Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Chứng nhân hy vọng (13)

VRNs (25.04.2011) – HẠT GIỐNG SINH NGƯỜI KITÔ HỮU



Các vị Tử Ðạo ngày nay

Trong Năm Thánh này Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta biết mở mắt để nhận ra “các Vị Tử Ðạo mới” của ngày hôm nay. Một thế kỷ như thế kỷ vừa qua, trong đó có biết bao nhiêu giàu sang, trong đó con người bám víu vào sự sống nhưng cũng lo sợ mất mạng. Ðó cũng là thế kỷ có nhiều Kitô hữu phải chết vì đạo. Các Vị Tử Ðạo đã sống giữa chúng ta. Còn hơn thế nữa, các vị là sức mạnh của Giáo Hội trong thế kỷ XX và thế kỷ mới vừa bắt đầu. Cần phải nới rộng cái nhìn của chúng ta trên thực tại này của lịch sử Hội Thánh để chiêm ngắm sự tử đạo.

Gia sản của các Vị Tử Ðạo

Trong tù, chính tôi đã sống nỗi khổ đau của Giáo Hội tử đạo. Tôi nghe thời gian qua đi, ngày này sang ngày khác mà không biết chung cuộc sẽ đi về đâu. Tôi tự hỏi như ngôn sứ Isaia: “Tuần canh ơi, đêm còn dài bao lâu nữa? Tuần canh ơi, đêm đến đâu rồi?” (Is 21,11). Trong những lúc đó tôi bắt đầu hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự tử đạo. Không phải sự tử đạo đổ máu, là điều tôi biết có thể xảy ra trước mắt tôi, nhưng sự tử đạo như là một cuộc sống không đặt để ranh giới kể cả ranh giới việc bảo tồn sự sống của chính mình, vì tình yêu đối với Thiên Chúa, vì trung thành với sự hiệp nhất và niềm hiệp thông của Giáo Hội, và vì phục vụ Tin Mừng.

Người Kitô hữu không khinh rẽ mạng sống. Trong tù tôi còn nhớ những ngày hạnh phúc trong công tác mục vụ trong chức vụ linh mục và giám mục. Tôi nghĩ tới các tín hữu Công giáo thuộc giáo phận nơi tôi đã sống, tới các anh em linh mục và giám mục, tới bạn bè, và thân nhân. Nếu được gặp lại họ thì vui sướng biết bao!

Nhưng đức tin của tôi thì không thể bị trả giá được. Không với bất cứ giá nào. Không thể nhượng bộ đức tin để đổi lấy một cuộc sống hạnh phúc. Xem ra tôi hiểu hơn một chút về sự tử đạo. Không đặt ranh giới cho tình yêu đối với Thiên Chúa, kể cả ranh giới tự nhiên như ơn cứu rỗi của mình, mạng sống và niềm hạnh phúc của riêng mình. Và trong những lúc ấy, tôi nghĩ tới biết bao nhiêu Kitô hữu bị giam giữ, đau khổ và đầy ải. Tôi nghĩ tới những người gánh chịu những khổ đau lớn lao. Tôi nhớ lại những lời viết trong chương 2 thư gửi giáo đoàn Do thái: “Anh chị em chưa chiến đấu tới đổ máu trong cuộc chiến chống lại tội lỗi” (Dt 12,4).

Trong những lúc đó, chúng ta khám phá ra rằng mình hiệp thông với biết bao nhiêu chứng nhân khác: “Như thế cả chúng ta nữa, được một số đông đảo các chứng nhân bao quanh, cởi bỏ tất cả những gì là nặng nề và tội lỗi bủa vây, chúng ta hãy kiên trì trong cuộc chạy đua, mắt hướng nhìn về Chúa Giêsu, là Ðấng khai mở và kiện toàn đức tin” (Dt 12,1-2).

Tôi đã nghĩ tới các cuộc bách hại, cái chết và các Vị Tử Ðạo xảy ra trong 350 năm tại Việt Nam, đã cống hiến cho Giáo Hội biết bao nhiêu vị Tử Ðạo không được biết tới: khoảng 150,000 vị.

Chính tôi cũng tin rằng ơn gọi linh mục của tôi gắn liền một cách nhiệm mầu nhưng đích thực với máu của các Vị Tử Ðạo này, đã gục ngã trong thế kỷ vừa qua trong khi các Ngài loan báo Tin Mừng và trung thành với sự hiệp nhất của Giáo Hội, mặc cho cái chết hoặc bạo lực đe dọa.

Tôi nhớ tới chứng tá của ông cố nội tôi. Ông đã thường kể cho tôi nghe biết các người trong gia đình bị phân sáp và giao cho các gia đình bên lương canh chừng để họ dần dần mất đức tin thế nào, trong khi cha của ông bị bỏ tù. Như thế ông cố nội tôi khi mới lên 15 tuổi mỗi ngày đã phải đi bộ 30 cây số để tiếp tế cho cha một ít cơm và ít muối mà ông đã dành dụm được nơi gia đình ông sinh sống và làm việc. Ông phải ra đi lúc 3 giờ sáng để còn kịp trở về làm việc.

Phía ông ngoại tôi còn thê thảm hơn nữa. Vào năm 1885, giáo dân toàn giáo xứ bị thiêu sống trong nhà thờ, trừ ông ngoại tôi vì lúc đó còn là sinh viên du học ở Malaysia.

Tôi tin rằng lòng trung thành của Giáo Hội Việt Nam được giải thích bằng máu của các Vị Tử Ðạo đó. Các ơn gọi linh mục tu sĩ làm phong phú Giáo Hội Việt Nam được phát sinh từ ơn thử thách này. Các Vị Tử Ðạo đã dạy cho chúng tôi biết nói lên hai tiếng xin vâng: xin vâng vô điều kiện và vô biên giới đối với tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng các Vị Tử Ðạo cũng dạy cho chúng tôi nói lên tiếng không đối với các lời dụ dỗ ngon ngọt, những dàn xếp lắt léo, hoặc bất công nhằm mục đích cứu mạng sống mình, hay hưởng lấy một chút an nhàn thư thái…

Ðó là một gia sản, cần phải luôn luôn chấp nhận. Nó không phải là chuyện tự động hay đương nhiên. Vì chúng ta có thể từ chối nó. Gia sản của các Vị Tử Ðạo không phải là chí anh hùng mà là lòng trung tín. Gia tài này đã được chín mùi bằng cách hướng nhìn lên Chúa Giêsu, mẫu gương của cuộc sống Kitô hữu, mẫu gương của mọi nhân chứng, mẫu gương của tất cả các Vị Tử Ðạo.

Chúa Giêsu là mẫu gương và căn nguyên của mọi cuộc tử đạo

Trong tù tôi đã viết: “Hãy nhìn ngắm Thập Giá và con sẽ tìm thấy giải pháp cho mọi vấn đề tấn công con” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Cinisello Balsamo, tr.74). Các Vị Tử Ðạo đã nhìn ngắm Ðức Giêsu…

Chúng ta tất cả đều có thể trông thấy Ngài trong các giờ phút tử đạo của Ngài, khi bị cô đơn, bỏ rơi, hay bị đóng đinh. Dân chúng bình luận về cái chết của vị sư phụ vùng Galilêa: “Ông ấy đã cứu được người khác, nếu ông là Ðức Kitô Thiên Chúa chọn, thì hãy tự cứu lấy mình đi” (Lc 23,35). Chúa Giêsu đã làm biết bao nhiêu phép lạ, chữa lành biết bao nhiêu tật bệnh và làm cho nhiều người sống lại, cũng như dạy dỗ dân chúng biết bao lời hay ý đẹp… Tại sao Ngài lại không tự cứu lấy mình? Lính tráng cũng chế diễu Ngài: “Nếu ngươi là vua dân Do Thái, thì hãy cứu lấy mình đi” (Lc 23,38).

Phúc Âm Thánh Matthêu thì ghi lại lời bình phẩm của các luật sĩ và tư tế: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Isreal, cứ xuống khỏi Thập Giá đi, chúng ta sẽ tin liền. Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn” (Mt 27,42-43).

Nhưng Ðức Giêsu đã không cứu lấy mình: “Ðể có thể tự cứu, Ðức Giêsu đã có thể đi khỏi Giêrusalem và ẩn trốn nơi khác. Như thế Ngài có thể tránh âm mưu sát hại sắp bắt đầu và có thể sống sót. Ngài có thể ra đi, theo con đường từ Giêrusalem xuống thành Giêricô, nơi Ngài đã bố trí cuộc gặp gỡ của người Samaritanô nhân hậu… Nếu trốn khỏi Giêrusalem, Ðức Giêsu có thể tự cứu lấy mình. Nhưng Ngài không làm. Ngài đã không làm… Ngài ở lại và hiến dâng mạng sống của Ngài. Không tìm cứu lấy chính mình” (A. Riccardi, Le parole della croce, Brescia 999, tr.13).

Các Vị Tử Ðạo chắc chắn đã nhìn lên Ngài. Các vị đã không lắng nghe những lời châm biếm hay các lời khuyên nhủ của những người chung quanh: “Hãy tự cứu lấy mình đi”. Ðức Giêsu là mẫu gương của biết bao nhiêu Vị Tử Ðạo: “Chính Ngài đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình Thập Giá, chẳng nề cho ô nhục và nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Dt 12,2). Chúng ta không biết đã có bao nhiêu Vị Tử Ðạo hướng nhìn lên Chúa trong nỗi cô đơn của tù ngục, trong các giờ phút sau khi lãnh án tử hình, trong những đêm dài chờ đợi bàn tay sát nhân gần kề, trong sự mệt nhọc của những cuộc đi bộ vô nghĩa. Chúng ta không biết có bao nhiêu người đã hướng mắt nhìn lên Chúa và đã làm cho đời họ phù hợp với cuộc đời và cuộc tử đạo của Chúa Giêsu. Nhiều lắm, nhiều hơn chúng ta tưởng nghĩ. Và đã xảy ra như viết trong thư gửi giáo đoàn Do Thái: “Anh chị em hãy tưởng nhớ Ðấng đã cam chịu cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh chị em khỏi sờn lòng nản chí” (Dt 12,3).

Nhiều vị Tử Ðạo đã chăm chú nghĩ tới Chúa Giêsu và đã không sờn lòng. Các Vị đã tìm thấy một sức mạnh khiến cho các lý hình là những kẻ coi cac Vị như những người thất bại, như một vật dòn mỏng nằm trong tay họ, cũng phải ngạc nhiên. Thư gửi giáo đoàn Do Thái cũng còn viết: “Các Ngài đã tìm ra sức mạnh trong sự yếu đuối của mình” (Dt 11,34). Chúng ta hãy tưởng tượng ra sự kinh ngạc của lý hình trước sức mạnh của những thân xác tàn tạ và những cuộc đời bị giam cầm ấy!

Một đoàn lũ đông đảo không thể đếm được trong Hội Thánh hôm nay

Ðây không phải là những chuyện quá khứ cổ xưa. Chúng cũng không chỉ là chuyện của thánh Inhaxiô thành Antiôkia khi Ngài từng tuyên bố: “Ðẹp thay khi phải chết đi cho thế giới, như mặt trời lặn, vì Chúa Giêsu và sống lại với Ngài, như mặt trời mọc lên”.

Cần phải biết nhận ra linh kiến của sách Khải Huyền trong thế kỷ XX này: “… xuất hiện một đoàn lũ thật đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Chiên Con, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai và chính Chiên Con đã cứu độ chúng ta” (Kh 7,9-11). Họ là ai? Vị Kỳ Mục trả lời: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua những cơn thử thách lớn lao, đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu của Chiên Con” (Kh 7,14). Họ là những người đã không khước từ yêu thương, dù để cứu lấy mạng sống mình. Và họ là những người đã tin rằng ơn cứu độ thuộc về Thiên Chúa chúng ta.

Cần phải mở mắt và đọc linh kiến này trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng sẽ trông thấy một đoàn lũ các Vị Tử Ðạo. Các Vị Tử Ðạo mới của thế kỷ XX. Ðây không phải chỉ là một vài vị. Ðây không phải là các trường hợp ngoại trừ và họa hiếm, nhưng là một đoàn lũ đông đảo không dễ mà đếm được. Hàng trăm ngàn người nam nữ. Nhiều chứng tá liên quan tới các vị đã không được chúng ta biết tới. Có những chứng tá khác được giữ gìn cẩn mật trong các văn khố của các lý hình. Nhiều vị khác nữa thì tên tuổi bị bôi nhọ cộng thêm nỗi hổ nhục vào hình khổ tử đạo. Họ là một đoàn lũ đông đảo không ai có thể đếm nổi.

Họ thuộc các quốc gia khác nhau, nói các tiếng khác nhau và có các hình dạng khác nhau. Biết bao nhiêu dân tộc, biết bao nhiêu Giáo Hội, biết bao nhiêu cộng đoàn đã phải khổ đau. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Thư “Ngàn Năm Thứ Ba”: “Vào cuối ngàn năm thứ hai, Giáo Hội lại trở thành Giáo Hội của các Vị Tử Ðạo. Các cuộc bách hại chống lại các tín hữu, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã gieo vãi hạt giống tử đạo tại nhiều nơi trên thế giới. Chứng tá của họ đối với Chúa Kitô cho tới đổ máu, đã trở thành gia sản chung của mọi tín hữu Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo và Tin Lành…” (37).

Khi suy niệm về việc tử đạo trong thế kỷ này, những lời của Kinh Thánh sau đây đã thật sự nâng đỡ tôi, như những hàng cột chống đỡ đài vinh quang:

“Không có Thầy các con không thể làm được gì (Ga 15,5).
“Tôi làm được mọi sự trong Ðấng củng cố tôi” (Pl 4,13).
“Không phải là chính tôi mà là ơn Chúa ở với tôi” (1Cr 15,10).

Tử đạo vì đức ái

Tôi muốn tưởng niệm “vương quốc của những kẻ bất hạnh”, đó là danh từ mà một nữ tù nhân đã dùng để định nghĩa trại tập trung trên quần đảo Solovki bên Nga.

Một nam tù nhân nhớ lại một hình ảnh yêu thương giữa hỏa ngục đó như sau: “Một giám mục Công giáo còn trẻ và một giám mục Chính thống cao niên, già nua gầy yếu, với bộ râu trắng, nhưng tinh thần mạnh mẽ, chung sức đẩy chiếc xe nặng… Ai trong chúng tôi một ngày kia có trở lại trần gian này, sẽ phải làm chứng cho những gì chúng tôi đang trông thấy ở đây trong lúc này. Và điều chúng tôi trông thấy là sự tái sinh của đức tin tinh tuyền đích thực của các Kitô hữu tiên khởi, sự hiệp nhất của Giáo Hội trong con người của hai vị giám mục Công Giáo và Chính Thống cùng nhau chung sức làm việc, trong sự hiệp nhất, trong tình yêu thương và lòng khiêm hạ” (Junrij Brodskij, Solovki. Các hòn đảo của sự tử đạo. Từ tu viện tới trại tập trung Liên Xô thứ nhất, Milano 1998, tr.152).

Ðó là điều đã xảy ra trong trại tù Solovki, kiểu mẫu của mọi trại tập trung Liên Xô. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Có lẽ cuộc đối thoại đại kết giữa các Thánh và giữa các Vị Tử Ðạo là cuộc đối thoại có sức thuyết phục nhất. Sự hiệp thông của các Thánh là tiếng nói cao hơn mọi yếu tố phân rẻ” (Ngàn Năm Thứ Ba, 37).

Trong số các Vị Tử Ðạo của chủ thuyết cộng sản Liên Xô, chúng ta có thể nhận ra một vài gương mặt. Còn rất nhiều vị chỉ có Thiên Chúa mới biết tên. Ðức Tổng Giám Mục Beniamino của Giáo Hội Chính Thống tại thành phố Pietroburgo, tử đạo năm 1922 sau một vụ xử án với các lời cáo gian, trước khi bị hành quyết đã viết như sau:

“Thời gian đã thay đổi. Và vì tình yêu mến Chúa Kitô, con người giờ đây có thể chịu những khổ đau gây ra bởi những người anh em của mình cũng như bởi người xa lạ. Ðau khổ là điều khó khăn và nặng nề, nhưng niềm ủi an của Chúa cũng tràn trề tương xứng. Thật khó mà bước qua khỏi… ranh giới này để hoàn toàn tín thác nơi Thánh ý Thiên Chúa. Nhưng khi đã vượt qua được, con người được tràn đầy niềm an ủi và không còn cảm thấy các khổ đau kinh khủng nữa…” (Ol’ga Vasil’eva, Nước Nga tử đạo. Giáo Hội Chính Thống từ năm 1917 tới 1941, Milano 1999, tr.9).

Các khổ đau kinh hoàng này cũng đã không đánh gục được biết bao nhiêu chứng nhân trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã. Họ đã sống tình yêu thương trong đó, như Thánh Maximilianô Konbê, Bổn mạng của thế kỷ đầy khó khăn này của chúng ta, đã chứng minh cho thấy. Ngài đã không coi sự sống còn của mình như giá trị tuyệt đối của cuộc đời: “Tình yêu mạnh như cái chết” (Dc 8,6). Cái bất nhân của hệ thống trại tập trung, một thế giới kinh hoàng bị nhận chìm, một trường học của hận thù và hủy hoại con người, đã không bóp nghẹt được tình yêu mạnh mẽ sẵn sàng chấp nhận tử đạo, như sách Diễm ca đã viết: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,6).

Một đoàn lũ đông đảo các Vị Tử Ðạo nói một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của những người nằm chết bên cạnh: các thừa sai đã không bỏ cộng đoàn trong cơn nguy biến và đã ngã gục, trong khi các người ngoại quốc khác ra đi. Các thừa sai tử đạo: sự sợ hãi đã không dập tắt được tình yêu. Họ là các Vị Tử Ðạo của tình yêu. Năm 1995 sáu nữ tu dòng Khó Nghèo tỉnh Bergamo đã chết vì bị lây bệnh dịch Ehola bên Congo. Các chị làm việc tại đây đã muốn ở lại để săn sóc người bệnh. Các chị khác đã đến tiếp tay với các chị và tất cả đều đã chết. Một trong các chị là nữ tu Dinarosa Belleri. Khi được hỏi: “Chị luôn sống giữa những người bệnh vậy mà chị không sợ sao?” Chị đã trả lời: “Sứ mệnh của tôi là phục vụ người nghèo. Vị sáng lập dòng chúng tôi đã làm gì? Tôi ở lại đây để theo vết chân Người… Thiên Chúa Cha Vĩnh Cửu sẽ trợ giúp tôi”. Các chị là các Vị Tử Ðạo của tình thương: đối với Kitô hữu, bảo vệ sự sống của chính mình không phải là một giá trị tuyệt đối. Họ thà chết còn hơn là phải xa lìa những người anh em đang cần mình giúp đỡ. Tình yêu đối với người nghèo quan trọng hơn là cứu lấy mạng sống của chính mình.

Tử đạo vì đức tin

Như Ðức Cha Maloyan, Giám Mục Công Giáo Armeni. Là con người yêu chuộng hòa bình nhưng Ngài đã bị tố cáo một cách bất công, bị bắt và dẫn độ đi thật xa cùng với một đoàn giáo dân. Người ta đã đề nghị Ngài chối bỏ đức tin để được sống. Ðức Cha đã trả lời: “Chúng tôi sẽ chết, nhưng sẽ chết vì Chúa Giêsu”. Và Ngài đã chết cùng với các tín hữu hồi năm 1915.

Tử đạo vì hận thù chủng tộc

Trong tiểu chủng viện tại Buta bên Burundi, là đất nước bị chiến tranh chủng tộc tàn phá, 40 tiểu chủng sinh Huti và Tutsi đã bị sát hại ngày 30 tháng 4 năm 1996 bởi một toán du kích quân Hutu. Họ ra lệnh cho các chủng sinh phải đứng riêng ra theo chủng tộc của mình: ai là người Hutu sẽ được sống, ai là người Tutsi sẽ phải chết, nhưng tất cả các chủng sinh từ chối tách rời nhau. Và tất cả đã cùng bị giết chết với nhau.

Chúng ta không thể tả hết được các việc kỳ diệu của ơn thánh nơi biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta, và chỉ có Chúa mới thấu biết khổ đau của họ. Các anh chị em ơi, chúng tôi không quên các anh chị em đâu!

Các chứng nhân của cuộc Phục Sinh của Ðức Kitô

Phải, có biết bao nhiêu là Vị Tử Ðạo! Một đoàn lũ các Vị Tử Ðạo: tử đạo vì đức khiết tịnh, tử đạo công lý, tử đạo trẻ em, phụ nữ tử đạo, nam nhi tử đạo, những dân tộc tử đạo. Ðó là cả một bức tranh trải dài trước mắt chúng ta: bức tranh của một nhân loại Kitô hữu, hiền lành, khiêm nhường, không bạo lực, chống trả lại sự dữ, yếu đuối nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ trong đức tin, đã yêu và tin cho tới bên kia cái chết. Nhân loại tử đạo đó là niềm Hy Vọng của thế kỷ mà chúng ta vừa mới bắt đầu.

Ðó là gia sản cho chúng ta, Kitô hữu của thế kỷ XXI: để ôm ấp và lựa chọn. Ðúng vậy, chúng ta phải ôm lấy gia sản quý báu này trong cuộc sống mỗi ngày, trong các khó khăn bé nhỏ cũng như lớn lao, trong sự lột bỏ mọi gây hấn, thù hận, và bạo lực. Gia sản của các Vị Tử Ðạo phải được tiếp nhận mỗi ngày qua một cuộc sống đầy yêu thương, hiền lành và trung tín. Tu sĩ Isaac Sirô đã viết: “Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị đóng đinh, nhưng đừng đóng đinh ai. Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai” (O. Clément, Các nhà thần bí Kitô thời ban đầu, Paris 1982, tr.249).

Hình như tôi nghe có một câu hỏi được đặt ra cho tất cả chúng ta trong Mùa Chay và lễ Phục Sinh của Năm Ðại Toàn Xá này: chúng ta có muốn ôm lấy gia sản của các Vị Tử Ðạo này dưới dấu chỉ của Thập Giá và sự Phục Sinh hay không?

Tôi đã thấy cha tôi đi lên Thiên Ðàng

Ðó là tựa đề một tập sách nhỏ được giải thưởng của tổ chức UNESCO. Tác giả, một người Nga hiện sống tại Paris, nhắc lại cuộc sống của thân phụ với các lời cảm động. Thân phụ ông là một linh mục Chính Thống đạo đức và là một mục tử say mê, đương đầu với biết bao nhiêu hy sinh giữa cuộc bách hại.

Một ngày nọ, trong thời chiến, cha tôi bị bắt giữ chỉ vì mang đôi giày lính, mà một người vào quân đội đã cho. Cha tôi bị kết án tử hình bởi vì luật cấm người dân dùng giầy lính. Thật ra, đó chỉ là một cớ, lý do thật dấu ẩn đàng sau đó là sinh hoạt tôn giáo của cha tôi.

Sau khi tụ họp dân làng lại chung quanh vị mục tử, một viên đại úy tuyên bố án lệnh. Ðể trả lời, vị linh mục quỳ xuống cầu nguyện. Và tất cả mọi người đều quỳ gối cầu nguyện với cha tôi và cầu nguyện to tiếng. “Bắn”, viên chỉ huy ra lệnh, nhưng toán lính hành quyết đứng im như tờ. “Bắn”, viên sĩ quan lại hét lên một lần nữa, nhưng chẳng ai thi hành. Bị thua đau, viên đại úy để cho vị linh mục đi ngựa về nhà cùng với giáo dân.

Vài tháng sau đó, trong khi đi viếng thăm mục vụ, vị linh mục Chính thống này “biến mất” và không ai biết tin tức gì về Ngài. Nhưng mọi người đều hiểu đâu là số phận của cha tôi. Và dân chúng nói rằng cha tôi đã lên trời cùng với con ngựa của Ngài.

Con kính chào Thập Giá là niềm Hy Vọng duy nhất của con, là ơn cứu rỗi và là vinh quang của thế giới!

Cố HY. PX. NGUYỄN VĂN THUẬN