Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Chuyện phiếm đạo đời - “Yêu người như suối cuộn rừng sâu”

VRNs (25.04.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Đạo – Đời của tác giả Trần Ngọc Mười Hai
“Yêu người như suối cuộn rừng sâu
như con tàu say gió, như con giun ngước lên trời,
Yêu trăng sao vời vợi, Làm sao nói được tình tôi.”

(Phạm Duy – Phượng Yêu)



(Gal 5: 22-23)

Yêu người mà lại bảo: “như suối cuộn rừng sâu”. “Như con tàu say gió”, “như giun con ngước lên trời”, thì có lẽ mọi người chỉ thấy trong thi ca, và âm nhạc, thôi. Trên đời này, ngoài thi nhân và nhạc sĩ ra, đã mấy ai diễn tả bạo đến thế, về tình yêu?

Bạo như thế, vẫn chưa đủ nghệ sĩ lão làng nhà ta hôm nay còn thêm đôi câu hát đẹp hơn nữa. Đẹp, chẳng vì nghệ sĩ không chỉ nói yêu người và yêu Phượng của ông thôi, mà còn nói yêu nhiều thứ khác, như:

“Yêu người, yêu Phượng,
yêu hoa đầu mùa yêu màu rực rỡ, yêu em mù loà
yêu bằng tiếng nói đơn sơ.
Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè,
Yêu bằng gió núi qua khe gập gềnh
Yêu bằng tiếng hát yêu tinh…”

(Phạm Duy – bđd)

Nói yêu người, thì hầu như thi nhân nghệ sĩ vẫn nói và hát bằng tiếng “rất yêu tinh”. Lình bình. Như cơn mơ. Thế còn, nhà Đạo thì sao? Nhà Đạo ư? Trả lời câu hỏi này, thật không dễ. Riêng bần đạo, chỉ mỗi nói: không dám đâu! Thật tình, bần đạo chẳng biết nói thế nào cho phải lẽ. Chỉ dám dùng lời lẽ của các đấng bậc vị vọng ở nhà Đạo để cảm kích. Có thế thôi.

Về chữ yêu, rất diễm kiều, nhà Đạo mình nói cũng nhiều. Trả lời, thật không thiếu. Nhưng, có đấng bậc nọ không trả lời cho người trẻ đang yêu vẫn muốn hỏi đôi điều bằng “tiếng nói đơn sơ”, “như cơn mơ”, “rụt rè” nghe rất khẽ. Và, chắc rằng người trẻ ở đây là nhân vật đang nổi bật, nên câu trả lời của đấng bậc nghe cũng mạnh. Mạnh, như thư điện của tác giả mang tên Michael McGirr, gửi đến công nương Kate Middleton, vợ hiền thân yêu của hoàng tử Williams nuớc Anh, như sau:

“Kính gửi Cô Middleton thân mến,

Trước hết, xin cảm ơn cô đã có thư hỏi đôi điều về việc cử hành lễ cưới tại nguyện đường nhà trường chúng tôi vào tháng Tư năm 2011. Tiện đây, xin cho tôi được phép có đôi giòng hồi đáp, như sau:

Thật ra, thì nguyện đường mà cô ngỏ ý muốn cử hành lễ cưới rất thân mật cho cô và hoàng tử Williams, vẫn có chỗ cho 200 khách quí tham dự. Nghĩa là, cũng đủ để bạn bè/người thân của cô và hoàng gia thân hành đặt chân đến. Bạn bè tôi nói ở đây, không tính các thân hữu ghi danh trên “facebook”, của cô. Bởi, ta có định nghĩa thế nào đi nữa, thì các người ấy vẫn không thể là bạn theo nghĩa đích thực được.

Hiềm một nỗi, là nhà ăn của trường lại không mở cửa vào dịp nghỉ học kỳ ở đây. Chính vì thế, cô cũng nên tính đến chuyện tìm người nấu nướng và lo ẩm thực cho quan viên hai họ. Địa phương chúng tôi ở, chỉ có một vài quán xá nhỏ bán bánh “pizza” giao tận nhà, mà theo tôi chỉ thích hợp cho bữa ăn nhẹ ngoài trời sau lễ cưới, mà thôi.

Trong thư, cô có đề cập đến ao ước của cô là đám cưới mình chỉ một lần cho trăm năm, nên phải đặc biệt. Tôi không thấy có vấn đề gì trong chuyện này hết. Chỉ biết rằng, đám cưới nào cũng là đám cưới đặc biệt đối với đôi tân hôn. Có đặc biệt, nên hai họ mới đồng ý cho cưới.

Cô cũng bảo, người yêu cô là hoàng tử còn rất trẻ. Và, cô yêu anh ấy rất mực. Điều đó thật tuyệt vời. Học sinh lớp 10 của tôi cũng vừa hoàn tất luận văn nhỏ bàn về tình thân thương mật thiết trong quan hệ yêu đương với mọi người. Tôi dám chắc rằng: các học trò nhỏ ở trường đây có thể kể cho cô nghe về tình tiết của nhiều truyện yêu đương, sau 20 năm trường dài đằng đẵng, khi ấy đối với họ: có còn chứng tỏ được hay không với người mình yêu là “hoàng tử của lòng em”, đó mới thành chuyện. Riêng tôi, vẫn tin rằng cô sẽ là người thành đạt chuyện ấy.

Cô còn nói: cô đang đi bước trước hiện thực một đám cưới rất huyền thoại, giống hệt truyện cổ tích. Về điểm này, tôi thật tình chưa hiểu ý của cô cho lắm. Điều mà mọi người ở đây hiểu nhiều và hiểu rõ nhất, vẫn là: nguyện đường của chúng tôi hằng ngày vẫn treo đầy các câu nhắc về thực tại sống ở đời. Và, ý nghĩa của tình yêu đích thực còn có đủ mồ hôi, nước mắt cùng xương máu nữa. Tình yêu ấy, còn bao gồm cả 14 chặng đường gian khổ dính đầy chông gai và có cả thập giá hiện lên ở phía trước, sát bên cạnh. Tôi hy vọng, là nếu đến đây mà bỏ ra ít giây phút để suy và nghĩ về câu truyện tình tiết rất yêu đương có chạm khắc những ảnh hình, ngay trên đó, thì mới tốt.

Cô còn muốn biết rõ nhận xét của riêng tôi về chiếc áo cưới lộng lẫy cô sẽ mặc vào giờ lễ, thì tôi chỉ dám thưa với cô rằng: tôi luôn thấy nó rất đẹp, và lộng lẫy. Tôi cũng cảm thông với cô trong quan ngại về nơi cử hành lễ, không biết có gần kề phương tiện di chuyển công cộng không, để người đến dự thấy thoải mái. Thật tình mà nói, thì nguyện đường nơi đây có may mắn được nằm sát ga xe lửa, nên cũng tiện cho những người không đủ điều kiện để sắm xe riêng dùng cho một lễ cưới mà thôi.

Tôi cũng hiểu được ý của cô khi so sánh nguyện đường này với các nhà thờ khác để cô còn lựa chọn. Tôi thật sự không rành lắm về các nguyện đường thuộc dòng tu đây đó, như tu viện Westminster, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là: địa phương nơi đây không có mộ phần hoặc lăng tẩm của vua quan lãnh chúa, vào thời trước. Muốn tìm đến các di tích này, chắc cô phải ghé các cổ mộ hoặc thành lũy xưa cũ mới tìm thấy.

Cửa ngõ của nguyện đường nơi đây, chỉ rộng cỡ 2 mét là tối đa, nên nếu có ai đội mũ mão gì rộng và lớn hơn, thì xin cô nhắn với các vị ấy muốn vào lọt, cũng nên bẻ quẹo đôi chút, là được ngay.

Bà con nếu tham dự lễ ở đây, có thể sẽ được mời ghé tham quan trường học và lưu lại tại khuôn viên cầu nguyện chừng dăm ba phút, là nhiều lắm. Ở nơi đó, thường là nơi chốn để học sinh hoặc giáo chức ghé viếng nguyện cầu cho người thân thuộc hoặc khách lạ nữa.

Vào nguyện đường, có thể là bà con cô bác sẽ phát hiện một vài cô cậu học trò nhỏ người non dạ vẫn vào đó để thầm thĩ với Chúa với Mẹ Hằng Cứu Giúp đôi ba điều vui vui chứ không xin, vào giờ nghỉ. Các em thầm thĩ để chứng tỏ mình vẫn tin vào Chúa, Mẹ như bao giờ. Bằng chứng là, mới tuần rồi, có em học sinh lớp 10 cũng vào nơi tôn nghiêm ấy chỉ để kể cho Chúa nghe việc cô cậu gặp một lão ông ở Dịch Vụ Cộng Đồng hoặc viện Dưỡng Lão nào đó, mới biết được là lão ông từng là nạn nhân còn sống sót sau vụ cuồng sát của Đức Quốc Xã. Tuần trước đó, lại có em thuộc lớp khác cũng đến chia sẻ vào giờ lễ để kể cho mọi người tham dự về truyện phim sâu sắc có tựa đề là “The Incredibles”, tức đề tài mà em được học trong năm.

Nguyện đường của chúng tôi chủ yếu xây dựng ở niềm tin. Tin rằng: Chúa đích thân gặp gỡ hết mọi người. Ngài gặp, qua các biến cố thực tế trong đời người. Mà, biến cố nào cũng đeo mang một thử thách, đỡ nâng cốt tạo cho người đời thêm nghị lực để họ có thể sống. Bởi, Chúa vẫn phụ giúp con người vượt qua được mọi hãi sợ và tính hẹp hòi, vốn là bản chất của họ. Ở nơi đây, luôn có phần đất để mọi người có thể dựng xây quan hệ thân thương khả dĩ nương nhau mà sống. Chí ít, là trong hôn nhân.

Đó, cũng là lời cầu chúc cho cô và người yêu của cô đạt tương lai rất trong sáng.

Ký tên
Michael McGirr”
(x. Michael McGirr, A letter to Kate, The Australian Catholics Easter 2011, tr. 16)

Luận phiếm hôm nay, không chỉ phiếm và luận về yêu đương/hỏi cưới bậc vương giả nơi xứ người, rồi thôi. Nhưng, phiếm và luận nay còn để bạn và tôi, ta cứ thế mà đàm rồi mạn phiếm về “tiếng nói đơn sơ”, có “ước mơ”, rất rực rỡ. Có, lời thơ rất “yêu người”, “yêu Phượng”, thêm đôi câu:

“Yêu người xong, chết được ngày mai.
Yêu như loài ma quái,
đi theo ai tới chân trời.
Đi không ngơi kêu gào,
làm sao tránh được tình yêu.”

(Phạm Duy – bđd)

Yêu “như loài ma quái”, rồi “theo chân ai đến chân trời”, phải chăng là lối yêu đương chỉ thấy có ở thi ca/giòng nhạc của nghệ sĩ họ Phạm, thôi? Thế nhưng, nếu bảo rằng: “yêu người xong, chết được ngày mai”, có lẽ đây cũng là một trong những “phát giác kinh khủng” từ người nghệ sĩ từng kinh qua nhiều trải nghiệm trong đời. Nhà Đạo cũng thế, nhiều vị cũng đã kinh và nghiệm về thứ “yêu (đến) chết được ngày mai”, là sự thật. Sự thật về Tình Yêu ấy, nhà Đạo mình từng minh chứng bằng lời của thánh nhân tông đồ từng ghi chép:

“Không có tình yêu nào cao cả
hơn tình của người
đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu mình.”
(Ga 15: 13)

Đây là câu nói rất xác thực. Câu nói, được công nhận từ ngàn năm về trước. Và, sẽ còn được chứng thực cả ngàn năm, về sau. Và rồi, vấn đề ta cần phiếm thêm nhiều nữa, đó là: điều ấy có được người trong Đạo/ngoài đời đưa vào hiện thực cuộc sống, không?

Thế đó, là câu hỏi không cần trả lời. Bởi, trả lời là trả một lời cho ai? Để làm gì? Vì, “ai” đây vẫn là bản thể chân phương đơn độc, giống như mình. Nên, câu hỏi và trả lời, là để mỗi người tự cật vấn chính mình. Cật vấn, cho ra nhẽ, thế thôi.

Và hôm nay, trong phiếm luận nhiều ngày, có bạn đọc từng đọc khá nhiều “câu chuyện phiếm”, lại đã đề nghị một mạn đàm về cuốc sống có yêu đương của những người đương yêu, hay đương được nhà Đạo yêu cầu nhưng thương và yêu, mà bạn gọi là sống bác ái. Thật lòng, thì bần đạo không hay và cũng không quen dùng cụm từ “bác ái”, vì có vẻ nho nhã quá. Theo Hán Việt Từ Điển của tác giả nguyễn Văn Khôn, thì “bác ái” là: lòng nhân từ yêu tất cả mọi người, mọi vật.

Yêu một người, một vật cũng đã khó, huống hồ là mọi người, mọi vật. Khó, là bởi vì nếu bạn và tôi, ta đồng ý với câu rất thơ rằng: “yêu là chết trong lòng một ít”. Thì, “yêu mọi người, mọi vật” là thì chết trong lòng cũng khá nhiều. Chết, không chỉ là “chết được ngày mai” như nghệ sĩ hát. Mà là, chết tức khắc. Hoặc, chết trong gang tấc. Rất tức tưởi. Chí ít, là khi yêu thì vẫn yêu nhưng trong quá trình “yêu đến chết” ấy, người trong cuộc gặp vài trở ngại như câu chuyện hỏi/thưa bên dưới:

“Kính thưa cha, con và bạn con là người trong Đạo. Hai đứa chúng con yêu nhau tha thiết muốn kéo dài tình yêu mãi đến thiên thu. Cho nên, để chứng tỏ tình yêu của mình rất chính đáng, hai đứa tụi con quyết định tiến tới hôn nhân, có lễ lạy ở nhà thờ. Ngặt một nỗi, bạn con muốn nhờ ca đoàn hát bản nhạc tình rất quen trong buổi lễ, lại bị linh mục từ chối bảo rằng: lời lẽ của bài hát không thích hợp vì không rút từ Kinh thánh. Vậy con xin hỏi: điều gì được phép điều gì không, trong lễ cưới?

Tuy chỉ là câu hỏi về những gì được phép làm trong lễ cưới, nhưng do bởi người hỏi cứ muốn đả động đến tình yêu vĩnh cửu của người nhà Đạo, gặp trắc trở. Bởi thế nên, vấn đề được hỏi cũng lại được chuyển đến đấng bậc rất vị vọng, chọn lời đối đáp, cho chính mạch. Và lời lẽ rất chính và rất mạch, là như sau:

“Qua câu hỏi của anh chị, tôi thấy có nhiều điều nảy sinh khiến cả hai phía: phía vợ chống sắp cưới lẫn phía chủ trì lễ cưới, cả hai đều quan ngại. Bởi thế nên, tôi xin trả lời bốn điểm mà xem ra nhiều người thắc mắc hơn cả.

Điểm thứ nhất, về các bài đọc trong lễ cưới. Về chuyện này, nguyên tắc chung vẫn quyết rằng: trong bất cứ buổi cử hành phụng vụ nào cũng thế -như thánh lễ, hoặc nghi thức cử hành bí tích hôn phối, lễ cầu hồn, vv.. – chỉ có bài đọc nào rút từ Kinh thánh mới được phép, thôi.

Mới đây, tông thư Verbum Domini (Lời của Chúa), Đức Bênêđíchtô 16 xác nhận rằng trong phụng vụ “các bài đọc được rút từ Sách Thánh không bao giờ được phép thay thế bằng bất cứ bản văn nào khác, dù súc tích. Dù đó có là quan điểm mục vụ hay linh đạo, cũng thế. Bởi, không một bản văn linh đạo hoặc văn chương/tu đức nào khác có thể sánh tày với giá trị Lời Chúa rất phong phú chất chứa trong Sách thánh. Đây, là điều luật của Hội thánh có từ thời xưa, cần được duy trì cho nghiêm túc.” (chú thích 69)

Vấn đề này cũng là lẽ thường tình. Bởi, chính Thiên Chúa nói với con người, Ngài nói qua Sách thánh của Ngài; và Giáo hội muốn ta được nghe những gì Ngài cần nói, từ Sách ấy. Lễ cưới, cũng giống như mọi nghi thức phụng vụ khác, là cơ hội thuận tiện để ta lắng nghe Lời Ngài. Thế nên, mọi bài đọc trong buổi lễ, nếu không là những bài rút từ Sách thánh, đều không được phép sử dụng vào buổi ấy. Giả như đôi tình nhân làm lễ cưới muốn đọc bài nào đó có nguồn từ ngoài đời, thì cũng chẳng có gì ngăn trở họ hết, chỉ mỗi việc là, hãy để bài ấy vào giờ cuối khi thánh lễ kết thúc hoặc đưa vào buổi tiếp tân ở nhà hàng, cũng là điều nên làm.

Điểm thứ hai, là việc chọn ca khúc để hát trong lễ cưới. Hiện nay, vẫn thường thấy danh sách chính thức gồm các ca vịnh được phép hát hay cấm không được hát trong các buổi phụng vụ, thường thì các ca khúc sử dụng phải có nội dung đạo đức hoặc linh thiêng khả dĩ thích hợp với buổi cử hành nghi thức ở nhà thờ. Chính vì lý do này, mà các bài hát thông dụng ở ngoài đời thưòng không mấy thích hợp với việc phụng thờ. Nhiều giáo xứ có sẵn các vị nhạc trưởng hoặc ca trưởng phụ trách hát xướng ở nhà thờ, là những người có thể giúp cho đôi tân hôn chọn bài nào họ thích.

Ngoài các thánh vịnh/bài ca ra, còn có một số nhạc cụ tuy không xứng hợp lắm với thánh nhạc , nhưng cũng có giá trị nào đó về linh đạo, có thể dùng vào lễ cưới. Trong số đó, có thể kể đến như Hành khúc cho cô dâu của Wagner, Hành khúc Lễ cưới của Mendelsohn, bản Canon cung Rê trưởng của Pachelbel, hoặc Giai điệu của John Sebastian Bach rút từ tấu khúc số 3, vv…

Điểm thứ ba ta cần bàn, là: công thức trao đời lời thuận thảo. Một số đôi tân hôn có lẽ cũng từng nghe những lời thề nguyền theo công thức đặc biệt dành cho lễ cưới, hoặc họ cũng có thể sáng tác cho riêng vợ chồng mình. Dù công thức trao đổi sự thuận thảo tự nó đã thích hợp, việc trao đổi cho nhau lời thề nguyền thuận thảo là động thái thiết yếu qua đó hai người trao cho nhau trong lễ cưới. Nhưng, vẫn là điều cần thiết nếu lời thề nguyền trao nhau ấy đã được Hội thánh chuẩn thuận. Để cho đám cưới không bị trở ngại về tính cách có hiệu lực hay không, hiện vẫn có hai mẫu thề nguyền ghi trong sách “Nghi thức Lễ Cưới” để ở phòng thánh mỗi nhà thờ, đôi tân hôn có thể hỏi cha chủ sự để chọn lựa.

Điểm thứ tư, là nơi ký giấy hôn thú cũng như gấy tờ nào khác vào cuối lễ cưới. Có một số lễ cưới, nhiều vị chủ sự hoặc đôi tân hôn yêu cầu ký giấy tờ ngay trên bàn thờ, đó là điều Giáo hội nghiêm cấm.Lý do, là bởi bàn thờ làm lễ không chỉ là bàn đơn thuần để ký kết. Bàn thờ tượng trưng chính Đức Kitô, đã được cung hiến, thế nên chỉ có các đồ vật thánh thiêng dùng trong phụng vụ mới được đặt lên đó.

Việc ký giấy hôn thú không phải là thành phần chính thức của phụng vụ lễ cưới, bởi thế cũng nên sử dụng một bàn nào khác, cho việc ấy. Cũng nên biết rằng, khi ai đó tận hiến chính mình cho Chúa trong nghi thức phụng vụ cần phải ký kết lời khấn hứa suốt đời mình trên bàn thờ, lý do là vì người ấy muốn tận hiến đời mình cho chính Chúa, mà bàn thờ tượng trưng cho chính mình Ngài, mới đúng lẽ. Trong lễ cưới, đôi tân hôn cam kết ăn đời ở kiếp với nhau, chứ không phải cho Chúa.

Nói tóm lại, đôi tân hôn có rất nhiều văn bản để đọc hoặc ca khúc để hát, họ đều có thể chọn lựa và phải tôn trọng luật của Hội thánh và cũng nên quan tâm đến ao ước của vị chủ sự khi đưa ra sự chọn lựa.” (x. Lm John Flader, Question time, The Catholic Weekly 16/1/2011, tr. 10)

Nói gì thì nói, nói như đấng bậc vị vọng rất chính mạch, là nói thế. Tức, nói có sách. Nhưng thực tế cuộc đời, tưởng đôi lúc cũng nên uyển chuyển cho nhẹ nhàng hơn để các đương sự không phải suy nghĩ nhiều. Chí ít, là suy và nghĩ chuyện yêu đương, hoặc đương yêu. Yêu đương, vẫn có nhiều thứ để nghĩ suy hơn, như truyện kể để minh hoạ, ở dưới đây:

“Ngày xưa có một anh chàng nhà nọ, gặp người con gái rất mỹ miều, thuỳ mị. Công dung ngôn hạnh đầy đủ cả. Mới gặp, anh đã đem lòng yêu mến, muốn cưới nàng làm vợ hiền. Cuối cùng, nàng nhận lời. Nhưng ra điều kiện với lang quân, là: mỗi năm phải để cho cô được vắng mặt, chỉ một ngày. Đi đâu, làm gì anh không được thắc mắc, điều tra hay tìm hiểu. Nghe thấy dễ, chành thanh niên liền đồng ý, chẳng đắn đo.

Cuộc sống đôi lứa trôi qua, khá lẹ. Chẳng khi nào thấy đôi vợ chồng này to tiếng cãi vã nhau. Nhất nhất đều thực hiện lời nguyền vào ngày cưới. Cho đến một hôm, khi cô nàng xin phép được vắng nhà như đã dặn, chàng trai mới sực nhớ là mình vì quá yêu đương nên hơi vội chăng? Vì lỡ hứa, nên đành chịu. Dù chàng trai cứ như ngồi trên lửa, đứng lên ngồi xuống vẫn thấy thời gian lê thê, quá dài ngày. Cuối cùng, đúng hẹn, người vợ hiền đã trở về, mọi việc cứ thế trôi qua êm ả, lặng lẽ, chẳng nghi ngờ.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. Chẳng mấy chốc một năm nữa đã chợt đến. Và, người vợ hiền lại thực hiện lời nguyền/hứa lên đường vắng nhà, cả ngày trời. Cuộc sống vợ chồng vẫn như năm trước, chẳng có gì phải lo nghĩ. Duy, có mỗi sự việc là: cứ đúng một năm mười hai tháng sao vợ mình lại cứ phải đi vắng. Tính tò mò, chợt nổi lên, đức lang quân nhà mình bèn quyết định theo bám để điều tra.

Trong khi đó, người vợ hiền tin tưởng lòng thành của chồng, cứ thế cắm đầu tiến về phía trước, chẳng nghi ngờ chi. Đến tận bìa rừng, người chồng thấy vợ mình chui vào bụi rậm, rồi biến mất. Chờ mãi không thấy vợ quay ra, anh chồng bèn rón rén lại gần. Đến nơi, mới thấy chú rắn hổ đang cuốn mình lột xác. Bất chợt hoảng sợ, chàng trai vội cầm con dao đem theo mình, chém. Lia lịa. Rắn hổ chết gục trong vũng máu. Trước sự ngạc nhiên đến kinh hồn bạt ví, người chồng thấy chú rắn đã hiện nguyên hình của vợ hiền quằn quại trong vũng máu, hấp hối.

Nhớ lại, chàng trai mới tỉnh ngộ hiểu được rằng: thì ra, rắn hổ xin phép vắng mặt là để lột xác vứt bỏ mọi bực bõ, dồn nén suốt cả năm. Bỏ đi lớp da khô sần xùi cùng với nọc độc là những ưu tư phiền muộn của đời sống lứa đôi. Bỏ được rồi, người vợ lại trở về với hình hài của thân phận vợ hiền dễ mến, quyết nhịn nhường chồng con, như đã thề. Người chồng nghĩ lại, chính vì tính tò mò, đa nghi đã khiến anh thất hứa, kết quả là: chính anh lại chuốc lấy khổ đau, của mất mát lớn. Mất đây, không chỉ người vợ xinh đẹp dịu hiền, mà còn chịu hậu quả của sự bội thề, là: khổ đau. Âu sầu. Mất bác ái.

Lời kết của người kể, đã không có hậu lại hơi quá. Hơi hơi quá, là bởi: trong cuộc đời, biết bao nhiêu người từng bội phản lời nguyền quyết “yêu người, yêu Phượng” hoặc yêu ai đó, bằng “tiếng nói đơn sơ”, bằng “gió núi qua khe gập ghềnh”, hoặc bằng “tiếng hát yêu tinh”, hơn mãng xà, cũng chẳng sao. Thậm chí có vị còn dựa vào câu kết của bài ca trên làm bí kíp sống, chống chế rằng:

“Yêu người, yêu có một lần thôi.
Xin yêu, dù gian dối
Xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ
Khi bơ vơ còn nhiều
Thì đâu chối bỏ tình yêu.”
(Phạm Duy – bđd)

Là nhà Đạo, kết cuộc cho một tình yêu “đến chết được”, có lẽ phải là câu nói để đời từ Đấng thánh, hiền lành vẫn quả quyết:

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình của người
đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.”
(Ga 15: 13)

Yêu như Thầy Chí Thánh căn dặn, không chỉ tỏ lộ với bạn bè người thân mà thôi. Nhưng phải với hết mọi người. Trong đời. Chính đó là ý nghĩa của cụm từ “bác ái”, rất trong Đạo.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều khi cũng suy nghĩ về hai chữ Bác ái cả trong Đạo lẫn ngoài đời.