Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Ngày thứ hai khóa kỹ năng Truyền Thông Công giáo tại Thái Hà

VRNs (15.06.2011) – Hà Nội – Như tin chúng tôi đã loan tải buổi khai mạc, hôm nay ngày 14/06/2011 khóa kỹ năng truyền thông Công giáo bước sang ngày làm việc thứ hai đạt được nhiều hiệu quả, hầu như tất cả các tham dự viên đều bắt nhịp và hứng khởi cho các bài khóa. Những tình huống rất xúc động và cũng rất hiếm xảy ra đã làm cho không khí khóa học trở nên thân thuộc và sôi nổi hơn.



Các tham dự viên đến từ nhiều tỉnh thành của miền Bắc, hầu như không biết nhau, nhưng họ đã trở nên gần gũi, quen thuộc hơn trong ngày làm việc thứ hai này.

Buổi sáng, với bài khóa về Kỹ năng chụp hình, quay phim do linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại chia sẻ, các bài tham khảo lý thuyết và kinh nghiệm của linh mục Thoại cùng những tấm hình hết sức sống động được trình chiếu trên slide show đã khiến cho các tham dự viên vô cùng chăm chú và dễ hiểu.

Trong thời đại ngày nay, với luồng thông tin được cập nhật nhanh chóng và vô cùng đa dạng, nếu không có hình ảnh mô tả sự kiện được nhắc đến thì bài tin đó hầu như không có giá trị.

Trên thực tế, một số tờ báo thông tin về một sự kiện nào đó xảy ra nhưng khi đưa tin về sự kiện đó thì không có hình ảnh thực mà chỉ là “hình ảnh mình họa”.

Hiểu được giá trị của hình ảnh trong bài tin mà giảng viên nhấn mạnh, các tham dự viên rất háo hức tìm hiểu các nguyên lý chụp hình, quay phim để chụp lại những tấm hình sống động và chân thực nhất.

Một sự thu hút khác trong buổi sáng ngày thứ hai của khóa truyền thông này đó là sự có mặt của Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, ông đến và tham dự buổi học. Sau đó ông có một vài lời chia sẻ với các tham dự viên, ông nói rằng Truyền thông trong thời đại này là rất cần thiết, tuy chưa phải là người Công giáo nhưng rất có thiện cảm với đạo, mặc dù do định kiến xã hội là sản phẩm của sự tuyên truyền, nhưng ông tin rằng chính yếu tố tích cực của truyền thông Công giáo sẽ thay đổi được điều đó, ông Sơn cũng tin tưởng rằng, người Công giáo là một thành phần rất quan trọng trong công cuộc xây dựng xã hội mỗi ngày tự do, công bình, bác ái và yêu thương hơn.

Buổi chiều, bước vào bài khóa Tâm lý công chúng truyền thông Internet do linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh chủ giảng.

Các tham dự viên cho rằng, dù nhiều người mới lần đầu tiên tiếp cận với các khái niệm về Truyền thông, nhưng cũng đã có nhận thức rõ ràng hơn về lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông Công giáo.

Sự đa dạng của các tham dự viên trong lớp như đủ mọi lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp làm cho khóa học them phong phú. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1941, và trẻ tuổi nhất sinh năm 1991. Có các nữ tu, các ứng sinh linh mục, có nhà thơ, doanh nhân, đa số còn lại là sinh viên. Đặc biệt có cả bà mẹ trẻ đưa con thơ theo để được học, vì nhà không ai trông cháu giúp, một vài tham dự viên chưa phải là người Công giáo…

Theo quan sát của Ban tổ chức, nhiều người đã tỏ ra có năng khiếu về truyền thông, thực hành làm tin và chụp ảnh khá bài bản, một số “các cụ” miệt mài ghi chép kiến thức và đặt những câu hỏi, tình huống rất sâu sắc, thực tế.

Còn với 3 tham dự viên hiện đang là ứng sinh của giáo phận Bắc Ninh thì cho rằng, họ có thể khởi đầu niềm đam mê báo chí của mình.

Ngày thứ 3 khóa Truyền thông Công giáo sẽ bước vào bài khóa về kiến thức pháp luật cho những người làm báo và Đạo đức truyền thông công giáo.

VRNs sẽ tiếp tục tường thuật tiếp theo vào ngày mai.

PV.VRNs