Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Mục tiêu giáo dục của bậc Giáo dục phổ thông hướng nghiệp

VRNs (26.06.2011) – Hà Nội – Bản dự thảo đề án CCGD này chỉ đi sâu vào bậc giáo dục tiểu học (nay quan niệm lại thành bậc Giáo dục phổ thông cơ sở).



Trong phần nói về mục tiêu của bậc Giáo dục phổ thông hướng nghiệp, đề án này chỉ nêu lên các quan điểm, để từ đó gợi ra những cách làm chắc chắn sẽ được các chuyên gia tài năng xuất trình.

Tại đây, đề án sẽ đưa ra các vấn đề sau:

1./ Về quan niệm: tại sao lại gọi là bậc giáo dục phổ thông hướng nghiệp, và bậc học đó khác về căn bản với trường học nghề (trường dạy nghề) ra sao?

2./ Về tổ chức: tiếp sau bậc giáo dục phổ thông hướng nghiệp, công việc dạy nghề cho thanh thiếu niên sẽ nằm trong tay của chỉ một tổ chức do Nhà nước nắm, hay là sẽ được cả xã hội tham gia?

3./ Về nội dung: bậc học giáo dục phổ thông hướng nghiệp nên có những môn học gì và cách tiến hành các môn học đó sẽ như thế nào?

Trong phần nói về mục tiêu của bậc Giáo dục phổ thông hướng nghiệp, đề án này chỉ nêu lên các quan điểm, để từ đó gợi ra những cách làm chắc chắn sẽ được các chuyên gia tài năng xuất trình.

-----------------------------------------------------------

Vấn đề thứ nhất: quan điểm về dạy nghề và hướng nghiệp.

Xuất phát điểm của đề án CCGD này là triết lý của nó: HẠNH PHÚC ĐI HỌC, hạnh phúc của con người ở cương vị là học trò và sau đó là ở cương vị con người có khả năng sống hài hòa với nền văn minh đương thời.

Nếu thật lòng nghĩ đến hạnh phúc ở cương vị những học trò, thì cần xử lý vấn đề sau: Làm cách gì để người học thấy rằng việc học theo hệ hướng nghiệp không phải là một sự “thua chị kém em”? Làm cách gì để thu hút học sinh vui vẻ vào học hệ hướng nghịêp, thay vì nhận các học sinh trong tâm trạng “chuột chạy cùng sào mới vào hướng nghiệp”?

Nhà triết học đương thời Mỹ Mortimer J. Adler (mới mất năm 2001) có một nhận xét rất tinh tế về nguyên nhân vì sao học sinh không thích chọn hệ hướng nghiệp, mà chỉ thích học lên mãi, để rồi thi trượt đại học, và thậm chí để rồi học xong đại học thì thất nghiệp cũng được.

Ông lần tìm nguyên nhân về tận thời cổ đại, khi đó công cuộc giáo dục chỉ giành cho những con người tự do, còn công việc dạy nghề là giành cho những người thuộc thân phận nô lệ.

Adler nói rõ, quan niệm đó kéo dài đến tận đầu thế kỷ 20, và vào năm 1916, John Dewey đã phải viết để nói rõ ra rằng “dạy nghề thuần túy thì chỉ để giành cho con vật và cho người nô lệ, để biến chúng thành những bánh răng của những cỗ máy công nghiệp . Còn con người tự do cần phải được hưởng một nền giáo dục tự do”.

Adler nhắc tới những dòng được nhà kinh tế học Anh Adam Smith viết từ năm 1776 để biện hộ cho yêu cầu giáo dục phổ thông tối thiểu cho các công dân. Adam Smith nhấn mạnh rằng một con người không có khả năng sử dụng các năng lực trí tuệ của mình thì không hoàn toàn là người. Ông mô tả sự lố lăng của người công nhân không có tay nghề khi cuộc “phân công lao động” biến anh ta thành người chỉ biết làm vài ba thao tác giản đơn khiến anh ta trở thành khúc ruột thừa của tiến trình công nghiệp.

Một người công nhân như thế, theo Adam Smith, “trở nên ngớ ngẩn và ngu dốt vì không thể trở thành một con người theo cái nghĩa hoàn chỉnh “con người”. Những con người ấy sống lờ phờ uể oải và không thể nào có nổi một ngôn ngữ duy lý, càng không thể đẻ ra bất kỳ tình cảm đẹp nào, và do đó cũng không sao có nổi một sự đánh giá về đạo đức liên quan đến những nhiệm vụ thông thường trong cuộc đời riêng tư của mình.“

Adler kết luận chắc nịch: “Chúng ta phải giải quyết vấn đề làm cách nào mang lại cho tất cả trẻ em – từ những em ít năng khiếu bẩm sinh nhất đến những em được trời phú nhiều nhất – đều được hưởng cùng một nền giáo dục như nhau cho con người có thân phận tự do, là điều trong quá khứ chỉ đem lại cho một thiểu số dân cư thôi. Tương lai của nền dân chủ của chúng ta tùy thuộc vào mức độ thành công của chúng ta trong công việc này.”

Cái việc cùng hưởng một nền giáo dục như nhau cho con người có thân phận tự do như vừa nói được giải quyết trong bậc học phổ thông hướng nghiệp như được đề xuất trong đề án CCGD này.

Mục tiêu của bậc học phổ thông hướng nghiệp theo đề án CCGD này do đó sẽ gồm có:

• Nội dung chương trình giáo dục phải vừa khai thác phần giáo dục phổ thông cơ sở và vừa được nâng cao lên nhằm giúp người học yêu thích một công việc “sản xuất” cụ thể và không chỉ yêu mà còn có đủ năng lực theo học chuyên sâu vào một nghề nào đó.

• Nội dung chương trình giáo dục lại phải tạo ra một sự liên thông nhất định để người học sinh bậc phổ thông hướng nghiệp có thể chuyển đổi định hướng cá nhân cả trước khi vào học một trường dạy nghề lẫn sau khi đã tốt nghiệp từ trường dạy nghề.

•Nội dung tự chọn ngay từ chương trình giáo dục chung hoặc một chương trình do học sinh tự định đoạt với sự tư vấn của giáo viên, để ngay khi đang học ở bậc phổ thông hướng nghiệp thì một học sinh nào đó cũng đã có thể tự chuẩn bị cho mình một hoặc một vài định hướng khác nhau.

Xét trên phương diện chương trình giáo dục, các mục tiêu ở bậc phổ thông hướng nghịêp sẽ phải vừa đủ cụ thể (cố định, bảo đảm một định hướng rõ ràng, không tạo tâm lý lông bông cho học sinh) lại vừa đủ tự do (co giãn, linh họat) bảo đảm cho người học có thêm chọn lựa ngay trong quá trình đã có một định hướng riêng của mình.

Một chương trình giáo dục như vậy rất cần đến một hệ thống tổ chức vừa chặt chẽ, có tính hệ thống, lại vừa mềm dẻo, như ta sẽ xét dưới đây.

Vấn đề thứ hai: Tổ chức hệ thống dạy nghề sau giai đoạn phổ thông hướng nghiệp.

Bản đề án CCGD này hình dung sẽ được tiến hành trong nhiều chục năm, khi những bất cập về tổ chức như hiện đang có sẽ được xóa bỏ, và việc tổ chức các trường dạy nghề sẽ được tự do hóa (“xã hội hóa” như cách nói hiện thời) hơn rất nhiều.

Vì vậy, đề án này hình dung công việc tổ chức các trường học nghề một cách hết sức rộng rãi, tự do (mặc dù các hình thức tổ chức đó đã thành phổ cập ở các nước công nghịêp hóa).

Tự do hóa các hình thức tổ chức hệ thống trường học nghề là nhằm chống quan liêu hóa ngành học đó, và cũng nhằm thỏa mãn hai mặt của cuộc sống: Làm cách gì để có được nhiều nơi học nghề cho thanh thiếu niên; và làm cách gì để hệ thống trường dạy nghề gần gũi hơn, thuận lợi hơn cho sự phát triển công nghiệp của đất nước.

Nên nhớ: một đất nước như Izrael, nơi nền kinh tế phát đạt được dựa trên yếu tố trí tuệ của nhân dân, ở đó số trường cao đẳng dạy nghề chiếm gấp ba lần số trường đại học – chứ không ngược lại như ở nước khác!

Ta có thể hình dung những lực lượng xã hội nào sẽ đứng ra mở các trường và các lớp, thậm chí các nhóm học nghề đó?

Sẽ có rất nhiều hình dáng, nhưng tựu trung các trường lớp dạy nghề tập hợp quanh các hình thù sau:

• Loại trường lớp do Nhà nước đứng ra mở. Có thể dễ dàng hình dung loại trường này như chúng đang có mặt ở khắp nơi.

Chỉ thêm một điều đáng chú ý: Trong điều kiện không có cạnh tranh, các trường dạy nghề của Nhà nước (như hiện đang tồn tại) thì vừa thiếu lại vừa yếu về chất lượng. Vì sao? Vì học sinh vào học loại trường này trong tâm thế bị bó buộc; vì chúng chưa gắn bó với sản xuất và kinh doanh nên chúng không có nhu cầu dạy giỏi; và nói chung là vì chúng không có nhu cầu gắn bó trường mình với thực tế cuộc sống.

Nhưng trong tương lai, khi các hình thức trường dạy nghề khác được dịp cạnh tranh – khi học sinh của họ ra trường do có tay nghề cao nên có thể có việc làm ngay – thì các trường dạy nghề của nhà nước sẽ tự động phải lột xác.

• Loại trường do các xí nghiệp mở, chuyên đào tạo nghề cho nguồn nhân lực sẽ cung cấp cho doanh nghiệp của mình (kiểu Học viện Toyota của Nhật Bản).

Trong loại trường này, có thể có trường với quy mô to tát, nhưng cũng có thể có trường với quy mô gọn nhẹ. Cũng có thể có loại trường (hoặc lớp) mở lâu dài, tạo thành nền nếp trong nhiều năm, lâu dần sẽ thành truyền thống của hẳn một thương hiệu, nhưng cũng có thể có những trường hoặc lớp thuộc loại này chỉ mở theo “thời vụ” hoặc mở theo yêu cầu của một đợt công việc đột xuất nào đó cho một nhóm đối tượng nào đó.

• Loại trường dạy nghề thứ ba có thể do các tổ chức từ thiện, các đoàn thể tôn giáo, các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa, nghề nghiệp… mở ra cho hội viên mình và những người ngoài hội học ghé.

Trường cho người mù của ông Nguyễn Văn Thiện mở ở Hà Nội từ đầu những năm 1940 thế kỷ trước, và loại trường của diễn viên Mỹ đóng vai “Siêu nhân” Christopher Reeve mở năm 1995 sau tai nạn khiến ông bị liệt toàn thân, các loại trường dạy âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, môi trường… theo các đề án của các Hội được mở cho thanh thiếu niên các châu lục … được tính vào loại trường dạy nghề này.

Việc hình dung ra các kiểu tổ chức trường lớp dạy nghề đa dạng chính là để nhấn mạnh vào một đặc điểm không thể không có trong giai đoạn trường phổ thông hướng nghiệp, mà nếu thiếu đặc điểm này, những con người được “học nghề” sẽ chỉ trở thành những sản phẩm bị cắt xén, bị làm cho què quặt, mà hệ quả nhỡn tiền là họ không yêu nghề mặc dù đang học nghề, và toàn bộ nỗ lực dạy nghề sẽ bị coi như là những áp đặt cho những học trò miễn cưỡng theo học, sự học nghề với họ sẽ thành một nỗi khổ – và thế là vĩnh viễn không có nổi niềm HẠNH PHÚC ĐI HỌC!

Do đó mà cần hình dung tiếp vấn đề thứ ba thuộc về nội dung bậc học giáo dục phổ thông hướng nghiệp.

Bậc học này cần có những môn học gì và cách tiến hành các môn học đó sẽ như thế nào?

Vấn đề thứ ba: Nội dung giáo dục ở bậc phổ thông hướng nghiệp.

Trước khi xem xét nội dung chương trình giáo dục cho bậc phổ thông hướng nghiệp, ta cần thống nhất lại một lần nữa, rằng những năng lực đã được tạo ra cho học sinh ở bậc phổ thông cơ sở là những năng lực chắc chắn, có tính hành dụng cao, có khả năng nảy nở (phát triển) mạnh.

Chắc chắn, vì đó là những năng lực được tạo ra trên cơ sở khoa học, không mang tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa.

Có tính hành dụng cao, vì những điều được học đều có thể đem ứng dụng vào thực tiễn.

Và có khả năng phát triển mạnh, vì đó là những điều học được không với tư cách là những “kiến thức” học thuộc lòng, thậm chí những điều học cốt để đi thi, mà đó là cả một hệ thống phương pháp học giúp học sinh tự tìm đến trí tuệ người, do đó cũng tạo ra năng lực tự học và thói quen tự học. Mà hễ đã là tự học thì nhất thiết sẽ có khả năng phát triển mạnh.

Những điều đã được học đó, với tính chất chắc chắn, hành dụng và phát triển, đều là sản phẩm của giai đoạn “nền tảng” – giai đoạn giáo dục phổ thông cơ sở.

Nay, những trang thiếu niên sau khi qua bậc giáo dục phổ thông cơ sở đó sẽ lên bậc giáo dục phổ thông hướng nghiệp, và các em sẽ tiếp tục học những gì và học như thế nào để thành những con người trưởng thành, háo hức học nghề để có thể tự nuôi sống mình và làm giàu cho đất nước?

Những điều đem lại cho các em trong chương trình giáo dục ở bậc phổ thông hướng nghiệp vẫn sẽ chẳng ra ngoài những nội dung khoa học, nghệ thuật, và xã hội học. Đó mới là “hướng nghiệp”, chứ chưa là “nghiệp vụ” hoặc “chuyên nghiệp”.

Về khoa học, các em vẫn phải tiếp tục học:

• Toán học để có công cụ lô-gich và chính xác dùng cho nghề nghiệp sẽ học ở trường dạy nghề;

• Học Ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài), để học cách tự trang bị kiến thức nghề nghiệp và biết cách giao tiếp có hiệu quả với đồng nghiệp,

• Học về Môi trường sống, để có năng lực đồng hành với công cuộc hát triển bền vững đất nước;

• Và học các môn Khoa học về Đất, khoa học về Nước, khoa học về Năng lượng, khoa học về Sự sống, để chuẩn bị cho các em vào các chuyên ngành.

Cũng có thể tính những môn khoa học xã hội-nhân văn vào các môn khoa học vừa kể đến, nhưng lại nên tách chúng ra để thấy hết tầm quan trọng của các môn học mới này ở trường phổ thông hướng nghiệp. Đó sẽ là các môn:

• Tâm lý học, để dạy các em cách sống với đồng nghiệp, tuy đồng thuận với nhau mà vẫn giữ được bản tính cá nhân;

• Đó là Xã hội học để tạo cho các em năng lực xem xét và xử lý các vấn đề trong đời sống cộng đồng một cách thực chứng;

• Đó là Lịch sử và Địa lý (được xoay quanh những chủ đề nghề nghiệp) để các em có cách nhìn đẹp và biện chứng đối với các loại nghề nghiệp cũ và mới của dân tộc, của đất nước.

Còn với các môn nghệ thuật, hệ thống giáo dục phổ thông hướng nghiệp sẽ phải chú trọng cung cấp cho các em:

• Những chuyên đề lịch sử các bộ môn nghệ thuật, từ đó giúp các em đi vào

• Các hoạt động nghệ thuật thực thụ theo năng lực và nhu cầu cùng sở thích riêng (chứ không chỉ thụ động “tận hưởng” những trình diễn nghệ thuật của kẻ khác). Như đã trình bày ở trên, nội dung như thế đã hàm chứa cách học. Song vẫn cần nhấn mạnh thêm rằng cách học của các em ở bậc phổ thông hướng nghịêp này sẽ khác với bậc học phổ thông cơ sở.

Khác ở chỗ nào?

Ở bậc phổ thông cơ sở, cái linh hồn của một môn học nằm trong khái niệm hoặc cách tồn tại của môn học đó. Ở bậc phổ thông cơ sở, tinh túy của cách học nằm trong phương pháp chiếm lĩnh cái phần xác của môn học đó. Cho nên, đã có chỗ nói rõ rằng, bậc phổ thông cơ sở là bậc phương pháp, là bậc học cách học.

Lên bậc phổ thông hướng nghiệp, cái linh hồn của mỗi môn học nằm trong sự hấp dẫn của tư liệu, là bậc học để thỏa mãn trí tò mò của người học; cách học mỗi môn học ở bậc phổ thông hướng nghiệp sẽ đi theo trục lịch sử vấn đề. Ở bậc phổ thông hướng nghiệp, học sinh có các tài liệu giảng dạy các môn học, ngoài ra còn được khuyến khích vào mạng Internet để sưu tập thêm dữ liệu.

Cũng ở bậc phổ thông hướng nghiệp, cách học các môn học sẽ phải diễn ra dưới dấu hiệu của năng lực giao tiếp (điều này diễn ra không chỉ với môn Ngôn ngữ). Cần chủ động tổ chức cho học sinh và khuyến khích các em dùng nội dung của tất cả các môn học để tiến hành tranh luận, biện hộ, qua đó mà tập thuyết phục nhau, chấp nhận nhau, và biết cả sự thừa nhận khiếm khuyết về phần mình.

Chúng tôi xin trịnh trọng nhắc lại: trong bản dự thảo đề án CCGD này, trong phần Giáo dục phổ thông hướng nghiệp, tác giả biết mình không thể ôm đồm chỉ ra tất cả nội dung giáo dục một cách chi tiết; ở đây, tác giả chỉ dám mạo muội đưa ra những ý tưởng.

Chính các chuyên gia của bậc học này sẽ chỉ ra tiếp những phần chi tiết “bếp núc” của bậc học.

Những gợi ý như thế cũng sẽ được trình bầy tiếp ở phần tiếp liền sau đây, bàn về mục tiêu giáo dục của bậc phổ thông chuyên khoa cơ bản.

PHẠM TOÀN
Tác giả đồng ý cho VRNs phổ biến