Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Cái rương đựng thủy tinh vỡ

VRNs (13.05.2011) – Internet – Có một ông lão goá vợ và sống cô đơn. Cả cuộc đời ông thật vất vả với nghề làm may, nhưng rủi thay ông không còn đồng xu dính túi, và giờ đây ông quá già để có thể làm việc sinh nhai.Tay ông quá run rẩy nên không xỏ được chỉ, và mắt ông đã lòa để có thể may thẳng đường kim.



Ông có ba người con trai, nhưng họ đã lớn và đã lập gia đình riêng, bây giờ họ quá bận rộn với cuộc sống nên chỉ ghé ngang thăm ông mỗi tuần một lần trong bữa ăn tối.

Dần dà ông lão ngày càng yếu, và các con ông ghé thăm ngày càng ít đi. Ông thầm nhủ, “Bây giờ chúng không muốn đến với mình, chỉ vì sợ rằng mình sẽ trở nên gánh nặng cho chúng.” Ông thức trắng đêm lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao, sau cùng ông nghĩ ra được một kế hoạch.

Sáng hôm sau, ông đến thăm người bạn già làm thợ mộc, và xin ông này một cái rương lớn. Sau đó ông đến thăm người bạn thợ khóa, và xin một ổ khóa cũ kỹ. Sau cùng ông đến thăm người bạn thổi chai lọ, và xin tất cả các mảnh thủy tinh vụn.

Ông lão vác chiếc rương về nhà và đổ đầy thủy tinh vào trong ấy, sau đó ông khóa lại và đặt bên dưới bàn ăn. Khi các con ông đến thăm và ăn tối với ông, chân họ đụng phải cái rương ấy.

“Trong rương này có gì vậy?” họ vừa hỏi vừa nhìn xuống gầm bàn.

Ông lão trả lời, “Ô, có gì đâu, mấy thứ bố dành dụm được ấy mà.”

Các người con đưa chân lay nhẹ và cảm thấy rương thật nặng. Họ đá mạnh và thấy có tiếng kêu bên trong. “Chắc là đầy vàng mà ổng dành dụm bao năm,” cả ba thì thầm với nhau.

Rồi họ bàn tán về điều đó và thấy rằng họ cần phải bảo vệ báu vật ấy. Họ quyết định thay phiên nhau sống với ông lão, và nhờ vậy họ cũng chăm sóc ông ta. Do đó tuần thứ nhất người con út đến ở với người cha, và chăm sóc cũng như nấu ăn cho ông. Tuần sau, đến phiên người con thứ, và tuần thứ ba đến phiên người con cả. Cứ như vậy trong một thời gian.

Sau cùng người cha nhuốm bệnh và từ trần. Các con ông chôn cất rất tử tế, vì họ biết rằng cả một kho tàng ở dưới gầm bàn ăn, và giờ đây họ có thể phung phí chút đỉnh.

Khi xong đám tang, họ lục soát trong nhà cho đến khi tìm ra chìa khóa và mở cái rương ấy. Và dĩ nhiên họ chỉ thấy toàn là thủy tinh vụn.

“Thật là một thủ đoạn đê hèn!” người con cả gầm lên. “Cho con cái của mình mà như vậy thì xấu hổ biết chừng nào!”

“Nhưng sự thật thì bố mình biết làm gì khác hơn?” người con thứ buồn rầu lên tiếng. “Chúng ta phải thành thật mà nói, nếu không có cái rương này, chúng ta đã bỏ rơi bố mình cho tới ngày bố từ trần.”

“Em thấy thật xấu hổ,” người con út nức nở. “Chúng ta đã buộc cha mình phải hèn hạ lừa dối, vì chúng ta không tuân theo điều răn mà người đã dậy chúng ta khi còn nhỏ.”

Người con cả không nói gì, hắn nghiêng cái rương sang một bên để biết chắc là không còn gì giá trị giấu ở trong đó. Hắn ôm cái rương lên và đổ đống thủy tinh vụn trên sàn nhà cho đến khi rương rỗng tuếch. Và rồi cả ba người con trố mắt nhìn vào bên trong, ở đó có hàng chữ mà người cha đã ghi khắc: “HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ.”

Tác giả Vô Danh
Giáng Tiên lược dịch