Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Thánh Gioan Neumann, Giám mục DCCT

VRNs (05.01.2012) – Cần Giờ – Hôm nay là ngày lễ kính Thánh Gioan Neumann, Giám mục DCCT (28/03/1811 – 05/01/1860), Giám mục thứ tư của Giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ đồng thời là vị thánh đầu tiên của nước Mỹ. Ngài là người khai sinh ra hệ thống các trường học Công giáo tại Hoa Kỳ.

Thánh lễ đồng tế Tạ ơn sẽ được cử hành lúc 17g00 tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn: 38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn.



VRNs xin giới thiệu bài suy tư tổng hợp sau đây:

- Trước tiên cái tên thánh Gioan của Neumann (đọc là Noi-man) không phải là Gioan tông đồ. Đó là Thánh John Nepomucene kính ngày 16/5, một vị thánh quê hương của Neumann.

- DCCT đến Mỹ : Thánh Clêmentê được xem như tổ phụ thứ hai của DCCT qua đời. Ngài là người đã đưa DCCT ra khỏi nước Ý. Kế nhiệm ngài là Cha Passerat. Cha Passerat đã thực hiện mong ước của Thánh Clêmentê: trồng DCCT vào đất Mỹ. Năm 1832, đúng 100 sau khi thành lập DCCT, 6 tu sĩ DCCT đầu tiên đã đến Mỹ.

- Neumann là một chủng sinh người Đức tình nguyện đến Tân thế giới, ngài chịu chức linh mục ở Mỹ rồi gia nhập DCCT. Đây là tập sinh đầu tiên của các cha DCCT tại Mỹ.

1. Thiên Chúa chuẩn bị cho nước Mỹ một thừa sai ưu hạng

- Neumann là một vị thánh có lòng chạnh thương dân nghèo. Từ bé, khi thấy một đứa trẻ như mình xách bị đi ăn xin, ngài cũng muốn có một cái bị để đi chung. Hai đứa cộng lại sẽ được nhiều hơn.

- Ngài có năng khiếu ngoại ngữ và thích ngành y, nhưng lại không theo nghề y mà đi Chủng viện. Người thanh niên này có lý tưởng đẹp và đã chọn cho mình cái mà Chúa muốn. Khả năng ngoại ngữ đặc biệt và Kiến thức khoa học tự nhiên có nơi Neumann là những sở hữu cực kỳ quý giá cho một thừa sai đi khai phá.

Tân thế giới khi ấy đầy dẫy di dân từ các nước Châu Âu và hoang sơ như trong phim cao bồi Mỹ. Nói được nhiều thứ tiếng, hầu như gặp ai Neumann cũng trò chuyện được. Ngài thành thạo cả tiếng thổ dân đủ để có thể giúp giải tội cho họ.

- Ngài yêu mến Thánh Thể một cách đặc biệt vì đó chính là năng lực tông đồ của ngài. Ngài xuất sắc trong việc tổ chức chầu Thánh Thể 40 giờ. Và trong Thánh lễ đầu tay, ngài đã cho 30 thiếu nhi rước lễ lần đầu (những trẻ em ngài đã dạy giáo lý trước khi chịu chức).

2. Thiên Chúa ban cho Neumann một năng lực kỳ lạ

- Giáo phận vị linh mục mới tinh phải phục vụ có 200 ngàn di dân Đức, nhưng chí có 36 linh mục, và chỉ có 3 linh mục người Đức. Chúng ta đừng quên, người Công giáo đến đất Mỹ khi ấy đa số là nghèo. Họ rơi vào một môi trường Tin Lành hoàn toàn và không hiểu các linh mục nói gì vì không cùng ngôn ngữ. Chúng ta cũng đừng quên: 600 giáo dân vùng đất hoang khó quản trị hơn 6 ngàn trong thành phố

- Giám mục Neumann coi một giáo phận mà sau khi ngài qua đời nó được chia thành 5 giáo phận!

- 80 tháng làm giám mục ngài xây dựng được 80 Nnhà thờ, trung bình mỗi tháng 1 cái, chưa tính nhà thờ Peter Paul hoành tráng ở Philadelphia nơi an táng ngài.

3. Đúng là công việc của một thừa sai

- DCCT chỉ “hợp thức hóa” một Neumann đã sống rồi linh đạo DCCT trước khi gia nhập
- Một thừa sai biết “mình cần người cộng tác”. Neumann chọn DCCT.
- Một thừa sai biết tạo ra người cộng tác : lập dòng ba nữ Phan Sinh
- Một thừa sai biết chuẩn bị một dân thánh. Neumann là ông tổ của cả hệ thống trường Công giáo Hoa Kỳ.

4. Một đấng thánh

Sáng 5/1/1860 cha Urbanczek DCCT gặp Đức Giám mục Neumann. Đức Cha rất tiều tụy nhưng lại sắp đi thăm một doanh nghiệp nhỏ. Ngài nói: “Hôm nay tôi cảm thấy thật lạ, chưa bao giờ có như thế trước đây.” Trước khi đi ngài còn nói: “Người ta phải sẵn sàng khi cái chết đến, khi Chúa muốn và nơi Chúa muốn”. Cha Urbanczek không hiểu ngài muốn nói gì nhưng rồi đã hiểu … Neumann ngã xuống ở góc đường 13 và Vine, Philadelphia, trên các bậc thềm nhà bên đường. Hai người đi đường khiêng ngài vào đặt trên sàn nhà, gọi bác sĩ. Nhưng đã trễ.

Cái chết bất ngờ lộ ra một giám mục “đánh tội” thường xuyên, trong người ngài có mang xiềng bám chặt vào da thịt.

Dân chúng vẫn thường gọi ngài là “Giám mục nghèo của chúng tôi”.

Lm. GB Nguyễn Minh Đức, C.Ss.R