Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Maria Tạ Phong Tần - ĐGH John Paul II và nhân dân Cuba

VRNs (29.04.2011) – Sài Gòn – Cuba- Hòn đảo xinh đẹp mang hình dáng con cá sấu vươn mình trên biển Caribe quanh năm ngập tràn ánh nắng và gió biển. Người dân Cuba sống bằng nghề trồng trọt và xuất khẩu đường, cà phê, thuốc lá tới châu Âu, Bắc Mỹ.



Theo một số tài liệu, “ngày 28/10/1492 khi Colombo nhận diện đảo này trong chuyến đi thứ nhất của ông và tuyên bố chủ quyền nhân danh triều đình Tây Ban Nha”. Tuy nhiên, tư liệu này vẫn còn gây tranh cãi và chưa có kết luận cuối cùng. Tây Ban Nha chiếm Cuba làm thuộc địa của mình trong 388 năm.

“Cộng hòa Cuba chính thức được độc lập ngày 20/5/1902, và vị lãnh đạo cuộc kháng chiến đòi độc lập Tomás Estrada Palma trở thành tổng thống đầu tiên của đất nước”. Sau nhiều cuộc nội chiến liên miên giữa các thế lực trong nước vì bất đồng quan điểm, vì bầu cử không thành công, tháng 2/1959 ông Fidel Castro trở thành Thủ tướng Cuba. Fidel Castro tuyên bố Cuba là quốc gia xã hội chủ nghĩa đi theo đường lối chủ nghĩa Mác- Lênin.

Theo Wikipedia, “Chính phủ Cuba đã bị buộc tội về nhiều hành động vi phạm nhân quyền, gồm tra tấn, tùy tiện bỏ tù, xét xử không công bằng và hành quyết không xét xử. Những người hoạt động đối lập than phiền bị sách nhiễu và tra tấn. Tuy chính phủ Cuba đã đình hoãn hình phạt tử hình năm 2001, nhưng nó vẫn không được áp dụng với những thủ phạm của một vụ không tặc có vũ trang hai năm sau đó. Các nhóm như Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch đã đưa ra những báo cáo về các “tù nhân lương tâm” Cuba. Những người đối lập cáo buộc chính phủ Cuba đàn áp tự do biểu thị quan điểm bằng cách hạn chế truy cập Internet. Chính phủ Cuba từ chối cho Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ tiếp cận với các tù nhân và các nhóm nhân quyền của họ gồm cả việc cấm Ân xá Quốc tế hoạt động tại Cuba”.

Trong bối cảnh người dân Cuba bị nhà cầm quyền Cuba (người nắm giữ quyền lực cao nhất là Fidel Castro) tước đoạt quyền con người, ngày 21/01/1998 vị sứ giả của Thiên Chúa – Đức Giáo Hoàng John Paul II lên đường viếng thăm Cuba. Một đất nước đã trải qua nhiều chục năm bị ông Fidel Castro cai trị theo đường lối vô thần hóa của chủ nghĩa Mác-Lênin và coi tôn giáo là “thuốc phiện ru ngủ nhân dân” mà người dân Cuba vẫn giữ được niềm tin đối với Chúa Yêsu đã là một kỳ tích, cho nên việc Đức Giáo Hoàng (người Công giáo gọi là Đức Thánh Cha) đến thăm Cuba được cả thế giới chú mục vào và coi là sự kiện trọng đại, được dư luận, báo chí quốc tế theo dõi và tường thuật.

Ngày 20/12/1997, trước khi lên đường, Đức Thánh Cha đã gởi một Sứ điệp đến Giáo Hội Công Giáo Cuba. Nội dung Sứ điệp Ngài đề cập hai vấn đề: Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Ý nghĩa của chuyến viếng thăm sắp đến của Ngài tại Cuba. Ở nơi mà thế lực của sự dữ và bóng tối mang hình dạng quyền lực luôn muốn xóa tan hình ảnh Chúa Yêsu trong trái tim mọi người, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Trong mùa Giáng Sinh 1997 nầy, tôi muốn khuyến khích anh chị em hãy hy vọng, vừa sống trong sự thật của Chúa Kitô; và cùng với thánh tông đồ Phaolô, tôi xin nói với anh chị em rằng: “Nếu ta sống trong Chúa Kitô, thì ta là một tạo vật mới; những điều cũ đã qua rồi, và đây, những điều mới được khai sinh cho chúng ta”, “Những người Công Giáo Cuba biết rõ rằng tôi đến thăm Ðất Nước của anh chị em, để củng cố những anh chị em Công Giáo trong đức tin, một đức tin đã nhiều lần bị thử thách, và để cùng nhau tuyên xưng, như thánh tông đồ Phêrô ngày xưa tuyên xưng trước mặt Chúa Yêsu, rằng: Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)”.

Ngài đặc biệt nhấn mạnh ngài đến Cuba “với tư cách là vị sứ giả của sự thật và của niềm hy vọng”. Quả thật, với những nạn nhân bị tước đoạt các quyền căn bản của con người là quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do kinh doanh, tự do sở hữu tài sản chính đáng… thì chỉ có “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32), chỉ có niềm hy vọng mãnh liệt mới có thể giúp họ tiếp tục sống để chờ đợi, để đấu tranh giành lấy quyền sống theo sự thật, quyền con người của mình.

Ngày 24/1/1998, hơn một triệu người dân Cuba đón mừng Đức Thánh Cha John Paul II tại Santiago và xin Ngài nói về tự do tôn giáo và tự do công dân. Điều này cho thấy dù nhiều năm dài bị cấm đoán, bị ngăn cản, bị vùi dập nhưng tự do tôn giáo và tự do công dân luôn là khao khát mãnh liệt trong tâm hồn người dân Cuba. Sự kiện này đánh dấu thời điểm người dân Cuba đã biết bước qua sợ hãi khi công khai thể hiện khát vọng tự do và chỉ có đức tin vào Chúa Yêsu mới đem lại cho họ điều này. Tại đây, Ngài đã khẳng định:

“Giáo Hội, hiện diện giữa lòng xã hội, không nhằm đi tìm bất cứ hình thức quyền hành chính trị nào khi thực hiện sứ mạng của mình; Giáo Hội chỉ muốn là hạt giống phát sinh những thiện ích của mọi người bằng sự hiện diện của mình trong các cơ cấu xã hội. Cái mà Giáo Hội nhắm đến trước hết là ngôi vị con người và cộng đồng xã hội, trong đó có Giáo Hội hiện diện, vừa biết rõ rằng con đường đầu tiên của mình là con người cụ thể với những nhu cầu và những khát vọng riêng. Tất cả nhũng gì Giáo Hội đòi cho mình, thì Giáo Hội đều đem nó ra phục vụ cho con người và xã hội…”;

“Giáo Hội được mời gọi để làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách đưa ra những lập trường can đảm và có tính cách tiên tri trước sự mục nát của quyền lực chính trị và kinh tế; bằng cách không tìm sự vinh quang hay sự giàu có về vật chất cho Giáo Hội; bằng cách xử dụng các nguồn lợi của mình để phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo và bằng sự đơn sơ trong cuộc sống của Chúa Kitô” (Redemtoris Missio, 43).

“Trước ngày Fidel Castro lên cầm quyền, số người theo Thiên Chúa Giáo tại Cuba trên danh nghĩa lên đến 85%. Qua 37 năm chịu sự đàn áp tinh vi và dã man, số người theo Thiên Chúa Giáo đã sụt xuống chỉ còn khoảng 47%, nhưng số tín đồ thật sự sống đạo chỉ khoảng 500.000 người”. Theo cơ quan thống kê quốc gia Cuba (NSO), đến cuối năm 2010 Cuba có hơn 11 triệu người, dân số Cuba năm 1998 tất nhiên phải ít hơn 10 triệu. Một đất nước chưa đầy 10 triệu dân và đã trải qua 37 năm bị đàn áp, cấm đoán đức tin mà có hơn 1 triệu người Cuba chào đón Đức Giáo Hoàng để xin Ngài nói về tự do thì quả là một phép lạ chỉ có Thiên Chúa mới làm được.

Những người cộng sản tuy miệng luôn nói “vì nước vì dân” nhưng lòng họ luôn chất chứa hận thù, không những họ luôn hung hãn gây tội ác với bất cứ ai mà họ cho rằng có thể làm cho nhân dân xem thường họ, kể cả kẻ đó là chính là Thiên Chúa và đoàn chiên hiền lành của Ngài, bất kẻ những “con chiên” ấy cũng là người dân trong nước. Người dân Cuba đã tin tưởng, chờ đợi, hy vọng và đấu tranh cho sự thật theo lời Đức Thánh Cha John Paul II. Kết quả là ngày hôm nay, nhà cầm quyền Cuba buộc phải nhượng bộ bằng cách “đổi mới” 300 điểm cho dân chúng “dễ thở” hơn trước, nhưng Raul Castro vẫn còn cố gắng làm cho người dân Cuba “nghèo đều nhau” khi khăng khăng tuyên bố ở nước Cuba XHCN “việc tích lũy tài sản vào tay cá nhân là không được phép”.

Đức Thánh Cha John Paul II gặp gỡ và tha thứ cho anh Ali Agca tại nhà tù dù anh này đã vô cớ bắn Ngài trọng thương tại quảng trường Thánh Phêrô, khi Ngài đang chúc lành cho các bệnh nhận và tín hữu. Tha thứ là đức tính của Ngài, nhưng không vì vậy mà Ngài bỏ qua các hành vi chà đạp quyền con người đối với bất cứ ai trên toàn thế giới. Vì vậy, Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo quan niệm: “Tha thứ cho nhau không có nghĩa là loại bỏ nhu cầu về công lý và càng không phải là ngăn chặn con đường dẫn đến sự thật. Ngược lại, công lý và sự thật là những đòi hỏi cụ thể để có được sự hoà giải” (C.518).

Ngày 26/6/2005, “Tờ báo L’Osservatore Romano đã tường thuật về việc khánh thành một bức tượng kính nhớ Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II tại thành phố Holguin cách thủ đô Havana của Cuba khoảng 435 dặm”. “Bức tượng bằng đồng được điêu khắc bởi các họa sĩ Cuba là Henry Wilson và Héctor Carrillo, và được đặt tại Vương Cung Thánh Đường San Isidro. Đức Cố Giáo Hoàng đang đứng với cây thánh giá, đội mũ Giáo Hoàng và đang ban phép lành”. “Khi tường thuật tin này trong phiên bản bằng tiếng Ý của tờ L’Osservatore Romano vào thứ bảy vừa qua, tờ báo cũng đã trích dẫn lại những ngôn từ của Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II khi Ngài đến viếng thăm đảo quốc này rằng: “Nguyện cho đất nước Cuba biết tự mở rộng chính mình với những khả năng hoành tráng thiên phú của mình cho cả thế giới, và nguyện xin thế giới hãy biết tự mở rộng chính mình cho đất nước Cuba.” (Nguồn Vietcatholic).

Tượng đồng của Đức Thánh Cha John Paul II được dựng lên từ đức tin và tình yêu sự thật, công lý sẽ còn tồn tại ở đất nước Cuba mãi mãi, không phải như hàng loạt những bức tượng đồng được dựng lên bằng bạo lực và quyền lực chúng ta vẫn thấy nhan nhãn khắp nơi, khi quyền lực mất đi thì (sẽ) bị người dân kéo đổ xuống cho trẻ con trèo lên chơi đùa hay đưa vào lò nấu phế liệu tan tành.

Maria Tạ Phong Tần

Toàn văn Sứ Ðiệp của ÐTC gởi Giáo Hội Công Giáo Cuba

Chư Huynh thân mến trong hàng giám mục, các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em Cuba quý mến,

“Tôi loan báo cho các người niềm vui trọng đại, niềm vui cho trọn cả dân tộc: ngày hôm nay, đã Giáng Sinh cho các người Ðấng Cứu Thế, là Chúa Kitô” (Lc 2,10-11).

Lễ trọng Giáng Sinh mà chúng ta sẽ cử hành trong vài ngày nữa – (ÐTC đã viết sứ điệp nầy trước lễ Giáng Sinh) – được tất cả mọi người Kitô cử hành đặc biệt, và những người thiện chí nam nữ trên khắp thế giới cũng tham dự vào lễ nầy. Trong lễ nầy, biến cố cao cả nhất của lịch sử được cử hành: biến cố Thiên Chúa Làm Người. Ðối diện với ngày trọng đại nầy, và trong dịp gần đến chuyến viếng thăm tông đồ của tôi tại Cuba, nơi tôi sẽ đến với tư cách là vị sứ giả của sự thật và của niềm hy vọng, tôi muốn gởi đến tất cả những con cái nam nữ của đất nước Cuba, lời chào chúc chân thành, vừa xác nhận lại lòng quý mến của tôi đối với anh chị em trong Chúa Kitô. Thật là một lý do để vui mừng vì ngày trọng đại nầy trở lại trong đất nước của anh chị em như là ngày lễ nghỉ, cả trong lãnh vực dân sự, và như thế làm cho tất cả được tham dự tích cực vào những cử hành Giáng Sinh và sống lại một truyền thống đã được ăn rễ sâu trong tâm hồn người dân Cuba.

Vì là lễ trọng cử hành Mầu Nhiệm Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đến độ đến trong thế gian và chia sẻ cuộc hành hương của chúng ta trên trần gian nầy, nên lễ Giáng Sinh là lễ của tất cả mọi người, được mời gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta nhắc lại Mầu Nhiệm cao cả: Mầu nhiệm Ngôi Lời làm người và sống giữa chúng ta” (Gn 1,14). Và “những ai đón nhận Nguời, thì được quyền trở nên con cái của Thiên Chúa (Gn 1,12). Trong sự đơn sơ và khiêm tốn của Bêlem, đã được thực hiện một cuộc trao đổi tận căn và sâu xa mà nhân loại chưa bao giờ có; và do bởi cuộc trao đổi nầy mà thời gian của con người được xác định lại trong thời đại chúng ta, kể từ biến cố Chúa Giêsu sinh ra.

Kể từ giây phút Con Thiên Chúa Nhập Thể, thì con người không còn cô đơn nữa, bởi vì Thiên Chúa sống với chúng ta, chia sẻ những niềm vui và đau khổ của chúng ta. Ngài là Ðấng Eâmmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được loan báo từ thời xa xưa trước (Mt 1,23). Giáng Sinh là thời gian đẹp nhất, được cảm mến nhất trong năm, trong đó được thể hiện những tâm tình cao thượng nhất trong con tim con người, vừa tạo ra môi trường đầy tươi vui, an bình, tốt lành và liên đới, những đặc điểm của lễ Giáng Sinh. Lễ trọng Giáng Sinh, trong những hình thức biểu lộ muôn mặt của nó, là phần gia tài văn hóa và tôn giáo của đất nước Cuba. Trong ngày đó, thánh lễ Nửa Ðêm và hang đá, với vẽ đặc biệt của nó, sẽ quy tụ quanh Chúa Giêsu Hài Ðồng toàn thể gia đình, và tất cả các gia đình lại với nhau, để vui mừng đón nhận ánh sáng và bình an từ trời xuống và soi sáng cho tương lai của toàn thể dân tộc. Tôi mong muốn tất cả mọi người dân Cuba có thể sống ngày rất được cảm mến nầy, với tâm tình hy vọng, bởi vì không có niềm hy vọng, thì sự hăng say sẽ bị tắt đi, sức sáng tạo sẽ bị giãm bớt, và khát vọng hướng về những giá trị cao thượng hơn sẽ bị tan biến đi.

Hỡi những người dân Cuba thân mến, vào lúc gần đến giây phút tôi cúi xuống hôn đất của anh chị em, tôi xin gởi lời kêu gọi đến tất cả mọi người, không phân biệt niềm tin, không phân biệt ý thức hệ, chủng tộc, ý kiến chính trị và hoàn cảnh kinh tế. Tôi mong muốn cho những lời tôi nói được vang đến những ai có trách nhiệm nặng nề phải điều hành vận mệnh của Quốc Gia, cũng như vang đến những người dân bình thường, vừa cầu chúc cho mỗi người được thịnh vượng, hạnh phúc và bình an.

Trong mùa Giáng Sinh 1997 nầy, tôi muốn khuyến khích anh chị em hãy hy vọng, vừa sống trong sự thật của Chúa Kitô; và cùng với thánh tông đồ Phaolô, tôi xin nói với anh chị em rằng: “Nếu ta sống trong Chúa Kitô, thì ta là một tạo vật mới; những điều cũ đã qua rồi, và đây, những điều mới được khai sinh cho chúng ta. Phần chúng tôi đây, chúng tôi hành xử như những sứ giả của Chúa Kitô, dường như thể Thiên Chúa khuyến khích anh chị em qua chúng tôi. Anh chị em hãy để mình được hòa giải với Thiên Chúa. Chúng tôi khuyến khích anh chị em đừng lãnh nhận ân sủng của Chúa một cách vô ích. Ðây là thời gian thuận tiện, đây là ngày cứu rỗi chúng ta” (2Cor 5,17;6,2).

Những người Công Giáo Cuba biết rõ rằng tôi đến thăm Ðất Nước của anh chị em, để củng cố những anh chị em Công Giáo trong đức tin, một đức tin đã nhiều lần bị thử thách, và để cùng nhau tuyên xưng, như thánh tông đồ Phêrô ngày xưa tuyên xưng trước mặt Chúa Giêsu, rằng: Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Tôi muốn đi qua trên những con đường hòa bình tại nhiều giáo phận Cuba, và chạm đến được con tim của Dân Tộc Cuba, đến duới chân của Mẹ Maria Nữ Vương, là Mẹ và là Quan Thầy, là Ðức Nữ Ðồng Trinh của Tình Bác Ái. Tôi sẽ đặt vòng hoa trên đầu Mẹ, vòng hoa mà các con cái Mẹ dâng lên, vòng hoa được kết thành bởi những gì đã được tinh luyện bởi những thử thách của những năm sống trung thành với Ðức Tin, và bởi những hạt ngọc quý giá là những công việc làm tốt của những con cái Mẹ.

Nhờ ơn Chúa, sắp đến lúc tôi được ở trên đất nước của anh chị em, để cùng với anh chị em mà tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa và công bố Lời ban sự sống, mời gọi mọi người hãy mở cửa tâm hồn mình cho Chúa Kitô.

Tôi hy vọng rằng sau chuyến viếng thăm, Giáo Hội, một khi đã được công khai làm chứng cho đức tin của mình vào Chúa Kitô và làm chứng cho sự tận tâm phục vụ của mình cho con người, quanh người kế vị Thánh Tông Ðồ Phêrô, thì có thể được tiếp tục hưởng mỗi ngày một nhiều hơn, (hưởng được) sự tự do cần thiết để thi hành sứ mạng và được hưởng những khoảng rộng tương xứng để hoàn tất trọn vẹn sứ mạng đó, và để tiếp tục đóng góp công việc phục vụ cho dân tộc Cuba.

Tôi cầu chúc tất cả mọi người dân Cuba một lễ Giáng Sinh đầy hạnh phúc và một Năm Mới thịnh vượng, vừa đặt trước hang đá Belem, trước mặt Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc con người, (đặt truớc Chúa) những niềm hy vọng chính đáng mà cuộc hành hương của tôi trên đất nước anh chị em có thể khơi dậy, với niềm xác tín rằng Thiên Chúa, Ðấng đã bắt đầu công việc nầy, thì Ngài sẽ đưa nó đến sự hoàn tất.

Trong khi chờ đợi được đích thân ban phép lành Tòa Thánh cho anh chị em, trong những cử hành mà chúng ta sẽ trải qua, tôi khẩn xin Chúa ban xuống mọi hồng ân cho những con cái nam nữ của Ðất Nước yêu quý nầy và tôi xin trao phó anh chị em cho sự cầu bàu đầy tình hiền mẫu của Ðức Nữ Ðồng Trinh của Tình Bác Ái, Nữ Vương và Quan Thầy của Cuba.

Vatican ngày 20 tháng 12 năm 1997.
Ký tên: Gioan Phaolô II