Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Chứng nhân hy vọng (17)

VRNs (29.04.2011) – Hình ảnh Chúa Ba Ngôi

Hội Thánh và Hy Vọng của bạn

Có lẽ không có nơi nào như ở Rôma này, chúng ta có thể ý thức hơn về đặc tính Công giáo của Giáo Hội, về mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh.

Trong lúc này đây, tôi thấy khoảng không gian của nhà nguyện này trải rộng ra và tôi cảm thấy nhịp đập của Giáo Hội tại những nơi khác nhau nhất trên mặt đất. Tôi cảm thấy Giáo Hội sống quanh các Nhà Tạm tại những làng hẻo lánh nhất ở miền Amadon và Phi Châu xích đạo, nơi mà quây quần quanh Chúa Giêsu Thánh Thể, Nhiệm Thể của Ngài đang sống mạnh mẽ. Tôi cảm thấy nhịp đập của Giáo Hội giữa lòng những thành phố lớn ở Hoa Kỳ và Âu Châu: chỉ cần một số ít tín hữu, hiệp nhất trong đức tin và tình yêu thương nhau để làm cho Giáo Hội hiện diện và sống động.

Tôi cảm thấy một tình yêu nồng nhiệt mỗi khi chiêm ngắm Hội Thánh. Tôi muốn chia sẻ với anh em tình yêu này.

Phải chăng chúng ta đang ở đây, giữa lòng Hội Thánh, nơi Thánh Phêrô đã đặt tòa của Ngài, không phải là để yêu mến và phục vụ Hội Thánh nhiều hơn sao?



“Chúng ta là con cái Hội Thánh”

Chúng ta yêu mến Giáo Hội này, chúng ta cảm thấy mình là những phần tử sinh động của Giáo Hội. Tự thâm tâm chúng ta muốn lập lại, như Thánh Têrêxa Avila: “Chúng ta là con cái của Hội Thánh” (Ðúng ra, Thánh nữ nói: “Tôi là ái nữ của Hội Thánh”. Ðây là những lời cuối cùng của Thánh nữ trên giường chết).

Chúng ta yêu mến Hội Thánh vì “Hội Thánh là Mẹ rất tinh tuyền đã tháp nhập chúng ta vào gia đình của Mẹ, mở rộng cho chúng ta những cánh cửa Thiên Ðàng đích thực qua các tư tế và các Bí Tích.

Hội Thánh rèn luyện chúng ta thành những chiến sĩ của Chúa Kitô.

Hội Thánh tha thứ cho chúng ta và xóa bỏ bảy mươi bảy lần bảy các tội lỗi của chúng ta.

Hội Thánh nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình Chúa Giêsu và đã liên kết tình yêu thương của cha mẹ chúng ta bằng ơn thánh Chúa.

Hội Thánh đã nâng những người nghèo nàn như chúng ta lên phẩm giá rất cao trọng, và đã cho chúng ta được mang chức linh mục.

Sau cùng, Hội Thánh giã biệt chúng ta: phó thác chúng ta cho Thiên Chúa. Hội Thánh ban Thiên Chúa cho chúng ta.

Nếu con tim chúng ta không ca ngợi Hội Thánh, chúng ta chỉ là một chiếc đàn phong cầm im tiếng.

Nếu tâm trí chúng ta không nhìn thấy Hội Thánh và không ngưỡng mộ Hội Thánh, chúng ta trở nên thật mù quáng và u mê. Nếu miệng chúng ta không nói về Hội Thánh, thì tốt hơn là nên im tiếng đi” (C. Lubich, L’attrattiva del tempo moderno, Scritti Spirituali / 1, Rôma 1991/3. p.217).

Vẻ đẹp của Giáo Hội sơ khai

Khi bị biệt giam, tôi thường nghĩ tới sách Tông Ðồ Công Vụ, cuốn “Tin Mừng này của Chúa Thánh Thần” đã thúc đẩy tôi hiệp thông sâu xa với toàn thể Hội Thánh.

Sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại: Các tín hữu “chăm chỉ lắng nghe lời dạy của các Tông Ðồ, sống huynh đệ với nhau, tham dự Bàn Tiệc của Chúa và cùng nhau cầu nguyện… họ để làm của chung tất cả những gì họ sở hữu…” (Cv 2,42-47).

Dưới ánh sáng của chứng từ ấy, trong Giáo Hội sơ khai, chúng ta có thể phân biệt ba khía cạnh của tình hiệp thông Giáo Hội:

1. Sự trung thành gắn bó với các Tông Ðồ và với giáo huấn của các Ngài;
2. Tham dự vào sự hiệp thông (koinonia) của Ba Ngôi Thiên Chúa;
3. Tình hiệp thông huynh đệ từ đó mà ra.

Chúng ta lần lượt bàn sơ về mỗi khía cạnh vừa nói.

1. Giáo Hội là hiệp thông vì gắn bó với các Tông Ðồ và giáo huấn của các Ngài.

Với tư cách là những nhân chứng về việc Nhập Thể, về cái Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu, các Tông Ðồ là những người trung gian không thể thiếu được giữa Chúa Kitô và các tín hữu. Chắc chắn mỗi người cũng có thể quan hệ trực tiếp với Chúa Kitô, nhưng điều đó lại đòi buộc phải biết Chúa Giêsu trước. Thực tế, sự hiểu biết này đã được giao qua trung gian chứng từ của các Tông Ðồ và của những người tiếp tục công trình của các vị.

Vì vậy, nếu không hoàn toàn gắn bó với các Tông Ðồ, thì không thể hiệp thông với Chúa Kitô, ít là theo nghĩa trọn vẹn. Do đó, Tông Ðồ Công Vụ nói về sự chăm chỉ nghe giáo huấn của các Tông Ðồ. Các Ngài nhấn mạnh nhiều về việc rao giảng Lời Chúa. Việc rao giảng này, từ thời Giáo Hội sơ khai, tiến hành theo 3 loại giáo huấn hoặc giảng thuyết vẫn còn đến ngày nay: Kerygma hay là rao giảng Tin Mừng, catechesi hay là huấn giáo theo đúng nghĩa, và sau cùng là bài gỉng (omelia), gắn liền với việc cử hành phụng vụ và nhất là Thánh Lễ.

Nói tắt một lời: nếu không có “sư vâng phục trong đức tin”, không có Chúa Thánh Thần, Ðấng “đánh động tâm hồn và qui hướng nó về Thiên Chúa, mở mắt tâm trí và ban cho mọi người sự dịu ngọt chấp nhận và tin vào chân lý” (DV 5), thì không có tình hiệp thông Giáo Hội theo nghĩa Giáo Hội là “duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền” như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Chúng tôi đã cảm nghiệm điều dó nhiều lần tại đất nước tôi. Sự hiệp nhất với giáo huấn của Giáo Hội làm cho chúng tôi được cứu thoát.

2. Giáo Hội là hiệp thông vì tham dự vào Cuộc Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sở dĩ các tín hữu Kitô hiệp nhất với nhau, không chỉ vì họ có cùng một tư tưởng, tư tưởng của Chúa Giêsu và của các Tông Ðồ, và cũng không phải chỉ vì họ “tâm đầu ý hiệp” (cf Cv 4,32), nhưng nhất là vì họ tham dự vào sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (cf Ga 17,21-24), vì hiệp nhất với Chúa Kitô (cf 1Cr 10,16, ám chỉ rõ về Thánh Thể), vì thông phần vào những đau khổ của Chúa Kitô (cf 1, Pr 4,13) và vì họ được liên kết trong Thánh Thần (cf 2,Cr 13,13).

Công Ðồng chung Vatican II giúp chúng ta ý thức hơn về Giáo Hội như một mầu nhiệm hiệp thông. Như bản Tường Trình chung kết của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt năm 1985 đã nhất mạnh rằng thực tại hiệp thông quả thực là ý tưởng nòng cốt và cơ bản của Giáo Hội học theo Công Ðồng chung Vatican II. Ðể nói về Giáo Hội hiệp thông, giáo huấn của Công Ðồng đi thẳng tới nguồn mạch: Giáo Hội là hiệp thông và là hiệp nhất vì – như thánh Ciprianô đã nói – “dân được tập hợp nhờ sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (cf LG 4). Giáo Hội là Giáo Hội Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate), là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi: là hình ảnh và là sự tham dự. Và tất cả nơi Giáo Hội đều phản ảnh Chúa Ba Ngôi cũng như tìm được mẫu mực của mình nơi sự hiệp thông của Ba Ngôi.

Ðây chính là chìa khóa để giải thích và sống đích thực tất cả những quan hệ Giáo Hội. Chúng ta biết rằng Ba Ngôi Thiên Chúa sống trong sự hiến thân cho nhau một cách ttrọn vẹn nhất: Ngôi này với Ngôi kia, Ngôi này vì Ngôi kia, và Ngôi này trong Ngôi kia. Khi sống điều răn mới của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống theo kiểu mẫu tột đỉnh của mình.

Nhưng bản chất của Giáo Hội hiệp thông đưa chúng ta đến chỗ sống trong quan hệ “Ba Ngôi” cả trên bình diện xã hội nữa: không phải chỉ yêu thương nhau giữa những cá nhân mà thôi, nhưng còn giữa các giám mục, linh mục, tu sĩ, giữa các dòng tu, các nhóm và các phong trào nữa… Yêu thương cho đến độ yêu giáo phận của người khác như giáo phận của mình, yêu Thánh Bộ của mình như Thánh Bộ của người khác, yêu đoàn sủng của người khác như đoàn sủng của mình… Yêu thương đến độ quy tụ toàn thể nhân loại vào tình yêu thương nhau, đến độ yêu Tổ quốc của người khác như của chính mình, trọng văn hóa của tha nhân như của chính mình…; đến độ thực hiện được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha… ước gì tất cả chúng nên một như Con và Cha là một”.

Rất tiếc là nhiều khi không có sự hiệp thông trọn vẹn như thế. Và điều ấy, theo một ý nghĩa nào đó, còn tệ hại hơn cả cuộc bách hại của Ðức quốc xã hoặc của Cộng sản, xét vì sự thiếu hiệp thông như thế là một cuộc tấn công Giáo Hội, không phải từ bên ngoài, nhưng từ bên trong. Nơi nào thiếu tình hiệp thông, thì các tế bào ung thư lan rộng giữa lòng Giáo Hội. Chỉ cần nghĩ đến một giáo phận trong đó không có sự hiệp thông giữa các linh mục, đức giám mục phải mất nhiều thời giờ hơn để giải quyết những vấn đề nội bộ thay vì dành thời giờ ấy cho những dự án truyền giáo hoặc để đối phó với những khó khăn đến từ bên ngoài.

3. Giáo Hội là hiệp thông huynh đệ các của cải thiêng liêng và vật chất.

Theo chứng từ của sách Tông Ðồ Công Vụ, sự hiệp thông của các Kitô hữu – như tôi đã nói trong bài suy niệm về phép Thánh Thể – phải đi tới việc sẵn sàng chia sẻ cả những của cải vật chất ở mức độ nào đó. Và điều ấy không phải chỉ trong nội bộ của một cộng đoàn mà thôi, nhưng còn giữa các Giáo Hội với nhau nữa. Sách Tông Ðồ Công Vụ nói tới nhiều cộng đoàn: cộng đoàn Giêrusalem, ở Giuđêa; các cộng đoàn ở Galilêa, Samaria (Cv 9,31), Ðamas (9,2-8.19-25), Antiôkia (11,19-21)… Ngay từ đầu, tình hiệp thông giữa các Giáo Hội có hình thức những cuộc “lạc quyên” để giúp đỡ các cộng đoàn nghèo nhất, như cộng đoàn Giêrusalem (11,29-30; 2Cr 8,1-9,15). Và tình hiệp thông ấy cũng được biểu lộ dưới hình thức hiếu khách, đón tiếp (Cv 10,6 và 48). Trong những biểu lộ cụ thể ấy, Thánh Luca nhìn thấy ý muốn chia sẻ được soi dẫn bởi những liên hệ tinh thần sâu xa nhằm nối kết các phần tử của cộng đoàn sơ khai.

Tôi muốn gợi lại đây một kinh nghiệm tôi đã trải qua cách đây nhiều năm. Năm 1954, Ðức Ông Hans Daneels ở thành phố Cologne được Hội Ðồng Giám Mục Ðức gởi qua giúp những người di cư Việt Nam. Năm 1957, khi đến gặp ngài tại Cologne, tôi thấy vẫn còn những đổ nát vì chiến tranh tại thành phố đó. Tôi hỏi ngài: “Tại sao anh em giúp chúng tôi, trong khi đất nước của anh em vẫn còn ở trong giai đoạn tái thiết như thế?” Ðức ông ấy đáp: “Ðó là sự giúp đỡ của người nghèo dành cho người nghèo hơn”. Tôi hiểu được thế nào là tình hiệp thông đích thực.

Hiệp thông và truyền giáo

Giáo Hội của Chúa Ba Ngôi, xét về nội bộ, chính là một mầu nhiệm hiệp thông được cụ thể hóa trong không gian và thời gian. Nhưng chính nhờ đó, Giáo Hội ấy trở thành dự án của Thiên Chúa đối với toàn thể mọi loài thụ tạo (cf Lg 1). “Hiệp thông phát sinh ra hiệp thông và mang hình thức cốt yếu là truyền giáo”, như Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân đã nói. Và Tông Huấn giải thích rằng: “Hiệp thông và truyền giáo có liên hệ sâu xa với nhau, thấm nhập vào nhau đến độ hiệp thông là nguồn mạch và đồng thời cũng là hoa quả của truyền giáo, hiệp thông là truyền giáo và truyền giáo là vì hiệp thông” (số 32).

Từ đó phát sinh những hệ luận cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với hàng giáo sĩ Rôma: “Chúng ta phải liên kết mật thiết với Thiên Chúa để thi hành sứ mạng hiệp thông của Ngài, sứ mạng của Thiên Chúa, của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải hiệp thông với nhau ngày càng sâu đậm, đoàn kết với nhau vì đây chính là hậu quả việc Chúa tạo dựng ta nên giống hình ảnh Ngài và cũng là hậu quả ơn gọi Kitô của chúng ta. Ðó cũng là một điều thúc bách chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng, truyền giáo và mục vụ” (Insegnamenti di Giovanni Paolô II, XIII, 1, Libreria Editrice Vaticana 1992, p.566).

Phục vụ sự hiệp nhất của Giáo Hội

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào mình, nhìn vào Giáo Hội vừa là hiệp thông và truyền giáo.

Là con cái Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những người phục vụ Hội Thánh. Chúng ta sống bởi Giáo Hội và sống vì Giáo Hội, sẵn sàng hiến mạng sống vì Giáo Hội, như Thánh Phaolô thành Tarsô, Inhaxiô thành Antiôkia, Augustinô thành Hippôna, và tất cả các Giáo Phụ. Là con cái Hội Thánh, chúng ta được mời gọi, giống như các Giáo Phụ, trở thành tông đồ, tử đạo, hiển tu và tiến sĩ theo thể thức nào? Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu nói: “Trong tâm hồn của Giáo Hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu” (Thủ Bản tự thuật B, 1v), bởi vì – Thánh nữ nói – Chúa Giêsu “chẳng cần gì những công việc của chúng ta, nhưng chỉ cần tình yêu của chúng ta” (ibid, 3v).

Trong Giáo Hội hiệp thông ấy, cách thức đặc biệt trở thành tình yêu đó được diễn tả trong sứ vụ của Giáo Triều Rôma. Ðây là một công tác phục vụ thực sự, theo gương chính Chúa Kitô, là Ðấng “không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống để cứu chuộc nhiều người” (Mc 10,45). Vì thế, Tông Hiến Pastor Bonus giải thích, “cần hiểu và thi hành quyền bính trong Giáo Hội theo tinh thần phục vụ”, để “tình hiệp thông ngày càng thể hiện được sức mạnh và tiếp tục sản xuất những hoa trái tốt đẹp” (số 1).

Một môi trường rất cụ thể trong đó chúng ta có thể thực hiện thừa tác vụ hiệp thông đặc biệt chắc chắn là sự tiếp đón các giám mục về Rôma viếng mộ các Thánh Tông Ðồ. Như Tông Hiến Pastor Bonus đã quả quyết các cuộc viếng mộ các Thánh Tông Ðồ phải là “một thời điểm đặc biệt diễn tả tình hiệp thông thuộc về bản chất của Giáo Hội” (số 5).

Ở đây chúng ta cũng nên dừng lại và ghi nhận rằng việc phục vụ của chúng ta trước hết đòi hỏi chúng ta phải hiệp thông với nhau. Cả chúng ta nữa, với tư cách là cá nhân, cũng như trong tư cách là các cha sở, các bộ, chúng ta phải noi gương hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Toàn thể Giáo Hội, và nhất là chúng ta phải sống với nhau, cho nhau và trong nhau. Như thế, các giám mục từ các đại lục khác, khi về đây, sẽ thấy được một “cộng đoàn”, “một Nhà Tiệc Ly vĩnh cửu”.

Con ngươi trong mắt

Trong cuốn “Hồng ân và Mầu nhiệm”, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kể lại, khi còn là một linh mục trẻ, Ngài được khuyên nên đến kinh thành Rôma không những để học hành, “nhưng còn để học về chính thành Rôma” nữa (Dono e mistero. Nel 50. del mio sacerdozio, Libreria Editrice Vaticana 1996, p.60). Ở tâm điểm của thành Rôma này có Giáo Triều Rôma.

Trong những năm gần đây, tôi đã tiếp tại Hội Ðồng của tôi không những các nhà ngoại giao, nhưng cả các nhóm linh mục, chủng sinh, giáo dân, người lớn và người trẻ, từ xa tới và muốn biết về công việc của Giáo Triều. Nhưng tôi lại không có dịp gặp các sinh viên giáo sĩ đang được thụ huấn tại giáo đô. Họ là “con ngươi trong mắt” của Thánh Phêrô và các Ðấng kế vị các Tông Ðồ. Thông thường họ chỉ biết Giáo Triều qua báo chí. Vậy làm sao họ có thể yêu mến và cộng tác với Giáo Triều Rôma trong tương lai, nếu ngay bây giờ họ không hay biết gì về Giáo Triều ấy?

Về việc đào tạo các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân tại trung tâm của Giáo Hội hoàn vũ, tôi thiết nghĩ có một điều rất quan trọng và thiết yếu là cần tìm ra cách thức để mọi người có cơ hội tiếp xúc sâu xa với Giáo Triều Rôma ít là một lần trong thời gian họ ở Rôma. Họ cũng có thể đậu bằng cấp ở nơi khác, nhưng không có “kinh nghiệm Rôma”.

Làm thế nào một con cá nhỏ có thể mang lại hy vọng?

Tôi muốn kết luận bài suy niệm sáng nay với câu chuyện về một kinh nghiệm rất đơn sơ cũng trong thời gian tôi bị cầm tù.

Thật khó tưởng tượng nổi sự kiện: trong những năm bị thử thách cam go (từ sau năm 1958 trở đi), các tín hữu chúng tôi lo âu dường nào, vẫn tìm mọi cách nghe lén Ðài Vatican để cảm nghe nhịp đập trái tim của Giáo Hội hoàn vũ và liên kết với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Họ làm như thế, bất chấp nguy cơ có thể bị phạt hoặc bị tù, vì như thế là nghe “sự tuyên truyền của ngoại quốc, phản động”.

Về sau, chính tôi cũng cảm thấy cùng một kinh nghiệm như vậy. Trong khi tôi bị cô lập ở Hà Nội, thì một ngày kia, một nữ công an mang lại cho tôi một con cá nhỏ để tôi nấu ăn. Vừa khi tôi thấy tờ giấy bọc con cá, tôi cảm thấy rất vui mừng, nhưng tôi cố nén lòng không biểu lộ ra bên ngoài. Tôi vui mừng không phải vì con cá, nhưng là vì tờ giấy báo bọc con cá: đó là hai trang báo “Quan Sát Viên Rôma”. Trong những năm ấy, báo này mỗi khi được gửi tới bưu điện Hà Nội, thì thường bị tịch thu và đem đi cân bán ở quầy mua giấy cũ ở chợ. Hai trang báo ấy được dùng để gói con cá nhỏ. Tôi bình tĩnh, không để cho ai thấy, và rửa sạch những trang báo đó để tẩy hết mùi tanh, rồi phơi khô và giữ nó như một thánh tích.

Ðối với tôi, trong khi bị biệt giam, những trang báo ấy là một dấu chỉ tình hiệp thông với Rôma, với Thánh Phêrô, với Hội Thánh, và đó là một vòng tay ôm từ Rôma. Giả sử không ý thức mình là thành phần của Hội Thánh, có lẽ tôi đã không sống sót nổi.

Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới đang tìm cách loại bỏ những giá trị của văn minh sự sống, tình thương, và sự thật. Hy Vọng của chúng ta chính là Giáo Hội vốn là Hình Ảnh Chúa Ba Ngôi.

Cố HY. PX. NGUYỄN VĂN THUẬN