuộc “Cách mạng hoa Lài” ở Trung Quốc khiến từ khóa “hoa lài” cũng bị cấm. Vào tháng Tám, một làn sóng các lời bình trên mạng phê phán phản ứng của chính phủ trong vụ tai nạn tàu cao tốc ở Ôn Châu (Wenzhou) ngày 23 tháng Bảy khiến chính quyền phải ra cảnh báo về các hình phạt mới, kể cả việc khóa truy cập microblog, đối với các blogger lan truyền “tin tức thất thiệt hoặc gây hiểu lầm.”

Các điều luật không rõ ràng về “kích động lật đổ” và “làm lộ bí mật quốc gia” đã được vận dụng để bỏ tù ít nhất 34 nhà báo Trung Quốc. Trong số những người bị giam giữ có Tề Sùng Hoài (Qi Chonghuai), ban đầu bị kết án bốn năm tù vào tháng Tám năm 2008 về tội “vòi vĩnh và tống tiền” sau khi ông công bố các vụ tham nhũng của quan chức chính quyền tỉnh quê mình ở Sơn Đông. Vào tháng Sáu năm nay, bản án dành cho ông bị tăng thêm tám năm nữa khi cũng chính tòa án đã xử lại thêm cho ông tội mới là vòi tiền và “tham ô.”

Các quy định về kiểm duyệt tiếp tục là nguy cơ đe dọa các nhà báo dám đưa tin ngoài khuôn khổ định hướng của chính quyền. Vào tháng Năm, biên tập Tống Chí Tiêu (Song Zhibiao) của tờ nhật báo Đô thị Nam phương (Nam Phương Đô Thị Báo – Southern Metropolis Daily) bị kỷ luật giáng chức vì đã phê phán các nỗ lực khắc phục hậu quả trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 của chính phủ. Vào tháng Sáu, chính quyền dọa sẽ cho vào sổ đen những nhà báo bị cho là đã đưa tin “xuyên tạc” về sự cố an toàn thực phẩm. Trong tháng Bảy, tờ Thời báo Kinh tế Trung Quốc (China Economic Times) giải tán ban điều tra, một động thái rõ ràng do bị áp lực của chính quyền sau những bản tin gai góc của tờ báo về những thủ đoạn bất lương của quan chức.

Nạn hành hung nhà báo đưa tin về các vấn đề “nhạy cảm” tiếp tục là một vấn đề nhức nhối trong năm 2011. Vào ngày mồng 1 tháng Sáu, công an Bắc Kinh mặc thường phục đã tấn công và đả thương hai phóng viên của tờ Thời báo Bắc Kinh (Beijing Times) khi họ từ chối xóa các bức hình đã chụp tại hiện trường một vụ đâm người. Sau đó hai sĩ quan trong vụ này đã bị đình chỉ công tác. Vào ngày 19 tháng Chín, Lý Tường (Li Xiang), phóng viên Đài Truyền hình Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam bị đâm chết trong một vụ mà dư luận rộng rãi đoán là đòn trả đũa vì ông đã phanh phui một vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm ở địa phương. Công an đã bắt hai nghi can và khẳng định rằng động cơ của kẻ sát nhân là cướp của.

Vào ngày 27 tháng Hai, tại địa điểm diễn ra một vụ, theo lời đồn đại là biểu tình chống chính quyền ở Bắc Kinh, công an đã cố tình tấn công các phóng viên nước ngoài bằng vũ lực. Một phóng viên quay phim ở hiện trường đã phải đi điều trị y tế vì bị nhiều vết bầm dập nghiêm trọng và nguy cơ nội thương sau khi bị nhiều người, được cho là công an mặc thường phục, liên tục đấm đá vào mặt. Công an mặc đồng phục đã trấn áp, bắt giữ và cản trở hơn một chục nhà báo nước ngoài khác tại hiện trường.

Chính quyền và cơ quan an ninh đã ngăn cản Liên hoan Phim Đồng tính Bắc Kinh, không cho chiếu ở khu Tây Thành (Xicheng District). Nhiều chương trình của Liên hoan phim lưỡng niên này phải tổ chức kín đáo ở các địa điểm bán công khai.

Tự do Tôn giáo

Chính quyền Trung Quốc giới hạn các hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ đền chùa, tu viện, nhà thờ và nhà thờ Hồi giáo được đăng ký chính thức, dù trong Hiến pháp có nội dung đảm bảo tự do tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải cung cấp số liệu – bao gồm sổ sách tài chính, các hoạt động và thông tin nhân sự – để chính quyền kiểm tra thường kỳ. Chính quyền cũng xét duyệt hồ sơ các khóa tu và các ấn phẩm tôn giáo, và phê chuẩn mọi việc bổ nhiệm các chức sắc. Các nhà thờ Tin Lành “tại gia” và các tổ chức tâm linh không được đăng ký khác bị coi là bất hợp pháp và các thành viên của họ lúc nào cũng có thể bị phạt hành chính, thậm chí truy tố hình sự. Pháp Luân Công và một số nhóm khác bị dán mác “tà đạo” và các thành viên của họ phải đối mặt với nguy cơ bị đe dọa, sách nhiễu và bắt bớ.

Trong tháng Tư, chính quyền gây sức ép buộc chủ bất động sản, nơi có Thủ Vọng Đường (Shouwang) – một “nhà thờ tại gia” với khoảng 1.000 tín đồ, thu hồi và không cho nhà thờ thuê tiếp diện tích cũ, trong khuôn viên một nhà hàng ở Bắc Kinh. Liên tiếp trong ít nhất là năm tuần, vào các ngày Chủ nhật của tháng Tư và tháng Năm, giáo hội Thủ Vọng tổ chức các buổi lễ tại các địa điểm ngoài trời, khiến công an để ý và dẫn tới hậu quả hơn 100 thành viên bị tạm giữ.

Chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động tôn giáo ở các vùng dân tộc thiểu số, lấy lý do “an ninh.” Xin xem các mục riêng về Tây Tạng và Tân Cương dưới đây.

Y tế

Ngày mồng 2 tháng Tám, chính quyền tuyên bố đóng cửa 583 nhà máy tái chế pin, do tình trạng nhiễm độc chì lan rộng. Tuy nhiên, chính quyền không công nhận và giải quyết thỏa đáng hậu quả, cụ thể là không điều trị cho các nạn nhân là trẻ em bị nhiễm độc chì và sách nhiễu những ông bố bà mẹ muốn đi kiện, như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phát hiện trong một phúc trình vào tháng Sáu năm 2011 về tình trạng nhiễm độc chì ở các tỉnh Hà Nam, Vân Nam, Thiểm Tây và Hồ Nam.

Những người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn bị đối xử kỳ thị. Vào tháng Chín, một bệnh nhân nữ bị bỏng đã bị ba bệnh viện ở Quảng Đông từ chối điều trị vì nhiễm HIV dương tính. Ngày mồng 8 tháng Chín, một giáo viên bị nhiễm HIV đã khởi kiện chính quyền tỉnh Quý Châu sa thải vô cớ sau khi ông bị từ chối tuyển dụng vào ngày mồng 3 tháng Tư vì tình trạng HIV dương tính.

Quyền của người khuyết tật

Chính quyền Trung Quốc không bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của mình, mặc dù đã phê chuẩn Hiệp ước về Quyền của người Khuyết tật (CRDP) và sắp đến thời điểm cơ quan kiểm soát hiệp ước này kiểm tra thường kỳ tại Trung Quốc.

Trong tháng Chín, một nhóm giáo viên dạy bán thời gian là người khuyết tật yêu cầu Bộ Giáo dục Trung Quốc bãi bỏ quy định áp dụng ở hai mươi tỉnh và thành phố không tuyển dụng giáo viên bị khuyết tật cơ thể vào các vị trí dạy toàn thời gian. Ngày mồng 7 tháng Chín, chính quyền tỉnh Hà Nam đã giải cứu 30 người mắc bệnh tâm thần bị bắt cóc và bán vào làm lao động như nô lệ trong các nhà máy gạch bất hợp pháp ở tỉnh này. Vụ việc làm dấy lên những nghi ngờ về quyết tâm của chính quyền trong việc ngăn chặn và giải quyết dứt điểm những tình trạng lạm dụng kiểu đó, vì trong năm 2007 ở tỉnh Thiểm Tây đã xảy ra một vụ tương tự.

Ngày mồng 10 tháng Tám, chính quyền Trung Quốc trưng cầu góp ý của dân chúng về dự thảo luật sức khỏe tâm thần – một dự luật được mong đợi đã lâu. Các chuyên gia pháp luật trong nước đã cảnh báo rằng dự thảo có những điều khoản tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền của người bị bệnh tâm thần, như bắt buộc vào các cơ sở điều trị tập trung, cưỡng ép chữa bệnh và bị tước năng lực pháp lý.

Quyền của người lao động và người nhập cư

Thiếu sự đại diện công đoàn đúng nghĩa vẫn là một trở ngại trong việc cải thiện hệ thống tiền lương và điều kiện làm việc của người lao động trong năm 2011. Chính quyền cấm việc thành lập các công đoàn độc lập, nên Tổng Liên đoàn Lao động Toàn quốc (Trung Hoa Toàn Quốc Tổng Công Hội – ACFTU) chính thức vẫn là đại diện pháp lý duy nhất của mọi người lao động ở Trung Quốc. Tình trạng thiếu hụt lao động thường xuyên do dao động nhân khẩu – thống kê chính thức cho thấy tổng số việc làm nhiều hơn số lượng công nhân đến 5 phần trăm trong ba tháng đầu năm 2011 – là nguyên nhân khiến đôi khi có những thông tin về tăng lương và cải thiện chế độ phụ cấp cho một số người lao động.

Trong tháng Giêng, một đợt khảo sát chính thức về lao động nhập cư cho thấy chính sách hộ khẩu vẫn là nguyên nhân khiến người nhập cư bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống. Những người trả lời khảo sát cho biết chế độ hộ khẩu, một chính sách đã được chính quyền nhiều lần cam kết sẽ hủy bỏ, là thủ phạm gây ra những bất công, giới hạn khả năng tiếp cận các dịch vụ nhà ở, y tế và giáo dục. Trong tháng Tám năm 2011, chính quyền thành phố Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa 24 trường tư thục hoạt động chui, chủ yếu phục vụ trẻ em nhập cư. Đa số các em học sinh sau đó đều tìm được nơi học mới, dù ước tính khoảng từ 10 đến 20 phần trăm các em phải xa cha mẹ và bị trả về quê, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, vì cha mẹ các em không tìm ra được trường học thích hợp và vừa túi tiền ở Bắc Kinh.

Quyền của phụ nữ

Quyền sinh sản của phụ nữ vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt trong năm 2011, với các quy định về kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc. Các biện pháp như kiểm soát hành chính, phạt tiền, và buộc nạo thai, dù có lúc thất thường, vẫn tiếp tục được áp dụng nhằm vào phụ nữ nông thôn, kể cả khi họ đã di cư lên thành phố hay các khu chế xuất công nghiệp, và ngày càng được tăng cường ở các khu vực dân tộc thiểu số như Tây Tạng và Tân Cương. Những chính sách này đã góp phần tạo ra sự mất cân bằng giới tính ngày càng cao (theo điều tra dân số năm 2010 là 118.08 nam so với 100 nữ), dẫn đến hậu quả tiếp theo là nạn buôn người và mãi dâm.

Người lao động tình dục, với số lượng khoảng từ bốn đến mười triệu người, vẫn là một bộ phận chịu rủi ro đặc biệt trong xã hội do chính sách cứng rắn của chính phủ và các phong trào bài trừ mãi dâm thường xuyên được phát động.

Dù thừa nhận rằng tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt trong tuyển dụng và thái độ kỳ thị xã hội vẫn là các vấn đề nhức nhối và phổ biến, chính quyền vẫn tiếp tục cản trở sự phát triển của các nhóm vận động vì quyền lợi phụ nữ độc lập, và ngăn cản các vụ kiện vì lợi ích công. Một cách giải thích mới về Luật Hôn nhân do Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra vào tháng Tám năm 2011 có thể sẽ làm tăng mức chênh lệch giàu nghèo giữa hai giới, bằng tuyên bố rằng khi ly hôn, tài sản chung sau kết hôn sẽ thuộc hoàn toàn về người đứng tên vay tiền mua nhà và đăng ký là chủ sở hữu nhà, mà trong đa số các trường hợp đều là người chồng.

Nhận con nuôi bất hợp pháp và buôn bán trẻ em

Ngày 16 tháng Tám, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ thắt chặt các quy định để ngăn ngừa tình trạng nhận con nuôi bất hợp pháp và buôn bán trẻ em. Các Quy định đã Sửa đổi, Bổ sung về Đăng ký Nhận Con nuôi dành cho Công dân Trung Quốc dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2011, với điều khoản thắt chặt nguồn nhận con nuôi là các cô nhi viện, chứ không còn là các bệnh viện hay các tổ chức khác như trước đây. Việc thay đổi quy định pháp lý nói trên được cân nhắc sau khi có những phát giác vào tháng Năm năm 2011 về việc các nhân viên một trạm kế hoạch hóa gia đình của chính phủ ở Hồ Nam, trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2005, đã bắt cóc và bán đi ít nhất là 15 trẻ em cho các đôi vợ chồng ở Hoa Kỳ và Hà Lan với giá ba ngàn đô mỗi em. Kết quả điều tra tiếp theo của công an xác định là không có việc buôn bán trẻ em phi pháp, bất chấp các lời khai của chính những ông bố bà mẹ khẳng định rằng con họ đã bị bắt cóc và sau đó bị bán ra nước ngoài.

Xu hướng tình dục và căn cước giới tính

Trong năm 1997, chính quyền bãi bỏ việc hình sự hóa hành vi đồng tính luyến ái, và tới năm 2001 chấm dứt việc coi đồng tính luyến ái là một căn bệnh tâm lý. Tuy nhiên, công an đôi khi vẫn bố ráp các địa điểm gặp gỡ được ưa chuộng của người đồng tính với hành động mà các nhà hoạt động tả lại là cố ý sách nhiễu. Quan hệ đồng giới không được pháp luật công nhận, những người có quan hệ đồng tính bị từ chối quyền nhận con nuôi, và không có điều luật chống những sự kỳ thị dựa vào xu hướng tình dục. Vào ngày mồng 4 tháng Tư năm 2011, công an Thượng Hải vây ráp Q Bar, một địa điểm nổi tiếng của người đồng tính, với lý do có thông tin quán này đang tổ chức “trình diễn kích dục.” Công an bắt giữ hơn 60 người, gồm cả khách hàng và người làm của quán, dù sau đó tất cả đều được thả trong ngày. Những sự ủng hộ công khai và lớn tiếng nhằm chống lại những định kiến của xã hội và chính quyền đối với những người đồng tính nam, đồng tính nữ, quan hệ lưỡng tính và chuyển đổi giới tính (LGBT) ngày càng phổ biến. Ngày mồng 5 tháng Bảy, một người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc phê phán những lời bình luận có tính kỳ thị trên mạng của một nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng và kêu gọi tôn trọng cộng đồng những người LGBT.

Tây Tạng

Tình hình ở Khu Tự trị Tây Tạng (TAR) và các khu giáp Tây Tạng gồm Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc và Vân Nam vẫn tiếp tục căng thẳng trong năm 2011, sau đợt đàn áp quy mô lớn đối với các cuộc biểu tình của dân chúng diễn ra tại nhiều nơi trên khu cao nguyên này vào năm 2008. Các lực lượng an ninh Trung Quốc tiếp tục duy trì sự hiện diện đông đảo và chính quyền vẫn khống chế chặt chẽ việc đi lại ở vùng Tây Tạng, nhất là đối với các nhà báo và người nước ngoài. Những người Tây Tạng bị nghi ngờ có bất đồng với các chính sách nhà nước về chính trị, tôn giáo, văn hóa hay kinh tế đều bị đưa vào vòng ngắm với tội danh “ly khai.”

Chính quyền tiếp tục xây dựng một vùng “nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” bằng cách di dời và tái định cư tới 80% dân vùng TAR, kể cả những người sinh sống bằng nghề chăn thả gia súc và du canh du cư.

Chính quyền Trung Quốc không tỏ một dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nhượng bộ nguyện vọng của người dân Tây Tạng muốn được quyền tự quyết cao hơn, dù chỉ trong khuôn khổ chật hẹp của luật tự trị dành cho các khu vực thiểu số. Chính quyền đã từ chối gặp gỡ và đàm phán với vị lãnh đạo mới được bầu của cộng đồng Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay, và cảnh báo rằng họ sẽ trực tiếp chỉ định Đạt-lại Lạt-ma kế tiếp.

Trong tháng Tám, chính quyền Tứ Xuyên đã xử ba nhà sư Tây Tạng thuộc tu viện Kirti về hành vi giúp một nhà sư khác tự thiêu để phản đối chính quyền vào tháng Ba với những mức án tù rất nặng. Tính đến giữa tháng Mười Một, đã có thêm mười nhà sư và một ni sư nữa đã tự thiêu, tất cả đều bày tỏ nỗi tuyệt vọng về tình trạng thiếu tự do tôn giáo.

Tân Cương

Vụ bạo loạn ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) vào tháng Bảy năm 2009 – là vụ xung đột sắc tộc đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại gần đây của Trung Quốc – vẫn phủ chiếc bóng ám ảnh lên mọi diễn biến tại Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ (Uighur) Tân Cương. Chính phủ vẫn chưa công bố tình trạng của hàng trăm người bị bắt sau vụ bạo loạn, cũng như chưa tiến hành điều tra các cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và ngược đãi những người bị bắt do những người tị nạn và người thân của những người bị bắt đang sống ở nước ngoài đưa ra. Một số ít các phiên tòa xử công khai những nghi can gây bạo loạn cho thấy có đầy rẫy những vấn đề về quyền được đại diện pháp lý, chủ ý chính trị hóa quá lộ liễu của cơ quan tố tụng, và không thông báo lịch mở phiên xử và tổ chức phiên tòa thực sự công khai như luật định.

Trong năm 2011 đã có một vài vụ bạo lực xảy ra ở khu vực này, tuy chưa rõ thủ phạm. Vào ngày 18 tháng Bảy, chính quyền tuyên bố đã tiêu diệt 14 kẻ khủng bố là người Duy Ngô Nhĩ sau khi họ tấn công chiếm một đồn công an ở Hòa Điền (Hetian) và bắt giữ một số con tin. Trong các ngày 30 và 31 tháng Bảy, hàng loạt vụ tấn công bằng dao và bom xảy ra ở Khách Thập (Kashgar). Trong cả hai vụ nói trên, chính quyền đều đổ lỗi cho những người Hồi giáo cực đoan. Tới giữa tháng Tám, chính quyền phát động một chiến dịch hai tháng “tấn công mạnh” nhằm “tiêu diệt một số nhóm khủng bố bạo lực và bảo đảm ổn định trong vùng.”

Dưới vỏ bọc chống khủng bố và chống ly khai, chính quyền cũng duy trì một hệ thống phân biệt đối xử sắc tộc rộng khắp, nhằm vào những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác, song song với chính sách quản lý xiết chặt về tôn giáo và văn hóa, cùng với các cuộc bắt bớ vì những lý do chính trị.

Đại hội Lao động toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở Tân Cương vào năm 2010, đã thông qua các biện pháp kinh tế với mục đích tăng thu nhập, nhưng lại có thể gạt các nhóm dân tộc thiểu số ra ngoài lề hơn nữa. Tính đến cuối năm 2011, 80 phần trăm các khu dân cư truyền thống trong thành phố Khách Thập cổ kính của người Duy Ngô Nhĩ sẽ bị giải tỏa. Nhiều cư dân người Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng chế khỏi nơi ở cũ và tái định cư để lấy đất xây những khu đô thị mới, chắc sẽ có thành phần cư dân mới đa số là người Hán.

Hồng Kông

Việc cơ quan xuất nhập cảnh Hồng Kông từ chối không cho một số nhân vật đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc về vấn đề nhân quyền được nhập cảnh năm 2011 đã dấy lên những quan ngại rằng quyền tự quyết của đặc khu này đang bị xói mòn. Các mối quan ngại về quyền lực của cảnh sát vẫn tiếp tục tăng lên sau khi có những quy định chặt chẽ đối với sinh viên và báo chí được đưa ra trong chuyến thăm Hồng Kông của một vị lãnh đạo nhà nước Trung Quốc vào tháng Chín năm 2011.

Vị thế của người lao động nhập cư ở Hồng Kông được cải thiện khi một tòa án ra phán quyết vào tháng Chín rằng các quy định hạn chế người lao động nhập cư nội địa không được đòi quyền lưu trú là vi hiến. Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông lại đề xuất rằng phán quyết nói trên phải qua sự phúc quyết của Bắc Kinh, làm xói mòn thêm quyền tự trị tư pháp của đặc khu này.

Các nhân tố quốc tế quan trọng

Dù đã bỏ phiếu thuận ủng hộ Hội đồng Bảo an ra nghị quyết đưa Libya ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vào tháng Hai, chính quyền Trung Quốc tiếp tục phớt lờ hoặc cản trở các định chế và tổ chức nhân quyền quốc tế. Trong tháng Sáu, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, Trung Quốc đã tổ chức đón tiếp tổng thống Sudan Omar al-Bashir – một nhân vật đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã với các tội danh: tội phạm chiến tranh, chống nhân loại và diệt chủng. Năm 2011, Trung Quốc đã gia tăng áp lực mạnh mẽ buộc chính quyền các nước Trung Á và Đông Nam Á cưỡng ép người Duy Ngô Nhĩ tị nạn phải hồi hương, khiến có ít nhất 20 người bị trục xuất. Vào tháng Mười, chính quyền Trung Quốc tác động buộc chính phủ Nam Phi từ chối cấp thị thực cho Đạt-lại Lạt-ma khi ông muốn tới dự lễ sinh nhật của Tổng Giám mục Desmond Tutu. Trong cùng tháng đó, Trung Quốc cùng với Nga dùng quyền phủ quyết bỏ phiếu chống hiếm hoi khiến Hội đồng Bảo an không ban hành được nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Syria.

Dù hàng chục quốc gia đã tới tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 để vinh danh nhà vận động Lưu Hiểu Ba, còn quá ít các quốc gia trong số đó tham gia hữu hiệu vào các hoạt động vận động cho nhân quyền ở Trung Quốc trong năm 2011. Dù Hoa Kỳ đã nhấn mạnh về các vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Hồ Cẩm Đào tới Washington vào tháng Giêng, thông điệp đó – cũng như sự chú ý của các quốc gia khác – đã bị chìm nghỉm kể từ khi phong trào Mùa Xuân Ả-rập khởi lên, khiến chính quyền Trung Quốc có điều kiện dễ dàng hơn để dập tắt tiếng nói của các nhà bất đồng chính kiến. Rất ít quốc gia hiện còn duy trì tiếng nói công khai kêu gọi trả tự do cho ông Lưu và những nhà bất đồng chính kiến khác.

Có lẽ để thể hiện tác động của phong trào dân chúng đang ngày một lan rộng nhằm phản đối các dự án đầu tư lạm dụng của Trung Quốc, trong tháng Chín chính quyền Miến Điện đã bất ngờ công bố quyết định dừng dự án đập Myitsone đang gây nhiều tranh cãi, có nguồn vốn chủ yếu do Trung Quốc tài trợ. Tại Zambia, các hãng khai khoáng do Trung Quốc điều hành tuyên bố tăng lương đột ngột cho công nhân, sau khi có kết quả bầu cử của Mặt trận Ái quốc đối lập, từng vận động đảm bảo mức lương tối thiểu trong chương trình hành động của mình.

Human Rights Watch