Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Hãy đi trong bình yên

VRNs (16.05.2011) – Sài Gòn – Cho đến giờ phút ngồi viết những giòng chữ này, tôi vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng. Tôi không nghĩ và không thể nghĩ nó là sự thật. Chiều nay, khi thu xếp được công việc, tôi đã đến ngay nhà Hiệp để thăm gia đình, từ đầu ngõ, Trang (vợ của Hiệp) đã thấy tôi, Trang chạy ra ôm chầm lấy tôi, tôi không biết làm gì hơn là ôm lấy Trang mà vỗ về. Tôi chẳng nói được gì với Trang, thật ra không biết nói gì, phần Trang đôi mắt đỏ hoe, nhưng hình như Trang không khóc, nét bàng hoàng ngơ ngác như không tin vào sự thật, nó nhanh và bất ngờ đến độ không ai tin đó là sự thật.



Mẹ của Hiệp nghẹn ngào trong nước mắt, “nó đi bỏ lại hai đứa con thơ, đau đớn quá cha ơi”. Quan tài của Hiệp được đặt ngay giữa nhà, hình của Hiệp rạng rỡ giữa chùm hoa nến, Hiệp nằm trong đó, không ai dám mở ra nhìn, nhìn làm gì cho thêm đau đớn, Trang nói với tôi: “Bố biết không, anh Hiệp mới nói với con, anh không về nhà ngay đâu, anh đi Chợ Lớn lấy hàng, ghé bố rồi mới về”.

Anh của Hiệp có cái hẹn với chúng tôi vào buổi sáng, nhưng rồi anh ấy không đến, một cuộc điện thoại reo vào máy người bạn trong nhóm, anh báo không đến được vì Hiệp vừa qua đời, theo người bạn kể lại, tiếng anh khô khốc lạnh lùng khi báo tin: “Hiệp bị xe lửa cán chết rồi”. Tôi hoảng loạn trước tin dữ: “Tại sao nó chết ?” Anh của Hiệp kể lại cho tôi nghe: “Nó đi trực đêm, sáng tan ca về, ngang đường sắt thì bị đầu máy xe lửa cán chết”. Một người bạn khác nhà ngay gần chỗ tai nạn thẫn thờ nói: “Sáng nay con nghe tiếng còi tàu, ngờ đâu đó là tiếng còi tiễn đưa Hiệp”.

Hiệp hiền lành, tính tình vui vẻ. Tôi biết cả Hiệp và Trang khi hai đứa còn bé, vì cả hai cùng làm việc với tôi nên quen nhau. Ngày trước Trang thường hay hỏi tôi nhiều chuyện lung tung, nhất là hay khóc rồi lại hay cười, nên tôi đặt tên là “con bé Phức Tạp”. Trước ngày cưới, tôi “cảnh giác” Hiệp: “Hắn phức tạp lắm đấy nhé”, Hiệp cười: “Dạ, con thương cái phức tạp”. Cưới nhau rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn trêu: “Có còn phức tạp không ?”, “Vẫn phức tạp bố ạ”.

Hiệp làm việc cho Công ty Điện Lực, ngoài giờ làm việc ở công ty, Hiệp và Trang được sự giúp đỡ của người anh nên cộng tác với chúng tôi một số việc, hai vợ chồng chắt bóp trong 7 năm lấy nhau, được cha mẹ và người anh nâng đỡ, hai đứa vừa mới bắt đầu xây nhà riêng, ngày Hiệp chết là ngày bắt đầu đổ bê tông móng, mẹ của Hiệp cứ vật vã bên hai đứa cháu nội ngây thơ, thật đau lòng.

Câu chuyện thương tâm thật đơn giản, Hiệp băng ngang đường sắt, lúc ấy đầu máy xe lửa trờ đến, chiếc xe hai bánh của Hiệp bị húc văng sang một bên, còn Hiệp thì bị cuốn vào gầm đầu máy, bị lôi đi khoảng 50m và bị cán chết ( báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ năm 12 tháng 5 năm 2011 ).

Đã từ lâu tôi để ý về quãng đường sắt này. Đoạn từ chợ Bến Thành đến ga Hòa Hưng đã được bóc lên trở thành đường nhựa giao thông, góp phần rất đáng kể vào việc tránh kẹt xe trong thành phố, chắc chắn không còn một tai nạn nào gây ra bởi xe lửa chạy qua, chắc chắn không còn cảnh mỗi khi xe lửa chạy thì gây kẹt xe hàng giờ sau đó. Ga xe lửa Sàigòn năm xưa giờ một phần là công viên, làm tăng thêm những mảng xanh hiếm hoi trong thành phố, làm lá phổi của thành phố bớt teo tóp, làm thành phố dễ thương hơn, rộng rãi hơn. Tại sao quãng đường sắt từ ga Hòa Hưng đến Bình Triệu không được giải tỏa bóc lên ?

Nếu đoạn đường sắt từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu được bóc lên, chúng ta sẽ có thêm một con đường giải tỏa giao thông, không những giải tỏa giao thông mà còn rút ngắn giao thông giữa hai địa điểm Hòa Hưng và Bình Triệu. Chắc chắn không còn cảnh kẹt xe bực bội mỗi khi xe lửa di chuyển qua các đường giao thông, chắc chắn không bao giờ có những tai nạn thương tâm như tai nạn đã xảy ra cho Hiệp và đã cho bao nhiêu người khác. Không gì xấu xí cho bằng hai hàng rào bằng sắt chạy dọc đường sắt, ngăn đôi hai khu dân cư trong nội thành như vậy. Không hiểu ai đã có sáng kiến thật kỳ cục và tiêu tiền vào những công trình cực kỳ xấu xí như vậy. Nếu di chuyển ga Hòa Hưng ra ga Bình Triệu hoặc ga Sóng Thần, một mặt ta có tất cả những lợi điểm nêu trên, một mặt ta có được tuyến xe buýt từ ga đầu mối này vào thành phố, tăng cường thêm phương tiện giao thông công cộng.



Làm sao người dân an tâm sinh sống?

Tôi đã có nghe một ý kiến nói rằng, xưởng bảo trì đầu máy xe lửa nằm ở Hòa Hưng, di chuyển rất tốn kém và phức tạp. Có thật vậy không? Có thật là không thể di chuyển xưởng bảo trì đi, hay là khu đất ga Hòa Hưng đang là khu đất vàng, cực kỳ vàng, đang từng ngày được xẻ ra dần dần, khi nào xẻ xong hết thì việc di chuyển xưởng lại khá dễ dàng ! Tôi đã sinh sống lâu năm ở thành phố này để thấy cái ga Hòa Hưng rộng thênh thang lộng gió nay đang hẹp dần. Những ngôi nhà bạn bè chúng tôi bên vòng đai tường thành ga, cuối con hẻm cụt nay trở nên khoảng giữa của một con đường, con đường bất ngờ khiến chúng tôi kiếm không ra nhà bạn chỉ sau một thời gian không đến.

Những người có trách nhiệm họ quan tâm điều gì ? Những món lợi cho họ hay những cái thiệt hại mà người khác phải chịu, họ có nghĩ đến nét đẹp của thành phố này hay chỉ nghĩ đến túi tiền của họ, bao nhiêu cái chết thương tâm không hề làm lay chuyển lòng họ, nếu người chết bởi tai nạn xe lửa trong thành phố là người thân của họ, họ nghĩ sao ? Họ có nghĩ đến bao nỗi muộn phiền của bao nhiêu nạn nhân hàng ngày mấy lần kẹt xe qua các giao lộ ? Họ có nghĩ đến những thiệt hại của người khác do những lần kẹt xe gây ra ?

Hiệp đã chết. Cái chết đột ngột, sự ra đi của Hiệp làm tan nát đời người góa phụ trẻ với hai đứa con thơ, thiệt hại tinh thần không thể bù đắp, mạng người vô giá, cái tốn kém của việc di chuyển xưởng bảo trì đầu máy không thể so sánh với mạng người, tôi mong những người có trách nhiệm khẩn cấp tính toán cho công trình này sớm thực hiện.

Giêrađô Nguyễn Lương Hiệp, thắp cho em một nén nhang, một lời nguyện cầu, thương Hiệp nhiều lắm, không biết Hiệp đã kinh hoàng thế nào trong giây phút bị cuốn mình vào gầm xe, xin cho Hiệp được Bình An trong Chúa, được yên nghỉ đời đời. Amen.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 12.5.2011
Nguồn: Ephata 459