Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Phóng sự: Hà Nội cần bát cháo tình thương

VRNs (25.06.2011) – Hà Nội – Tu viện Phaolô được thành lập từ năm 1883, có trụ sở chính tại số 37 phố Hai Bà Trưng, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là nơi mà chúng tôi chọn đề tài cho bài phóng sự về bác ái xã hội.



Những người nghèo và người bệnh được thân nhân đi nhận cháo giúp

Hiện nay ở khu vực Miền Bắc, Nhà Dòng có 7 lớp mầm non đang hoạt động. Riêng tại Nhà Dòng Phaolô Hà Nội, có khoảng 300 em nhỏ, từ 3-5 tuổi. Dì Bề Trên cho biết: “các Dì ước mong sẽ được tham dự nhiều hơn trong công tác giáo dục hiện nay của xã hội.”

Hoạt động bác ái xã hội cũng là lĩnh vực được các Dì rất quan tâm như Nhà Mở cho các cô gái lỡ lầm tá túc trong thời gian thai nghén để giáo dục và giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời, mở Nhà Cô Nhi, đón nhận những em bé mà các em gái lỡ lầm không nhận nuôi con, mỗi cộng đoàn đều có trạm xá phát thuốc cho người nghèo.

Dòng thánh Phaolô thành Chartres có hơn 4000 nữ tu đang phục vụ trong hơn 30 quốc gia trên khắp năm châu. Nhiều chị em vẫn tiếp tục tình nguyện lên đường đi truyền giáo tại bất cứ nơi nào cần đến, không phân biệt biên giới lãnh thổ. Tại Việt Nam hiện nay, có hơn 1000 nữ tu Phaolô hiện diện và phục vụ trên khắp mọi miền đất nước từ Bắc chí Nam với bố đơn vị Dòng: Sài Gòn, Đà Nẵng, Mỹ Tho và Hà Nội.

Vào thời kỳ mới thành lập, năm 1883, tại Hà Nội, Dòng có 200 nữ tu tận hiến cho các hoạt động mục vụ và xã hội cho người nghèo, rải rác trên khắp miền Bắc. Năm 1954, di cư vào Đà Nẵng và Sài Gòn. 11 nữ tu trụ lại, sau đó lần lược 10 người đã qua đời, chỉ còn một nữ tu 100 tuổi vẫn còn sống. Cũng sau biến cố năm 1954 này, nhà nước đã thu hồi và quản lí mọi tài sản của Nhà Dòng, tiêu biểu là bệnh viện Saint Paul (Thánh Phaolô) Hà Nội. Nên hoạt động về Y tế tại Nhà Dòng bây giờ chỉ còn trong nội bộ.

Chúng tôi đã hỏi Dì phụ trách tại sao nhà dòng lại làm được những việc như vậy? Dì Maria cho biết: các Dì làm như vậy là vì tình yêu đối với tha nhân và Thiên Chúa. Các Dì cho biết thêm: “Chị em chúng tôi có đầy thiện chí nhưng điều kiện không có đủ để làm việc từ thiện. Vậy hôm nay chúng tôi xin gởi Quí Vị, lá thư ngỏ này xin lòng quảng đại của Ông Bà và Anh Chị Em rộng tay làm phúc, giúp đỡ, cho công việc từ thiện của chúng tôi ở miền Bắc được phát triển hầu cứu giúp những người nghèo đang khốn khổ tại miền Bắc Việt Nam, cho các bệnh nhân nan y, cho các em cô nhi, các người già yếu cô đơn không nơi nương tựa được nhờ.”(trích thư của Bề Trên Sainte Francoise Đào Thị Thảo gửi quý vị ân nhân).

Kết thúc cuộc gặp gỡ, chúng tôi chào Dì và cộng đoàn với biết bao ưu tư. Trong cuộc sống xô bồ hối hả như hôm nay, còn có bao nhiêu người dám xả thân phục vụ những con người gặp khó khăn và thiếu thốn như các Dì. Đối với chúng tôi là những người trẻ trong xã hội, chúng tôi cũng tự hỏi mình đã làm được gì để giúp ích cho xã hội này. Còn các bạn các bạn suy nghĩ gì về những người còn thiếu thốn và hành động của các Dì Dòng Thánh Phaolô Hà Nội?

Các Dòng tu Công giáo có nhiều cơ sở và kinh nghiệm tổ chức cũng như điều hành về giáo dục, y tế và bác ái xã hội. Nhiều lần Giáo hội đã lên tiếng xin được phép góp công sức xây dựng đất nước trong các lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội, nhưng cho đến nay, với tư cách tổ chức tôn giáo, các Dòng tu chỉ được mở các lớp mẫu giáo quá lắm là đến lớp 4, trong khi đó những quy định hiện hành cho phép công dân trong nước ngay cả các tổ chức nước ngoài có thể đầu tư giáo dục đến bậc đại học. Về y tế, các Dòng tu chỉ được mở các phòng khám, trong khi đó tư nhân có thể mở bệnh viện. Rõ rang đang có một chính sách phân biệt đối xử với các tôn giáo và cố tình trì hoãn sự phát triển đất nước khi loại trừ khoảng hơn 30 triệu công dân thuộc các tôn giáo tham gia trực tiếp với tư cách tổ chức tôn giáo.

Phêrô Nguyễn Văn Dương – Giuse Trương Văn Tú – Giuse Nguyễn Văn Triệu – Phêrô Nguyễn Văn Duy
(Khóa Kỹ năng truyền thông Công giáo Thái Hà)